Tác giả Nguyễn Chí Ngoan


Sinh ngày: 22.02.1991
Quê quán: Thuận Hòa, An Minh, Kiên Giang
Nghề nghiệp: Giáo viên Tiểu học


Giải thưởng:
•    Giải Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, năm 2019 – tập truyện ngắnBến chờ
•    Giải Khuyến khích cuộc thi “Thành phố tôi yêu”, báo Thanh Niên, năm 2020
•    Giải thưởng thiếu nhi Khát vọng Dế Mèn lần I, báo Thể thao Văn hóa, năm 2020 – tập truyện ngắn Mộng giang hồ
•    Giải Ba cuộc thi thơ, tạp bút “45 năm rực rỡ tên vàng”, báo Người lao động, năm 2021
•    Giải Nhất cuộc thi “Nghĩa tình Miền Tây”, báo Thanh Niên, năm 2022


Tác phẩm đã xuất bản:
•    Bến chờ (Tập truyện ngắn – NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019)
•    Mưa miền đất mặn (Tản văn – NXB Kim Đồng, 2021)
•    Rồi nắng cũng lẻ loi (Tập truyện – NXB Kim Đồng, 2022) 

Người buông bỏ chưa

Truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan

Thằng út về ngoại. Chẳng biết mặn lạt thế nào mà nó đi một nước te te xuống sông, đạp ghe chạy thục mạng về nhà, trên tay cầm khư khư một nắm tóc bạc phơ. 

Đoạn đường về nhà như dài thêm với mớ ký ức dặc dài theo năm tháng, hai bên đường điên điển vàng rực cả một khúc sông, những cơn gió xào xạc lướt qua nghe lạnh cả sống lưng. Thằng út không quên lấy tay vịn lại túi áo, sợ đám tóc đó bay theo gió trời đi mải miết hệt như ngọn khói chiều vờn trên mái lá.

Qua ngã tư thứ nhất, chỗ má vẫn hay tấp ghe lại hỏi cố Mười tin tức của ông già Ba Tàu bán thuốc cao đơn hoàn tán, coi ổng về chưa, giờ mọc thêm một cây xăng, một ngôi nhà, mấy cái cây theo thời gian cũng tưng bừng cao lớn ngó xuống nhìn lũ người chao chát ngược xuôi.

Không biết cố Mười có nhắn với theo mấy chiếc ghe qua khúc sông này lời nhắn tìm người của má không, mà sao ngần ấy năm người ta chưa một lần quay lại. Chắc má sẽ buồn lâu khi hay tin cố Mười qua đời, tiệm tạp hóa xập xệ của cố Mười được thay thế bằng một trại tôm giống to đùng, choán cả mặt sông. Rủi ông già bán thuốc cao đơn hoàn tán có về, liệu ông còn nhớ lại chốn cũ, có còn ai nhắn lại lời của má cho ông già nghe không.

Hồi còn sống, cố Mười biểu má đừng tìm nữa, ổng chỉ neo ghe lại bến sông Xẻo Bần này ba bốn tháng rồi lại theo dòng nước tản đi. Có ai thấy ổng quay lại lần nào đâu mà tìm, bây tìm gì ở ổng mà năm nào cũng ghé lại bến sông này. Má cười bâng quơ:

– Con định mua thuốc cao đơn hoàn tán của ổng. Nghe đồn hay lắm.

Thằng út để lại lời nhắn của má ở trại tôm giống trong cái nhìn hoài nghi của chủ nhà. Ai đời tìm người mà chẳng có nổi một tấm hình, chẳng có nổi một ký ức về người đó. Điệu này còn khó hơn lên trời. Bà chủ nhà lẩm bẩm lúc thằng út khum người tháo sợi dây lòi tói, một tay vẫn không quên vịn lại túi áo. Chiếc ghe lại lạch tạch rẽ sóng dẫn thằng út về nhà, ngang chỗ cái lò rèn ngày xưa má ôm đồ bỏ đi giờ cỏ dại mọc đầy, không biết mắt má còn đủ sáng để nhìn ra chốn cũ. Nước mắt chưa đủ để dìu má qua sông leo lên chiếc xe đò mà tan vào dòng người xuôi ngược.

Những con đường má từng mường tượng ra trước kia bị cái dáng lom khom của bà ngoại chặn lại, bị mùi dầu khuynh diệp của ngoại làm mắt má cay nồng. Mộng giang hồ của má dang dở từ mấy thứ tưởng chừng như ở đâu cũng tìm thấy được. Mấy lời má nhắn với gió trời trôi đi mải miết mà chẳng một ai nghe thấy. Má trở về, sau một hồi gục khóc bên cái lò rèn đã nguội lửa từ lâu. Ông ngoại nhìn má cười hề:

– Sao mày không đi tìm cha mày đi, trở về làm chi? Cái thứ lạc chợ trôi sông.

Má không khóc. Má lầm lũi bước vào nhà, lướt qua má là ánh nhìn buồn rười rượi của bà ngoại. Hồi sáu tuổi má đã lờ mờ về tình thương của ba mình khi chị hai đòi cái gì cũng được, còn má hở chút lại bị đòn. Bữa ông ngoại đưa má về quê, má nghe câu nói lạnh ngắt được thốt ra từ chính miệng người mà má kêu bằng nội, lời nói đó đủ nhấn chìm má xuống dòng nước lạnh căm như cái lần má chết hụt dưới mương.

– Mày không phải cháu nội tao.

Má lội bộ bỏ về với ngoại trong dòng nước mắt rưng rưng, cảm giác thừa thãi đứng chơ vơ giữa người với người đủ làm má gục ngã. Trên con đường má chưa từng một lần quay lại đó, có đoạn đường nào vì nước mắt của má mà mờ đi.

Lần đầu tiên má hỏi bà ngoại về câu nói của bà nội là lúc má mười tuổi. Khi ông ngoại cầm hai vạt áo xé bung hàng cúc áo, rượt má chạy có cờ khi nấu nồi cơm khét lẹt, câu nói với theo đâu có bị gió làm bạt đi chút nào đâu nên má đứng lại cho ông ngoại đánh. Bà ngoại biểu chạy mà má đâu có chạy. Bà ngoại đâu hay, má chạy đâu cũng không thoát ra khỏi câu nói với theo của ông ngoại, đồ cái thứ con hoang…

– Ba con là ai hả má?

Bà ngoại ôm má vào lòng khóc ngất. Bây đừng nghe lời của ổng. Bây là con của ổng chứ con của ai. Nhưng câu nói đó không giúp má vượt qua những tháng ngày ấu thơ cơ cực trong cái nhìn hắt hủi của ông ngoại. Má lội bộ đi học trong khi dì hai được ngoại cõng trên lưng, má ăn mía khúc ngọn, còn dì hai ăn khúc gốc, dì hai mặc đồ mới còn má mặc lại đồ cũ.

Năm má bệnh thừa chết thiếu sống, bà ngoại đòi bán miếng đất sau nhà chạy chữa, ông ngoại cương quyết giữ đất, không có cục đất chọi chim lấy gì mà sống. Má uống hết mấy bờ cỏ sau vườn, ai chỉ gì ngoại cũng nấu cho má uống, may thầy phước chủ thế nào mà má hết bệnh. Má nói chắc trời thương, mà có khi má chưa trả hết nợ cho người ta nên bắt má sống để trả nợ đời.

Má luôn tìm cách tránh ngoại, má sợ chạm phải ánh mắt đăm chiêu của ngoại mỗi khi nhìn má, sợ có giây phút nào ngoại lờ mờ nhận ra điểm gì trên gương mặt má giống cái ông bán thuốc cao đơn hoàn tán neo lại trước nhà vào một ngày mưa gió, má lại nhận những lằn roi vô cớ. Mấy lần má định không khóc, mà không khóc thì má còn biết làm gì.

Hồi ông ngoại bị giặc bắt, dì hai còn ẵm ngửa. Tưởng ngoại bị đày đi biệt xứ hay chết tức tưởi trong tù nhưng ngoại được thả về sau hơn hai năm trời biệt vô âm tín. Ông ngoại đâu ngờ lúc trở về ngoại lại có thêm một đứa con, tính tới tính lui xuôi ngược gì con nhỏ ngoại bồng trên tay cũng thò đầu ra sau một tháng kể từ ngày ngoại bị bắt, lại thêm mấy lời xì xầm của hàng xóm về cái ông bán cao đơn hoàn tán vẫn ghé lại trước nhà, lúc quay đầu ghe cũng không quên bỏ lại một nụ cười với người đàn bà trong căn nhà cập mé sông.

– Mày ở nhà “hứng gió nam” hả, gì mà có bầu.

Ông ngoại ôm gối ra nhà sau ngủ riêng với dì hai, để mặc mớ lời giải thích đầu tháng cuối tháng của bà ngoại trôi đi như nước sông Xẻo Bần. Mà sông thì cứ chảy, đâu cần biết mình về đâu.

Đêm đưa dâu, má nâng góc khăn rằn chấm nước mắt cho bà ngoại. Câu hỏi của má không bị tiếng khóc sụt sùi của ngoại làm lạc đi chút nào, con là con của ai. Ngoại lại ôm má vào lòng như bao lần trước mà chẳng có một lời nào được thốt ra. Bữa đó ông ngoại say dữ lắm. Lúc ngang cửa buồng má, ông ngoại cười khằng khặc, thoát cái kiếp quạ nuôi tu hú. Má ngồi nhìn những tàn dư ngày cũ trong căn buồng nhỏ không đủ dung chứa nỗi buồn.

Má ưng người đàn ông xóm trên chỉ vì câu nói gọn đeo của ông ngoại, gả cho khuất mắt tôi đi. Đoàn rước dâu dừng lại chỗ ngã tư, lúc cô dâu bỏ chạy lên bờ hỏi cố Mười về tung tích của ông già lạ quơ lạ quắc. Đàn trai xì xầm, cô dâu chắc còn lưu luyến tình cũ, đoạn đó mà có chàng trai đứng dựa cột nhìn ra chắc má thành tội đồ. Nhưng chỉ có bà già lú đầu ra, trả lời tỉnh bơ.

– Bây tìm chi cho mất công!

Thằng út nằm chèo queo dưới nền gạch cạnh giường bệnh của bà ngoại. Mấy ngày canh bà ngoại bệnh khiến nó mệt rã rời, ngoại bị bệnh lẫn hơn một năm trời, lúc nhớ lúc quên, mấy bận ngó dì hai mà ngoại tưởng đâu là má, cứ nắm tay mà khóc mướt.

Bữa đó má khóc hết nước mắt khi nghe lời dì hai kể trong điện thoại. Ở nhà thì không yên, bồng chống nhau về má lại sợ mình không có nổi một chỗ dựa, sợ cái nhìn vô hồn của ông ngoại, sợ cảm giác ngồi giữa mâm cơm mà gắp miếng nào cũng ngại. Mấy lần má về quê ông ngoại đều ngó lơ, bỏ mặc lời hỏi thăm của má tan đi. Má thành người xa lạ.

Má vẫn ngồi quạt cho ngoại, chốc chốc má lại chỉnh mền, vén tóc cho ngoại. Áng chừng một năm má về ngoại được đôi ba lần vào dịp tết, giỗ quải ông bà. Ba giận không về từ hôm ông ngoại nhậu say về khoác vai ba nhừa nhựa, chú em về chơi he, máu mủ ruột rà gì mà về miết, vào ra chật chội. Coi bộ đàn ông tự ái cao ghê, chỉ có một lời nói đủ ném con người ta ra xa mà chẳng bao giờ hàn gắn lại được, vết nứt ở lòng coi ra cũng vậy. Đôi mắt bà ngoại đảo một vòng trước lúc lìa đời, má cào nát chiếu chăn, ngoại cũng không tỉnh lại.

Không biết lúc bà ngoại môi mắt rưng rưng kêu khóc “ông đừng đánh con tôi, chạy đi con”, đứng ở cửa buồng ông ngoại có nghe được gì không, có tiếng nào bị mất đi vì nước mắt, có tiếng nào gió thổi bay đi như những lần ngoại rượt đánh má vì một chi tiết khác thường trên khuôn mặt của má.

Chôn cất ngoại xong, má xin ba cây nhang về thờ, đoạn đường về nhà ngoại trở nên xa hơn trong tâm trí của mấy đứa cháu vì những lằn rãnh khuyết sâu giữa người với người. Má ngồi dưới ghe, ngó lên nền trời chao chát “má về ở với con nghen má”.

Giỗ đầu của ngoại, dì hai gửi cho má mớ bánh ít kèm lời nhắn.

– Lóng rày ba hơi yếu.

Má biểu thằng út mang cặp vịt xiêm với mấy buồng chuối già về cho ngoại. Thằng út vùng vằng một hồi mới chịu xuống ghe về ngoại. Đứng trên bờ má dặn đi dặn lại thằng út, đừng nói gì làm cho ông ngoại buồn. Hồi học lớp ba, cô giáo cho bài văn tả ông ngoại, thằng út tả ông ngoại mà cô giáo cứ tưởng nó tả ông Chà Và chuyên đi bắt cóc con nít.

Bài văn bị điểm kém mà nó cứ cười cười, có sao nói vậy người ơi! Vì thằng út đâu có cam chịu như má. Hôm má dắt nó về ngoại, nó cắn thằng con của dì hai chảy máu vì cái tội cho nó ăn ổi non. Ông ngoại cầm cây rượt đánh, nó chạy phây phây đến một đoạn xa xa rồi đứng lại cười hí hửng, chạy nữa đi ngoại, đang vui mà. Ông ngoại lại ném những lời sâu cay vào nó, đồ cái thứ mất dạy, giống cái dòng giống nào đâu đó.

Thằng út cười khẩy, dòng giống nào cũng được, miễn không bạc tình là được rồi ngoại ơi. Thằng út bỏ lại ông ngoại thở hì hục sau hè, nó kéo má xuống ghe trong khi má đang hạ lửa nồi cơm đang sôi, trước lúc rời đi nó không quên bỏ lại mớ lời làm bà ngoại đứng lặng.

– Về nhà thôi má, người ta có thương má con mình đâu.

Từ dạo đó thằng út không thèm về ngoại dù cho má có năn nỉ cỡ nào. Thằng út với ba về một phe mỗi khi má nhắc về ngoại, ba và nó luôn đứng ngoài những câu chuyện về ngoại, cứ như má đang nói về một người xa lạ nào đó má gặp ngoài chợ. Người xa lạ thì mắc gì để ý.

Dì hai nhắn má, ông ngoại hấp hối. Ba lèn èn một chút cũng chịu về gặp mặt ngoại lần cuối. Má đứng nép một bên nhìn ông ngoại gầy rộc trước cuộc rời đi miên viễn.

Hỏi má sao không lại gần cho ông ngoại thấy mặt, má ngó ra đám tầm gửi mong manh trước sân, rủi ngoại bây thấy má, ổng hông vui thì tội. Hành hạ nhau cả đời chưa đủ hay sao. Ông ngoại hướt hướt vài cái rồi đi, đôi bàn tay của ngoại dường như không với kịp cái gì đó, mớ lời dường như bị cái gì đó ngăn lại và mãi mãi nó không được thoát ra…

Má che dù cho dì hai bưng lư hương lúc đưa ngoại về với đất, chân má liêu xiêu lúc đi ngang cái mương ngày xưa ông ngoại vớt má dưới dòng nước lạnh căm. Mà má hay kể cho thằng út nghe, hổng biết ông ngoại có là người tạo ra má hay không nhưng cái lần ông ngoại bây cứu má dưới mương lên, má đã là con gái của ngoại rồi.

Ăn cơm của người một ngày thôi đã là nợ, huống hồ má ăn cơm của ngoại suốt thời con gái. Lần nào nói đến đoạn đó má cũng bị thằng út chen ngang, rồi cái ông Bảy Mít vớt con Lủng dưới sông lên đó, nó cũng có bưng đồ ăn qua cho ổng bữa nào đâu, ai gặp tình huống vậy mà không nhảy xuống cứu, má ăn cơm nhà ngoại thì má cũng mần trọc cái lưng ra chứ có phải ăn cơm chùa đâu. Má đánh thằng út mấy bận vì cái tội nói hỗn đó mà có lần nào nó không cãi lại đâu.

Trong làn khói nhang bảng lảng, má hốt nắm cát bỏ theo quan tài của ngoại, không biết lúc đó má có bỏ luôn nỗi lòng của mình theo từng hạt cát chôn vùi vào đất. Ừ thì, trên đời này có cái gì mà không trở về với đất chứ.

Thằng út cũng kịp về để tang ông ngoại sau mấy ngày lặn lội trên Sài Gòn. Gánh đạo tì hạ huyệt xong, thằng út vẫn không chịu rời đi. Nó đứng trước mộ ngoại rất lâu. Đoạn nó đốt xấp giấy xét nghiệm di truyền huyết thống, má còn ngồi khâu lại vết thương lòng mình trong mấy tấm ảnh cũ càng mà ngó kiểu nào cũng thấy mình lẻ loi.

Thằng út nhìn ngọn gió đồng mang mớ tro vừa đốt bay đi trong làn mưa trắng xóa. Không biết giây phút lìa đời ngoại đã buông bỏ chưa hay còn giữ lại lòng mình những đầm đìa nghi kỵ. Biết được sự thật chắc không vui như thằng út nghĩ vì cái gì rồi cũng thành hư vô, ông ngoại đến cùng vẫn không biết được sự thật. Ngoại mang theo gì xuống dưới nấm mồ kia, mọi thứ đều mục rữa theo thời gian, lòng người rồi cũng như thế. Sự thật giờ với má chắc cũng thành vô nghĩa, biết được thì cũng để làm gì, thời gian đâu có đưa con người ta trở lại.

– Ừ thì, má chỉ có một mình ông ngoại là ba. Chẳng còn một ai khác nữa.