Sở dĩ người ta thích đọc truyện ngắn là vì nó ngắn nó nhanh gọn, lúc nào rảnh thì đọc một truyện rồi lại kê đầu giường hôm khác đọc tiếp. Lúc đầu khi cầm tập truyện ngắn này tôi cũng sẵn cái ý nghĩ ấy, buổi tối hết việc thì đọc sách cho đỡ chán chứ không nghĩ mình có thể chong đèn suốt một đêm lạnh để đọc hết một tập truyện trong cái thời tiết cắt da cắt thịt này.

Và khi đọc xong rồi thì tôi gọi tập truyện ngắn Ngược gió ngược nắng của tác giả Phạm Thị Phong Lan là tập truyện viết riêng cho người đàn bà ở phố.


Bìa sách

Đối với mảng đề tài này, đất để khai thác nó khá rộng, phong phú, chỉ riêng dựa vào vốn sống sự trải nghiệm của một người từng trải đã có những câu chuyện hay nhưng Phạm Thị Phong Lan đã biến từ những “chuyện” thường ngày thành “truyện” đáng đọc. Mà tôi tin rằng những người đàn bà đã và đang ở phố sẽ say những câu chuyện của chị.

Đàn bà ở phố mang cái đẹp đến từ hiện đại, thông minh sắc sảo đấy, đầy tính toan thu vén đấy, nhưng cũng có những phút chao chát đến đắng lòng, có những khoảng trống cô đơn khôn tả. Người đàn bà nào cũng có câu chuyện tình để kể, có những chọn lựa, đắn đo mang tính đời thường. Văn của Phạm Thị Phong Lan không trau chuốt về câu chữ mà mạnh về giọng điệu kể chuyện, câu chữ bình dị, chân thật hòa với giọng du dương ngọt ngào khiến cho các câu chuyện nhuốm màu cổ tích. Mà chuyện đời sống con người hiện đại xô bồ thế, chao chát thế mà lại rất cổ tích thì thật lạ.

Bắt gặp trong truyện ngắn Ngược gió ngược nắng hình ảnh người đàn bà ở phố vẻ đẹp sắc sảo, thông minh, giảo hoạt, biết thu vén cho chồng con, yêu hết lòng mà cũng cay nghiệt đến tận cùng. Đàn bà khôn chồng sẽ được nhờ, đấy là câu nói thường ngày của người đời, nhưng thực chất nó cũng có chiều ngược lại. Một nhân vật Minh biết lo lót cuộc bầu bán chức quyền cho chồng, Tân nhậm chức trong sự ngỡ ngàng như một giấc mơ mặc dù anh muốn chuyên tâm làm phần việc của mình. Nhưng cũng đẩy cuộc sống hôn nhân của hai người vào bế tắc. Sự dàn dựng khéo léo cho một cuộc ngoại tình ảo của Tân với mục đích dập tắt sự tham vọng của Minh. “Vậy là cuối cùng anh đã giữ đúng quy ước: có thể phản bội nhưng không được phép lừa dối nhau. Tôi châm một điếu Careven, khói thuốc vẩn lên trong không gian phòng ngủ rồi luồn nhẹ qua khe cửa sổ, tan vào màn đêm. Dụi kỹ đầu lọc vào đáy gạt tàn, tôi bước về phía tủ áo. Chỉ cần chiếc áo choàng dài đủ ấm cho đêm nay, không hơn…” Đàn bà ở phố không những tham vọng mà còn giỏi phô bày cái sắc lạnh, một chút kiêu ngạo của mình đằng sau một trái tim tan nát.

Cổ tích tình yêu lại là câu chuyện tình của Lan Anh – một cô gái sinh ra và lớn lên ở thành phố với Trung anh lính biên phòng chuyên nuôi và huấn luyện chó nghiệp vụ. Lan Anh là cô gái cá tính, hết lòng cho tình yêu, cô chấp nhận hy sinh bản thân mình cho một ông sếp già để xin được chuyển công tác cho Trung nhưng cuối cùng cô đã nhận ra ý nghĩa thực của tình yêu. Đối với những người yêu nhau, khoảng cách và mặc cảm giàu nghèo sẽ được xóa nhòa hết và những toan tính đôi khi lại quá thừa. Trong truyện có một chi tiết rất hay thế này “… Tha lỗi cho em, Trung. Tất cả những toan tính khốn kiếp đó chỉ vì em muốn không còn phải xa nhau. Em chưa kịp làm điều gì có lỗi. Mãi mãi em chỉ yêu anh.”. Trong sự xô bồ của cuộc sống hiện đại, người phụ nữ phải sàng lọc chưng cất cho mình những ý vị riêng từ những điều nhỏ bé, đôi lúc phải trả giá quá đắt để hiểu về ý nghĩa thực sự của tình yêu.

Cất giữ yêu thương, Con gái xứ Đoài là hai truyện ngắn khai thác tâm lý nhân vật khá đạt. Đàn bà thì luôn chọn sự bình yên, họ sẽ luôn chọn bình yên là giải pháp cuối cùng cho tình yêu. Cả nhân vật Nàng và cả nhân vật Em trong Con gái xứ Đoài đều có những tâm trạng, nỗi bất an về hạnh phúc gia đình. “Nàng rời bỏ anh để tìm giải pháp cho cuộc đời mình, và cũng chính nàng lại dùng anh như một giải pháp để nâng cấp cái chương trình đó thêm hoàn hảo. Cuối cùng thì anh, cả Hoan nữa, không thoát khỏi cái vòng quẩn quanh nàng giăng cho cả ba người.” và “Em rất yêu anh. Nhưng em đã cạn lòng kiên nhẫn để chịu đựng những thử thách. Ở lại, em sẽ bị tước đoạt hết cả lòng tự trọng. Lúc đó, anh sẽ mất em thật đấy, Dũng ạ!”.

Cà Phê tan, Mối tình đầu, Nắng chiều, Ngược gió, Trong thương nhớ trở về lại là những truyện ngắn gợi nên nét bảng lảng, nhân vật người phụ nữ dù là nhân vật chính, người dẫn truyện đi chăng nữa thì vẫn thấp thoáng đâu đó nét cô đơn giữa phố thị. Tấm bảng, Ranh giới là hai truyện ngắn hấp dẫn bởi tính truyện, cách dẫn dắt linh hoạt và khéo. Truyện mang đậm hơi thở cuộc sống hiện đại, trong truyện Phạm Thị Phong Lan đã viết những đoạn văn hay, giữa cái lãng mạn đẹp đẽ xen lẫn cái thực tại trần trụi. “Nửa đêm. Ánh trăng huyền hoặc phủ lớp bạc mỏng trong suốt. Không có đến một tiếng côn trùng. Dường như mọi vật đều bị chìm trong bí mật. Có tiếng gõ cửa dè dặt, rồi tiếng Tùng “Đi uống bia”. Hay cảnh sông Tranh đầy thơ mộng trong Ranh giới Cầu sông Tranh về đêm cao rộng như muốn nối hai đường chân trời xích lại gần nhau hơn. Mái tóc em trôi trong gió, vờn lên môi gã một vũ điệu nồng nàn. Gió lạnh khiến em hơi rùng mình, nét run rẩy đó chạm vào gã một lời thức tỉnh”.

Đọc Ngược gió ngược nắng của Phạm Thị Phong Lan thì thấy cái kiểu đan xen giữa lãng mạn và hiện thực này nó dễ đọc và có sức hút với độc giả. Mạnh về cách dẫn truyện, giọng điệu và chi tiết, nếu tác giả nghiêng hẳn về lãng mạn hay hiện thực thì chưa chắc đã thành công.

Các nhân vật trong truyện ngắn Phạm Thị Phong Lan đều là những nhân vậy nữ cá tính, có bản lĩnh, có sự khắc khoải, cô đơn dù mỗi truyện ngắn được kể bằng những ngôi kể khác nhau nhưng nó vẫn theo dòng, bảng lảng du dương, buồn và ám ảnh. Liệu rằng nó có làm cho tập truyện trở nên một màu quá không? Khi mà đàn bà thì cứ xoay quanh những toan tính, những dự liệu cứ loay hoay để đi tìm cái ý nghĩa đích thực của tình yêu, cứ cầu toàn mãi. Nhưng rồi đọc thì thấy truyện nào cũng có cái tứ riêng, rồi mới nghiệm ra rằng chỉ xoay quanh để viết về những cung bậc cảm xúc của đàn bà cũng là những câu chuyện bí ẩn rất lạ và hay rồi.

Nguồn: vanhocquenha