Trong một bài viết có đăng trên diễn đàn này (1), chúng tôi có nêu vấn đề khả năng diễn đạt của tiếng Việt với chủ ý chứng minh rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ đầy đủ khả năng đáp ứng cho mọi nỗ lực tìm tòi sáng tạo. Chúng ta cũng biết một nhà văn muốn đi tìm cái mới thường ngập ngừng đắn đo mỗi khi cầm bút viết. Ngập ngừng đắn đo bởi vì ông ta đang tìm cách xua đi âm vang của những sáo ngữ thời thượng, những nhịp điệu ru êm, những lập luận công thức đang vo ve khuyến dụ ông, tìm cách lôi kéo ông lại sa vào vũng lầy của những cảm xúc tiền chế, những suy tư đã xếp nếp. Có xua đuổi những vo ve ấy, ông mới lắng nghe được những vang vọng, những thì thầm nho nhỏ đang muốn cố nhoi lên tự thăm thẳm đáy lòng. Những thì thầm, những vang vọng ấy chính là tín hiệu của những cảm xúc mới lạ, những cảm nghĩ mới mẻ nảy sinh từ một trạng huống đặc biệt hoặc do phát hiện được một khác lạ ở những cái mà ta cứ tưởng rằng chẳng còn gì để nói thêm được nữa. Từ những cảm nghĩ, những cảm xúc vừa hiện lên, hãy còn phảng phất mơ hồ ấy, ông mới đi tìm chữ nghĩa để tìm cách nắm giữ chúng, bắt chúng phải hóa thân thành lời. Với một người viết yêu chữ nghĩa, trọng chữ nghĩa, tìm đến sáng tạo với tấm lòng như vậy, ông ta có thể an tâm tìm thấy ở tiếng Việt một người bạn đồng hành tâm đầu ý hợp. Trong bài viết nêu trên chúng tôi đã tìm cách phân tích để chứng minh rằng dưới hình thức một câu chuyện kể dân gian mộc mạc bằng văn vần, Chân Quê thực ra là một bài thơ mang ý nghĩa sáng tạo. Và nếu Nguyễn Bính, chỉ với hai chữ ” Chân quê ” chọn làm tựa cho bài thơ, đã nói lên được cái nhìn sáng tạo của mình bằng thứ ngôn ngữ hầu như đại chúng chính vì ông đã nắm được bí quyết sử dụng điều mà người ta vẫn gọi là thiên tài của ngôn ngữ (le génie de la langue), tức là khả năng diên tả đặc thù của mỗi ngôn ngữ một. Cái làm nên thiên tài của ngôn ngữ Việt hay, nói khác đi, cái đem lại cho tiếng Việt một khả năng diễn tả ưu việt đặc thù, theo tôi, trước hết là do tiếng Việt là thứ tiếng đơn âm nhưng lại có cấu trúc câu được tạo nên bởi các từ ghép do một, hai hoặc ba từ khác nhau ghép lại thành. Thứ đến, tiếng Việt là sự hội nhập của nhiều tiếng gốc khác nhau : tiếng Hán, tiếng Pháp (với gốc la tinh) và tiếng Việt chính gốc. Nhờ vào đặc tính này của tiếng Việt là ngôn ngữ đơn âm lại gồm các từ vựng được cấu tạo bởi các từ ghép, nên ta có thể, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo nhân vật, tùy theo tâm trạng, tùy theo cảm nghĩ…, tạo ra những từ mới bằng cách hoặc hoán đổi vị trí của chữ trong một từ, hoặc thay thế một chữ nào đó bằng một chữ khác trong một từ để làm cho ý tưởng được sáng tỏ hơn hoặc để làm nổi bật cái sắc thái, cái âm hưởng, cái ý vị của điều ta muốn diễn tả. Để dẫn chứng tôi xin tạm liệt kê sau đây danh sách các từ vựng được tạo thành với từ tưởng chọn làm gốc tôi sưu tầm được : tư tưởng, ý tưởng, suy tưởng, lý tưởng, tưởng tượng, tưởng nhớ, tưởng niệm, tin tưởng, hồi tưởng, hoài tưởng, mơ tưởng, tơ tưởng, vọng tưởng, đồng tưởng, giả tưởng, ảo tưởng, không tưởng, hư tưởng, hoang tưởng, bệnh tưởng, cuồng tưởng, huyễn tưởng… Bây giờ tôi xin nhờ các vị soạn từ điển hay các nhà lý luận phê bình văn học định nghĩa dùm tôi các từ trên và, nếu có thể được, cho một câu thí dụ kèm theo để giúp tôi nắm được cách sử dụng thích đáng các từ đó. Giả dụ công tác này thực hiện, giờ tôi lại có ý nhờ các nhà ngôn ngữ học tìm kiếm dùm tôi một vài ngôn ngữ trên thế giới cũng có được những từ vựng tương đương để diễn tả đầy đủ các sắc thái, âm hưởng đa dạng như trường hợp các từ Việt nêu trên. Bởi thế tôi tin rằng, nếu chịu khó tìm hiểu tới nơi tới chốn và chịu khó chọn từ, chọn nghĩa một cách ý thức, bất cứ người viết nào cũng có thể đem lại cho văn bản một ý vị khả dĩ làm vừa lòng được khách đọc khó tính muốn đi tìm sự thích thú trong đọc sách. Bù lại, nếu ta chấp nhận kiên trì trong chọn lựa từ ngữ để diễn tả chính xác, thích đáng điều ta muốn nói lên, ta sẽ có cơ hội để phát hiện rằng tiếng Việt quả là một ngôn ngữ dồi dào sức sống, với tiềm năng tự tạo và tái tạo thần thông biến hóa không thua gì ông Tề thiên đại thánh dám đánh cả Trời luôn.
Nhưng dù có là công cụ sắc bén đến mấy, ngôn ngữ cũng chỉ là phương tiện truyền đạt mà thôi. Với nó và nhờ nó, một nhà văn hay nhà thơ tài hoa có thể diễn đạt chính xác, cụ thể tư duy của mình hay truyền đạt trọn vẹn những rung cảm với âm hưởng sắc thái tinh tế nhất. Nhưng công cụ bao giờ cũng chỉ là công cụ, bản thân ngôn ngữ không hề chất chứamầm mống sáng tạo nên không phải là nguồn gốc sáng tạo. Bởi vậy một nhà văn, nhà thơ nếu chỉ biết tìm tòi vận dụng khả năng diễn đạt của ngôn ngữ nhằm mục đích thể nghiệm một bút pháp mới, một hình thức diễn đạt mới nhưng rút cục vẫn chỉ lập lại có ngần ấy chủ đề nội dung quen thuộc, thì nỗ lực cách tân của ông ta cũng chỉ là một sự cách tân trong sáng tác mà thôi. Mà sáng tác không hẳn đồng nghĩa vói sáng tạo. Sáng tạo, theo tôi, chủ yếu nằm trong cái nhìn khai phá nghĩa là cần hướng sự tìm kiếm vào việc phát hiện những sự kiện, chi tiết còn ẩn dấu một một ý nghĩa mới ở những cái mà mọi người tưởng như đều đã ” biết rồi, khổ lắm, nói mãi “. Để làm sáng tỏ sự khác biệt giữa sáng tác là dùng thủ thuật, bút pháp để nói mới mẻ, nói khác đi, nói cao siêu bí hiểm, nói tối tăm hũ nút, nói không giống ai để rồi cũng chỉ nói lên những điều mà mọi người có nghe nói hoặc cũng có thê nói lên được, với sáng tạo là đưa ra được cái nhìn mới mẻ khả dĩ đem lại một ý nghĩa mới làm biến đổi nội dung ở những cái ta vẫn cho là quen thuộc, tôi đề nghị một trường hợp khảo sát cụ thể : vai trò của Caligula trong vở ” CALIGULA ” ( Gallimard – coll. Folio-Théâtre -1944) của A . Camus.
Là một hoàng đế ở đầu công nguyên (12-41) và tuy chết trẻ, mới 29 tuổi, nhưng Caligula lại khét tiếng là bạo chúa do các tội ác ngông cuồng quỷ quyệt của y : loạn luân với em ruột, đòi triều đình kiếm cho được mặt trăng về làm đồ chơi, bắt cận thần phải hiến vợ và làm tình ngay trước mắt họ, tùy tiện ra lệnh giết người không theo một lô gích nào. Tuy nhiên khi mới đăng quang, Caligula đã có một vài cử chỉ quảng đại báo hiệu có thể trở thành một đấng minh quân. Chỉ sau cái chết đột ngột của Drusilla, em gái và cũng là người tình yêu quí nhất, Caligula mới đổi tâm tính và trở thành bạo chúa. Đối với cuộc đời của một nhân vật như Caligula chi tiết này tưởng không có gì đáng kể ; nhưng nó lại đập vào mắt Camus khiến ông quyết định chọn Caligula làm chủ đề cho vở kịch của ông. Nếu chỉ xét về mặt nghệ thuật sân khấu, vở Caligula tưởng như không có gì mới lạ so với những vở kịch hay tác phẩm hư cấu khác cũng nói về nhân vật này. Trong vở kịch ta cũng thấy một Caligula lộ diện nguyên hình là một bạo chúa với những tội ác tầy trời theo lịch sử ghi chép. Điều được coi mới mẻ hay đúng ra được gọi là sáng tạo ở Camus, chính là vì ông đã biết dùng ánh sáng nhận thức của thời đại mình đem rọi chiếu vào lịch sử làm thay đổi chân tướng Caligula, biến một nhân vật vốn được biết như một bạo chúa bỉ ổi thành một nạn nhân biểu tượng của sự phi lý ở đời. Và nhờ óc sáng tạo này ông đã lôi ra được ánh sáng cái ý thức về phi lý vốn là mối ưu tư hàng đầu của thế hệ ông. Đây là một chủ đề sâu sắc mà nội dung thông điệp không dễ gì phổ bién được sâu rộng. Bởi vậy Camus mới chọn kịch như là thể loại giúp ông tiết kiệm được ngôn từ mà lại có khả năng truyền đạt tối đa.
Vở kịch mở màn với cảnh triều đình nhớn nhác đi tìm Caligula biệt tăm đã ba ngày. Khi tái xuất hiện, Caligula chỉ còn là một thân hình tiều tụy, mặt mày lem luốc, miệng lảm nhảm như một anh khùng. Phải chờ tới khi gặp lại tâm phúc là Helicon, Caligula mới thốt ra một câu giúp ta hiểu được sự thay đổi đột ngột của y : ” Mọi người đều phải chết và không có hạnh phúc. “ (” Les hommes meurent et ne sont pas heureux ” (CALIGULA, acte I, sc.4, p. 49). Bằng câu này Caligula muốn thố lộ rằng y đang phải sống một thảm kịch lớn, không phải do cái chết của Drusilla mà vì cái chết đó khiến y phát hiện ra một sư thật khủng khiếp : đời người là hữu hạn và hạnh phúc chỉ là ảo ảnh. Với Hélicon, sống chết là chuyện ở đời và điều này không khiến ” thiên hạ phải bỏ bữa ăn trưa “ (” Ce n’est pas cela qui les empêche de déjeuner ” Sdd, tr. 49). Nhưng với Caligula đây lại là biểu hiện của định mệnh phi lý dành cho kiếp người. Điều này làm hắn bất bình nổi loạn vì thấy không thể chấp nhận sống giả dối, sống cam phận với một hạnh phúc ảo ảnh như vậy. Sẵn có quyền bính trong tay, hắn quyết định thực hiện điều được coi như bất khả thi trước con mắt người đời : thay đổi thân phận phi lý con người. Ý muốn bắt nhốt mặt trăng làm đồ chơi chính là hành vi biểu tượng cho quyết tâm thực hiện sự bất khả thi đó. Nhưng trước mắt, Caligula tự cho mình nhiệm vụ thức tỉnh mọi người, bắt họ phải mở mắt nhìn ra thân phận phi lý của mình. Để thực hiện sứ mạng, Caligula ra quyết định tất cả phú hộ bất kỳ lớn nhỏ đều phải lập chúc thư tước bỏ quyền thừa hưởng gia tài của con cái để nạp cho nhà nước. Sau đó y ra lệnh cho quản thủ công khố thiết lập một danh sách không theo một qui tắc thứ tự nào để tùy tiện lôi những người có tên trong danh sách ra chặt đầu mỗi khi nhà nước cần tới tài sản của họ. Caligula gọi đó là một ” phương pháp sư phạm nhằm biến cái bất khả hữu thành khả hữu. (” C’est de la pédagogie… Il s’agit de rendre possible ce qui ne l’est pas. ” Sdd, tr. 58). Phương pháp sư phạm của giáo sư Caligula (” Il leur manque un professeur qui sache ce dont il parle ” Sdd. tr. 49) là đẩy lý luận phi lý tới tận cùng giới hạn để biện minh cho các quyết định phi lý của mình : nếu phi lý là luật chơi ở đời, tại sao có những điều lại được coi là phi lý ? Bắng cách lý luận này Caligula muốn dồn mọi người tới chỗ phải bất bình nổi loạn trước các quyết định độc đoán phi lý của y và, qua đó, bất bình nổi loạn trước sự chết như là thân phận phi lý con người. Nhưng bài học siêu hình sâu sắc ấy lại vượt quá tầm hiểu biết của đám cận thần, nên họ mới coi Caligula là một hiểm họa và quyết định phải trừ khử y.
Ý nghĩa nhân bản mà Camus muốn gán cho Caligula đằng sau khuôn mặt bạo chúa sadique theo lịch sử, còn được soi tỏ hơn nhờ vào hai nhân vật trong vở kịch là Scipion và Cherea. Scipion là một thiếu niên mười bảy tuổi tâm hồn thi sĩ, cha ruột bị chính Caligula sát hại. Lúc đầu Scipion rất căm thù Caligula và nuôi ý định giết Caligula để trả thù cha. (II, 12 – Sdd. tr.95-98). Nhưng sau một cuộc trao đổi với Caligula, Scipion hiểu rõ hơn con người thật Caligula, thông cảm được với khát vọng u uẩn của y nên từ bỏ ý định trả thù. (II,14 -Sdd. tr.99- 106). Là cận thần, Cherea cũng hiểu được Caligula như Scipion. Nhưng chính vì thế hắn càng thấy lý do phải trừ khử Caligula. Bởi vì, theo hắn, ” có toi mạng cũng chẳng nhằm nhò gì… Nhưng làm tiêu tan lẽ sống, làm mất đi lý do tồn tại, đó mới là điều không thể chịu dựng được. Ta không thể sống vô cớ. ” (” Perdre la vie est peu de chose… Mais voir dissiper le sens de cette vie, disparaỵtre notre raison d’exister, voilà ce qui est insupportable. On ne peut vivre sans raison. ” Sdd. tr. 73). Ta có thể nói Cherea là biểu tượng cho điều mà chủ nghĩa hiện sinh gọi là sự sự ngụy tín (la mauvaise foi) tức là thái đọ sống giả dối, sống cầu an, sống ẩn núp dưới một lẽ sống giả tạo để có thể kéo dài sự tồn tại. Cũng vì muốn được sống cam phận như vậy nên, dù được Caligula ân sá sau khi âm mưu bị bại lộ, Cherea vẫn tham dự vào cuộc sát hại Caligula. Duy có điều khác biệt với đám cận thần già nua là Cherea đã ra tay hành động mặt đối mặt chứ không chịu làm kẻ đâm sau lưng chiến sĩ như đám cận thần đồng lõa. Vở kịch kết thúc với cảnh Caligula trước khi thở hắt ra còn cười sằng sặc và rống lên : “Ta vẫn sống đây “ (” Je suis encore vivant ! ” Sdd. tr.172). Bằng câu trăn trối này Caligula muốn nhắn nhủ đám cận thần rằng, cho dù có hủy hại được thân xác y, nhưng từ nay họ sẽ phải sống mãi với ám ảnh về thân phận phi lý mà Caligula đã gieo rắc trong đầu họ.
Kịch bản CALIGULA trong bộ Folio-Théâtre của nhà xuất bản Gallimard, Paris dày 209 trang. Nếu tính số trang dành cho phần từ khi từ khi mở màn (tr.37) tới lúc hạ màn (tr.172) thì toàn bộ vở kịch chỉ chiếm có 135 trang. Nếu ta lại tính thêm rằng trên những trang này một số trang chỉ có độc một chữ mang tên nhân vật, và một số trang khác được vài dòng với mẩu đối thoại đôi ba chữ thì tổng số chữ dành cho vở kịch giỏi lắm chỉ lấp đầy ngót trăm trang sách khổ bỏ túi là cùng. Vậy mà với ngần ấy chữ nghĩa và chỉ dựa vào một thể loại cổ điển vời những lời lẽ thuộc về ngôn ngữ đời sống hàng ngày, Camus vẫn giúp cho độc giả không phải chuyên môn nhận thức được một vài khái niệm then chốt của chủ nghĩa hiện sinh. Điều này cho phép tôi nghĩ rằng, trong sáng tạo, một khi ta có được cái nhìn khai phá và nắm vững chất liệu ta vẫn nói lên được cái mới ; chứ không nhất thiết phải ưu tiên tìm kiếm ( ?) một thủ thuật, một bút pháp mới lạ ta mới tiến hành được cuộc cách mạng cách tân văn học.
Không coi nhẹ vai trò quan trọng của kỹ năng biểu thị nhưng tôi cho rằng mọi công trình sáng tạo đều cần có chất liệu tốt. Mà chất liệu quí báu nhất, trong văn học nghệ thuật, vẫn là vốn sống. Vốn sống càng dồi dào, chất liệu càng đa dạng phong phú. Những hoàn cảnh đặc biệt, những tình huống bất đắc dĩ mới là nguồn cung cấp chất liệu hiếm hoi. Chúng là điều kiện làm nảy sinh những cảm xúc mới, những ấn tượng mới, những suy tư mới. Và chỉ những cảm xúc, ấn tượng suy tư được nảy sinh từ những trạng huống ngoại lệ ấy mới giúp ta tạo dựng nên được những tác phẩm có xương có thịt. Những năm tháng dài sống trên quê hương phải trải qua biết bao thảm họa chiến tranh, nghèo đói, chậm tiến biết đâu, nhìn lại, ta đã chẳng tích lũy được một vốn sống quí báu. Tới khi được đặt chân lên những nước văn minh tiền tiến nhìn thấy người ta giàu sang của cải ê hề, sinh hoạt tự do thả dàn, không bằng lòng điều gì tha hồ quạc miệng chửi tưới hột sen, ta ngỡ ngàng tự hỏi phải chăng thiên đường hạ giới nơi đây. Nhưng sau những choáng ngợp ban đầu, ta lại phát hiện ra rằng cuộc sống những chốn này cũng có cái gì không được ổn lắm. Gia đình nhà nào cũng hai ba chiếc xe, TV, dàn xen mỗi phòng đều có. Vậy mà ra đường ai nấy cũng hớt ha hớt hải có đường còn tất bật hơn cả dân nghèo phải lo chạy gạo ở quê nhà. Mà cũng ít gặp được ai ra chiều hả hê cả. Mặt mũi người nào cũng lầm lì khó đăm đăm như mắc bịnh táo bón kinh niên. Đụng nhau mà như không ngó thấy nhau, chẳng thèm chào hỏi thì chớ lại chỉ chực kiếm chuyện sinh sự để xả sú bắp, có khi còn định rút súng để xơi tái nhau luôn. Được ra hải ngoại, do đó, có thể còn là cơ hội giúp ta có thêm điều kiện so sánh, đối chiếu, đưa ra cái nhìn mới mẻ để dặt lại vấn đề một số giá trị được coi là tiêu biểu cho ý nghĩa đời sống văn minh kỹ thuật vật chất. Tôi cho răng chỉ bằng con đường khai thác vốn sống và vị thế đặc biệt riêng tư ấy mới thực sự dẫn ta tới con đường sáng tạo. Còn như chỉ đặt nặng vấn đề thẩm mỹ hình thức tôi e rằng khó mà đem lại sinh khí cho một nền văn học có chiều hướng đang xuống cấp và ngày càng bị đe dọa bởi sự tràn ngập của những sản phẩm thuộc loại văn hóa tiêu dùng (2). Và cũng chi bằng con đường sáng tạo ta mới mong thoát khỏi nền văn chương tầm gửi sống nhờ vay mượn văn học nước ngoài và, nhờ đó làm nên những tác phẩm lớn (3) có tầm vóc quốc tế. Hay, ít ra cũng một vài tác phẩm giá trị vượt thắng được thử thách thời gian như “Nỗi buồn chiến tranh ” của Bảo Ninh (4). Một nỗi buồn nhân bản ray rứt mà, ngày nay, càng đọc lại ta càng thấm thía ý nghĩa chua cay. Nhìn ra nước ngoài, nhà văn mang Pháp tịch gốc Trung Hoa Cao Hành Kiện được trao giải văn học Nobel là nhờ cuốn “Linh Sơn”, (bản dịch tiếng Pháp ” La montagne de l’âme “, Editions de l’Aube-2000). Ta có thể coi “Linh Sơn” như là tập ký sự của Cao Hành Kiện trong suốt cuộc hành trình xuyên Hoa lục để tìm đường lẩn trốn ra nước ngoài. Trong cuộc hành trình ấy ông đã nhiều lần len lỏi tới nhiều vùng thâm sơn cùng cốc và được tiếp xúc với những thổ dân bộ tộc vẫn bảo tồn được phong tục tập quấn cổ truyền mặc dù bị chính quyền Bắc Kinh xếp vào loại hủ hóa và tìm mọi cách xóa bỏ. Bằng một văn phong và một một kỹ thuật diễn đạt thuộc về riêng ông chưa hề thấy được đem giảng dạy trên các đại học, ” Linh Sơn ” còn là một tài liệu nhân chủng học phong phú, một thiên phóng sự linh động về con người, về cuộc sống. Về những con người trong cuộc sống : những khuôn mặt tầm thường mờ nhạt trong cuộc sống muôn màu muôn vẻ cũng tầm thường mờ nhạt, nhưng lại phảng phất một mùi hương thấm đậm tâm hồn các sắc tộc cổ đại Trung Hoa vẫn được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác bất chấp mọi thăng trầm thế cuộc. Có lẽ nhờ vậy mà tác phẩm ” Linh Sơn ” đã lọt vào mắt xanh của ban giám khảo Hàn Lâm Viện Stockholm chăng ?
(1) ” Có nên đặt vấn đề về khả năng diễn đạt của tiếng Việt “,N.B. Hưng –
(2) Bốn chữ văn hóa tiêu dùng là tựa cuốn sách của Nhà Xuất Bản Thông Tin Văn Hóa Hà Nội 1998, do một nhóm nhà nghiên cứu biên soạn. Tôi đã mượn bốn chữ ” văn hoá tiêu dùng ” này không hẳn theo ý nghĩa nội dung và mục đích của nhóm chủ trương, mà chỉ muốn nói đến những bài viết được quan niệm thực hiện như sản phẩm hàng hóa, chủ yếu chạy theo thị hiếu nhằm đáp ứng đòi hỏi của thị trường.
(3) Chu Văn Sơn : “Tác phẩm lớn, tại sao chưa ? ” Talawas, mục ” Văn Học Việt Nam “, 16-11-2006.
(4) Bảo Ninh : ” Nỗi buồn chiến tranh “, Nhà Xuất Bản Hội Nhà Văn – 1991.
Nguyễn Bảo Hưng