Tiểu thuyết “Khói” đầu tay nhưng dầy dặn của tác giả Đoàn Bảo Châu đã đến với độc giả. Nhiều người đọc xong tỏ ra tiếc nuối, thậm chí bị đánh giá là hạn chế khi cho rằng “Khói” được tác giả dốc cạn vốn. Vậy, người cầm bút có nên “ăn dè” vốn sống không?


Lý do đọc Khói

Đoàn Bảo Châu là cái tên “lạ” đối với văn chương. Việc một tác giả mới dấn thân vào văn chương, ra một cuốn sách, dẫu tác phẩm đầu tay có là tiều thuyết dày dặn cũng không phải quá bất ngờ trong bối cảnh hiện nay.

Ra sách và tổ chức các buổi giới thiệu cùng với các lời nhận xét hoa mĩ có cánh của vài người trong giới chuyên môn… cũng không phải là chuyện lạ. Đây là việc các tác giả – cha đẻ ra những đứa con tinh thần vẫn làm.

Nhưng điều ngạc nhiên và đánh vào sự tò mò của công chúng văn chương chính là muốn “kiểm chứng” lại những lời nhận xét được xem là hơi “bất thường” của một số nhà văn, nhà lý luận phê bình uy tín thông qua việc đọc. Bởi ngay cả việc đọc cũng là thử thách nho nhỏ. Độc giả dù có cần mẫn tham dự từ đầu đến cuối buổi ra mắt sách thì cũng phải bỏ tiền ra mua sách chứ không được tặng như cách nghĩ thông thường với môt tác giả mới, đang bước vào văn chương muốn có được sự thiện cảm, muốn “tạo điều kiện” cho độc giả tiếp cận và giới thiệu cuốn sách bằng hệ số nhân. Bởi đơn giản, tiền bán sách, tác giả dùng để ủng hộ chương chình “Cơm có thịt” vô cùng đẹp đẽ, nhân ái thì ai dám từ chối không hợp tác? Trở ngại tiếp theo là cuốn tiểu thuyết không hề mỏng, với độ dày 557 trang. Để đọc được hết tác phẩm, người đọc cần thời gian, sự kiên trì giữa những bộn bề công việc hàng ngày. Chưa kể, nếu thiếu hấp dẫn thì sự kiên trì nhanh chóng bị thay thế, cuốn sách sẽ bị gấp lại vô thời hạn.

Trước khi có mặt trong buổi giới thiệu sách tại trụ sở Nhà xuất bản Hội Nhà văn, Khói đã được “chào hỏi” một số nơi. Nhưng quả thật, phải đến khi được một số nhà văn đánh giá cao tại buổi ra mắt ở Nhà xuất bản Hội Nhà văn thì dường như Khói đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Tại đây, nhà văn Nguyễn Khắc Trường – hiện là chủ tịch Hội đồng văn xuôi của Hội Nhà văn Việt Nam, người luôn được cho là khá thận trọng trong phát ngôn đã đánh giá Khói sẽ là ứng cử viên nặng ký cho giải thưởng văn học thường niên năm 2014 của Hội Nhà văn. Ông chủ tịch Hội đồng văn xuôi còn tỏ ra nuối tiếc vì Khói ra đời vào cuối năm 2013, mốc thời gian không dành để xét giải năm 2013 mà phải đợi đến năm sau – 2014. Nguyễn Khắc Trường cũng đưa ra so sánh tác giả của Khói – Đoàn Bảo Châu cũng có điểm tương đồng với Nguyễn Trí – tác giả của Bãi vàng, đá quý, trầm hương (khi thời điểm đó Hội Nhà văn còn đang cân nhắc giải thưởng nhưng nhà văn Nguyễn Khắc Trường đã đặt niềm tin cuốn của Nguyễn Trí sẽ được giải), là cùng xuất hiện ở cuốn sách đầu tay nhưng có lối viết tự nhiên, giàu vốn sống…

Còn nhà phê bình Bùi Việt Thắng thì nói rằng, ông đã viết xong bài viết tổng kết văn học năm 2013 nhưng khi đọc xong Khói thì phải bổ sung ngay lập tức tác phẩm này vào bài viết. Và đây là một trong những cuốn tiểu thuyết ông thích nhất năm 2013.

Một đánh giá khác không hề kém cạnh là của nhà phê bình Nguyễn Ngọc Thiện, ông cho rằng: “Tiểu thuyết đầu tay Khói của Đoàn Bảo Châu có thể xem là một hiện tượng của mùa tiểu thuyết 2013. Thiên truyện hơn 500 trang có sức ám ảnh, lôi cuốn người đọc mạnh mẽ, cho thấy sự làm chủ, dung hợp giữa bút pháp tự sự cổ điển và hiện đại của tác giả”.

Và lời giải từ Khói

Phải nói là khá bất ngờ khi đọc Khói của Đoàn Bảo Châu. Lôi cuốn, hấp dẫn như bị bỏ bùa. Dù đây là cuốn sách đầu tay nhưng tác giả tỏ ra khá chuyên nghiệp trong cách viết, đặt vấn đề, diễn đạt, sử dụng ngôn từ.

Mặc dù tác giả cùng tái hiện song hành bốn nhân vật: Dũng Khói, Tôi – tức Tuấn, Thành Đại Nhân và Quang nhưng rất mạch lạc, sinh động, đa diện, tràn ngập kịch tính mà vẫn phù hợp. Độc giả không bị rơi vào trạng thái rối rắm, lơ mơ để ráp nối các chi tiết, sự kiện của trang trước, của cái đã xảy ra giữa các nhân vật. Dường như cả bốn nhân vật được tách biệt kia như thể là số phận cuộc đời của chính tác giả đã nếm trải, đã đi qua. Giờ chỉ cần ngồi nhớ ra và kể lại bằng các chi tiết đắt như những dấu mốc quan trọng đã được cắm bằng trí nhớ qua thử thách thời gian.

Tiểu thuyết kể về cuộc đời của nhóm bạn từ ấu thơ, đến khi vào đại học, trên con đường lập thân lập nghiệp và kiếm tìm tình yêu cho đến lúc ở tuổi trung niên, nhìn lại một quãng đường đã qua mới giật mình nhận ra giá trị của cuộc sống là gì, có phải tài sản, thời gian, tình yêu hay tình bạn? Độc giả vừa theo dõi những số phận khác nhau của từng con người lại vừa kiếm tìm được những thông điệp, những suy tư quý giá về cuộc sống một cách giản dị, sâu sắc. Chẳng hạn như Quang, một kẻ hào hoa, dễ dàng có mọi thứ trong tay, từ tiền bạc, tình yêu… cứ tưởng cũng sẽ là người không khó để nắm lấy hạnh phúc cho riêng mình. Nhưng cuối cùng thì sao? Ở cái tuổi ngót nghét 50, Quang trắng tay; con trai mất, vợ bỏ, bản thân bệnh nặng rồi qua đời. Còn Dũng Khói, một đứa con hoang đã phải mạnh mẽ, kiêu hãnh, hiếu thắng, nuôi những thù hận… từ khi còn ấu thơ để bảo vệ người mẹ đáng thương, để vững vàng sống và chứng minh sự nghèo hèn sẽ được thay đổi. Mẹ mất. Hành trình tìm cha đã khiến Dũng thay đổi cuộc đời sang hướng khác. Hào quang trong thế giới vàng đã trở thành cạm bẫy dẫn Dũng đến với tù tội. Như một con thú hoang không còn gì để mất, Dũng từng nhiều lần nghĩ đến cái chết, nhưng ánh sáng của tình yêu đầu đời, những hi vọng mong manh đã khiến Dũng nhận ra được sống đã là quý và cần phải sống. Cho dù đến cuối truyện, Dũng vẫn không có được tình yêu của Hạnh. Một thứ tình yêu trong suốt, thánh thiện đến ngỡ ngàng. Liệu trong cuộc đời đầy bon chen, đầy xô bồ hôm nay có còn thứ tình yêu như Dũng và Hạnh không?. Khi nhìn lại, Dũng cũng như Quang, chẳng có gì. Nhưng Dũng còn cuộc sống ở phía trước, còn hi vọng bắt đầu lại từ đầu, dẫu muộn mằn. Nhân vật tôi là nhân vật nắm giữ nhiều bí mật về tình yêu nhất. Anh ta được hưởng mật ngọt của ái tình ngay từ những năm đầu đại học từ một người đàn bà hơn tuổi, mặn mà, bất lực với kẻ cuồng si phải lấy làm chồng mà không có tình yêu. Mọi thứ đến với Tuấn thật bất chợt, thật choáng ngợp và không thể bứt ra. Nhưng tình yêu đường đột đến với Tuấn bao nhiêu thì ra đi cũng đường đột bấy nhiêu. Để sau bao nhiêu năm, anh ta dẫu có gia đình, dẫu có những đứa con vẫn muốn tìm lại cái dư vị tình yêu đầu đời. Cho đến khi cuộc đời hào phóng cho Tuấn được bước chân lần nữa trên con đường ái tình chớp nhoáng như thể bù đắp, vậy nhưng càng khiến anh càng rơi vào bi kịch cảm xúc. Nếu Dũng chưa một lần được đi đến cùng tình yêu giữa thể xác và tâm hồn, nếu Quang hào hoa nếm trải quá nhiều cuộc tình mà không nhận ra điểm dừng thì phải chăng Tuấn là người may mắn. Tuấn có được những phút thăng hoa dù ngắn ngủi nhưng đẹp đẽ, vượt thoát mọi rào cản của tình yêu là may mắn, là kẻ hạnh phúc? Thế mà sao cả ba cứ loay hoay, cứ mãi kiếm tìm, cứ mãi đau khổ về tình yêu?

Cuộc đời chẳng có gì là viên mãn nhưng cũng không phải là con đường cùng để mọi ngõ ngách bị bịt kín là những điều có thể tìm thấy ở Khói. Khói cho độc giả thấy cuộc sống gần gũi, đời thường vô cùng. Chính vì “đời”, không diêm dúa, tô vẽ hay gồng mình trước mỗi số phận, suy nghĩ của nhân vật, dù trong sáng ở tuổi ấu thơ, đẹp đẽ nhiều kỷ niệm ở chốn giảng đường đến nhộn nhạo mưu mô ở bãi vàng, nhơ nhớp chốn tù đầy… thì ở trong không gian nào, độc giả dễ dàng nhận được sự đồng cảm, dễ dàng nhìn thấy màu sắc trung thực ở đó.

Có ý kiến tỏ ra tiếc nuối, thậm chí bị đánh giá là hạn chế khi cho rằng Khói được tác giả dốc cạn vốn. Tôi cho rằng, đây không phải là hạn chế mà là sự “tận cùng” của tác giả dành cho bạn đọc. Một sự tận cùng đáng trân trọng, kính trọng của người cầm bút mới dấn thân vào con đường văn chương. Bởi Đoàn Bảo Châu không dùng tới “mánh, lới” để sở hữu trong tay vài ba cuốn sách khi chia nhỏ vốn sống từ Khói. Anh đã dám thẳng thắn, viết đến cùng suy nghĩ của mình, đã dám vùng vẫy và tự do đến cùng ngòi bút của mình mà không mảy may mình còn gì, được gì với văn chương ở phía trước. Thực ra, làm sao mà biết được Đoàn Bảo Châu đã cạn vốn sống hay chưa. Hoặc đây là cú “đánh lừa” độc giả. Nếu quả thực là sự đánh lừa thì tác giả cũng khá cao tay đấy chứ?. Thái độ lao động văn chương nghiêm túc này sẽ là một thách thức đáng khích lệ, đáng để bạn đọc chờ đợi và háo hức khi Đoàn Bảo Châu ra mắt cuốn sách thứ hai. Tôi cứ nghĩ giá như, mỗi người “ngoại đạo” văn chương mà dốc cạn vốn sống viết được một cuốn sách đâu tay hấp dẫn như Khói thì cũng đáng để đọc và góp cho văn học sự đa dạng cần thiết.

Nói về tính hiện đại trong Khói, nhà phê bình Nguyễn Ngọc Thiện cho rằng Đoàn Bảo Châu “hiện đại trong luân phiên điểm nhìn trần thuật, làm đa dạng các diễn ngôn và giọng điệu theo ngôi kể (ngôi thứ ba; người kể chuyện xưng tôi; nhân vật ở ngôi thứ nhất). Qua đó hướng người đọc nhìn sâu vào diễn biến, sự xung đột nơi thế giới bên trong của mỗi hạng người (tâm sinh lý, ẩn ức, tiềm thức, vô thức…), mở ra sự đối thoại, phán xét từ phía người đọc. Bút pháp này có nhiều nét gần gũi với thủ pháp thay đổi góc nhìn và điểm dừng của ống kính trong kỹ xảo điện ảnh hiện đại”. Xin tôn trọng đánh giá của nhà phê bình. Nhưng tôi cho rằng sự đa dạng có được trong Khói xuất phát từ chính sự đa dạng của nhân vật (kéo theo khác biệt của không gian, thời gian, số phận…) mà tác giả đã lựa chọn ngay từ ban đầu. Còn cách viết của Đoàn Bảo Châu không mới, độc giả có thể dễ dàng tìm thấy ở các cuốn tiểu thuyết ra đời trước đó, đúng như nhận định “cổ điển trong kết cấu, triển khai cốt truyện, miêu tả đường đời nhân vật, khắc hoạ chi tiết đặc sắc”.

Bên cạnh việc những trang viết lột tả cái khát khao rung động đầu đời đến suy nghĩ từng trải của những gã trai – phe giới tính cùng với tác giả khá chân thật, hấp dẫn thì tôi có chút băn khoăn khi Đoàn Bảo Châu viết về nữ giới, về Hạnh ở đoạn cuối. Hình như chỗ này tác giả đẩy lên hơi quá để nói về tình yêu giữa Hạnh và Dũng khi Hạnh không bỏ gia đình mà chối từ tình yêu muộn mằn với Dũng để chưng cất thành thứ tình yêu quá đẹp, quá trong sáng. Họ cứ mãi yêu nhau, yêu từ thuở sinh viên đến lúc gần 50 tuổi nhưng không thể đến với nhau. Lần đầu Hạnh từ chối vì mẹ bị bệnh tim, không thể làm trái lời bà. Lần thứ hai là vì những đứa con, Hạnh không muốn lìa xa những đứa con. Hạnh lấy chồng và sinh con ngay sau khi ra trường. Vì thế khi nhóm bạn ở tuổi 46 thì ít nhất con Hạnh cũng đã 20 tuổi hoặc ngót nghét ở cái ngưỡng ấy. Trong khi nhân vật Tuấn nói về những đứa con rất thực tế, rằng chúng chỉ thuộc về cha mẹ khi còn bé, khi đã lớn hơn dường như chúng vuột khỏi tầm tay cha mẹ và sống trong thế giới riêng của chúng mà đôi khi cha mẹ không thể hiểu và kiểm soát nổi. Con của Hạnh, của Tuấn cùng thế hệ với nhau liệu có điểm chung nào không? Đành rằng việc con cái sống trong thế giới riêng của chúng khác xa so với sự chia đôi của một gia đình tan vỡ nhưng độc giả vẫn cảm giác Hạnh tỉnh quá, thiếu cái chất “đời”. Hoặc cũng có thể Hạnh là người đàn bà của thế hệ trước nên như vậy chăng?

Hà Anh

Nguồn: Toquoc