Mùa xuân, người miền núi uống rượu nhiều. Không chỉ mùa xuân, lúc nào họ cũng uống rượu. Trên những cung đường vắt qua núi non trùng điệp, nếu chủ quan phóng xe máy, người ta rất dễ đâm vào một người đàn ông say rượu hồn nhiên ngủ bên lề đường, nửa thân trên chườm ra lòng đường, nửa thân dưới như sắp tuột xuống vực, hoặc một ai đó mặt đỏ bầm, loạng choạng như quả bóng căng đét, vừa đập vào vách núi bên này, thoắt cái đã văng sang gốc trẩu bên kia.


Tôi đã đi nhiều phiên chợ, từ những phiên chợ hiện đại trong thành phố đến những phiên chợ quê mộc mạc, nhưng có lẽ không phiên chợ nào giống những phiên chợ cùng cao biên giới, nơi mà vừa bước vào cổng chợ, mùi rượu đã sực vào khứu giác. Ở đó, điều khiến tôi sững sờ là mọi người uống rượu… bằng bát, và thức nhắm hầu như chẳng có gì. Phụ nữ và trẻ em cũng uống rượu. Và cuối cùng, khi chợ tàn, trên nền chợ đã vắng là một vài người nằm ngủ say như chết. Họ đang ngủ, giấc ngủ của men nồng, và người ta chắc chắn với tôi rằng, chưa thấy có ai ở xứ đó chết vì say rượu cả.


 

Mùa xuân năm đó, bạn tôi, một chàng trai thành phố lên công tác vùng cao, ngày Tết vào bản chúc rượu, rồi trên cung đường vi vu gió ấy, không biết nguyên nhân gì khiến anh lao cả người và xe xuống một cái vực khá sâu. Cú lao xe của anh được một người bản địa từ một cung đường khác trông thấy nên anh nhanh chóng được đưa đi cấp cứu. Chiếc xe thuê vội rú còi từ Sơn La về Hà Nội. Điện thoại về nhà cho cha mẹ anh, người ta nói các cụ nên chuẩn bị hậu sự cho anh là vừa, cơ hội sống sót của anh mong manh như khói.


Người thanh niên ấy không phải người miền núi, và anh ta lại uống theo đúng cách của người miền núi, nên hậu quả là lao cả người lẫn xe xuống vực. Trên đường đưa anh về Hà Nội, những người bạn của anh nhận được tin sững sờ: Cha anh cấm bất cứ ai rục rịch chuẩn bị một đám ma.


Bình thường anh vẫn kể chuyện cha con xung khắc. Hễ cứ thấy anh ở nhà là cụ ngứa mắt, lại chửi, lại mắng, chẳng có cớ gì cũng bới ra bằng được cớ để mắng. Khó chịu với cha, nên từ thiếu niên anh đã nung nấu quyết tâm sẽ rời xa gia đình, đến đâu thì đến, miễn là không ở gần cha.


Anh thi đại học, một trường và chuyên ngành đào tạo trái với ý cha. Để trừng phạt con trai, ông cắt kinh phí ăn học. Việc đó khiến suốt một thời sinh viên anh vất vả vừa học vừa làm nuôi thân. Tốt nghiệp, cha anh có ý sắp xếp một chỗ làm ở huyện, anh từ chối, một mạch dông thẳng lên Tây Bắc, làm một anh cán bộ phòng nông nghiệp quèn. Cha con càng ngày càng xa nhau. Đến lúc này, khi anh chỉ còn cách cái chết một sợi tóc, ông bố cấm người nhà chuẩn bị ma chay…


Chuyến xe cấp cứu đưa người thanh niên ấy về đến Hà Nội, và bởi một khả năng siêu nhiên nào đó, chàng trai trở về với cuộc sống này. Tôi chưa một lần được gặp lại anh ta, cũng không biết anh ta và cha mình có thuận hòa sau lần thập tử nhất sinh ấy hay không, nhưng tôi chắc rằng anh sẽ cảm ơn cha mình vì đã không vội vàng chuẩn bị hậu sự. Lý giải điều đó, người cha chỉ nói một câu đơn giản: “Tôi tin tưởng mãnh liệt rằng con trai tôi không thể chết!”.


Theo Quân đội nhân dân