Truyện ngắn của Nông Quốc Lập
Nhiều người nói đất làng tôi là tôm mó thòng (đất đồng, vàng), dù có đến tháng bảy tháng tám mới được cấy nhưng vẫn cho những bông lúa dài, hạt chắc.
Những bậc làm cha mẹ có con gái đều mong muốn gả vào làng tôi làm dâu “gả vào làng đó không bao giờ lo đói, hết thóc lúa hẵng còn có ngô khoai sắn”. Với những người đã một lần đến làng Nà Nưa đều bảo đó là “ngôi làng đáng sống”. Nhưng với tôi ngôi làng đáng phải đi xa lập nghiệp. Cái làng gì mà năm nào ông trời cho mưa xuống sớm thì được cấy sớm, được ăn, mưa muộn tháng bảy tháng tám vẫn còn cấy. Cấy vớt vát, một gánh mạ được một gánh thóc sao mà đủ ăn.
Ngày nào bà tôi cũng ngồi trước hiên nhà miệng nhai trầu bỏm bẻm, ngước đôi mắt đục mờ nhìn lên bầu trời không một gợn mây. Năm nay lại hạn rồi, không biết bao giờ mới cấy được, có còn kịp cứu những cây mạ sắp chết cháy nữa không. Bọn trẻ mới lớn như tôi ở Nà Nưa không biết được trước đây cánh đồng không bao giờ thiếu nước. Nước không dùng hết còn cho chảy về Nà Tấứ, Nà Chót. Nhưng từ khi phá đi rừng khoanh nguyên sinh Pác Ngòi thì dòng suối Nặm Luây cũng không còn lấy một giọt nước để rửa cái chân.
*
Lão Sính người được dân làng giao việc canh nước vào cánh đồng không mất nhiều công sức, chỉ cần gạt một ngang chân là nước tràn vào ruộng chảy đi khắp cánh đồng. Hằng năm lão không cần bừa cấy vẫn có thóc lúa đủ ăn. Đến cuối vụ mỗi nhà đem trả công hai mươi lăm ký thóc, lão thu về cả tấn cả nhà ăn không hết. Suối mương đầy tép, cá, bữa tối không có thức ăn, rong trâu về chuồng cầm vợt đi xúc một lát là được đầy giỏ tép, cá. Cái thời một vết chân trâu có đến năm sáu con cá chê cùng chui rúc giờ chỉ còn trong ký ức của những người như bà tôi, người mỗi năm vào dịp tết được Chủ tịch nước tặng một mảnh lụa đẹp. Từ khi rừng Pác Ngòi bị chặt phá, cây to bị xẻ thành ván đóng thành tủ, ghế, cây nhỏ thành củi, thành than bán cho những thợ rèn, thảm thực vật còn lại được người làng gom đốt, mỗi nhà chia nhau một khoảnh nương trồng lúa nếp nương, sắn, nước cũng theo cây lặn sâu vào lòng đất. Cả mương, cả suối khô khát vào mùa khô. Những người già mấy tháng trời không ngủ được vì không được nghe thác nước Pác Ngòi đổ, như tiếng nhạc du dương ru giấc ngủ đêm hè. Làng tôi từ chỗ chủ động nguồn nước tưới, giờ phụ thuộc nước trời. Nhà nào nhà nấy tự canh nước về ruộng. Những đám ruộng lớn bừa rồi đắp, năm sáu lượt mới xong cấy được cây lúa. Lão Sính tự nhiên mất việc, mất thu thóc hằng năm. Nhà không có lấy hòn đất ném quạ, lão không biết phải làm sao, đi đâu về đâu. Trở đi mắc núi, lui không có đường, lão đành đến hỏi bà tôi. Bà chỉ lão vào lũng Rưa Bắc mà dựng nhà đắp bờ cuốc góc trồng cây cấy hái mà ăn. Đất đai ở đó của tổ tiên nhà bà nhưng ruộng ở xa, đường đi lại khó nên nhiều năm để không. Vào lũng Rưa Bắc không lo thiếu nước, chỉ ngại đường khó đi lại, xa chòm xóm thôi. Mỗi khi ra bản phải đi mất hai giờ. Nhưng Sính phải vào thôi, không vào lấy đất đâu để cấy cày, nhà năm người lấy gì về ăn? Thế là vợ con lão Sính dắt díu nhau vào lũng Rưa Bắc dựng tạm túp lều để ở, ngày khai đất trồng cấy. Cuối vụ lão thu được thóc không kém gì khi còn làm người canh nước ruộng cho dân làng. Mấy năm đôi bàn tay không ngưng nghỉ, chồng đào, vợ cuốc, các con vận chuyển đất đắp lên bờ, lão Sính đã có được một cái ao thả cá. Lão dựng ngôi nhà gỗ cạnh ao. Xung quanh là những bụi chuối ngự tươi tốt. Trên cái ao là mảnh nương trồng đào, mận. Khi xuân đến sắc trắng của hoa mận hòa với sắc đỏ của hoa đào tạo một bức tranh đa sắc màu trong thung lũng yên bình đẹp mê hồn.
Đất được sưởi ấm bởi hơi người dẫu cằn cỗi đá sỏi cũng dần trở nên tươi tốt. Mương nước Pác Ngòi cạn khô khi rừng đã bị người làng đuổi đi xa tận chân trời. Nhưng dường như nước Pác Ngòi đã chui qua dưới lòng đất dồn hết về lũng Rưa Bắc? Từ lúc đám ruộng trũng được lão Sính đào sâu xuống thành cái ao nước đùn lên từ hai bên bờ hướng về đông Pác Ngòi. Vào mùa vụ, lão thường cấy xong trước hàng tháng trời so với người trong bản. Mấy lần họp bản bàn đến việc lấy nước, nhiều người có ý kiến nên lấy nước từ lũng Rưa Bắc về hợp với mỏ nước uống chảy từ trong núi và suối Pác Ngòi ở đầu bản, nước từ đây sẽ tỏa đi nhiều hướng, không phải chờ nước trời. Nhưng lấy bằng cách nào? Cả cuộc họp nhao lên. Ai chẳng biết nước trong lũng Rưa Bắc chảy ra nhiều không chỗ thoát lại chảy xuống vực, thật lãng phí. Làm sao có thể khơi được con mương ôm vòng quanh dãy núi Tôn Giảo? Một con mương dài hàng mấy cây số, đa phần là đá, không máy khoan, không thuốc nổ, chỉ dựa vào sức người sao làm nổi? Cuộc họp bàn luận rôm rả. Có người giơ tay lên nói. “Kêu trời gọi đất, than vãn làm gì, sao không kiến nghị lên trên để trên xuống khảo sát đầu tư có phải hơn không? Nhà nước cấp vật liệu, người làng góp nhân công. Nhiều nơi xây dựng nông thôn mới họ đều làm vậy. Đường nội đồng, đường liên thôn nếu trông chờ vào nhà nước đầu tư từ ngọn đến gốc, dân không góp sức, khi trời mưa to vẫn còn phải lội bì bõm mỗi khi đi lại”. Nhưng làng chúng ta vừa được đầu tư mấy tuyến đường làng, ba tuyến đường nội đồng nếu kiến nghị làm mương nữa không biết có được duyệt? Trưởng bản phân vân. “Thì ta cứ làm tờ trình, ta cứ kiến nghị. Chưa làm đã lo thì bao giờ mới làm được. Làng chúng ta đề nghị những cái thiết thực, cần kíp cho cuộc sống hằng ngày sao nhà nước lại không quan tâm đến được. Nước là yếu tố sống còn trong cuộc sống, sản xuất sinh hoạt hằng ngày mà”. Thế là cả rừng cánh tay giơ lên biểu quyết. Bản kiến nghị được gửi đi, người làng hy vọng sang năm sẽ có được con mương kiên cố hóa dẫn nước về hợp lưu ở đầu bản. Sẽ chẳng còn những ánh đèn pin lấp lóa ở cánh đồng, sẽ không còn những căn lều dựng tạm bên cạnh con mương nước từ đầu nguồn Pác Ngòi, sẽ không còn những đêm mất ngủ làm mắt thâm quầng vì những đêm canh nước về ruộng. Vẫn biết canh nước mất ngủ, nhưng không canh không được, đã thỏa thuận chia đều con nước, nhưng không thấy có bóng người là người ta lại bịt lạch nước ngay. Canh nước đến thế là khổ. Người này mong người kia ngủ say là lấy trọn toàn bộ nước về ruộng mình. Đêm thức trắng, được chợp mắt một lát lại nằm trên nền đất ẩm, hơi đất bốc lên làm đau từng khúc xương. Những lúc như thế người làng lại cảm thấy tiếc nuối, giá như mọi người cố giữ cho được rừng đầu nguồn Pác Ngòi, dòng nước suối sẽ không lặn sâu vào trong lòng đất, thì bây giờ người làng đâu đến nỗi khổ thế này. Thà mỗi năm cho lão Sính mỗi hộ vài chục cân thóc, chứ nằm phơi sương phơi gió ngoài đồng bệnh tật không sớm thì muộn thôi. Đêm canh nước, sáng đi bừa, chiều đi cấy, không có thời gian nghỉ sức đâu mà chịu được.
Tuyến mương Rưa Bắc được huyện Quảng Yên khảo sát đầu tư trong mùa khô khiến người làng rất đỗi vui mừng. Ban ngày tiếng máy khoan ngoáy vào những tảng đá xanh, tiếng mìn nổ làm rung chuyển một vùng vốn yên tĩnh khiến những con chim hiền lành ngơ ngác bỗng vụt bay khỏi những lùm cây cao xanh. Những đoàn người nườm nượp gánh gạch, xi măng, sỏi, cát ra vào như thoi đưa, họ vừa đi vừa cười nói vui vẻ. Không khí lao động sản xuất không kém thời thi đua sản xuất phục vụ kháng chiến. Làm mương nước lợi cho dân, được người dân hưởng ứng, đóng góp công lao động. Nhưng lợi nhất là hộ ông Sính. Tự dưng cái bờ ao đóng mở nước đắp chỗ này bục chỗ kia làm cá trong ao thoát ra ngoài theo dòng lũ mỗi năm khi nước lớn đổ về, bỗng chốc được xây bằng bờ gạch đôi đỏ chắc chắn. Từ nay lão không còn lo cá thoát ra ngoài khi nước lũ ập về trong đêm. Từ nay lão có thể kê cao gối mà ngủ rồi. Lão biết để có được cái bờ ao kiên cố có đóng góp công sức của người trong bản. Nếu không xây dựng tuyến kênh mương đem nước về tưới cho đồng ruộng thì đời nào người ta lại chịu xây bờ ao cho lão? Người làng muốn có nước về tưới cho ruộng lúa lão cũng phải được hưởng lợi một cái gì đó chứ. Hôm khánh thành mở nước về đồng ruộng người dân vui mừng như nhà đẻ được con trai nối dõi. Thế là từ nay cánh đồng lúa không phải lo thiếu nước sản xuất nữa. Nhưng đến khi vào vụ vẫn thiếu nước cày ải. Một tuyến mương từ đầu nguồn đến cuối nguồn có hàng trăm cửa lấy nước. Cứ mỗi đám cạnh mương là có một lạch người dân tự đục một lỗ to như cái đấu. Đám cuối nguồn người đi đóng những lỗ thoát nước tự phát kia đã hết buổi. Đấy là chưa kể khi người này dùng bùn trát kín lỗ nước tự phát này thì người ta lại mở lỗ xả khác. Thành thử kẻ có ruộng ở cuối nguồn cứ phải thông báo hết cho người này người kia. Công đóng góp như nhau nhưng khi lấy nước về ruộng cứ như đi xin sự bố thí thương hại của người khác. Nhiều người ức quá, tức lên nói “đập đi để tất cả khỏi phải lấy nước”. Nhưng đập đi làm sao được, nói để sướng cái mồm, nói để cho bõ tức thôi. Chứ nhà nước đầu tư vào cả tỷ đồng, phá đi vào nhà đá như chơi. Thế là lấy nước ban ngày không được, thấy nước về ai cũng muốn gạt bước chân để nước chảy vào ruộng nhà mình, dù ruộng vẫn đầy nước. Những người có ruộng ở cánh đồng lớn quay sang lấy nước vào ban đêm. Nước về yếu bừa được chỗ này thì chỗ kia đất lại khô. Phải đóng nước để tích vài ngày rồi xả mới có thể làm được ruộng. Biết lão Sính nghiện rượu người trong bản khi vào lũng đóng đường xả nước ở bờ ao đều mang theo biếu lão bầu rượu. Không uống hết lão đem đổ vào trong chum. Những chiếc chum đựng đầy rượu lão không uống mà chôn xuống đất. Lão bảo rượu đem chôn xuống đất một năm moi lên uống ngon hơn nhiều. Lão Sính trở thành người phân phối nước sau khi tuyến mương Rưa Bắc được đưa vào sử dụng. Thời đại công nghệ thông tin, sóng di động phủ khắp người trong bản muốn lấy nước chỉ cần gọi cho lão nhờ lão lên lịch sắp xếp thời gian. Lão ghi tên những người muốn lấy nước vào chiếc sổ ám khói để ở đầu giường. Chợt lão thèm uống một tớp rượu, nhưng chiếc bình để trên chiếc bàn gỗ cạnh bếp đã cạn tự bao giờ. “Tại mày mà tao mới không có rượu uống”, lão nhìn chiếc điện thoại của mình hậm hực. Phải tháo pin ra, người làng không gọi được cho lão phải bước chân vào đây. Mà họ vào sẽ mang theo chai rượu cho lão. Mỗi năm, cứ đến mùa làm ruộng điện thoại của lão lại hỏng.
*
Tiếng chó sủa gay gắt làm lão tỉnh giấc. Với tay lên đầu giường lấy chiếc đồng hồ lên xem. Mới ba giờ sáng, ánh trăng thượng tuần đem ánh sáng leo lắt qua khe liếp vào chỗ ngủ của lão. Ánh trăng thượng tuần mập mờ, ma mị. Tuy nó không sáng như trăng trung tuần nhưng có thể soi đủ sáng để người ta đi đêm mà không cần dùng đến đèn pin. Ai thế nhỉ? Lão tự hỏi mình. Giờ này chắc không phải là người đến xả nước. Chỉ có thể là người đến xả trộm mà thôi. Nghĩ vậy lão nhỏm dậy, tay cầm đèn pin, cứ thế mặc chiếc quần xà lỏn nhàu nhĩ đi ra khỏi giường. Hai con chó thấy chủ dậy thì thôi không sủa nữa. Nó vẫy đuôi kêu ư ử đi quanh chân lão. Lão đuổi chúng vào nhà, một mình đi bộ vòng qua vườn vầu đến chỗ xả nước. Kẻ này cũng lớn mật thật, đi đêm mà không bật đèn, nhỡ bị rắn cạp nong cắn thì chỉ có đi đời. Lão Sính vừa nghĩ vừa đoán xem là kẻ nào đang đêm lén đến tháo nước ao nhà lão. Lão không thể đoán ra là ai. Ánh sáng lờ nhờ bỗng biến mất khi mảnh trăng khuyết lặn vào đám mây đen. Nhưng con đường này lão đi hằng ngày đã quen từng mô đất, bụi cỏ, hòn đá bên đường. Lão không cần bật đèn pin vẫn có thể bước đi như ban ngày. Lão còn cách bờ ao mươi bước chân, cái bóng đen khom lên ngụp xuống để tháo nước ra mương. Khi những cành cây, bùn đất được dỡ đi nước đổ ầm ào ra kênh. Lấy được nước ra kẻ trộm cũng đứng lên đi xuống cái bờ ruộng bên cạnh. Cái đường lên xuống bờ ruộng mấy bước chân nhẵn thín do dấu chân người đi lại quá nhiều, khi bị ướt trơn trượt dễ làm người té ngã.
– Thằng nào đấy?
Nghe tiếng lão Sính người trộm nước giật mình, ngước lên đã thấy lão đứng ngay trước mặt, bước chân trượt ngã đè lên người lão. Cả người tháo trộm nước và lão đều cảm thấy có gì đó khang khác, rạo rực trong người. Người đang đè lên trên người lão là bà góa Mèo thọt. Từ ngày vợ lão mất, tưởng chừng phần con trong người lão đã chết, nay bỗng trỗi dậy mạnh hơn cả nước lũ cuồng phong. Cặp rắn trắng đã cuốn lấy nhau mặc cho bụi nước bên cạnh bắn tung khắp người.
– Ông Sính ông đã làm gì tôi thế này? Bà Mèo nói.
– Tôi… tôi xin lỗi. Tôi không biết là tôi đã làm gì nữa. Nhưng tôi…
– Ông làm sao?
– Tôi thương cô, thương từ lâu rồi.
– Ông thương hại tôi sao? Ông không sợ tôi sẽ ám ông sao?
– Sao cô lại nói thế. Con cô chết vì nghiện, bởi nó không nghe lời khuyên của cha mẹ. Chồng cô tai nạn chết là do số chồng cô nó vậy. Sao có thể trách cô được? Cô đâu mong muốn điều đó xảy ra đúng không? Miệng lưỡi thiên hạ sao có thể bịt được. Người ta có mồm nói cho sướng cái miệng, cô đừng nghe mà tự trách mình mãi cho ốm vào thân thì khổ.
– Cảm ơn ông đã thương cảm cho số phận hẩm hiu của tôi. Nhưng tôi…
– Cô không cần nói gì nữa, tôi hiểu mà. Cô sợ người làng dị nghị, cô sợ miệng lưỡi thế gian sẽ cứa vào gan ruột phải không? Bây giờ là thời buổi gì rồi mà cô còn sợ như thế? Nhà nào chẳng có ti vi, ngày ngày xem tin tức trong nước, thế giới sao họ không hiểu ra thông cảm cho hoàn cảnh của mỗi người mang số phận bất hạnh? Cô không xem ti vi đưa tin có những cặp vợ chồng trên thế giới đã chín mươi, một trăm tuổi còn cưới nhau đấy thôi.
– Tôi biết. Nhưng đó là xã hội phương Tây, chứ ở ta…
– Tây thì sao? Ta thì sao? Cũng là con người với nhau cả. Làm gì mà ở nơi nào đó con người được phép, còn ở nơi này thì lại cấm kỵ? Mình phải học cái hay, cái tiến bộ của họ chứ.
– Ông suốt ngày nghe đài, xem ti vi nên đầu óc hơn người đấy. Nhưng cái số tôi không được hưởng hạnh phúc đâu.
– Cô vẫn sợ những người trong dòng họ sao?
– Sợ chứ ông. Tôi đang ở trên đất của dòng họ Hứa, canh tác trên đất họ Hứa. Người ta đang tính sẽ cho một người cháu đến ở với tôi. Sau khi tôi qua đời, gia tài của vợ chồng tôi sẽ thuộc về người đó. Không bao giờ người ta chấp nhận để gia sản rơi vào tay của người không phải máu của dòng họ Hứa.
– Cô có quyền đi tìm hạnh phúc cho mình. Không lẽ cô quyết định sẽ ở vậy đến khi nhắm mắt xuôi tay? Mà sao đêm hôm cô dám một mình đi vào đây mở nước, lại không bật đèn đóm gì chứ. Mùa này rắn cạp nong hay ra khỏi hang kiếm ăn lắm. Bị nó cắn sẽ rất nguy hiểm đấy.
– Tôi biết vậy. Nhưng ban ngày mẹ góa con côi thì lấy sao được nước với người làng? Con cháu trong họ ai cũng nói “bác không phải làm để đó chúng cháu làm cho”. Nói vậy biết vậy. Nhưng đợi chúng nó làm xong đất nhá nó mới làm cho thì biết đến bao giờ? Thân này phải tự cứu mình trước khi người ta có thể ra tay giúp đỡ. Tự tay làm ăn hạt cơm ngon hơn ông ạ.
– Bà nói chí lý lắm. Sức mình còn được đến đâu làm đến đấy thôi. Như thân tôi đây có con có cháu nhưng nào có được nhờ cậy gì chúng nó? Chúng nó chê sống trong này có khác gì người rừng, bỏ ra ngoài đường sống. Đất chỉ đủ dựng ngôi nhà, không mảnh vườn, đun nấu dùng bếp ga, dùng điện biết bao nhiêu tiền cho đủ? Trong khi củi khô trong này để mục không ai thèm nhặt.
– Lớp trẻ bây giờ đi vài bước chân cũng lên xe, không chịu bước bộ như thời ông bà cha mẹ đâu. Thôi tôi phải ra về đây, ông đừng đóng lại nhé, tôi phải đi canh nước đây, không mai dắt trâu ra bừa lại không có tý nước nào thì công toi.
Lão Sính định nói câu gì đó nhưng cô Mèo đã vụt vào bóng đêm mất hút. Lẽ nào lão đang nằm mơ? Trời tối thế này sao cô Mèo không bật đèn pin mà vẫn đi được không vấp ngã? Lão nhớ những giây phút vừa trải qua, không thể nào lão vừa làm chuyện đó với bóng ma được. Hơi ấm vẫn còn đây, tiếng nói vẫn còn đây, dòng nước kia vẫn đang xả vào kênh mương chảy về cánh đồng xa. “Ông đừng đóng nước lại nhé”. Lời cô Mèo vẫn vùng vằng bên tai lão. Sính kéo chiếc quần xà lỏn lên, có một cái gì đó ươn ướt, nhơm nháp ở đáy quần. Lão Sính soi đèn vào chỗ xả tràn, lão lắc đầu không buồn đậy lại. Lão mặc kệ cho nước chảy về xuôi. Lão không sợ người đã đăng ký lịch xả nước với lão vào đêm mai. Họ hỏi lão nói ngủ say không biết ai vào xả nước lúc nào thì họ làm gì được. Người ta đến với lão tự đem theo bình rượu chứ lão đâu đòi hỏi. Nước đấy ai muốn lấy cứ lấy miễn sao không rút cạn làm cá trong ao chết là được. Những chuyện khác lão không cần quan tâm, người làng làm xong ruộng hay chưa thì có liên quan gì đến lão. Người nào mà chẳng trông coi kỹ cái nồi của mình cho đầy. Nồi của lão vơi hay đầy có ai biết được đâu.
*
Lão Mạnh trưởng họ Hứa triệu tập cuộc họp đại dòng họ bất thường ngay tại nhà trưởng họ. Trên tay lão là cuốn “gia quy dòng họ” đã nhàu nhĩ bởi thời gian phủ bóng. Lão vừa đi đi lại lại miệng vừa lẩm nhẩm những điều cấm trong gia quy dòng họ như thể nếu không nhẩm lão sợ sẽ quên mất. Người làm trưởng họ mà không thuộc mấy điều cấm trong gia quy thì làm sao có thể xứng đáng giữ chiếc ghế trưởng họ. Khi mọi người đến đủ lão bắt đầu nói. Lão bắt đầu giảng giải từ việc làm người nên sống ra sao? Người phụ nữ trong dòng họ Hứa cần phải tuân theo những quy định nào.
– Xin bác trưởng họ đi vào vấn đề chính đi ạ. Chúng cháu còn phải đi làm đồng nữa. Chị Mai nói.
– Phải xin bác nói vào trọng tâm đi. Một người khác nói.
– Thế mọi người đến đủ cả chưa? Sao chưa thấy con Mèo tới? Trưởng họ Mạnh nói.
– Có cần có mặt bác Mèo không? Mọi cuộc họp trong dòng họ bác ấy có tham gia đâu ạ.
– Những cuộc họp trước không nói, nhưng lần này con Mèo không thể vắng mặt. Con Mèo không đến thì phải cho người đến lôi nó đến đây.
– Trưởng họ không phải cho người đến lôi đâu, cháu đã đến rồi ạ. Cô Mèo nói.
– Đứng đó. Mày không được phép bước chân vào nhà này, mày ở ngoài cửa nghe được rồi.
Nói rồi ông trưởng họ sai người đem chiếc ghế nhựa ra cho cô Mèo ngồi. Mèo thản nhiên ngồi xuống, lắng nghe phán xét của những người có chức sắc trong họ.
– Con Mèo mày có biết mày đã mắc vào một trong chín điều đại kỵ trong dòng họ này không? Trưởng họ dõng dạc hỏi.
– Cháu chẳng làm gì nên tội cả thưa trưởng họ.
– Con này láo. Mày đã làm điều xấu xa, bôi tro trát trấu vào dòng họ này mà còn nói không có tội ư? Hãy mau khai ra ai là tác giả của cái bào thai trong bụng mày sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Bằng không mày sẽ bị trừng phạt nặng bởi gia quy dòng họ. Mày hãy thành thật khai báo, những người đang ngồi ở đây muốn mày hãy nói người đã làm mày có thai chứ tất cả những người ngồi đây đều đã biết ai đã ăn nằm với mày từ lâu rồi. Trưởng họ nói chắc như dao sắc chém vào đá.
Cô Mèo nhìn vào trong nhà thấy lão Mạnh ngồi trên chiếc ghế trưởng họ oai chẳng khác gì một vị quan tòa đang tiến hành xét xử. Mà người đang đứng trước vành móng ngựa là cô đang phải trả lời những câu hỏi cung từ phía quan tòa.
– Cháu… cháu có thai với… chồng mình. Mèo nói.
– Láo, láo quá. Tức không chịu được. Lão Mạnh bị chấn động mạnh. Máu đang dồn cả lên não. Nếu không có thành chiếc bàn để lão vịn vào rất có thể lão đã ngã vật xuống nền nhà đứt mạch máu não mà chết.
“Thật vô lý, vô lý quá”, nhiều người cùng thốt lên, chồng nó chết đã ba năm, vậy mà nó nói có thai với chồng mình? Lẽ nào nó đã ăn nằm với ma mà có thai sao? Trời ơi, cái thai trong người nó là thai ma trong truyền thuyết sao? Nếu để con ma con ra đời nhất định sẽ làm hại cả dòng họ. Phải hành quyết mẹ con ma để trừ hậu quả thôi. Nhiều người đồng thanh hưởng ứng.
Cuộc họp họ kết thúc trong sự bế tắc, bởi cô Mèo nhất mực không khai ra ai là người đã làm cô có thai. Cô một mực khẳng định cái thai cô đang mang trong người là của người chồng đã chết cách đây ba năm. Có người nói cô Mèo đã hóa điên nên ăn nói lung tung.
– Được rồi. Cho mày thời gian ba ngày để suy nghĩ. Sau ba ngày nếu mày vẫn không chịu nói thì họ sẽ thi hành gia quy. Nhớ đấy. Lão trưởng họ nói xong tuyên bố kết thúc cuộc họp.
Cô Mèo không ra khỏi nhà. Ăn cơm tối xong cô đi ngủ sớm. Những tháng ngày qua cô sống trong sợ hãi. Cái đêm kinh hoàng đó cả đời này cô không thể nào quên được. Cho đến bây giờ cô vẫn không thể biết ai đã đột nhập vào nhà cưỡng bức cô một cách man dại. Kẻ đó bịt mặt bịt mũi khiến cô không thể nhìn ra được là ai. Cô bị hắn trói tay, bịt mắt rồi giở trò đồi bại. Từ đấu đến cuối kẻ đó chỉ làm nhiệm vụ của một con đực hung hãn, không nói nửa lời. Chỉ cần người đó nói một câu thôi tất cả sẽ bị lộ. Dù không biết là ai, nhưng cô tin nhất định người đó rất quen thuộc gia đình cô, từng đồ vật, lối đi lại đều nắm trong lòng bàn tay, người đó nhất định là một người trong dòng họ này. Là thằng Hạng con trai lão Mạnh? Hay là thằng Dành con ông Sún? Hay… Cô Mèo miên man nghĩ khiến cô thiếp đi lúc nào không biết. Và cô đi vào giấc mơ, một giấc mơ khủng khiếp. Cô bị cột vào một trụ cây trên một chiếc giàn trong một cái hang rộng. Dưới chân cô là những gánh củi, gánh cỏ ràng ràng khô. Ở trên cột cô nghe rõ lời ông trưởng họ đọc quyết định hành quyết cô bằng cách thiêu sống trên giàn hỏa thiêu. Trưởng họ nói xong bốn thanh niên cầm bốn bó đuốc châm lửa ở bốn góc sàn. Chỉ trong nháy mắt ngọn lửa đã bao trùm lên người cô. Lửa táp vào da thịt. Cô nghe thấy mùi khét của tóc cháy, cô ngửi thấy thịt da bị cháy xèo xèo. Chân đạp loạn xạ, tay vung tứ phía đập mạnh vào thành giường thâm tím làm cô tỉnh giấc. Hóa ra chỉ là một giấc mơ. Nhưng biết đâu giấc mơ này sẽ ám vào cuộc đời cô. Đứa bé trong bụng cô không có tội. Nó không thể vì cô mà chết khi còn chưa kịp ra đời để nhìn thấy ánh nắng mặt trời. Phải đi thôi. Cô phải đi khỏi nơi này. Đến đâu tính đến đó, bây giờ cô chưa biết nên đi về phương nam hay ngược lên phía bắc. Nhưng khi ra đến ngã ba đường trái tim cô sẽ mách bảo cho cô đi về hướng có ánh nắng ấm áp.
Cái tin cô Mèo mất tích bỗng chốc lan khắp bản Nà Nưa, Nà Tẩư, chẳng ai biết cô đi đâu, về đâu. Cô không để lại bất cứ một dấu vết nào để người ta có thể lần ra manh mối. Có người nói cô Mèo vì sợ dòng họ trừng phạt bằng cách thiêu sống đã ăn lá ngón với nước giấm rồi nhảy xuống vực Ngườm Sảng mất xác. Có người lại nói cô đi vào rừng sâu bị hổ ăn thịt. Cũng có người nói cô Mèo đi lên phương bắc được một gia đình người Nùng cưu mang đẻ ra được một đứa con trai đẹp tựa thiên thần.
Lão Sính không tin cô Mèo đã chết. Ngày mai lão sẽ đi tìm cô. Lão tin mình nhất định sẽ tìm thấy cô. Mẹ con cô Mèo đang đợi lão ở cuối chân trời xa lắc. “Cô Mèo ơi đợi tôi với”. Đó là câu nói cuối cùng của lão Sính. Khi người trong bản đi vào lũng Slưa Bắc lấy nước về làm ẩm đất để cày lên cho đất tơi xốp đợi vụ xuân hè mới phát hiện ra lão đã chết tự bao giờ. Cơ thể lão trương lên, khi có người vào gần lũ ruồi xanh bay lên loạn xạ. Lão đang khỏe sao có thể chết một cách dễ dàng như vậy được. Ai bảo lão không sửa chiếc điện thoại để tiện liên lạc? Người nhà lão Sính đến đun nồi nước bỏ vào một nắm lá bưởi thay quần áo, tắm rửa cho lão. Khi lau đến tay người nhà lão phát hiện trong tay lão đang cầm một vật gì đó. Họ cố gắng gỡ ra xem, thì ra đó là một bức hình của một người đàn bà. Khi khâm liệm họ cho bức hình đó vào trong quan tài, ở cánh tay trái sát ngực lão. Mong linh hồn lão sớm tìm được người đàn bà ở một nơi nào đó có ánh nắng chứa chan.
Văn học quê nhà
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài