NGƯỜI BÁN CỦI

‘Mais vrai,

J’ai troppleure

Le aubes sont navrantes’ * (A. Rimbaud).

Không biết ông ta đến cư ngụ nơi đây từ bao lâu ? Đó là câu hỏi mỗi khi người trong bản gặp ông chống gậy đi ngang qua hay dừng chân ở quán bên đường; đứng nhìn trời mây với gương mặt trầm lắng như thầm nói lên điều gì. Người đàn ông già ở độ ngoài sáu mươi, gầy gò, yếu đuối, bệnh hoạn ít cười nói và cũng chẳng lộ bề ngoài một nét gì hơn để cho người ta dễ nhận biết. Vì thế dân ở đây không mấy quan tâm mà để ông sống yên, đơn lẻ với cây cỏ bốn mùa vây quanh nơi căn nhà lá nằm sâu trong rừng rậm. Phía sau nhà là dãy đồi trọc nhô lên, đứng đơ như tĩnh vật chết. Những cội cây lớn và rặng thông già xen lẫn vào nhau làm cho cánh rừng thêm mịt mù. Ông và rừng núi đều lặng câm ở chốn thâm sơn cùng cốc. Nhưng chắc chắn có một cái gì bên trong giữa người và vật mà ít ai nghĩ tới giữa cỏi đời này.

Nhớ về những tháng năm đầu chọn núi rừng để dung thân. Sống nhờ cây cỏ, thú rừng dần dà quen thuộc. Đói thì săn thú mà ăn, khát thì vốc nước ở suối mà uống, đêm và ngày nghe tiếng suối reo như than phận mình. Cứ thế mà sống theo phép tự nhiên, nhìn ra còn hơn kẻ chân tu; vì bốn bề chả có ai để tranh đua, cầu cạnh; chính vì thế mà ông luyện được khí công để sống giữa đời, mặc dù tình thế lúc đó hỗn mang. Xa lánh trần gian là một chọn lựa thích đáng, đồng thời tỏ trong người khí thế của kẻ bất khuất, thất sủng. Ở rừng thiêng nước độc không phải dễ cho người bình thường, bền chí lắm mới sống còn; y đấu tranh trong mọi tình huống để làm sao vượt qua cái khó của buổi ban đầu. Dần dà tiếp giao và quan hệ, lui tới với dân bản điạ, trao đổi vật thực và gieo vào đó tình lân bang.Trí cảm thấy can đảm thêm hơn không còn e ngại giữa chốn rừng xa lạ. Một phần ở đây là tụ điểm của đám thương dân miền núi, len vào những vùng sâu để tìm trầm, gỗ quý hay lấy muối đổi gạo, lấy củi đổi mắm. Sanh hoạt bình thường hóa được vài năm; không bao lâu dân miền xuôi lại về đây mỗi lúc mỗi đông, cái thứ dân trắng da dài tóc bị đuổi đi khai hoang, tự thân lập thân, họ bất mãn nhưng nghiến răng để sống với vùng đất kinh tế cày lên sỏi đá. Mấy ai mà thích ở đây vì họ cho rằng họ bị đày và khai trừ ra khỏi xã hội; họ là thành phần mối mọt. Không bao lâu họ bỏ đi chỉ còn một số ít chấp nhận lập cư. Và; nơi nghỉ chân thuở xưa bây giờ có tên thường gọi là chợ Neo. Trí đốn củi và đem về đây bán để kiếm sống. Trí đứng bên cạnh gánh củi, đầu đội nón tai bèo ủ dột, áo quần xác xơ. Đứng lặng giữa chợ đời, chợ người, không cười, không nói chỉ gục hay lắc đầu một khi mua bán. Không lâu Trí trở nên chủ nhân củi thường trực ở chợ Neo. Nhưng chẳng mấy ai quan hệ với Trí. Y lãnh cảm cho nên xa lạ với dân cư. Có lẽ; đó là thái độ ẩn núp ? Chỉ có mình Trí biết điều đó mà đành xa người thân và ngay người thân trong gia đình nghĩ rằng Trí đã hy sinh cho nghĩa vụ. -Trí nghĩ vậy.

Chợ Neo chỉ họp ba phiên trong một tuần, những ngày còn lại về với núi rừng, tiếng hú giữa thinh không là tiếng hờn ai oán. Sự có mặt của căn nhà là sự có mặt của cuộc đời. Trí cho cuộc đời là bi thảm chẳng riêng ai. Cuộc đời là đọa ngọa mà con người phải gánh chịu như nợ trần ai. Ít người chối bỏ điều này.

Một sáng mờ sương thu, màu lam bạc phủ cả núi rừng khó mà nhận rõ con lộ dẫn xuống chợ. Cảnh vắng giữa rừng chỉ nghe tiếng vượn hú, cú kêu gây cho lòng người thêm hoang mang nỗi nhớ; nhưng cảnh vật đã dung hòa vào hồn người mà trở nên đồng điệu. Kẻ ớ núi thường coi thiên nhiên là người tình dẫu có đi xa hay nơi đô hội cũng vẫn nhớ về: nhớ màu đất của núi đồi, nhớ con suối, cơn mưa rừng, ngọn gió độc và hơi thở của cây cỏ. Cảm nghĩ đó đến nhiều lúc với Trí; một người đàn ông ngoài bốn mươi tuổi, độc thân, lực lưỡng và nhiệt huyết. Trí thích nghi với rừng núi nhờ kinh qua một thời quân sự. Người sống ở đây kín đáo không bộc bạch mà lại giàu tình thương. Họ vẫn nuôi hoài bão dù là mong manh nhưng lý tưởng để nhớ, để thương. Hình như cũng là nỗi niềm của Trí. Chính cái thầm kín đó là tác động triền miên cho một con người bất khuất, có nghĩa khí và thức thời. Chở đống củi trên chiếc xe đạp cũ, chậm rãi giữa rừng hoang, Trí giựt mình. Cắt đứt giòng suy tư trên đường về chợ, bởi; phát hiện vật lạ bên đường. Mừng thầm; đây là con thú chết dở thì may ra có bữa cho những ngày sau và kiếm được một chút tiền còm. Dừng xe. Trí chưa nhận rõ sự vật; đây không phải thú mà người. Đúng! người. Trí đến gần và nghe hơi người tỏa ra, không rõ nam hay nữ, toàn thân quấn trong một lớp áo khoát. Xốc lên vai và đẩy xe củi về nhà. Trí quyết định bỏ buổi chợ hôm nay để chăm sóc người bất hạnh. Đặt nạn nhân lên chõng tre, cởi áo ngoài thì nhận ra đây là người đàn bà còn vướng máu và tay chân bầm tím, hơi thở yếu. Trí ra sức cứu chữa người bị nạn. Xát muối, lau rửa vết thương vào người, xoa bóp tay chân cho máu lưu thông. Trí đút từng cụm nước vào miệng, đắp chăn toàn thân và lặng lẽ ra hiên sau nấu cháo. Lửa ấm, khói xông làm cho căn nhà có sinh khí. Trí có cảm giác lạ đến với mình. Thiếu nữ nằm bất động chìm vào giấc ngủ mê. Trí đặc chén cháo trên bàn và ngồi chờ đợi. Ngoài cửa sương tỏa, trời sáng ra. Cây cỏ vươn lên và nghe rõ tiếng chim hót. Trí biết hôm nay khí trời dịu không nồng lắm, buổi chợ sẽ đông người họp và thế nào cũng có khách tìm đến mua củi; nhưng gặp lúc không thấy người bán củi. Trí nghĩ trong bụng. Căn nhà lá của Trí hôm nay bận rộn hơn mọi khi; những hiện vật xung quanh trước đây nằm im trong bóng mờ, giờ hiện rõ và đang chia sẻ cùng Trí. Chàng cảm thấy vui lây và hào hứng hơn nhiều. Chừng một lát Trí thấy thiếu nữ trở mình và dướng mắt nhìn quanh, thấy người lạ mặt. nàng hét lớn như muốn tung khỏi chõng để chạy trốn. Kinh hoàng cái đêm hôm đó; bọn chúng tống nàng ra khỏi xe để người rơi xuống vực. – Nàng nhớ lại. Trí nắm tay phân bua, dỗ dành qua những lời an ủi. Trí biết nàng vừa thoát ra một cơn mộng dữ. Nàng thở dốc trong tay Trí như được che chở. Thiếu nữ ấp úng qua tiếng nói tợ như thoát chết dưới bàn tay tử thần. Trong chăn chiếu nàng nhận ra mình trần truồng. Hoảng! nàng e lệ. – Cô cứ nằm nghỉ; trưa nay áo quần sẽ khô. Trí nói. – Ông là ai? Nàng hỏi. Không nghe trả lời. Trí bước ra ngoài sân.

Liễu biết ơn Trí đã cứu sống sinh mệnh của mình. Nay ở giữa rừng sâu nàng cảm thấy an tâm và coi như đoạn tuyệt chốn phường hoa đô hội. Ở đó; đã bao lần chứng kiến những kẻ tà đạo, thất nhân tâm. Ngay cả tên giám đốc công ty lường gạt để ép nàng làm lẻ. Vì cảnh ngộ và cuộc đời Liễu ngậm đắng. Đòn thù của người vợ giám đốc cũng như đồng bọn thừa cơ thủ tiêu nàng; vừa dẹp được sắc dục của chồng vừa triệt được Liễu một tay sai phản phé làm ăn… may thay Liễu còn sống qua đôi bàn tay nhân ái của Trí. Liễu giả từ là đúng, khác gì người sống từ cõi chết. Nàng chọn nơi đây là trạm dừng chân để xây dựng cuộc đời mới. Từ khi cứu sống trong căn nhà lá này cho tới bây giờ chưa một lần Trí đặc câu hỏi tại sao và vì sao. Trí ngăn chận những gì Liễu muốn nói. Trí im lặng như không có gì xẩy ra. Y chăm sóc đời sống cho Liễu, việc lớn nhỏ một tay Trí quán xuyến. Trí yêu đời có một người phụ nữ sống cạnh mình. – Cô có thể đi khi nào cô muốn. Trí nói. Trong lời nói chân tình đó; không câu nệ, không đòi hỏi, không công lao mà chứa một tinh thần vị tha đầy tình người. Liễu không thể dối lòng trước một con người mã thượng như thế. Cuộc đời biến đổi tất cả. Không bao lâu họ ăn một mâm, nằm một chiếu. Năm sau cả hai sinh được một con trai. Trí vẫn đi bán củi. Bà con chợ Neo thấy Trí có gương mặt khác xưa nhưng trong đôi mắt ông vẫn chứa một nỗi buồn ‘vong quốc’ như vết chém còn in lằn trên thân thể tàn phế này.

Hạnh phúc tràn trề trong căn nhà lá; mới đó mà đã sáu năm, Thái Sơn con trai của Trí và Liễu thông minh đĩnh ngộ, đôi mắt sáng và mơ mộng. Thường theo cha vào rừng đốn củi, kề cận bên người thân. Trong mắt Liễu tỏ sự hài lòng thầm kín. Tuy ở rừng nhưng nhan sắc Liễu vẫn như nguyên, thanh tao với vẽ đẹp sầu muộn xứ ngàn lẻ. Tính ra sau khi sanh con; nay Liễu tròn ba mươi lăm, nàng vẫn còn xuân sắc. Đôi khi trộm nhìn Trí cũng rung động trong tim. Bởi; Trí biết phận mình, phận người mà tự nhủ lòng. Từ những ngày đó trí dốc toàn lực nuôi dưỡng vợ con như một đền bù, như một hy sinh chưa toại ý. Giờ Trí nhìn tới tương lai ở Thái Sơn. Lắm khi Trí lung lạc tư tưởng quay về thời tiền cổ nhìn con phượng hoàng mà hãi hùng và tin có ơn ‘mưa móc’ mới có Thái Sơn hay quá cả tin mà làm mất nhuệ khí người hùng…

Những tháng gần đây; Liễu đi theo chồng xuống chợ, trong một bất chợt nào đó,quá khứ trở về; Liễu nhận ra người đàn ông năm nào cùng quê đã một lần thề non hẹn biển. Người này giờ là một viên chức có địa vị cao trong dịp đến tham quan, khảo sát vùng núi.Cả hai mừng lắm; nhưng hôm nay không phải là hôm qua.

Liễu ấp ủ. Trí nhận biết và đã bắt gặp trong khoảnh khắc đó. Ôm Thái Sơn vào lòng mà tự mãn. Ngựa  quen đường cũ: ‘Em phải đi thôi. Tạ ơn anh. Cho em đổi đời. Xin lỗi anh’. Trí cầm mảnh giấy đọc, mỉm cười như đã có lần thầm nghĩ tới điều này. Nước mắt ứa ra tự khi nào. Bên ngoài cánh rừng tối đen như mực. Thái Sơn được gởi đến chợ Neo; người vợ bạn cũ của Trí nhận chăm sóc và nuôi nấng.

Vài năm sau Liễu trở lại chốn xưa thì hay tin chồng cũ của mình đã hỏa thiêu trong căn nhà lá đó, sau một tháng xa vợ, xa con. Không mộ chí mà chỉ thấy ở đây: mây, gió, nước và khí trời lồng lộng…Hằng năm vào cuối thu Thái Sơn thường về đây thăm người cha bạc phận với nén hương tưởng nhớ ./.

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab.yyc . Vào thu 1/10/2014)

*  ‘Nhưng em biết cho . sự thật đau đớn,

Tiếng khóc tôi . nhiều ai oán

Cả cõi lòng nát tan’.

(thơ: A. Rimbaud) vcl:  phỏng dịch.