Ngược gió ngược nắng – một tập truyện ngắn ấn tượng, xoay quanh đề tài tình yêu, hạnh phúc gia đình trong cuộc sống hiện đại đầy biến động. Nhân vật trong tập truyện ngắn của Phạm Thị Phong Lan chủ yếu là các nhân vật nữ có cá tính, thông minh, xinh đẹp đặc trưng cho hình ảnh người phụ nữ hiện đại. Hiện đại nhưng vẫn rất truyền thống, họ vượt qua biết bao khó khăn để đi tìm hạnh phúc đích thực của riêng mình

Giữa vòng tiền bạc, công danh các nhân vật đã phải đấu tranh, chống chọi ra sao để giữ được mái ấm của mình. Đó là những câu chuyện thú vị, nhiều chiêm nghiệm mà tác giả muốn gửi tới bạn đọc.

Thông tin sách:

Tên sách: Ngược gió ngược nắng

Thể loại: Truyện ngắn

Tác giả: Phạm Thị Phong Lan

Khổ sách: 13 x 20,5 cm

Số trang: 166 trang

Trình bày bìa: Nguyễn Anh Vũ

Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết với NXB Văn học, 2013

tonvinhvanhoadoc xin trân trọng gửi đến bạn đọc một truyện ngắn trong tập Ngược gió ngược nắng của tác giả Phạm Thị Phong Lan.

Trong thương nhớ trở về


Giữa tuần, mẹ gọi: “Chủ nhật này giỗ ông ngoại. Mấy chị em thu xếp mà về cho đông đủ”. Đúng ngày là thứ tư tuần sau. Nhưng năm nào cũng chọn chủ nhật gần với ngày ông mất để cúng giỗ. Khi còn sống ông vẫn bảo: “Người chết là hết. Đừng câu nệ nhiều làm khổ con cháu”. Ông lúc nào cũng chỉ lo mình làm khổ con khổ cháu.

Về quê – niềm rưng rưng không cắt nghĩa nổi mỗi khi Vân nghĩ đến hai tiếng ấy. Thực ra quê chỉ cách nhà của bố mẹ Vân khoảng ba mươi phút đi xe máy, cách cái hộp bê tông cửa kính ngày ngày Vân đến vùi đầu vào sổ sách giấy tờ có 70km theo đường quốc lộ 32. Nhưng từ khi ông mất, mấy chị em Vân chỉ về vào dịp tết và ngày giỗ của ông bà. Có nhiều lúc mẹ ngồi bần thần ở bậc cửa, mắt rơm rớm như trách móc, tủi hờn: “Con cái lớn rồi đi hết, cuối cùng thì đến cả nhang khói cho cha mẹ cũng lạnh lẽo”. Các dì ở gần hơn, nhưng bận bịu việc đồng áng, không phải lúc nào cũng qua lại chăm nom hương khói thường xuyên được. Mẹ là con cả, Vân là đứa cháu  đầu tiên. Tuổi thơ của Vân gắn với làng quê, với ông bà ngoại nên Vân hiểu nỗi buồn trong lòng mẹ.

Ngôi nhà cũ nằm tận cuối xóm ven sông Đà. Nhà bốn gian lợp ngói âm dương, có bậc tam cấp, sân gạch rất rộng. Mùa gặt, hàng xóm kìn kìn gánh lúa sang phơi nhờ. Đến vụ cấy, sân thành tấm thảm xanh non màu mạ. Mỗi nhà gieo một khoảnh, chăng dây chuối để ngăn cách từng ô, trông như cánh đồng được thu nhỏ mang về đặt ngay trước cửa mà mỗi buổi sáng thức dậy lại thấy màu xanh chuyển sang một gam mới. Nhưng Vân ghét nhất việc cọ rửa sân sau khi đám mạ được mang hết ra đồng, thường càu nhàu suốt cả buổi. Ông bảo: “Con không được cau có như thế, hàng xóm tắt lửa tối đèn có nhau. Sau này con đi xa, ông bà cũng phải nhờ đến họ”. Vân khi đó còn quá nhỏ, không hiểu được nỗi lo xa của ông, chỉ thấy bực bội vì bị chia sẻ tình cảm cũng như những thứ nhỏ nhặt như bát gạo, vốc muối hàng ngày.

Vân đến tuổi vào học lớp một, bố mẹ chuẩn bị cho ngày khai giảng rất chu đáo. Quần áo cặp sách giày dép đều mới toanh, thơm phức. Nhưng quá ngày khai giảng cả tuần rồi mà vẫn chưa được đi học. Thì ra Vân là thế hệ con em đầu tiên của mấy trung tâm chăn nuôi được thành lập bằng viện trợ của CuBa sau ngày giải phóng, chưa ai nghĩ đến việc phải có một trường tiểu học ở đây. Vậy là khu nhà kho chứa cỏ của trung tâm bò giống được cải tạo thành ba lớp học. Các phụ huynh tất bật lao vào quét vôi, đóng bàn ghế, đắp bảng đen. Bác giám đốc trung tâm phải mất mấy ngày cạy cục mới xin được giáo viên từ trường tiểu học của địa phương về dạy con em công nhân. Cô giáo miền núi quen cách dạy học sinh dân tộc thiểu số, lên lớp giảng bài chiếu lệ cho xong để còn về nấu rượu nuôi lợn. Bố mẹ nhìn nhau lo lắng. Đúng lúc đó ông ngoại đạp xe vào chơi, ông xem vở của cháu xong, ngay lập tức đưa Vân về học ở trường làng.

Về quê, như con gà nuôi nhốt lâu ngày được thả ra giữa cánh đồng. Vốn hiếu động lại bướng bỉnh, đứa cháu ngoại nhiều phen làm ông bà mệt đứt hơi với những trò tai quái. Vân cũng đủ ranh mãnh để “dọa” lại ông mỗi khi ngọn roi mây giơ lên: “Ông mà đánh đau là con về bà nội luôn, cho ông bà ở một mình”. Nhà bà nội chỉ cách đó hai cái hàng rào, ngày nào cũng vài lượt chui qua chui về. Ông hạ roi xuống, quay vào bàn ngồi trầm ngâm hàng giờ, đôi mắt ông buồn hẳn đi. Hồi đó hai dì chưa lấy chồng, đều đi công tác xa nhà, nhà chỉ có mình Vân là trẻ con, được chiều chuộng sinh ra quá trớn. Bù lại, năm nào cũng đạt học sinh giỏi nên được tha bổng cho nhiều tội lỗi trong suốt mười hai tháng phá phách từ nhà ra đến trường.

Dì út đi lấy chồng, dì hai gửi em bé về quê cai sữa. Bà vừa quấy bột trong cái xoong nhỏ xíu vừa dặn: “Bây giờ có em rồi, con phải gương mẫu thì em mới ngoan”. Ông lập một thời khóa biểu dán lên phía trên bàn học, Vân đọc một lượt, nhíu mày hỏi: “Ngày nào con cũng phải làm đúng theo giờ giấc thế này ạ?”. “Ừ, thế thì con mới thành người chị gương mẫu được”. Vân nhăn nhó: “Nhưng lỡ con thành cái đồng hồ thì sao?”. Ông chỉ cười, không nói gì. Nhưng từ hôm đó, con bé cẩu thả bừa bãi cũng có vài tiến bộ. Một phần là nhờ em bé – một con búp bê sinh động luôn hấp dẫn tính tò mò của Vân, muốn ở nhà xem em ăn, trông em ngủ hơn là chạy ra đào cát ngoài bãi sông.

Buổi tổng kết học kỳ một, Vân cầm giấy khen và phần thưởng chạy một mạch về nhà, quên cả đói. Vừa đến cổng, thấy trong nhà có rất nhiều người lớn, mặt mũi ai cũng đỏ gay. Hôm nay là buổi giỗ họ, chắc các ông ăn cỗ xong kéo nhau về chơi tổ tôm như mọi khi. Nhưng sao lại nói to thế nhỉ? Vân rón rén đi vào. Bà đang bế em Thùy ngồi trong bếp, mắt bà đỏ hoe, ấm nước sôi trào xuống tắt gần hết lửa. Vân chưa kịp hỏi bà, chợt nghe giọng ông Bàn có vẻ gay gắt: “Đấy, chúng tôi đã bàn nát nước ra rồi, ông không nghe là mang tội với tổ tiên dòng họ. Chi nhà ông cây một cành, cành một quả, chẳng nhẽ bây giờ ông định để cụt cả rễ”. Bà trẻ San bỏm bẻm nhai trầu, dài giọng: “Ngày trước ông còn công tác, làm cán bộ huyện chúng em chả dám bàn. Nhưng bây giờ ông đã nghỉ hưu, ai người ta quy kết gì nữa mà phải sợ. Cứ xem có cô nào quá lứa nhỡ thì, gửi lấy một thằng cu chống gậy sau này đỡ ân hận”. Mọi người lời ra tiếng vào thêm một lúc lâu vẫn không thấy ông nói gì, lần lượt ra về, gương mặt ai cũng hầm hầm bực bội… Cả buổi chiều hôm ấy, ngôi nhà vắng hẳn tiếng cười đùa. Em Thùy như cũng biết ông bà buồn, không ê a đòi bế đi rong ngoài ngõ mới chịu ăn.

Chuyện họ hàng có ý tìm cho ông một người sinh được con trai diễn ra đã lâu. Nhưng ông nhất quyết gạt đi. Ông bà ở với nhau mười lăm năm mới sinh được cô con gái đầu lòng, rồi ông đi hoạt động cách mạng, biền biệt xa nhà, có lúc bặt tin tưởng không còn trở về nữa. Sau kháng chiến chống Pháp, ông về, bà sinh dì út ở tuổi gần năm mươi. Sinh con một bề, nhưng ông không lấy đó làm điều nghĩ ngợi. Mình đã bao phen vào sinh ra tử, còn về được mà có con là phúc đức lắm rồi. Gái hay trai cũng là máu thịt của mình, miễn sao các con ngoan ngoãn, khỏe mạnh, lớn lên biết thương yêu nhau, hiếu thuận với cha mẹ. Bao nhiêu năm ông đi vắng, không biết sống chết làm sao. Một mình bà ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng, lo cho cô em chồng, lại vò võ nuôi con… Bà đã vắt kiệt mình vì chồng, vì con. Ông yêu các con một thì thương bà đến mười phần. Vì thế, nhiều phen họ hàng nặng lời về chuyện nối dõi, ngay cả bà cũng có lần khuyên ông nên đi tìm người phù hợp với nguyện vọng của gia tộc, ông vẫn không hề có ý định đèo bòng vợ lẽ con thêm. Ở cơ quan, ông luôn được nêu gương là người tiến bộ, không có tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nhưng khi nghỉ hưu, về sống giữa làng quê mong an hưởng tuổi già, không ngờ ông lại phải đấu tranh với chính các bậc cha chú trong họ chỉ vì một đứa con trai nối dõi… Mấy năm sau bà mất. Cho đến khi nhắm mắt, bà vẫn canh cánh một nỗi day dứt như còn mang nợ với ông.

Vân xuống dưới huyện học trường chuyên, mỗi tháng được về thăm nhà một lần. Đúng kỳ ôn thi học sinh giỏi, Vân không biết bố bị đổ bể một vụ làm ăn lớn, phải hóa giá căn nhà mặt đường để trả hết số nợ đang vùn vụt tăng lãi theo ngày. Đồ đạc trong nhà cũng phải bán bớt mới dọn được lên ở nhờ căn hộ tập thể của cơ quan. Công sức bao nhiêu năm bỗng chốc trôi tuột xuống sông xuống biển. Nghe tin, ông buồn lo đến mức ngã bệnh, nằm liệt mấy ngày không ăn không uống. Bố chỉ còn chiếc xe Honda cũ, đưa mẹ và em trai Vân về thăm ông. Lập tức mấy người có vai vế trong họ kéo đến, dẫn đầu là ông Bàn. Bất kể người ốm đang đứt từng khúc ruột, ông đứng ngay sát đầu giường, sồn sồn như cháy nhà: “A, anh Quốc. Anh đã trắng tay nên định về đây chiếm cái nhà này của họ nhà tôi đấy phỏng? Đừng có hòng nhá. Vợ anh là con gái xuất giá rồi. Anh là rể, anh không có quyền gì ở đây cả”. Mấy người xung quanh cũng hùa vào: “Đúng thế. Anh đừng tưởng chúng tôi không biết lòng dạ con buôn của anh nhá. Ông anh tôi mà nằm xuống thì đã có anh em họ hàng, không đến lượt anh phải thờ cúng”. “Hừ, lại còn mang cả thằng cháu giai về để lấy lòng ông ngoại, gớm thật!”. “Thảo nào anh chị ấy cho con Vân về đây ở từ bé…”. Bố đứng phắt dậy: “Tôi nói cho các ông biết, dù có phải cắm cọc dựng lều ngoài bờ đê tôi cũng không thèm làm cái trò như các ông tưởng. Tôi không lạ gì lòng tham của ông đâu, ông Bàn ạ. Ông còn ba thằng con trai mà mới có một căn nhà bằng cái lỗ mũi, lấy vợ không biết chui vào đâu mà ngủ”. Gương mặt ông ngoại đột nhiên rúm lại, ông giơ một cánh tay lên, rồi bất lực buông rơi xuống mép giường. Mẹ òa khóc: “Trời ơi, con xin các ông các bà. Bố con đang ốm. Để cho bố con được nghỉ ngơi…”. Ông trưởng họ vẫn cố giữ nét mặt giận dữ lấy oai, khoát tay kéo mấy anh em ra về. Ông gượng mở mắt, nén tiếng thở dài: “Thôi, các con đừng lo cho bố. Ốm qua loa rồi sẽ khỏi. Quốc ạ, từ nay anh làm gì cũng nên tính toán cho kỹ , đừng để vợ con phải khổ. Sông có khúc, người có lúc…Còn người còn của”.

Sau trận ốm, ông yếu hẳn đi. Mẹ và hai dì thay nhau về chăm ông. Nhưng cũng chỉ được những lúc việc cơ quan của mẹ không quá bận, việc đồng áng của các dì đã tạm xong. Còn lại chủ yếu phải cậy nhờ những người hàng xóm. Ngày nắng cũng như ngày mưa, không hôm nào họ để ông phải lọ mọ cơm nước một mình. Bố về thăm ông, kín đáo dúi vào tay bà Từ mấy tờ tiền mới, bà giãy nảy lên: “Anh lạ quá nhỉ. Ngày nào ông cũng đưa tiền đi chợ rồi. Hay anh định trả công tôi?”. Nói khó mãi bà mới chịu cầm, nhưng vẫn nguây nguẩy giao hẹn: “Ông mà hỏi là tôi cứ kệ anh đấy!”

Buổi tối trời mưa, đang ngồi học trong phòng nội trú, Vân thấy bác bảo vệ vào báo ra cổng có người nhà gặp. Chú Đạt, bạn của bố vội vã quay xe: “Về ngay, ông ốm nặng lắm”. Nước mắt Vân tràn ra, ngực thắt lại. Ông đã mất thì chú Đạt mới phải đi đón thế này. Về đến ngõ cũng là lúc chiếc đinh cuối cùng được găm chặt vào cỗ áo quan, những nhát búa chát chúa dội thẳng vào trong óc. Vân sụp xuống, trước mắt chỉ còn thấy một màu đỏ bầm trân trối. Một nhát cắt lạnh ngắt xuyên hút vào giữa trái tim. Vân lặng người, đông cứng mọi cảm giác. Đến khi bố thắt lên đầu Vân dải khăn màu trắng thì nỗi đau mới trực tiếp ập về. Ông ơi! Sao ông không đợi con về? Ông bảo con cứ đi học, bao giờ con thành người lớn để ông yên lòng. Ông dặn con phải ngoan, nhất định con phải trở thành người chị tốt của tất cả các em. Con đã làm được gì đâu, sao ông vội đi xa quá như vậy…

Ngoài sân, tiếng tranh cãi nổi lên ồn ào. Đám thợ kèn nín bặt. Vẫn ông Bàn, vẻ khệnh khạng sau mấy chén rượu từ chiều: “Nào, bây giờ các anh chị tính chuyện hậu sự cho ông cụ thế nào đây? Ông cụ là người trong họ nhà tôi, chúng tôi phải có trách nhiệm thờ cúng, không có con giai thì cháu sẽ thay chứ không thể để người ngoài. Nếu các chị thích mũ rơm gậy trúc đưa ông cụ ra đồng thì để tôi bảo các cháu về. Các ông các bà thấy tôi nói có phải không?”. Trong họ xưa nay không ai dám trái lời ông trưởng, để ông phật ý thì nhà nào có công to việc lớn ông sẽ không thèm “đại diện” cho nữa. Con trai đến tuổi, con gái đến thì không có đại diện dòng họ gặp mặt thông gia, ai người ta dám tin tưởng mà dựng vợ gả chồng cho… Không một ai lên tiếng. Ông Bàn đắc ý: “Thế thôi nhỉ. Ta cứ như vậy mà tiến hành. Anh Tán vào đội mũ chống gậy bên linh cữu cụ đi con”. Bố ngồi một góc bàn im lặng, những ngón tay từ từ xiết lại, sắp sửa thành một nắm đấm. Chợt chú Thịnh, chồng dì hai đứng dậy: “Đã đến thế này, con cũng xin nói luôn để các ông bà biết nguyện vọng của bố con lúc nằm xuống”. Chú rút trong túi áo ngực một tờ giấy gấp tư, mở ra đưa cho ông Bàn: “Con mời ông đọc to cho mọi người cùng nghe”. Ông trưởng họ hơi bất ngờ, lấy vạt áo lau thật kỹ mắt kính lão, nghểnh cổ về phía ánh điện, lẩm nhẩm đánh vần. Càng đọc đến phía dưới, mặt ông càng bầm lại. Cuối cùng, ông đưa trả tờ giấy vào tay chú Thịnh, buông thõng một câu: “Vâng, vậy thì cứ làm theo ý ông cụ…”

Ba năm sau, ông chuyển sang nhà mới trên khu gò Vọng, ở với bà. Khi xây nhà cho bà, ông đã dành sẵn một nửa cho mình sau này. Ngôi nhà nhỏ, không màu mè kiểu cách như “hàng xóm” xung quanh. Ngày trước mỗi khi Vân không chịu vâng lời, ông vẫn buồn bã bảo: “Ông còn sống mà thế này, sau ông chết chắc gì con nhớ nổi mộ ông”.

Vân, và cả các em không khi nào lại quên được con đường cạnh bờ mương dẫn ra cánh đồng làng, nơi có ông bà ở đó, vĩnh viễn. Có điều, đứa trẻ con nào rồi cũng phải lớn lên, học hành, lo toan cuộc sống… Cứ xoay vòng hết ngày, hết tháng. Rồi lại một năm trôi… Không phải lúc nào cũng thường trực nỗi nhớ. Cho nên, khi mẹ nhắc: “Các con nhớ về cho đông đủ” thì dẫu có bận rộn đến mấy, cái vòng quay ấy sẽ chậm lại, và dừng hẳn trước khi bước vào ngưỡng cửa ngôi nhà cũ. Ông bà vẫn nhìn Vân bằng ánh mắt hiền từ, độ lượng: “Con đã về rồi ư?”.

Cỗ bao giờ cũng có món bánh trôi, ông rất thích ăn thứ bánh bình dị này. Gạo nếp cái hoa vàng được ngâm từ hôm trước, vớt ra để ráo rồi xay bằng cối đá. Sau đó cho vào một túi vải dày treo lên móc cho róc hết nước, chỉ còn lại thứ bột trắng tinh, dẻo mịn. Em Thùy chia bột thành từng miếng nhỏ, ấn viên đường vào giữa, vê tròn thành chiếc bánh xinh xinh. Vân thả vào nồi nước sôi, lát sau những chiếc bánh dập dềnh nổi lên, ken vào nhau bồng bềnh như đám mây trôi trên bầu trời những ngày cuối hạ. Thùy cắt ngang dòng liên tưởng: “Chị Vân này, chắc ngày xưa ông đặt tên chị khi nhìn thấy những đám mây trôi qua cửa sổ đấy nhỉ?”. Ông bảo, tên con là mây, cuộc sống dù có gặp chuyện gì đi nữa thì cũng coi nó nhẹ nhàng mà lướt qua… Mới đó mà ông đã xa ngôi nhà này mười lăm năm.

Tuần hương cháy hết, chú Thịnh chắp tay làm lễ tạ rồi mở tủ, cầm một cuốn sổ đã sờn gáy – cuốn sổ ông ghi tỉ mỉ ngày giờ sinh của từng thành viên trong gia đình và những ngày trọng đại khác. Chú lần lượt mở ra: Bản di chúc của ông ngoại, giấy chuyển nhượng nhà đất, sổ hộ khẩu… và một bức thư. Khi biết mình không còn sống được bao lâu, ông đã viết di chúc và giấy chuyển nhượng đất sang tên chú Thịnh, trước đó ông nhờ mấy anh bên ủy ban xã nhập khẩu cho chú về đây. Ông phải làm như vậy sau khi chứng kiến cảnh anh em nội tộc họ Lê đến ép mấy cô con gái ông Vỹ phải trả ngôi nhà của bố mẹ cho dòng họ, vì các cô đã theo chồng, không có hộ khẩu ở nhà nữa. Chú Thịnh là quân nhân xuất ngũ, lại là Đảng viên, đứng tên trong sổ đỏ sẽ không ai bắt bẻ được điều gì. Trong bức thư, ông giãi bày hết những điều đó. Chú Thịnh để Vân đọc hết cho cả nhà cùng nghe, chú bảo: “Thực ra ông cũng chỉ muốn để cho con cháu có chỗ mà hội tụ thôi. Nhà ông bà là nhà chung, có ai tranh giành gì đâu. Nhưng họ mạc lại toàn gây ra những chuyện khiến ông đau lòng”. Mấy thằng em trai vụt lên một ý tưởng: “Sau này mấy chị em mình có con, thống nhất lấy họ Lương của ông để đặt tên đệm cho chúng nó. Như thế sẽ không ai quên ông bà…”. Hình như mẹ và hai dì lén đưa vạt áo lên lau mắt. Bố thì cười: “Ừ nhỉ. Mấy thằng này khá thật, thế mà đến bố chúng mày cũng chưa kịp nghĩ ra”.

Mọi thủ tục giấy tờ đôi khi chỉ là thứ hàng rào dựng lên để ngăn chặn lòng tham cùng những tính toán ích kỷ, vì thế không bao giờ có thể bắt con người đi ngược lại với quy luật tình cảm được. Không phải suốt những năm qua chị em Vân vẫn về ngôi nhà đầy kỷ niệm này để được sống trong tình yêu thương đó sao? Dì út nhìn ra khoảng sân tràn nắng, ước ao: “Giá mà ông bà còn sống, nhìn con cháu lớn hết cả thế này thì vui quá”.

Nếu ông bà vẫn còn đón đợi trước ngõ, Vân có phải trở về trong nỗi nhớ thương đằng đẵng suốt bao năm qua không?

Tháng 2 – Kỷ Sửu