Trong nền nghệ thuật Việt Nam hiện đại, Văn Cao (15-XI-1923 – 10-VII-1995) là một nghệ sĩ đa tài và có những cống hiến nổi bật trên cả ba lĩnh vực: âm nhạc, hội họa và thơ.

Nhà thơ, nhạc sĩ Văn Cao (ảnh Internet)

Mặc dù công chúng phổ thông biết đến một Văn Cao nhạc sĩ, họa sĩ nhiều hơn một Văn Cao thi sĩ, nhưng thơ là nơi kí thác của ông những năm tháng cuộc đời nhiều thăng trầm, biến động. Thơ Văn Cao cũng là nơi tích hợp tài năng “ba trong một” của ông, đặc biệt là trên phương diện ngôn ngữ nghệ thuật.

Trong tiểu luận Mấy ý nghĩ về thơ đăng trên tập san Văn nghệ tháng 7 năm 1957, Văn Cao đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tư tưởng trong thơ, đồng thời ông cũng cho rằng: “Tư tưởng, cảm xúc và cảm giác của nhà thơ phải thể hiện tinh vi. Câu thơ như vào trong óc để gợi sự suy nghĩ và trong tình cảm để xúc động và như vào trong da thịt để khêu gợi!” . Có nghĩa, ngôn ngữ thơ phải giàu sức gợi, dồn nén, chắt lọc và dư ba. Ngôn ngữ thơ Văn Cao vì thế không nghiêng về trau chuốt cầu kì mà giản dị, gọn sắc và sâu nặng tình ý – một kiểu ngôn ngữ thơ đọc để thấm, không phải đọc cho vang.

1. Ngôn ngữ thơ giản dị, hàm súc

Trước hết, ngôn từ trong thơ Văn Cao ít hoặc không có cái mỹ lệ thường thấy trong thi ca cổ điển. Văn Cao chủ yếu sử dụng lớp từ ngữ thuần Việt mộc mạc, giàu sức gợi. Đặc biệt là hệ thống từ láy tượng hình, tượng thanh, từ láy miêu tả cảm giác, tâm trạng giàu tính biểu cảm. Trong bài Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, ông sử dụng rất nhiều từ láy: “Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa”, “Chập chờn ảo hóa tà ma”, “áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường”, “Bóng tối âm thầm rụng xuống chân cây”, “Đảo điên… mê say… Thể phách chia lìa”, “Tàn xuân nhễ nhại mưa cô tịch”, “Đầm đìa rả rích phương Đông”, “Mang mang thở dài hồn đất trích”, “Lưỡi thép trùng trùng khép cố đô”, “Đêm đêm đài canh tan tác”, “Run rảy giao duyên khối nhạc trầm trầm”, “Hun hút gió nâng cầm ca nặng nhọc”… Mật độ từ láy xuất hiện rất dày đan xen với những thi ảnh siêu thực gây ấn tượng mạnh về một cõi người sống chết mong manh, gợi ám ảnh khôn nguôi về nạn đói kinh hoàng năm ất Dậu 1945. Trong nhiều bài thơ tiêu biểu khác, Văn Cao cũng tận dụng tối đa sức biểu đạt của từ láy nhằm gia tăng sức gợi và tính biểu cảm cho thơ. Chẳng hạn: Ngoại ô mùa đông năm 1946 (28 từ), Bến Ngự trên thương cảng (21 từ), Những người trên cửa biển (75 từ). Việc sử dụng nhiều từ láy vừa tạo nên tính nhạc, tính họa cho thơ, vừa có sức truyền cảm lớn thấm sâu vào hồn.

Càng về sau, ngôn ngữ thơ Văn Cao càng giản dị, gần với lời nói bình thường. Lối diễn đạt có thành phần trạng ngữ chỉ nơi chốn thường chỉ xuất hiện trong văn xuôi lại được Văn Cao sử dụng trong thơ hết sức nhuần nhuyễn. Rất nhiều câu thơ, bài thơ của ông được viết ra tự nhiên như lời nói: “Những tư tưởng sâu như lòng mỏ/ Những khát vọng mênh mông không đáy mong manh/ Trong mỗi con người nhỏ bé những hạt bụi/ Trong lòng vũ trụ không đáy rộng mênh mông…” (Trên đường); “Tiếng kêu ở trong tôi/ Có xót xa có cả vui mừng/ Tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ Trong chậu nước” (Cạn); “Kỉ niệm trong tôi. Rơi/ như tiếng sỏi/ trong lòng giếng cạn” (Thời gian); “nắng chuyển dần/ trên thềm đá cũ/ mùa thu năm nay/ không mưa ngâu” (Mùa thu); “Tôi ở/ Một căn nhà bên đầu ngọn suối” (Tôi ở)… Sự giản dị của ngôn từ không đồng nghĩa với sự giản đơn về ngữ nghĩa. Những không gian được gợi ra qua các từ ngữ trên vừa cụ thể vừa không cụ thể, vừa tả thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng, vừa là không gian đời thường vừa là không gian tâm tưởng, chất chứa những tư tưởng sâu xa, không phải thoáng đọc, thoáng nghe mà hiểu được. Đó cũng chính là vẻ đẹp trí tuệ, là sức hấp dẫn của thơ Văn Cao.

Nhiều bài thơ của Văn Cao đạt đến đỉnh cao của sự giản dị như: Không nhớ, Thức dậy, Đôi bạn, Đêm quán, Không đề… Ở đó, ngôn ngữ thơ Văn Cao đã khước từ tất cả sự lấp lánh, chỉ như những lời tự thuật có sao kể vậy, tưởng là dễ hiểu đến mức không cần phải suy nghĩ. Nhưng đó lại chính là những bài thơ thăm thẳm chiều sâu ý nghĩa, khơi gợi những suy cảm không cùng. Chẳng hạn như bài Không nhớ: “Tôi không còn đủ nhớ/ Tuổi của tôi hay năm tháng bao nhiêu/ Bao nhiêu tỉnh thành bao nhiêu chỗ ở/ Bạn bè vui buồn/ Mù mịt như sương mờ/ Tôi chỉ còn thoảng nhớ/ Một cái nhớ thuộc về cơ thể/ Những vết roi còn nằm trong da thịt nhiều năm/ Những tiếng chửi vọng suốt thời tôi sống/ Chung quanh tôi những bát gạo giúp nhau/ Của những người tôi không nhớ nổi/ Tuổi của tôi năm tháng bao nhiêu”. Bài thơ là lời bộc bạch vừa chân thành vừa giản dị về những năm tháng cuộc đời mà nhân vật trữ tình từng trải qua. Ẩn chứa sau những câu thơ bình dị là cả một thế giới tâm hồn trĩu nặng bao kí ức, hằn sâu những nỗi đau và tình người. Lời thơ như lời tâm sự nhưng dồn nén bao cảm xúc, đọc lên thấy rưng rưng, nghèn nghẹn… Ở Văn Cao, thơ tỏa sáng nhất là lúc ngôn từ đạt đến mức cực đại về sự giản dị.

Cùng với sự giản dị, ngôn ngữ thơ Văn Cao còn mang tính hàm súc, biểu hiện ở sự đa nghĩa, lời ít ý nhiều. Ngay từ những nhan đề cô đọng, súc tích: Quên, Chọn, Cạn, Trôi, Mẹ, Thời gian, Cuộc sống, Cánh cửa, Lòng núi, Những bó hoa, Nguyệt thực…, Văn Cao đã gợi nhiều liên tưởng và suy ngẫm sâu sắc về lẽ sống, về cuộc đời, về thế giới tâm hồn sâu kín phức tạp, cả những phù phiếm cám dỗ con người… Tính đa nghĩa của ngôn từ, hình ảnh thơ Văn Cao khiến độc giả phải miệt mài tư duy để đọc ra tầng tầng lớp lớp ý nghĩa bên trong nó. Những hình ảnh: “một hồ nước – trên họng một ngọn núi cạn lửa” (Cạn), một người bạn “im lìm như một bức tranh” (Về một người bạn), “Cái bức tường lê từng bước một” (Với Nguyễn Huy Tưởng), “Những mặt nạ giấy bồi” (Năm buổi sáng không có trong sự thật), “Những vết roi còn nằm trong da thịt nhiều năm” (Không nhớ)… đều là những ẩn ngữ đòi được giải mã. Đọc thấu những ẩn ngữ đó mới thấy hết độ nén và sự phong phú về ngữ nghĩa trong thơ Văn Cao.

Tính hàm súc còn được tạo ra bởi những khoảng trống giữa ngôn từ. Theo văn hào Nga Dostoevsky, tài nghệ quan trọng nhất của một nhà văn chính là biết xóa bỏ. “Thơ ca bất kì dân tộc nào, đặc biệt là thi ca Trung Quốc và Phương Đông đều trọng cái súc tích, hàm ẩn, dùng ít nói nhiều, dùng cái khả giải để nói cái bất khả giải, là “ý tại ngôn ngoại”, là dư âm, dư vang của câu chữ, là khoảng trống giữa các từ” . Khi ý thơ bị dồn nén, đứt đoạn, nhảy cấp thì bài thơ càng có nhiều khoảng trống, khoảng lặng. Đó là khoảnh khắc “thử thời vô thanh thắng hữu thanh” (Bạch Cư Dị). Bài thơ Có lúc của Văn Cao cũng là một bài thơ có nhiều khoảng trống, khoảng lặng như thế:

Có lúc

một mình một dao giữa rừng đêm không sợ hổ

Có lúc

ban ngày nghe lá rụng sao hoảng hốt

Có lúc

nước mắt không thể chảy ra ngoài được

Bài thơ gồm 3 khổ, mỗi khổ thực chất chỉ là một câu nhưng được ngắt thành 2 dòng. Khoảng trống, quãng lặng không chỉ nằm giữa các khổ thơ mà còn ngay sau từ: “Có lúc”. Đó là khoảnh khắc nghẹn lại khi cái tôi thành thực đối diện với chính mình, thấm thía nỗi cô đơn và nỗi đau chạm đáy. Cái tôi ấy mang tính lưỡng phân – vừa can trường vừa yếu đuối – phản chiếu một thế giới tâm hồn nhiều uẩn khúc không dễ tỏ bày của Văn Cao. Nhiều bài thơ khác của ông như Không đề, Quán bia, Thức dậy, Phố Phái, Nguyệt thực, Sự sống thật… đều là những file nén như thế, đòi hỏi người đọc giải mã bằng cả tâm cảm và trí tuệ.

2. Ngôn ngữ thơ giàu chất nhạc, chất họa

Âm nhạc và thơ vốn có mối quan hệ mật thiết, khăng khít. Thuở ban đầu, thơ và nhạc cùng tồn tại trong ca dao – dân ca nên được gọi chung là thơ ca dân gian. Về sau, khi âm nhạc và thơ tách ra thành hai loại hình nghệ thuật riêng thì mối duyên giữa thơ và nhạc vẫn không hề đứt đoạn. Trong nhạc có thơ và trong thơ có nhạc. Theo các nhà nghiên cứu, nhạc tính trong thơ được thể hiện ở ba mặt cơ bản. Đó là sự cân đối, sự trầm bổng và sự trùng điệp. Cân đối là có sự tương xứng, hài hòa giữa các dòng thơ, khổ thơ, đoạn thơ, giữa các âm thanh hay hình ảnh. Trầm bổng là cách hòa âm bằng sự hiệp vần, cách phối thanh giữa các nhóm thanh điệu cao thấp. Trùng điệp là lối điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc trong từng dòng, từng khổ, từng đoạn của bài thơ.

Văn Cao là một nghệ sĩ đa tài. Âm nhạc, hội họa và thơ của ông đều là những dòng chảy nghệ thuật đầy màu sắc nhưng chúng không tách rời mà xuyên thấm vào nhau trong tư duy mĩ cảm. Đặc biệt, thơ là lĩnh vực tích hợp tài năng của Văn Cao. Chất nhạc, chất họa cùng tồn tại trong thơ tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho những thi phẩm của người nghệ sĩ tài hoa này.

Thơ Văn Cao chủ yếu là thơ tự do không vần nên nhạc tính ít bộc lộ ở khía cạnh cân đối, hài hòa dòng, khổ hay sự hiệp vần du dương mà nghiêng về lối trùng điệp. Văn Cao sử dụng nhiều thủ pháp trùng điệp: Điệp âm, điệp từ, điệp ngữ, điệp cấu trúc. Bài thơ Thu cô liêu có thể xem là một trong những bài tiêu biểu cho lối trùng điệp ngữ âm và cấu trúc cú pháp của Văn Cao: “Thu cô liêu/ Tịch tiêu/ Cô thôn chiều/ Ta yêu thu/ yêu thu/ yêu mùa thu/ Vàng hoen đáy nước/ Son rỏ đường đi/ Một mùa thi/ Một mùa thi/…Một chiều êm/ Một chiều êm”. Ngoài sự hiệp vần, nhạc tính của bài thơ còn được tạo nên bởi sự trùng điệp các âm tiết mang thanh bằng. Cả bài thơ có 46/66 âm tiết mang thanh bằng, trong đó có những dòng thơ liên tiếp những âm tiết mang thanh bằng không dấu (thanh ngang): “Cô thôn chiều/ Ta yêu thu/ yêu thu/ yêu mùa thu”, và những dòng thơ được lặp lại hoàn toàn: “Một mùa thi/ Một mùa thi/…Một chiều êm/ Một chiều êm”. Nhịp thơ đã thành nhịp lòng bồi hồi, tha thiết với mùa thi, với mùa thu. Nhạc điệu chơi vơi, dìu dặt kết hợp với những hình ảnh “vàng hoen đáy nước/ son rỏ đường đi… lá rơi rơi rụng… trăng ấp lạnh non…” gợi một vẻ đẹp buồn lãng mạn rất đặc trưng của mùa thu và tâm hồn cô đơn giàu xúc cảm của thi sĩ.

Ở những bài thơ dài, Văn Cao đã sử dụng thủ pháp trùng điệp như một hình thức kết cấu đặc biệt nhằm liên kết các ý thơ, đoạn thơ. Trong bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, các câu thơ bắt đầu với cụm từ “Ngã tư nghiêng nghiêng…” được lặp lại 3 lần ở 3 đoạn thơ, xoáy vào tâm trí người đọc hình ảnh ngả đường chết chóc cùng hành trình lặp lại từng đêm, từng đêm của chiếc xe chở thi hài người đói. Những câu hỏi tu từ với chủ thể phiếm định cũng được láy lại như một niềm trăn trở nhức nhối: “Ai hát khúc thanh xuân hờ ơi phấn nữ”, “Ai hủy đời trên tang trống nhỉ?”, “Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe”. Trong bài Bến Ngự trên thương cảng, Văn Cao cũng dùng thủ pháp trùng điệp để kiến tạo bài thơ, làm nên tính nhạc độc đáo: “Nhà ta hờ ơ trên bến Ngự”, “Nhà ta hờ ơ không đỏ lửa”, “Nhà ta hờ ơi trên thương cảng”, “Nhà ta hờ ơi không củi lửa”. Những câu thơ thất ngôn với 5/7 tiếng thanh bằng gợi nỗi buồn lê thê về một mái nhà hoang lạnh với những kiếp sống bấp bênh, mỏi mòn trên bến Ngự. Sự lặp lại câu thơ ở đầu mỗi đoạn như một điệp khúc – một kí ức không phai về những năm tháng đói nghèo, buồn thảm.

Xuất phát từ cái gốc tâm trạng nhiều suy tư, trăn trở nên Văn Cao đã sử dụng thủ pháp trùng điệp như một sự láy đi láy lại những day dứt trong lòng. Có khi là điệp từ bộc lộ niềm mong mỏi thiết tha, cháy bỏng: “Bao giờ nghe được bản tình ca/ Bao giờ bình yên xem một tranh tĩnh vật/ Bao giờ/ Bao giờ xóa đi tất cả/ Những con người không phải của chúng ta” (Anh có nghe không); có khi là điệp ngữ, điệp cấu trúc thể hiện những trăn trở khôn nguôi về sự sống: “Con thuyền đi qua/ để lại sóng/ đoàn tàu đi qua/ để lại tiếng/ đoàn người đi qua/ để lại bóng/ tôi không đi qua tôi/ để lại gì?” (Không đề); có khi bộc lộ những suy tư sâu thẳm về cuộc đời: “Tôi thả con thuyền giấy/ con thuyền giấy trôi/ Tôi thả một bông hoa/ bông hoa trôi/ Tôi thả một chiếc lá/ chiếc lá trôi/ Tôi giữ chặt em/ em vẫn trôi…” (Trôi). Sự trùng điệp trong những câu thơ trên là sự trùng điệp ngữ nghĩa, gợi những suy tư thuận nghịch, mở rộng trường liên tưởng trong óc người tiếp nhận. Chất nhạc trong thơ Văn Cao vì thế không đơn thuần là sự nhịp nhàng, trầm bổng du dương giữa những dòng thơ mà còn lắng sâu chất nghĩ. Nói cách khác, đó là sự ngân rung của nhịp trí tuệ, nhịp tâm hồn – những điều mà âm nhạc và hội họa không thể nói hết được. Chất nhạc đó một mặt thể hiện tài năng sử dụng ngôn ngữ thơ sinh động, đầy biến hóa, mặt khác phản chiếu thế giới tâm hồn tinh tế, nhạy cảm, giàu suy tư và ước vọng của Văn Cao.

Thơ Văn Cao không chỉ giàu chất nhạc mà còn đậm chất họa. Là một họa sĩ nên Văn Cao có sự dẫn đường của con mắt hội họa và điều đó chi phối cả những sáng tác thơ của ông. Nghệ sĩ Thái Bá Vân cho rằng, trong thơ Văn Cao, “đời sống chữ nghĩa được sử dụng theo quy luật hội họa khá nhiều. Ta dễ dàng nhận ra những sáng tối tương phản, những đậm nhạt thầm lặng, những đường viền nặng nề rồi bỏ quãng trôi chìm vào bóng tối, những chữ sắc nét như dao trổ, những hình tượng đẩy dồn về phía trước, những không gian tượng trưng…” . Nhận định trên đã nói lên được nét riêng trong sự thâm nhập, giao thoa giữa thơ và họa của Văn Cao.

“Thi trung hữu họa” vốn xuất hiện từ xa xưa – thuở thơ ca Đường Tống. Tuy nhiên, chất họa trong thơ xưa thường bộc lộ ở việc tả cảnh, qua cảnh mà gửi gắm tâm tình của thi sĩ. Đó thường là những nét bút màu sắc, giàu tính tạo hình, có khả năng tái hiện sống động hình tượng thiên nhiên, hình tượng con người. Thơ Văn Cao cũng không ngoại lệ nhưng điều khác biệt là ở Văn Cao có cả chất hội họa cổ điển (nghiêng về màu sắc, đường nét) và cả chất hội họa ấn tượng hiện đại (nghiêng về bố cục, tạo hình và sự tương phản). Những bài thơ được sáng tác ở giai đoạn đầu nghiêng về chất hội họa cổ điển với màu sắc, đường nét sinh động. Có khi đó là bức tranh mùa thu với sắc vàng quen thuộc: “Trông qua song cửa: trời vàng úa/ Mấy lá bàng rơi nhắc nhở thu! Chiều ốm cũng đang chầm chậm xuống/ Sương mù chìm lẫn lá vàng thưa” (Ai về Kinh Bắc); có khi là hình ảnh dòng sông – con thuyền – vầng trăng với nét vẽ thanh đạm mờ ảo: “Thuyền vào nằm ngủ trong mưa/ Trên con sông vắng lập lờ bóng trăng”, có khi là khung cảnh mộng mơ đầy lãng mạn như ở cõi thiên thai của chốn sơn thủy hữu tình: “Suối mơ bên rừng vắng/ Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng/…Bờ xanh ngát bóng đôi cây thùy dương/…Hoa lừng hương gió ngát/ Đàn ai đùa trong khóm lá vàng tươi” (Bài thơ bên suối). Những câu thơ vẽ nên dáng nét mềm mại của con suối, “bờ xanh”, “lá vàng” quyện trong hương hoa, chìm đắm trong tiếng đàn du dương, trong trẻo… Chất nhạc, chất họa in đậm trong những dòng thơ, gợi một vẻ đẹp thanh tao, thoát tục gần như tiên cảnh.

Từ bài thơ Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc, ngôn ngữ thơ Văn Cao có sự chuyển hướng nghiêng về chất hội họa ấn tượng. Ông ít tả cảnh thiên nhiên mà chủ yếu  miêu tả bức tranh đời sống con người với những khoảng sáng tối đan xen, vừa cụ thể, vừa trừu tượng: “Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa/ Chập chờn ảo hóa tà ma/ Đôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa/ Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục”. Nhà thơ đã dùng từ ngữ để chớp lấy cái thần của cảnh, gợi nhiều hơn tả, gây ấn tượng về một không gian ma quái, chết chóc với ánh sáng mờ ảo, với những hình người không rõ nét, siêu thực và đầy ám ảnh.

Đặc biệt, ngôn ngữ thơ Văn Cao có khả năng chạm khắc được thế giới tâm hồn con người vốn sâu kín, vô hình với nhiều cung bậc cảm xúc, tâm trạng. Có khi là nỗi đau nhỏ máu của cuộc đời nô lệ lầm than: “Ôi Hải Phòng vết thương miền Bắc/ Cổ họng chúng ta ngày đêm rỏ máu/ Hải Phòng những đêm tối đen như hầm than đá”, có khi là những tình yêu khát khao hi vọng đọng thành hình, thành khối: “Tất cả tình yêu khát khao hi vọng/ Bốc lên trong lòng/ Rơi xuống những giọt nước mắt”, có khi là những ước vọng lớn lao, bộn bề: “Có người mang rất nhiều mộng lớn/…Quanh quẩn suốt nửa đời/ óc hôm nay thành một xưởng đóng tàu buôn” (Những người trên cửa biển). Những suy tư, trăn trở, giằng xé giữa tốt – xấu, sống – còn, được – mất bên trong con người vốn không dễ nói thành thơ cũng được Văn Cao vẽ lại bằng ngôn ngữ: “Trở về mây đen và bóng tối/ Lãng đãng qua trong mỗi tâm hồn người” (Những người trên cửa biển), “Những tư tưởng sâu như lòng mỏ/ Những khát vọng mông mênh không đáy mong manh” (Trên đường), “Tiếng kêu ở trong tôi/ Tiếng kêu của một khúc thép đỏ/ Trong chậu nước” (Cạn). Những hình ảnh ẩn dụ, so sánh đã cụ thể hóa cái trừu tượng khiến thế giới tâm hồn hiện lên sống động như thể nhìn thấy, chạm đến được. Sự u tối của tâm hồn được phủ bóng mây đen; chiều sâu của tư tưởng, của khát vọng được đo bằng lòng mỏ, đại dương; những xung đột bên trong con người được diễn tả bằng hình ảnh và tiếng kêu của khúc thép đỏ trong chậu nước. Đó là những ngôn từ sắc nét, ấn tượng, có sức khơi gợi mãnh liệt.

Văn Cao còn có biệt tài vẽ chân dung bè bạn bằng thơ. Ông viết về các nghệ sĩ Nguyễn Huy Tưởng, Nguyên Hồng, Nguyễn Tuân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Tường, mỗi người một vẻ, một tạng riêng. Dù có chung một tình bằng hữu trìu mến thân thương nhưng cái thần của mỗi chân dung thì không lẫn vào đâu được. Với Nguyễn Huy Tưởng, Văn Cao đã phác thảo một đời văn nghiệp bằng những nét vẽ tỉ mỉ: “Ngày ngày anh viết lên Hà Nội/ Tôi nhớ những ngón tay anh/ Đang nhặt một hạt cát/ Sờ soạng từng căn nhà/ Từng con người anh biết/ Chắt chiu lại cho tác phẩm cuối cùng…/ Những giọt mực của anh/ Chấm vào những năm chiến đấu/ Nhỏ từng giọt máu” (Với Nguyễn Huy Tưởng). Với những chi tiết nghệ thuật giàu chất hội họa, Văn Cao đã khái quát được chân dung tâm hồn của Nguyễn Huy Tưởng – một nhà văn chuyên tâm, cần mẫn với nghề, gắn bó với nhân dân và lịch sử bằng một tình yêu máu thịt. Văn Cao cũng đặc tả thế giới tinh thần của Nguyễn Tuân – tác giả tùy bút Sông Đà – qua không gian sống cũ kĩ, đầy bụi, đặc biệt là qua đôi mắt: “một lớp tro đang dòng dòng kéo sợi/ Như tơ nhện trong không gian đầy nước…” (Đôi bạn). Đôi mắt ấy phủ đầy sương, đôi mắt ẩn chứa nỗi buồn sâu kín, nói lên bao tâm sự không thổ lộ thành lời. Đọc thấu tâm sự qua đôi mắt ấy chứng tỏ Văn Cao hiểu bạn như hiểu chính mình. Những tình cảm ấy vừa mang tính chất riêng tư, vừa thấm đẫm nỗi ưu tư thời thế. Văn Cao cũng đã tóm được cái thần của sự nghiệp hội họa của họa sĩ Bùi Xuân Phái để hạ bút viết những câu thơ để đời: “Không người ở/ Không số nhà/ Không tên phố/ Tôi gửi bài thơ về/ Phố Phái/ Người đưa thư sẽ tìm đến phố anh” (Phố Phái). Phố Phái không phải là một trong ba mươi sáu phố phường Hà Nội cổ, nhưng tranh của Bùi Xuân Phái về phố cổ Hà Nội lại làm nên một thế giới nghệ thuật riêng, “tồn tại vĩnh viễn”, xứng danh được gọi là Phố Phái. “Vào tranh Bùi Xuân Phái, các phố cổ Hà Nội bỗng ngơ ngác một dáng vẻ riêng, thăm thẳm một tâm tư riêng. Những rẽ, ngoặt, quanh co, heo hút đều thể hiện bất ngờ dưới thần lực của cây cọ. Những mưa, những nắng, những rêu phong dường như mãi ẩm ướt, mãi mang vẻ quang quẻ và thoang thoảng một mùi phố phường thân thuộc trong bí ẩn của màu” . Bùi Xuân Phái vẽ Hà Nội cổ, Văn Cao vẽ lại Bùi Xuân Phái bằng thơ. Ông phát hiện ra một Phố Phái. Với câu hỏi chơi vơi cuối bài: “Đến lúc nào phố anh có người thêm”, Văn Cao đã khẳng định tài hoa có một của Bùi Xuân Phái trong việc gợi lại vẻ đẹp của ba mươi sáu phố phường Hà Nội cổ. Bằng ngôn ngữ chạm khắc, Văn Cao đã dựng nên chân dung những văn nghệ sĩ tài hoa bậc nhất của nền nghệ thuật Việt Nam thế kỉ XX với tất cả sự đồng cảm, thấu hiểu và trân trọng.

Ngôn ngữ thơ Văn Cao không chỉ nói lên sự xuyên thấm của nhạc và họa trong thơ ông, mà còn phản ánh tài năng sáng tạo và cá tính của người nghệ sĩ trong hành trình lao động nghệ thuật vinh quang và khổ hạnh. Dẫu còn những chỗ ngôn từ được mã hóa mang tính siêu thực, có phần khó hiểu nhưng xét một cách toàn diện, ngôn ngữ thơ Văn Cao bộc lộ tư duy đa chiều cùng những trăn trở nhân sinh, trăn trở của người nghệ sĩ giàu ý thức trách nhiệm với đời sống và nghệ thuật.


Nguồn: Tạp chí Thơ- HNV

Exit mobile version