Tôi nghĩ rằng những câu chuyện như tôi sắp viết dưới đây sẽ có thể còn nữa. Và đó là bi kịch của không chỉ riêng dân tộc Việt. Những “vương quốc” ma tuý thuốc phiện đã mọc lên nhan nhản trong khắp các ngõ ngách, khắp các vùng thung lũng ẩn dưới những non cao rừng thẳm trên khắp thế giới. Biết bao con người bị tha hoá, trở thành ác quỷ. Nhưng, loài người vẫn đang đồng lòng chiến đấu chống lại cái chết trắng. Và còn rất nhiều những con người bình thường đã trở thành anh hùng trong cuộc chiến đấu khốc liệt với loại tội phạm quốc tế nguy hiểm này.

Chúng tôi dừng chân bên con đường từ Điện Biên đi cửa khẩu quốc tế Tây Trang, giữa lưng chừng đèo. Chưa nhảy xuống khỏi xe đã thấy mấy cán bộ Phòng Công tác Chính trị cầm bó hương đi tới mấy nấm mộ bên đường. Gương mặt ai nấy đều rầu rầu. Rồi thì cả đoàn được biết ba nấm mộ ven đường này chính là của ba người đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ chống tội phạm ma tuý: một là trung uý Phạm Văn Cường, còn hai nấm kia là hai đặc tình của ta.
Mọi người xếp lại từng viên đá, thắp hương và đốt tiền vàng cho họ. Đầu giờ chiều ngang dốc đèo, nắng biên cương óng ả, những vệt khói hương tạo thành những vòng tang mỏng manh mà nặng trĩu trong lòng chúng tôi. Giá như không có cái cảnh tang tóc này, nắng núi Điện Biên như mật vàng rót xuống sườn núi sẽ tạo nên một cảnh sắc kỳ bí và thơ mộng.
Phạm Văn Cường là người trẻ tuổi nhất trong số những anh hùng liệt sĩ của Công an Điện Biên. Cũng đã có khá nhiều bài báo viết về tấm gương hy sinh dũng cảm của anh trong trận chiến đấu với bọn tội phạm ma tuý. Bài viết này của tôi cũng chỉ là một nén hương thắp lên tưởng nhớ ghi ơn anh.

Liệt sỹ Phạm Văn Cường

Phạm Văn Cường sinh ngày 3 tháng 8 năm 1976, quê tại thôn Thanh Kỳ, xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Nhưng bố mẹ anh lại lập nghiệp ở xã An Đông, huyện An Hải, thành phố Hải Phòng. Anh vào ngành công an vào tháng 10 năm 1996, và vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 18 tháng 6 năm 2001.
Tháng 10 năm 1998, anh tốt nghiệp Trung học cảnh sát nhân dân 1 và tình nguyện lên nhận công tác tại Công an tỉnh Lai Châu, và được phân công ngay về Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma tuý.
Ngay trong quá trình học tập tại trường, tuy tuổi còn trẻ, dáng người lại nhỏ thó, nhưng anh đã bộc lộ khả năng nhạy bén sắc sảo trong công tác nghiệp vụ. Chính vì thế, khi vào cuộc đấu tranh phòng chống ma tuý, anh thường được nhận những nhiệm vụ cần sự thông minh nhạy bén.
Cũng có những chuyện hi hữu về dáng người nhỏ thó của anh. Mọi người kể Cường người gầy nhỏ đến mức, có lần vồ được một tên trùm ma tuý ở sát biên giới Tây Trang. Tên này khá khoẻ. Hắn chống cự quyết liệt rồi túm được Cường liền bế anh quay tít một vòng trên không. Bằng những thế võ hiểm có được anh mới hạ gục được hắn.
Mặt trận đấu tranh chống tội phạm ma tuý trong những năm gần đây là một mặt trận khó biết trước được thế trận, cực kỳ khó khăn gian khổ và nguy hiểm luôn rình rập. Bằng sự mưu trí dũng cảm, và đặc biệt là tinh thần đấu tranh không khoan nhượng, Phạm Văn Cường đã cùng đồng đội phá hết vụ án này đến vụ án khác.
Chuyên án 29811, lãnh đạo giao nhiệm vụ tiếp cận đối tượng. Trong quá trình kiểm tra hàng, thấy có dấu hiệu, anh đã nhanh trí đánh gục đối tượng, tạo cớ cho lực lượng của công an mai phục bắt gọn tên Lò Văn Hịa, thu được 4,9 kg thuốc phiện.
Chuyên án 192T lập ngày 24 tháng 12 năm 1998, anh được giao nhiệm vụ tiếp cận đối tượng, xác định địa điểm giao hàng để thông tin cho lực lượng vây bắt. Trong tình huống rất bất ngờ, với thân hình nhỏ bé, nhanh nhẹn, anh đóng vai một trẻ chăn trâu, cởi trần, mặc quần đùi áp sát mục tiêu. Bọn tội phạm không hề nghi ngờ về cậu bé chăn trâu nọ. Khi xác định chắc chắn đối tượng có hàng, anh đã dũng cảm lao vào tấn công, đồng thời làm tín hiệu cho đồng đội phối hợp bắt gọn tên Quàng Văn Tính, trú tại đội I Thanh Châu, thu 1,9 kg thuốc phiện.
Tháng 12 năm 1999, sau khi nhận được đơn tố giác của quần chúng nhân dân ở thị xã Lai Châu về đối tượng Nguyễn Anh Dũng tổ chức bán lẻ ma tuý. Nhà hắn có chó bảo về rất cẩn mật. Tên Dũng lại có vũ khí. Lãnh đạo Phòng đã cử tổ công tác trong đó có Phạm Văn Cường tham gia chuyên án này. Anh đã khéo léo sử dụng cơ sở quần chúng để tiếp cận đối tượng, đánh lừa lũ chó. Chuyên án bị phá, ta bắt được tên Dũng, thu 9 gói thuốc phiện, 1 súng AK, 2 thỏi mìn, 20 kíp mìn.
Đặc biệt, ngày 12 tháng 9 năm 2001, qua nguồn tin cho biết có Lê Thị Inh, trú tại bản Na Có, xã Sam Mứn, huyện Điện Biên là đối tượng chuyên móc nối, môi giới tiêu thụ hêrooin cho các đối tượng là người H’mông ở bản Na Ư và một số đối tượng người Lào.
Lãnh đạo Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý (PC 17) họp bàn và sơ bộ nhận định (trích nguyên văn bài viết của trung uý Vũ Mạnh Hà, Phó phòng Chính trị):
“Đây là một đường dây ma tuý lớn, địa bàn rộng, hiểm trở, có nhiều đối tượng và có thể cả đối tượng người nước ngoài tham gia. Kinh nghiệm từ thực tiễn công tác cho biết, những đường dây ma tuý quy mô như thế thì thường bọn tội phạm hoạt động có tổ chức chặt chẽ, thủ đoạn tinh vi, bản chất côn đồ và liều lĩnh, có trang bị vũ khí và chống trả quyết liệt nếu bị truy bắt. Chuyên án mang bí số 201.G được hình thành với 7 thành viên, thiếu uý Phạm Văn Cường-cán bộ Phòng PC 17 – được giao nhiệm vụ xâm nhập để điều tra…”
Khi nhận nhiệm vụ, Cường suy nghĩ phương án rất kỹ càng. Anh lang thang trong các làng bản hàng tháng trời, vạch kế hoạch tỉ mỉ về cách tiếp cận đối tượng, và xác định mũi tấn công bắt đầu từ đâu. Khi xác định đã hoàn tất khâu chuẩn bị, anh báo cáo với lãnh đạo phương án phá án.
Ngày 6 tháng 10 năm 2001, lúc 17 giờ, một tổ công tác được hoá trang như dân thường lặng lẽ rời đơn vị theo hướng Tây Nam, bí mật phong toả bản Na Hai, xã Sam Mứn. Trời Điện Biên đã sâm sẩm tối. Mọi người ai nấy đều đã trở về nhà quây quần sau một ngày lao động.
Tổ công tác nằm phục ở một nơi phía dưới, Cường và hai đặc tình của ta đi lên điểm đón lõng. Đúng 17h30, trong màn đêm dày đặc, các đối tượng lần lượt xuất hiện.
Đợi chúng vào đúng tầm phục kích, ám hiệu áp sát đối tượng được bí mật truyền đi. Thấy động, một tên đã liều lĩnh dùng AK bắn cả tràng về phía Cường lúc này chỉ còn cách đối tượng đầu tiên vài bước chân. Anh bị trúng hai viên và ngã xuống. Khi đó đồng đội mới kịp chạy đến. Lợi dụng đêm tối và địa hình hiểm trở, bọn tội phạm đã tẩu thoát về phía Tây Trang.
Phạm Văn Cường hy sinh anh dũng. Nhưng bọn tội phạm đã tẩu thoát. Công an Điện Biên đã hạ quyết tâm truy bắt bằng được đường dây tội phạm nguy hiểm này. Một chiến dịch điều tra truy quét căn cứ vào báo cáo của Phạm Văn Cường được định hình trên diện rộng. Cuối cùng chuyên án đã được phá. Tổ chuyên án đã bắt 32 đối tượng trong toàn bộ đường dây, thu được 10 tỷ đồng, 1 máy dập hêrooin, nhiều vũ khí nguy hiểm như súng K54, AK… Chuyên án này đã thu được lời khai khá quan trọng của các đối tượng, đặc biệt chúng khai đã buôn bán trót lọt 164 bánh hêrooin!
Mới 25 tuổi đời, 3 năm tuổi quân và gần 4 tháng tuổi Đảng, Phạm Văn Cường mãi mãi nằm xuống, để lại niềm tiếc thương của đồng đội. Ai cũng nhớ nụ cười và sự chân thành của anh khi sống cùng đồng đội.
Đảng uỷ và Ban Giám đốc Công an tỉnh đã quyết định truy phong quân hàm trước niên hạn cho Phạm Văn Cường, từ cấp thiếu uý lên cấp trung uý; đồng thời phát động phong trào học tập noi gương tinh thần dũng cảm hy sinh và ý chí cương quyết tấn công tội phạm của anh. Ngày 24 tháng 10 năm 2001, Đoàn thnah niên cộng sản Hồ Chí Minh – Bộ Công an đã phát động đợt thi đua “Tuổi trẻ lực lượng CAND học tập gương chiến đấu dũng cảm của liệt sĩ – trung uý Phạm Văn Cường”. Công an tỉnh có văn bản đề nghị truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Khi chúng tôi được nghe kể về anh, thật giản dị, anh chỉ là một người em rất đỗi chịu thương chịu khó của Phòng PC17. Mọi người kể rằng, cứ hễ có một chuyên án nào đó là anh lại xung phong đi trinh sát. Anh nói rằng mình chưa vướng bận gì, nên có thể lên đường bất cứ lúc nào. Anh ăn ít, chẳng mấy khi biết diện bộ quần áo nào khác ngoài mấy bộ quân phục. Gia tài của anh để lại là mấy bộ quần áo có thể đóng giả làm người bản Mông hay Thái… Bất cứ nhiệm vụ nào trên giao cho cũng được anh hoàn thành một cách xuất sắc, nhiều khi kết quả vượt cả sự mong đợi của lãnh đạo. Mới qua 3 năm công tác (từ tháng 10 năm 1998 đến tháng 10 năm 2001), “anh đã trực tiếp tham gia phá 78 vụ án hình sự các loại, bắt 132 đối tượng, thu 9,63 kg hêrôin, 39 kg thuốc phiện cùng hàng trăm liều, bi, tép ma tuý lẻ; thu 15 khẩu súng các loại, 34 viên đạn và lựu đạn cùng nhiều loại hung khí khác”.
Anh em Phòng PC 17 của Công an Điện Biên còn kể lại:
“Có những chuyên án, ví dụ chuyên án 4.99-P, chuyên án 8.98-H. chuyên án 3.99-N… cấp trên tin tưởng cho phép anh toàn quyền quyết định những tình huống đột xuất, chỉ với một yêu cầu – một yêu cầu có tính nguyên tắc – đó là đảm bảo giành thắng lợi tuyệt đối. Cường cũng đã bị các đối tượng “thử thách” bằng nhiều cách, nhưng cuối cùng anh vẫn hoàn thành nhiệm vụ nhờ sức chịu đựng gan góc, tinh thần mưu trí, biết cách khai thác và xử lý những tình huống nội tuyến nhạy cảm và biến cải khó lường trước. Chính vì thế mà mới có 3 năm công tác trong ngành, Phạm Văn Cường đã được kết nạp vào Đảng lúc mới hơn 2 tuổi quân, được tặng thưởng nhiều Bằng khen của Bộ Công an và Uỷ ban nhân dân tỉnh Điện Biên, được tặng nhiều Giấy khen của Giám đốc Công an Điện Biên và các cơ quan, ban ngành khác tại địa phương…”.
Nhưng có lẽ danh hiệu cao quý nhất mà anh có được và đã để lại cho người thân cùng bạn bè đồng đội, đó là niềm kính trọng biết ơn của người dân Điện Biên đối với người đã góp phần thanh lọc những u tối đau khổ trong mỗi gia đình khi con em họ bị đứng trước nguy cơ trở thành nạn nhân của cái chết trắng.
Ngày 26 tháng 3 năm 2002, theo Quyết định 716 của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, trung uý liệt sĩ Phạm Văn Cường vinh dự được bầu chọn là một trong mười gương mặt đoàn viên tiêu biểu toàn quốc năm 2001. Ngày 10 tháng 2 năm 2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định số 879/2002, truy tặng anh danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”.
Chúng tôi đi lên cửa khẩu Tây Trang trong tâm trạng khắc khoải. Từng đàn dê núi gặm cỏ bên những cánh rừng, dường như tạo nên một bức tranh thanh bình. Đây đó, sát cửa khẩu Tây Trang, những bông hoa loa kèn đỏ nở bung dưới ánh hoàng hôn tím.
Bên kia là nước bạn. Rừng trùng điệp rừng. Nhiều năm nay Công an Điện Biên đã làm được một điều lớn lao vô cùng, đó là đã hầu như kiểm soát và ngăn chặn được ma tuý thẩm lậu qua địa bàn.
Tuy nhiên, vùng biên trải dài mấy tỉnh phía Bắc cũng như miền Trung bộ của chúng ta còn khá nhiều điều nhức nhối.
Chỉ cách không xa nơi anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Cường nằm, phía bên kia biên giới, một vài “chợ ma tuý” vùng biên vẫn đang hoạt động một cách liều lĩnh. Nơi ấy có các tay súng thân hình săm trổ, lăm lăm sát khí bên cạnh những mẹt hàng cần sa, thuốc phiện, hêrôin… Những ả gái điếm lả lơi, những cơn nghiền biến dạng mặt người. Tất cả, đều khiến cho các chiến sĩ cảnh sát của chúng ta ngày đêm luôn phải sẵn sàng chuẩn bị lên đường.
Chắc chắn, linh thiêng linh hồn anh hùng liệt sĩ Phạm Văn Cường sẽ mãi dõi theo bước chân đồng đội; soi sáng, chở che cho họ thoát khỏi những hiểm nguy luôn rình rập, để họ ra đi và nhất định sẽ trở về mái nhà bình yên của mình…

VTXH

*Trong bài có sử dụng tư liệu của: Công an tỉnh Điện Biên, Nhà xuất bản Công an và đồng nghiệp

Nguồn: TCNV