Người đàn ông tài hoa và nghiêm ngắn này là một trong các dịch giả uy tín hàng đầu Việt Nam. Rà soát tên – lượng sách mà ông đã dịch, tôi khâm phục và hiểu tại sao Lê Bá Thự là chuyên gia đẳng cấp về văn học Ba Lan. Ông mải miết đam mê theo đuổi trên hành trình ấy bên người vợ đẹp và một cuộc sống với trữ lượng văn hóa đủ duy dưỡng sức trẻ tâm hồn.

Xem danh sách tác phẩm dịch của Lê Bá Thự, thấy hoàn toàn có lý khi con người ấy trong cuộc đời cống hiến đã làm tốt các vai trò: nhà giáo – nhà ngoại giao – nhà thơ – nhà văn. Tất cả các mặt của “khối rubic” Lê Bá Thự chỉ để ông chuyển hóa xuất sắc một sứ mệnh là cầu nối của văn học Ba Lan – Việt Nam liên tục 40 năm qua. Đọc Lê Bá Thự từ những tập truyện, tiểu thuyết, thơ mà ông dịch, tôi khẳng định ông là dịch giả giỏi trong tư duy nhà văn. Quê hương của thiên tài âm nhạc F. Chopin là một cường quốc văn học, chưa đầy 40 triệu dân mà có 4 nhà văn, nhà thơ đoạt giải thưởng Nobel.

Lê Bá Thự nhận là “phu chữ” của văn học Ba Lan, sản phẩm của quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam – Ba Lan, đặc biệt ở mảng văn hóa, giáo dục. Dấu ấn văn minh châu Âu trong kiến văn và lối sống ông không khỏa lấp tư duy thuần hậu, thuần phác và nỗi nhớ về quê nhà nơi ông đã sống 21 năm đầu đời nuôi hồn thơ ông. Lê Bá Thự dù đã sống qua những mùa hoa Lipa ở Warszawa vẫn thổn thức nhớ màu vàng hoa giẻ của làng Nguyệt Lãng, xã Thiệu Lý, huyện Thiệu Hóa, nơi có phần mộ cha mẹ, ông bà, nơi ông vẫn trở về hằng năm để gặp lại ký ức. Hoa giẻ vàng đồng nội ấy là biểu tượng của miền quê trong nhung nhớ mà ông đặt cho tên tập thơ năm 2002. Không tình cờ và quá lạ đâu khi ThS. Lê Bá Thự tốt nghiệp Khoa Trắc địa Bản đồ Đại học Bách khoa Warszawa, lại thành một dịch giả tên tuổi bởi ông vốn là học sinh giỏi văn, Bí thư đoàn Trường cấp 3 Lam Sơn, Thanh Hóa. Giảng dạy bộ môn Trắc địa cao cấp tại Khoa Trắc địa bản đồ Đại học Mỏ – Địa chất Hà Nội, chỉ 2 năm đến 1973, ông chuyển công tác sang Bộ Ngoại giao. Không gì tốt hơn cho người ham hiểu biết, say mê nền văn hóa nào đó bằng việc được làm nghề ngoại giao, dư điều kiện tiếp xúc, du khảo văn hóa, mạng lưới quan hệ với quốc gia mình từng du học cho dòng sông tri thức của mình. Da ngăm, vóc nhỏ, 1m60/52kg, chàng trai Thanh Hóa xuất thân từ quê nghèo, từ Ba Lan trở về Hà Nội công tác lại tự tin: nhất thiết phải lấy vợ đẹp, biết yêu văn học nghệ thuật. Một người bạn vong niên hẹn dẫn ông đến giới thiệu cho một cô ở phố Hàng Bạc. Khi đi qua nhà ông bạn ở 28 phố Nguyễn Trường Tộ, thấy con gái ông đẹp như Tây lai đang tưới cây, Lê Bá Thự khựng lại, không đi đâu nữa. Cô gái ấy là Phạm Thu Nga, hoa khôi Trường cao đẳng Sư phạm Hà Nội.

Khi du học năm 1965-1970, học bổng toàn dùng để mua sách. Phần của ông làm vốn là chiếc đầu máy khâu và 1kg len. Bao chàng trai Hà Nội theo đuổi, Thu Nga không “đổ”, lại chấm chàng trai Thanh Hóa. Có giai đoạn Lê Bá Thự phải dạy ở Mỏ Chè, Thái Nguyên, mỗi tuần đạp xe 50km về gặp người yêu, họ pha cà phê cho vào phích đá, đạp xe ra hồ Tây, có lần đang tâm sự thìcòi báo động máy bay, vứt cả xe chạy xuống hầm, còi báo yên lên vẫn còn xe mang biển số. Đầu
máy khâu và len bán đủ tiền mua nửa căn hộ 16m² trong ngõ 83 Hàng Bột. Họ cưới nhau năm 1973.

Làm việc tại Đại sứ quán Ba Lan, từ 1973-1995, Lê Bá Thự là phiên dịch cho 7 đời đại sứ. Ông là Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan từ 1996-2000. Chính sự gắn bó với công việc, được sống ở đất nước của âm nhạc và thi ca, nên ông thông hiểu mọi phong tục và văn hóa Ba Lan, coi đây là quê hương thứ hai.

Ông chuyển ngữ cuốn nào cũng được bạn đọc đón nhận. Tôi đồng cảm ông ở tinh thần luôn nỗ lực, giỏi tiếng Việt, dịch giả còn phải giỏi ngôn ngữ, thông hiểu văn hóa mà mình dịch. Ông giàu tình bạn và hiểu biết văn hóa Ba Lan để dịch đúng và hay 25 tác phẩm văn học, trong đó có 11 tiểu thuyết, 6 tập truyện ngắn, 1 tập thơ, 4 tập truyện cười, không quên dịch 3 tập cho thiếu nhi – NXB Kim Đồng. Làm được nhiều việc thế và đến giờ vẫn không ngán ngại tuổi tác dù ở tuổi 72, bởi Lê Bá Thự có lối sống điều độ và sự giúp đỡ của người vợ đẹp.

Năm 1983, ông bị xuất huyết dạ dày, phải điều trị tại bệnh viện (BV) Saint Paul, nơi hai con ông được sinh ra. Bác sĩ (BS) phát hiện ông loét bờ cong nhỏ, có nguy cơ ung thư. Vài tháng sau, ông phẫu thuật tại BV Bạch Mai, BS Vương Hùng, Chủ nhiệm Khoa Ngoại đã cắt 2/3 dạ dày ông. Một tuần sau, ông lại bị xuất huyết dạ dày, phải mổ cấp cứu gây tê, phải cắt tiếp 4/5 dạ dày, gọi là cắt dạ dày dưới tâm vị, chỉ còn lại chút xíu, phải kéo ruột lên nối làm dạ dày. Ra viện, ông chỉ ăn cháo bằng chén nhỏ nhiều lần trong ngày, 5 năm sau ông mới ăn được cơm. Cuộc đại phẫu thuật đã thay đổi cuộc sống của ông từ thực đơn đến tập quán ăn uống. Lê Bá Thự không thể ăn đồ cứng, khó tiêu vì dịch vị ít, hạn chế đồ cay nóng. Lúc ốm đau nhất ông vẫn lạc quan, không sợ chết. Ông ăn thức dễ tiêu, mềm, độ dinh dưỡng cao. Theo lời cảnh báo của BS, phải quyết tâm rất lớn dịch giả mới bỏ hẳn thuốc lá năm 1992. Sau 10 năm đến 1993, ông trở lại sức khỏe bình thường, uống một chút rượu. Từng thi bơi hồi trẻ ở quê, thỉnh thoảng, ông vẫn đến bể Khi chưa mổ, nhà văn đi bộ, cử tạ mỗi ngày. Sau mổ một thời gian, ông đi bộ trở lại và tập tạ từ 1993. Hiện nay, mỗi sáng ông tập thể dục trên sân thượng bằng “tạ Bác Hồ”, loại tạ đúc bằng gang, cử đẩy 25 lần, đứng lên ngồi xuống 100 lần, đi bộ 30 phút quanh sân thượng 16m². Trước kia, ông thường làm việc đến 1 giờ đêm, giờ chỉ làm đến 23 giờ, dịch vào buổi sáng. Không chophép mình được nghỉ, ông lo lắng bởi những dịch giả chuyên nghiệp dịch văn học Ba Lan đều
tuổi cao mà chưa thấy ai nhiệt tâm kế cận. Ông đã dịch tác phẩm của 30 nhà văn nhà thơ Ba Lan, với số lượng đầu sách nhiều nhất trong số các dịch giả Việt Nam dịch ngôn ngữ này. Tập truyện ngắn Vợ chưa cưới Chủ nhật (NXB Phụ nữ) của nữ văn sĩ Hanna Samson là kết quả lao động cật lực của ông từ đầu năm, sẽ ra mắt đầu tháng 11 này. Coi trọng vệ sinh và bận rộn công việc, ông bà không nuôi động vật, chỉ trồng 2 cây chanh, 2 cây si, hoa lựu, ngâu trên sân thượng và nhà luôn có hoa tươi. “Phu chữ” Lê Bá Thự thuở đầu dịch, ví như tiểu thuyết Pharaon – Boleslaw Prus (NXB Lao động, 2004) viết vào 30 quyển vở rồi gõ máy chữ lại. 10 năm gần đây, ông tự học và dịch trực tiếp vào máy tính, kể từ tiểu thuyết Hoang thai của Dorota Terakowska (NXB Phụ nữ, 2006). Ông không dùng từ điển Ba Lan – Việt Nam vì không đủ từ mà xem bằng từ điển ngôn ngữ Ba Lan. Có những từ quá hiếm thì ông mới hỏi đến chuyên gia văn hóa. Cật lực dịch nửa năm được nhuận bút 10 triệu, ông không kêu than. Bao nhiêu thứ tăng giá, thay đổi mà chế độ Nhà nước vẫn chưa trân trọng người làm văn học, văn hóa bởi chế độ nhuận bút, đãi ngộ rẻ mạt, bèo bọt. Ông lấy thành quả của sứ mệnh miệt mài giới thiệu văn học Ba Lan đến xứ sở mình, lấy cái lãi của tinh thần, của niềm vui độc giả làm trọng.

Dịch giả mê nhất món cá biển kho, ăn quanh năm, được bà vợ chiều chồng nên cơm – canh – cá – cà là công thức “ruột”. Cá đồng, cá sông thì kho giềng, cá biển kho sả, gừng. Lọ muối vừng thường trực. Mọi đồ xào, rán đều dùng dầu. Món khoái khẩu của Lê Bá Thự: cá kho, các món xào, canh mùng tơi, rau dền, chịu khó ăn mướp đắng kèm ruốc. Vui thì uống chút bia, vợ không ngăn, vì ông rất biết điều tiết; bà còn cho rằng bia là men tốt. Nhà sẵn rượu thuốc, rượu đặt ở quê, thuốc thì bắt mạch và cắt tại BV Y học cổ truyền TW. Là “người nhà” của Đại sứ quán Ba Lan nên những món ăn, đồ uống tinh túy nhất của nước này ông đều tường tỏ. Jambon Ba Lan rất ngon, được xuất khẩu sang Mỹ; bắp cải muối nấu xúc xích là món truyền thống; rượu bò rừng lại loại rượu ngon, nhãn in hình con bò rừng và trong chai có vài cọng cỏ, loại cỏ mà bò thường ăn, thứ cỏ này có thể chống ung thư. Ông bà ít ốm đau, khi ốm bà Nga thường dùng thuốc Nam và Đông y, coi ăn uống điều độ là cách hỗ trợ tốt nhất.

Những công trình nhà máy, bệnh viện mà Ba Lan giúp Việt Nam xây dựng từ nền công nghiệp đóng tàu, truyền hình phát triển là những vật chất nhìn thấy và nhiều người biết đến. Nhưng những công trình văn hóa có giá trị truyền thế hệ có công đóng góp của Lê Bá Thự – người đã coi việc dịch là một cảm hứng sống, chỉ duy nhất nó khiến ông có thể quên ăn ngủ, quên… tắm giặt và thậm chí cả vợ mình.Một cuộc sống đầy tràn, lành mạnh và thăng hoa khi dồn hết tâm trí và năng lượng vào văn chương tìm những cái hay đẹp. “Người Ba Lan” Lê Bá Thự sống sâu sắc cho đam mê ấy.

Theo Vi Thùy Linh – Sức khỏe và đời sống

Exit mobile version