Có lẽ là không cần thiết bàn cãi thêm về đúng – sai xung quanh seri sách của tác giả Huyền Chip nữa, bởi hầu hết những người quan tâm đều tự tìm được cho mình một đáp án riêng. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ muốn nói thêm khía cạnh về chuyện người cầm bút trẻ và độc giả trẻ hôm nay.


Anh Khang và rất đông độc giả trẻ trong buổi ra mắt sách “Người thương thành lạ”


Khi người cầm bút trẻ dễ dàng thành công

Seri sách “Xách ba lô lên và đi” của tác giả Huyền Chip thời gian qua đã “tạo sóng” dư luận, với tâm điểm được xoáy là “sự thật” đến đâu, ở mức độ nào, hiệu ứng có thể xảy ra khi đọc cuốn sách sẽ thế nào?

Đi và viết là chuyện rất đỗi bình thường của người cầm bút. Nhưng đi như thế nào và viết như thế nào mới là việc đáng bàn, nhất là với những người trẻ.

Văn chương, bất luận thế nào thì ở mỗi thể loại nhất định đều có những quy tắc và vẻ đẹp riêng của nó. Không thể cho rằng tác phẩm hoàn toàn thuần tuý là nhật ký sẽ kém hấp dẫn hơn một tác phẩm văn chương hư cấu như tiểu thuyết hay truyện ngắn, và ngược lại. Nhưng tác giả lựa chọn thể hiện tác phẩm dưới dạng thức nào thì sẽ tạo “tâm thế” đọc ngay đầu tiên cho độc giả. Và “tâm thế” ấy sẽ theo suốt độc giả, ít nhất cho đến khi rời cuốn sách.

Trước khi xuất hiện “Xách ba lô lên là đi” Huyền chưa phải là người là một cây bút văn chương trẻ nên chưa đủ nổi tiếng đến mức được chú ý ngay từ cuốn sách đầu tiên. Và cách Huyền lựa chọn viết sách là nhật ký hành trình để kể lại chuyến đi theo thứ tự thời gian, cái gì xảy ra trước kể trước, xảy ra sau thì kể sau.

Nhờ có những hậu thuẫn đánh vào sự tò mò của độc giả nên cuốn sách đầu tiên – Tập 1 của Huyền ra mắt độc giả đã nhanh chóng được chú ý chỉ sau một thời gian ngắn. Thành công đến quá nhanh, quá dễ dàng đã tiếp thêm động lực cho tác giả bắt tay vào viết các cuốn tiếp theo – Tập 2. Chưa nếm trải sự thất bại, nhọc nhằn trong viết lách nên tác giả chìm đắm trong men say hào nhoáng mà quên đi nguyên tắc mình đã từng đặt ra, và nguyên tắc chung của người cầm bút. Chính vì thế tập 2 của Huyền Chip mới bị độc giả chỉ ra vô số lỗi cường điệu, mà có ai đó nói là như… tiểu thuyết hư cấu. Nhưng xin thưa, nói như vậy là oan cho thể loại tiểu thuyết của văn chương, lỗi cường điệu của tác giả nếu đặt trong tiểu thuyết cũng khó thuyết phục, khó được chấp nhận vì “hơi bị” khiên cưỡng!

Câu chuyện của Huyền Chip khiến người viết liên tưởng đến một số cây bút trẻ của làng văn, khi vừa xuất hiện đã bị những mĩ từ chói loà của lớp nhà văn chú bác và đông đảo công chúng khiến họ ảo tưởng, chỉ kịp vừa loé sáng đã vội trôi tuột vào đêm đen vô tận.

Trong chuyện của Huyền Chip là sự hẫng hụt ở cả hai phía. Tác giả đang từ “đỉnh cao” mà công chúng đôn lên khi vừa xuất hiện như một người hùng dám nghĩ dám làm, dám sống thật với ước mơ của bản thân v.v… đột ngột phải quay trở lại mặt đất đối diện với dòng người với đầy đủ gương mặt, cảm xúc biểu lộ; độ lượng khoan dung, giận dữ gào thét… Độc giả thì sao? Đang từ ngưỡng mộ, hăm hở thì hụt hẫng, thất vọng. Nếu là một người từng trải, chắc chắn Huyền sẽ có cách ứng xử khác để câu chuyện của mình không bị kéo dài và dễ dàng được độc giả cảm thông hơn.

Hai biểu hiện: Tác giả và Độc giả là nét bộc lộ rất riêng mà chắc rằng chỉ có ở những người trẻ.

Gần đây, giới trẻ cũng xuất hiện một trào lưu “sống thật” mà người cổ vũ, đồng tình, người phản bác gay gắt. Bởi cái  gọi là “sống thật” đã bất chấp, đã vượt qua nhiều quy chuẩn, quy tắc lâu nay. Cá nhân người viết cho rằng, dám sống thật là một thái độ sống không xấu, nhưng cũng phải tự tuân thủ nguyên tắc, là: Lối sống của mình có làm thoả mãn bản thân thì không được làm ảnh hưởng đến xã hội, đến cộng đồng, đến người thân… Nếu không lường trước được sự ảnh hưởng thì bản thân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm những việc mình làm.

Huyền Chip là một người thông minh, can đảm. Văn phong trôi chảy, biết cách kể và viết, biết cách chọn lựa chi tiết. Nếu như, tác giả biết lắng nghe và “chậm lại” thì độc giả hoàn toàn có quyền hi vọng đó là một cây bút tiềm năng.

 

Huyền Chip trong một buổi giới thiệu sách


Và… độc giả trẻ

Đặt niềm tin và bị đánh mất niềm tin đó là trạng thái của độc giả sau khi đọc tập 1 và tập 2 của seri “Xách ba lô lên và đi”.

Phải thừa nhận là cuốn sách đề cập đến một trong những mối quan tâm lớn của giới trẻ về nhu cầu “xê dịch”, khám phá các miền đất và cuộc sống con người trên thế giới. Dù có là xê dịch theo hình thức “phượt” hay được chuẩn bị chu toàn, đầy đủ thì vẫn là nhu cầu của đa số chúng ta. Sở dĩ nhu cầu đó càng lớn vì không phải ai cũng được thoả mãn bởi muôn vàn lý do ràng buộc; thời gian, công việc, tiền bạc, sức khoẻ… Bỗng nhiên đọc cuốn sách của Huyền, thì nhu cầu ẩn lấp đó lại trỗi dậy cùng với một loạt “giải toả” những lo lắng, lý do thì bảo sao không hấp dẫn, không lôi cuốn, nhất là với những người trẻ, chưa đủ tỉnh táo và “đề kháng” phân biệt giữa sách và hiện thực?

Độc giả mười lăm tuổi đọc Xách ba lô lên và đi khác với độc giả mười tám tuổi, và càng khác với độc giả hai lăm tuổi, ba mươi tuổi. Còn ba mươi tuổi trở lên thì họ thừa biết đọc một cuốn sách để làm gì.

Cuộc sống hiện nay chúng ta tiếp xúc với quá nhiều khái niệm gọi là “nhật ký”, facebook cũng là một ví dụ. Khác với trước đây, nhật ký là phải viết vào một quyển sổ riêng, cất kỹ, không để ai đọc và không cho ai đọc. Có lẽ đấy mới là thứ đảm bảo độ chân thật. Còn nhật ký mà “mở”, mà để nhiều người vào đọc thì nó vẫn có thể thật, nhưng là sự thật trong một chừng mực nhất định. Vì thế, khi đọc bất cứ cuốn sách nào, cho dù ở dạng nhật ký thì người đọc nên tự chuẩn bị cho mình rằng đó là “sự thật chừng mực”, đằng sau cuốn sách, những điều sâu thẳm chưa công bố kia vẫn còn. Chưa trang bị cho mình điều đó nên độc giả trẻ nhanh chóng hụt hẫng, thất vọng khi phát hiện ra sự khiên cưỡng để suy đoán và truy lùng ra sự thật.

Việc một độc giả gửi thư cho Cục Xuất bản dù kết quả chưa như mong đợi (của người gửi thư) – cuốn sách không bị thu hồi, nhưng đó là tiếng “tuýt còi” cần thiết. Đáng nói, đây cũng là một độc giả trẻ. Có lẽ những người có trách nhiệm xem xét giải quyết lá thư này cũng nên đặt vị thế đó là tiếng nói của độc giả trẻ sẽ thấy gần gũi cũng như thấy được mức độ “có thể xảy ra” từ cuốn sách hơn là nhìn nhận bằng con mắt chuyên môn, từng trải, nhiều kinh nghiệm.

Độc giả trẻ đọc sách đã có cái nhìn đa chiều, dám bày tỏ chính kiến cá nhân. Cao hơn, họ muốn được bảo vệ như độc giả ở các nước trên thế giới.

Sách được coi là một mặt hàng tiêu dùng đặc biệt. Nếu các mặt hàng tiêu dùng khác thì có nơi bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, còn với sách thì phần nhiều phụ thuộc vào “ứng xử” của đơn vị làm sách. Công ty Nhã Nam và Nhà xuất bản Trẻ từng bị phát hiện lỗi in sai đã công khai xin lỗi và cho độc giả quyền đổi sách in đúng hoặc hoàn tiền.

Cuốn sách Xách ba lô lên là đi ngay từ ban đầu được xác định là một “seri”, nghĩa là có nhiều cuốn và ai dám chắc sẽ không dừng lại ở con số hai tập nếu như chỉ có sự lên tiếng của độc giả trên các trang mạng xã hội? Lá thư của độc giả trẻ cho dù không đi đến cùng cái kết “sòng phẳng” như phải xin lỗi, phải được quyền trả lại sách… nhưng nó sẽ khiến người trong cuộc và tất cả những ai liên quan “thận trọng” hơn nếu còn tiếp tục làm cuốn sách tiếp sau. Viễn cảnh của “Xách ba lô lên và đi” là chấm hết, không có tập thứ 3, hoặc là tập thứ 3 sẽ chỉn chu, kỹ lưỡng, hợp tình hợp lý?

Cái quan trọng của sự phân định đúng – sai, mức độ nào… là ở trong nhận thức mỗi người.

Và có những cái kết có khi không cần phải đi đến tận cùng.

Nguồn: Toquoc