Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Nguyệt Chu.

– Hoa trà my trong đêm

– Người con gái Sơn Tây

– Bù nhìn

– Linh tao

– Con nhện

Nhà văn Nguyệt Chu

Tên thật: Chu Thị Thu Hằng

– Sinh 1986

– Sống và làm việc tại Sơn Tây, Hà Nội

– Nghề nghiệp: Giáo viên

– Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, hội viên Hội Nhà văn Hà Nội

– Chuyên ngành sáng tác: Văn xuôi

– Có nhiều truyện ngắn đăng trên các báo, tạp chí văn nghệ Trung ương và địa phương như Tạp chí Văn nghệ Quân đội, báo Nhân Dân, Văn nghệ Thái Nguyên… Có nhiều tác phẩm in chung trong các tuyển tập, truyện ngắn và tản văn chọn lọc.

Các tập truyện in riêng gồm:

1. Người canh giữ phù dung, tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2017

2. Chiếc khăn của mẹ, tập truyện ngắn, NXB Văn học, 2019

3. Mùi thời gian, tập truyện ngắn, NXB Quân đội nhân dân, 2019

– Giải thưởng:

Giải Nhất cuộc thi Sáng tác cho tuổi thơ năm 2019 do Giáo phận Quy Nhơn tổ chức

Giải Tư cuộc thi Lửa mới do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức năm 2019

– Bắt đầu viết văn từ năm 2012, khi đang là học viên cao học của trường đại học Sư phạm Hà Nội

– Năm 2016, là đại biểu tham dự hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX

– Năm 2022, là đại biểu tham dự hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X

– Quan niệm về nghề văn: Viết là hành trình đi tìm bản ngã.

Bài viết của nhà báo Khánh Vân đăng trên báo Tổ quốc, Nhận định:

“Miêu tả và cảm xúc là thế mạnh trong văn của Nguyệt Chu”

Và Nguyệt Chu tâm sự:

Mỗi khi viết một câu chuyện, tôi thường nhắm mắt và tưởng tượng ra nó. Lúc ấy, trong đầu tôi hiện ra một cuốn phim quay chậm và tôi sẽ viết những thứ tôi đang nhìn thấy hay chính là miêu tả lại khung cảnh đang hiện ra trong đầu tôi. Cũng là tả đấy, nhưng cách tả của tôi thường là nhìn từ lăng kính của xúc cảm. Xúc cảm sẽ chi phối hiện thực chứ không phải là hiện thực đơn thuần như nó vốn có.

Với sở trường viết truyện lịch sử của Nguyệt Chu, nhà văn Uông Triều nhận xét:

Nguyệt Chu viết văn theo cái tạng của mình, người đàn bà nhìn lịch sử theo con mắt của riêng mình. Không quá khắc nghiệt cay độc mà lãng đãng mơ hồ, những trang viết gần như một bài thơ, như mối tình của nàng Điểm Bích với thiền sư Huyền Quang hoặc cái sợi tơ vò khó nói của mối tình giang san Lý Chiêu Hoàng – Trần Cảnh hay người con gái Sơn Tây tên Cầm đã hiến thân một đêm đầy mộng mị, để ngày mai tướng quân Lưu Vĩnh Phúc yên tâm lên đường giết giặc Phú Lang Sa…

Văn của Nguyệt Chu là thứ văn ngọt và mềm, vì thế lịch sử qua đôi mắt và cảm quan nữ tính của người viết cũng mênh mang mơ hồ như một niềm bất tín vừa đủ về lịch sử. Có thể như thế, có thể không phải; những thân phận đàn bà ẩn sau những cuộc chuyển giao định mệnh, trong những nước cờ bạo liệt của các đấng nam nhi vẫn toát lên một cái gì rất đàn bà, khao khát, mê mị, ngu ngơ, cả những đam mê khoái lạc, sống với con người bản năng của mình cũng không phải ngại ngùng.

Mời quý vị đón nghe chùm truyện ngắn này, qua sự thể hiện của nhà văn Võ Thị Xuân Hà, và tác giả.

 Người con gái Sơn Tây

 Truyện ngắn.  Nguyệt Chu

1.

Em là Cầm. Người con gái Sơn Tây.

Một viên đạn xuyên thẳng ngực Cầm. Nàng ngã xuống như đóa tầm xuân rớt trong gió bão. Đôi mắt vẫn mênh mang sâu thẳm một buổi chiều xanh. Mái tóc xổ ra cuồn cuộn dòng sông Tích mùa nước lũ…

Họ Lưu gầm một tiếng kinh hoàng. Tiếng răng nghiến vào nhau khô khốc.

Thanh gươm phóng tới. Cái miệng há hốc vì bất ngờ nên không khép lại được. Đại úy Francis Garnier tử trận bởi trận phục kích của Quân Cờ đen.

Lưu Vĩnh Phúc cắm phập lưỡi gươm vào lòng đất, ôm Cầm vào lòng. Đôi mắt nàng trong veo. Thanh thản và mãn nguyện. Không! Cầm ơi! Tim ta vỡ nát rồi. Đôi mắt xứ Đoài này từng găm ánh nhìn sắc ngọt vào lòng ta thuở trước…

2.

Sông Tích hững hờ như một dải khăn tang vắt trên mái tóc xanh của người góa phụ. Gió thổi vào lòng ta mùi hoang hoải quá vãng. Cô độc. Một kẻ vong quốc. Ta đi dọc bờ sông ào ạt gió, những cánh tầm xuân vương dọc lối đi. Liệu có đi hết đời mình cho giấc mộng binh đao? Khi mà đã bước chân ra đi thì chẳng thể quay đầu lại được. Sông Hồng không phải sông Dịch Thủy. Ta cũng chẳng phải là Kinh Kha.

Ngày ấy…

Người con gái múa kiếm bên dòng sông. Hoàng hôn tím bầm vương vãi. Không ai chạy theo lượm ráng chiều vỡ vụn. Ta đứng từ xa nhìn nàng.

Sông Tích khởi nguồn từ núi Tản, uốn lượn kiêu kì ôm ấp mơn man những đồi gò bờ bãi. Nước trong xanh và bạt ngàn bụi tầm xuân gai góc quyến rũ. Nàng mỏng manh như cánh hoa, chao nghiêng như chiếc lá, rập rờn như sóng nước, lưỡi kiếm loang loáng như một vệt lân tinh. Dải tầm xuân tít tắp đến vô cùng, những cánh hoa ngạo nghễ tỏa hương trong buổi chiều ngưng đọng.

Một đường gươm sáng loáng vụt qua trước mặt làm ta choàng tỉnh. Ta ngỡ ngàng trước dung nhan yêu kiều của người con gái xứ Đoài. Một vẻ đẹp u huyền sâu thẳm của bóng tối. Đôi mắt vời vợi khôn cùng.

Chưa bao giờ ta thấy một người đàn bà xứ quê mùa, chân đất răng đen lại đẹp và kiêu hãnh đến thế.

Nàng nghiêm sắc mặt cật vấn ta bằng thứ ngôn ngữ lạnh lùng. Ta thấy hoàng hôn đọng nơi đáy mắt long lanh và muôn triệu cánh tầm xuân đang bay dịu nhẹ. Nàng nói với ta những điều gì, giận dữ vì sao. Bên tai ta chỉ còn tiếng lá tre úa vàng xao xác trên cỏ xanh, tiếng những cánh tầm xuân mỏng manh níu giữ vào đài hoalúc khai mãn. Trước mắt ta chỉ còn bóng dáng ẩn hiện mơ hồ như cánh chim  rừng, gần đấy mà muôn trùng xa cách.

Chợt có tiếng sóng vỗ. Ta ngơ ngác nhìn quanh. Chỉ còn mình ta với những vòng sóng âm u lan mãi trên mặt sông. Trăng non như một cánh hoa rớt xuống giữa dòng. Mảnh trăng chòng chành run rẩy theo những vòng sóng xô đẩy nhau về một miền xa ngút.

…Người con gái, ta mường tượng ra nàng bên dòng sông, đường kiếm sắc như nước.

Bước chân ta rệu rã như con thú lạc giữa rừng chiều. Hơi ấm của đàn bà, ta không sao nhớ nổi. Hoàng hôn rực rỡ lụi tàn trút xuống.

Em là Cầm. Người con gái Sơn Tây.

Ta đã chờ nàng rất lâu. Bên dòng sông này.

Nàng trẫm mình trong nước. Nước trong veo ôm xiết lấy thân thể nàng. Bờ vai trắng ngần và một vùng tóc đượm màu u ẩn. Nàng ngửa mặt hứng những dòng trăng đang tuôn chảy. Từng dòng, từng dòng lấp lánh thấm vào da thịt. Rồi nàng quay lại nhìn ta. Nàng gọi ta. Tiếng gọi trong hơi thở gấp. Nhưng đôi chân ta vẫn ngập sâu vào cát.

Tiếng nàng lẫn vào tiếng gió. Bóng nàng lẫn vào bóng trăng.

Bỗng pằng… pằng… pằng… Máu loang ra.  

Ánh trăng thành lửa. Ta đưa tay ôm chặt ngực mình…

3.

Ta vùng vẫy hét lên rồi choàng tỉnh. Ta đang ở nơi nào lạ lẫm. Sao ta lạc tới chốn này? Đưa mắt nhìn quanh, chưa thấy có dấu hiệu gì của sự nguy hiểm. Chợt thấy ngực nhói đau. Vết thương đang được quấn băng chéo. Đầu óc ta quay cuồng, máu và lửa. Không thể nhớ chuyện gì đã xảy ra.

Cánh cửa từ từ mở.

Nàng bước vào nhẹ như gió. Giờ khắc như đọng lại trong tranh tố nữ. Đôi mắt thăm thẳm chứa cả trời đêm. Khóe môi hồng mơn man như nụ tầm xuân e ấp. Chiếc áo tứ thân nâu trầm. Bao lưng xanh. Dải yếm trắng phập phồng trên khuôn ngực trinh nguyên. Những đóa tầm xuân giăng kín khung cửa sổ lặng thầm thả vào trời đêm làn hương dịu ngọt.

Ơn trời, ngài đã tỉnh. Vết thương còn khá nặng. Ngài cần phải giữ gìn.

Lời nói vang lên thánh thót. Môi mắt này, đắm đuối long lanh.

Em là Cầm. Người con gái Sơn Tây.

Còn ngài, em đã biết từ lần đầu gặp mặt.

Thủ cấp thủ lĩnh Quân Cờ đen đáng giá 500 quan tiền. Quân Cờ vàng treo thưởng. Chỉ chờ khi họ Lưu sơ suất là quyết tiêu diệt bằng mọi giá. Đúng lúc một viên đạn xuyên qua ngực thì Cầm xuất hiện, đánh lạc hướng, dẫn người chạy trốn. Thành Sơn Tây rộng mở đón người trú ẩn.

Nàng đã đưa ta từ cõi chết trở về. Trái tim này nguyện dâng trọn cho nàng để trả ân trả nghĩa.

4.

Một đêm nữa trôi qua. Nhưng đây là đêm đầu tiên ta thức trọn giữa thành Sơn. Trong lòng ngổn ngang trăm mối.

Trăng đổ vàng lênh láng. Hương tầm xuân vương vấn. Kì đài, vọng cung, những dãy nhà binh im lìm trong trầm mặc. Thảng hoặc, một vài tiếng vạc đêm mất hút vào mênh mông vô tận của núi rừng. Nghe như sóng dưới lòng sông Tích đang dâng lên rền rĩ.

Đêm ngưng lại trong khoảnh khắc. Tiếng đàn Cầm buông lơi đâu đây. Như cơn mơ ùa vào lòng ta nhức nhối. Ta thành kẻ mộng du chạy theo tiếng đàn mời gọi: “Hỏi thế gian tình ái là chi? Mà đôi lứa thề nguyền gắn bó”. Tiếng đàn trầm mà vang xa, run rẩy đẫm sương đêm.

Rồi khúc bi ca. Tráng sĩ sa trường. Ào ạt gió bụi chiến chinh. Gào thét trong tiếng gươm khua và ngựa hí. Kì ô rợp trời. Sông Hồng đỏ ối. Đục ngầu. Dữ dội. Cuồng phong. Đại bác bắn nát dòng sông. Bọt tung trắng xóa tức tưởi. Rồi lịm đi. Đàn buông như giọt nước mắt lặn vào tim. Những mảnh vỡ của thanh âm chui vào đêm nghẹn ngào, nức nở.

Đàn lặng. Ta ngơ ngác nhìn quanh. Chỉ còn tiếng sương đêm rùng mình trên lá. Cô độc tái tê. Những tháng ngày chinh chiến. Ai là bạn, ai là thù? Quân triều đình hay lục lâm thảo khấu? Chân lí muôn đời được làm vua thua làm giặc. Nước cờ này ta phải tiến ra sao?

Bỗng từ đâu tiếng đàn lại ngân lên. Đôi chân ta lao theo tiếng đàn. Mùi con gái quyện lẫn hương tầm xuân làm ta ngất ngây mê đắm…

5.

Tiết chế Bắc kì Quân vụ Hoàng Kế Viêm đứng trên tường thành.

Thành cao. Lộng gió. Đôi mắt nhìn về ngút ngàn rừng núi trập trùng. Cả một vùng xứ Đoài mênh mang trong cái lặng lẽ của buổi chiều mòn mỏi. Sương giăng mắc trên tầng tầng lớp lớp những tán cây và những mái nhà tranh. Tiếng chim chiều lẻ bạn đơn côi trong thời khắc của ngày tàn.

Người đứng như khắc tạc vào bóng tối. Cầm từ đằng sau tiến lại.

Nghĩa phụ ơi, người còn chờ đến bao giờ? Thân gái này đã quyết một lòng vì nước. Quân sĩ đã thề quyết tử cho non sông. Cớ sao người vẫn chưa lệnh xuất binh?

Ta biết. Nhưng thời cơ chưa tới. Cần phải có thiên thời địa lợi nhân hòa.

Biết bao giờ cho đủ những thứ đó thưa nghĩa phụ? Khi mà ngoài kia nhởn nhơ bọn Phú Lang Sa xảo trá và hèn hạ. Thành Hà Nội đã rơi vào tay chúng. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương đã lẫm liệt hi sinh. Bọn Cờ vàng được thể làm càn. Con hận chưa thể quyết liều sống mái một phen với chúng.

Gió thổi mạnh tung bay những sợi tóc mai lòa xòa trên khuôn mặt người con gái. Khuôn mặt nửa u buồn, nửa rực sáng căm hờn. Đôi mắt như vì sao ánh giữa trời đêm. Tiếng mõ cảnh giới vang lên rời rạc. Bóng tối lan dần.

Con thấy không, màu đen là màu của lụi tàn nhưng cũng là khởi nguyên của ánh sáng và sự sống. Dưới trời đêm vô tận này, có biết bao mầm sống đang âm thầm chờ đợi một sớm mai trỗi dậy.

Cầm nhìn về phía trước. Những đốm lửa lập lòe trong đêm thăm thẳm.

          Con cũng biết ta muôn lần muốn xuất binh rửa hận. Triều đình cũng đã ban lệnh chuẩn bị tấn công thành Hà Nội. Phòng tuyến sông Hồng đã được đóng cọc ngăn tàu giặc. Nhưng ta vẫn còn điều trăn trở. Nếu giải quyết được thì việc xuất binh sẽ nắm chắc phần chiến thắng.

Nàng băn khoăn. Liệu việc cha lo nghĩ có phải là việc nàng đang bận lòng… Nàng nhìn cha, chờ đợi…

Thủ lĩnh Quân Cờ đen đang ở đây. Hắn đến với ta trong cái ranh giới mong manh sinh tử. Qua kiếp nạn gặp bình an. Ta nhận ra con người ấy đâu đến nỗi bạo tàn và khát máu như người ta đồn thổi. Trong thẳm sâu hắn cũng khao khát bình yên. Âu cũng là cảnh anh hùng lạc bước. Gặp nhau là cái duyên. Ta muốn mở lời để mời hắn hợp sức với triều đình, chống lại bọn Phú Lang Sa. Chỉ sợ việc không thành rồi mọi sự dở dang…

Nàng im lặng. Nàng đang nghĩ điều gì. Câu chuyện bỏ lửng với bao ngổn ngang. Hai cha con nàng đang nói chuyện, ta không biết sự có mặt của mình bây giờ có đúng lúc?

Ta ngắm gương mặt nàng được bao bọc bởi màn đêm. Khuôn ngực nhỏ của nàng đang cố gắng kìm giữ nén lại những thứ xúc cảm không rõ rệt. Nàng đang nghĩ về ta chăng? Về thời khắc chúng ta gặp nhau? Về lưỡi gươm sắc như nước của nàng. Lúc nàng liều mình cứu ta khỏi sự truy sát của bọn Cờ vàng? Về những lúc nàng bên ta, khi ta chìm trong cõi hỗn mang. Rồi bàn tay êm ái của nàng đặt lên trán ta, lên ngực ta, ta ước sao vết thương của ta đừng bao giờ lành lại.

Còn ta, đã làm được gì để đáp lại ân tình ấy? Cả tấm thịnh tình của Tiết chế Quân vụ Hoàng Kế Viêm, người chưa bao giờ coi ta là hàng giặc cỏ. Sự xem trọng ấy của ngài khiến ta trăn trở. Chẳng lẽ ta cứ án binh bất động thế này sao? Thế đâu phải là cách hành xử của người quân tử.

Từ trong bóng tối, Lưu Vĩnh Phúc bước ra. Hai cha con Hoàng Kế Viêm ngỡ ngàng. Vô tình hay hữu ý? Chưa để hai người đối diện cất tiếng hỏi, ta đã tự trải lòng.

Ngài cũng biết kẻ này chỉ là một tên giặc cỏ. Bất mãn với triều đình cố quốc mà tràn xuống đây. Bàn tay vấy máu tưởng không đời nào gột sạch. Vậy mà trong thời khắc sinh tử lại gặp được ngài. Đã chẳng hề khinh miệt, sợ lụy phiền mà chạy chữa cứu vớt. Đã có ai thực lòng thương xót, đã có bàn tay nào chăm sóc vuốt ve suốt những ngày qua? Xin ngài hãy cho tôi gọi một tiếng ân công, hãy thu nhận tôi về dưới trướng. Mấy trăm quân còn ẩn nấp nơi núi rừng phía bắc, tôi sẽ gọi trở về, đợi lệnh xuất binh của tiết chế sẽ cùng ra trận. Đuôi sam này, từ nay xin cắt bỏ. Y phục này, xin xếp lại, từ nay, đầu tóc quần áo như người Việt.

Hoàng Kế Viêm nhìn người đối diện, xúc động và mừng rỡ. Ông nắm chặt bàn tay họ Lưu. Tiếng cười sảng khoái mãn nguyện.

6.

Thành Sơn Tây.

Ánh ỏi nắng trung du. Thời gian vón cục lại giắt trong những phiến đá ong mặt rỗ muôn đời. Màu nâu trầm u hắt lên bóng chiều loang lổ. Những khẩu thần công ngạo nghễ. Phía xa, sông Hồng lịm đi, thiêm thiếp giữa đất trời. Từng xóm thôn thưa thớt và buồn tẻ, xao xác trong mùi ngai ngái của bùn đất và rơm rạ. Tiếng tù và rúc trong sương. Trời bảng lảng khói chiều. Một vài cái bóng lúp xúp nón mê lặng lẽ trôi trên đường cái quan. Ngựa thồ, xe tay, tất cả đều nhẫn nhịn. Tiếng guốc mộc vang lên đâu đó, nghe xa xôi như chìm hút vào không gian. Những cô hàng xén quảy gánh hàng nhẹ tênh trên vai mất hút sau cổng làng.

Hào nước bao quanh thành lững lờ trôi, chỉ thấy một màu trong veo soi rõ cả những phiến đá ong kè hai phía. Thành đá ong dài, lan xa hút tầm mắt. Những viên đá ong được đào lên từ lòng đất, tích tụ ngàn năm lấp lánh ánh vàng son. Nghe đồn nước giếng đá ong vùng Sơn Tây trong và mát. Đun nước để pha trà thì trà ngon ngọt, con gái tắm thì da dẻ trắng ngần. Chắc Cầm tắm bằng nước giếng đá ong nên nàng mới đẹp như vậy.

Ta thấy một loài hoa nhỏ xíu, rực rỡ như đốm lửa giăng đầy từ mặt đất tới tường thành. Bám cheo leo trên mặt đá. Ta không biết tên, nàng cũng vậy. Ta gọi đó là Hoàng Hoa. Nàng cũng gật đầu.

Nàng đứng trên lầu cao. Đôi mắt thả vào chiều lơ đãng. Thanh gươm bên mình chợt ngủ quên. Tỉ dụ không có can qua, thân nhi nữ há chẳng phải êm đềm trướng rủ? Vui sướng chi thân gái sa trường. Một buổi chiều thê thiết, cha mẹ nàng bị giặc Phú Lang Sa giết, nàng bơ vơ như hạt cát ven đường. Rồi gặp người, Tiết chế Bắc kì Quân vụ Hoàng Kế Viêm nhận làm nghĩa nữ. Đôi vai kia, mỏng manh có khác chi làn gió? Vậy mà nặng gánh nợ nước thù nhà.

7.    

Những bóng áo đen. Nai nịt gọn gàng. Hòa lẫn vào rừng đêm. Từng hàng, từng hàng nối nhau trong lặng yên. Trườn. Bò. Tập mai phục. Mồ hôi mặn chát và xót lặng. Thân thể bị cào xước bởi gai góc và dây rừng. Hơi thở hòa lẫn với tiếng giun dế nỉ non và đất đai nhưng đôi mắt sáng rực như mắt bầy mãnh thú, gươm xô dạt vào nhau ánh lên lấp lánh.

Đêm không ngủ. Ăn sương nằm gió giữa rừng khuya. Thân tráng sĩ tập trận chưa khi nào thấy nản. Giữa thăm thẳm trời đêm, một vài vì sao lạc. Có một người con gái âm thầm trút căm hờn trong những đường gươm. Lá rừng đổ ào ào như thác lũ.

        8.

Dòng sông dâng ngang trời như sương khói. Một chiếc thuyền trăng mỏng manh neo đậu giữa dòng. Nước vỗ vào mạn thuyền nhè nhẹ, dìu dặt. Hương tầm xuân thanh sạch. Cây lá đẫm sương đêm thiếp đi trong mộng mị.

Nàng ngồi gảy đàn ở mạn thuyền. Ánh trăng rớt từ đôi mi nàng tan chảy vào một vùng tóc rối, một vừng mây sà xuống rợp lòng sông.

Họ Lưu lặng yên như hóa đá. Những tiếng tơ não nuột rót vào hồn ta. Ta như say và chẳng muốn bao giờ tỉnh nữa. Trong khoảnh khắc này, có quá nhiều điều muốn nói nhưng sao ta nghẹn lại. Cầm ơi, chỉ hết đêm nay, cả ta và nàng, chúng ta sẽ hòa vào đoàn quân ra sa trường. Ta chẳng tiếc dâng hiến thân mình. Nam nhi không thắng thì không quay đầu trở lại. Chỉ xót xa nàng, liễu yếu đào tơ, lạc vào kiếp nạn binh đao ai biết thành bại thế nào?

Con gái xứ Đoài mắt lúng liếng đa tình, vời vợi nước hào xanh.

Con thuyền như chiếc lá trôi trên dòng trăng. Khẽ khàng sợ trăng vụn vỡ. Hơi đêm thấm vào da thịt, nàng khẽ rùng mình. Tiếng đàn buông vào đêm dư ba. Lặng tắt. Ngón tay ngừng chơi. Run rẩy. Xúc cảm ngổn ngang nghẽn lối. Ta vội quay sang, bỏ tấm áo ngoài khoác lên vai nàng. Mặt kề mặt. Rồi không thể kìm lòng được nữa, ta xiết chặt lấy nàng. Nàng run lên trong vòng tay ta. Sự kháng cự yếu ớt của nàng càng làm ta khao khát. Ta sục sạo tìm hơi ấm từ nàng. Run rẩy và chao đảo. Chiếc áo choàng ta khoác cho nàng rớt xuống. Tay ta cuống quýt lần từng chiếc cúc áo. Hồi hộp, lo sợ và thèm khát. Trút xuống. Trắng ngần, mướt như một cánh hoa. Hít một hơi thật sâu để mùi hương trinh nguyên từ cơ thể nàng lan tỏa trong ta. Bàn tay ta tham lam và vội vã chẳng thể cởi nổi dải yếm hững hờ. Luống cuống, gấp gáp mà toàn thân như nóng chảy. Ta nghe hơi thở nàng rạo rực. Chiếc yếm rớt xuống dòng trăng. Nàng nguyên sơ, lộng lẫy. Đôi môi ta mê man lướt trong cháy bỏng. Ta và nàng tan vào nhau trong cơn mơ bất tận. Nhịp nhàng cùng mê đắm, rên xiết và gấp gáp. Dòng nham thạch nóng hổi trong ta tuôn vào nàng ào ạt. Tấm thân mảnh dẻ của nàng cong lên. Vệt máu hồng kiêu hãnh dưới trăng ngà…

Rồi nàng nín lặng trong vòng tay ta. Những khắc giờ đằng đẵng trôi qua. Cứ thế, trăng đổ bóng đầy thuyền. Đêm hun hút tịch mịch. Một khắc nơi sa trường, biết đâu là sinh tử. Ta và nàng sống trọn đêm nay. Trăng vỡ vụn đáy sông. Nàng thổn thức. Nghẹn ngào.

9.

Đêm trước ngày xuất binh.

Thành Sơn rực sáng. Những chiến binh chưa khi nào ngơi nghỉ. Xưởng chế tạo súng và thuốc súng làm việc bất kể đêm ngày.

Tất cả quyết chiến cho một trận đấu lớn, không thành công thì cũng thành nhân. Đánh đuổi bọn Phú Lang Sa, giành lại thành Hà Nội, lấy đầu F. Garnier làm lễ tế thần, dâng lên vong linh Tổng đốc Nguyễn Tri Phương.

Bố chánh Sơn Tây Hiệp trấn Lê Nguyên Hy,

Lãnh binh Sơn Tây Chưởng cơ Trần Văn Lợi,

Án sát Sơn Tây Tham hiệp Nguyễn Thế Nho,

Tướng Cờ đen Lưu Vĩnh Phúc,

Tập hợp dưới trướng của Tiết chế Bắc kì Quân vụ Hoàng Kế Viêm.

Trong đám chiến binh có một người con gái ăn vận trang phục nam nhi. Thanh gươm sáng loáng soi mắt như một ánh chớp.

Giờ Tý.

Tiếng trống điểm canh đều đều. Tường thành chao đảo trong sương. Cổng thành mở, tiễn đoàn binh ra trận. Cây đề trong gió, lá reo như tiếng gươm khua. Hương tầm xuân vương vấn. Người đi không quay đầu nhìn lại.

10.

Quân tiến về thành Hà Nội, ém mình trong yên ắng, tĩnh lặng.

Mưa mù. Lạnh lẽo và ảm đạm. Những người Hà Nội u buồn. Mùi chiến tranh hiện hữu trong khuôn mặt chán chường, mệt mỏi.

Lệnh tiến công.

Quân Cờ đen tiên phong mở đường. Voi chiến rống lên giận dữ. Tiếng trống xung trận nức lòng. Bụi mù cuồn cuộn.

Những vòng vây xiết thành Hà Nội. Như một gọng kìm. Quân ào ào vũ bão.

 Nhưng cổng thành vững như đồng. Không sao công phá nổi. Đại úy F.Garnie hăng máu, đứng trên thành cao, lệnh cho pháo khai hỏa về phía đối phương. Bình minh như một chảo lửa hừng hực cháy, loang loáng mù sương. Máu và lửa hòa vào nhau.

Phía bên ngoài, sông Hồng gào thét. Những chiếc cọc dưới lòng sâu muốn đâm nát bầu trời. Kì ô trong lửa đạn, rách nát tả tơi. Đất trời vỡ vụn…

 Chợt có tiếng pháo hiệu rút quân. Chớp mắt, quân Việt tháo lui. Trận địa vỡ. F.Garnie đắc thắng, lệnh truy sát. Khẩu pháo lao ầm ầm theo đà chiến thắng bỗng sa lầy trong bẫy chông. F.Garnie còn đang loay hoay chưa kịp xử trí thì đoàn quân mai phục đã túa ra, vây chặt.

Giáp lá cà. Gươm và súng ngắn.

Khuôn mặt nàng đanh lại. Gươm vun vút. Bàn tay mềm rách tướp. Những tia lửa vằn lên từ đôi mắt đục ngầu tức tối. Một viên đạn cuối cùng bay ra khỏi nòng, máu vỡ trên khuôn ngực xuân thì của người con gái.

Họ Lưu lao đến, căm giận. Trong chớp mắt, đầu của F. Garnie đã lìa khỏi cổ.

Ta xiết chặt nàng như đêm trăng hôm trước. Nhưng nàng sắp tuột khỏi tay ta. Chập chờn, phiêu lãng. Nàng thoảng qua như hơi thở, mỏng manh như cánh hoa. Trước mắt ta mờ mờ sương khói. Ta bỗng thấy một bóng trắng mơ hồ bay lên thoát khỏi thân thể nàng và nhẹ bẫng giữa muôn ngàn cánh tầm xuân cùng tiếng đàn Cầm tha thiết.

Em là Cầm. Người con gái Sơn Tây…

                                                           N.C