Triều La Vỹ

Kính tặng anh hùng LLVT Trần Thị Kỷ

Lửa. Lập lòe. Lập lòe những bông phượng đỏ, cháy rực một góc làng.

Nóng. Râm ran. Râm ran tiếng bầy ve khản giọng gọi hè, khô khốc từng vạt đất.

Nắng. Chan chát. Oi nồng và nóng bức. Bầu trời nặng chình chịch. Mây xám lô nhô, lỗ chỗ lỗ thủng. Từ trên cao, nắng khè xuống nóng ran. Mới chín giờ sáng mà không khí như bị vón cục. Ngột ngạt những tiếng thở đặc khàn. Nhớp nhúa những gương mặt uể oải. Lách cách tiếng đạn lên nòng. Lạo xạo tiếng giày đinh trên sỏi. Từ phía sân bay Gò Quánh, thỉnh thoảng có những quả đạn pháo rít lên đì đoàng, chát ngắt giữa không gian.

Đó là cây mít cổ thụ nằm giữa làng Tân Đức. Ai đó vừa mới phạt lá, chặt cành để trơ những vạt gỗ trắng hếu sần sùi rỉ nhựa. Người ta treo lên đấy một người con gái trần truồng, gương mặt còn rất trẻ, chừng mười tám đôi mươi. Đôi mắt rực sáng kiêu hãnh. Môi nở nụ cười thản nhiên như không. Mái tóc đen dài rối bù, chảy xõa một bên vai tròn trịa, rồi trườn xuống ôm lấy một vồng ngực vun đầy trắng nõn.

Cách gốc mít chừng vài chục bước chân, lố nhố một bầy Việt Hàn. Một can xăng đầy, méo xệ một bên nắp. Vài cây đuốc bằng bã mía khô vứt chỏng chơ trên đất. Thằng thiếu úy Đại Hàn đang xì xồ quát tháo chỉ trỏ. Dưới lòng đất, trên trời cao, giữa không trung, không khí dường như quánh đặc và khô ran. Lửa. Lửa. Lửa… Chỉ đợi một mồi lửa, một tiếng phựt cháy là bắt đầu màn hành hình tàn bạo và kinh tởm. Thiêu sống.
*
* *
Nóng. Hầm hập. Ngột ngạt tiếng giày đinh sục sạo trên nắp hầm. Mình nín thở ngồi tựa vào hầm đất cứng, mồ hôi rịn ướt lưng áo. Tim mình đập thình thịch. Lo quá. Không biết chúng nó có phát hiện ra mình không. Sớm nay, thấy pháo địch từ phía sân bay Gò Quánh có vẻ khác thường, mình cảnh giác chạy vội ra đầu làng, thì nghe tiếng chó sủa ran ở làng Tân Nghi. Bọn Đại Hàn đông nghịt đang hùng hổ càn lên Tân Đức. Mình vội báo cho các đồng chí cán bộ lãnh đạo huyện ủy và các anh du kích xuống công sự. Mình cũng lật đật đưa các anh thương binh xuống hầm bí mật, xóa từng dấu vết. Mình vừa kịp xuống hầm thì đã nghe tiếng xì xồ của bọn Đại Hàn. Tiếng một thằng Việt gian ton hót, chỉ trỏ. Tiếng thằng chỉ huy Đại Hàn lơ lớ, quát nạt. Từng nhát thuốn sục sạo rất gần hầm mình. Tiếc quá. Giá như mình có quả lựu đạn. Mình vội nhặt một cục đất cứng cầm chặt trong tay. Cũng không biết để làm gì. Bỗng mình nghe có tiếng cuốc bổ ngay trên đầu. Nắp hầm vừa bật ra, bọn chúng ném ngay một quả mù cay xuống. Sức ép của lựu đạn và hơi cay làm mình ngạt và ngất đi. Khi tỉnh lại, mình thấy hai tay bị trói giật khuỷu ra sau, kẹp chặt hai bên nách là hai thằng lính Đại Hàn to lớn, tay đầy lông lá. Thằng thiếu úy Đại Hàn đứng trước mặt mình, miệng phì phèo điếu thuốc lá. Nó rít thật sâu một hơi thuốc rồi nhả từng chữ o tròn vành vào mặt mình. Đằng sau quầng khói trơ trẽn kia là cặp môi mỏng dính thô kệch và đôi mắt đói dại khát máu của một con sói. Nó nhổ một bãi nước bọt vào lòng bàn tay, xoa xoa mấy lần, rồi hất hàm hỏi, tiếng Việt lơ lớ:

– Hầm bí mật đâu, bọn Vi Xi(1) đang núp ở đâu?

Đừng hòng. Đừng hòng bắt tao chỉ ra nơi ẩn náu của các đồng chí mình. Mình hất lọn tóc rối qua sau vai, mắt trừng trừng nhìn thằng thiếu úy. Hình như mình vừa cười khẩy vào cái mặt thộn của nó. Thằng thiếu úy tức tối tát túi bụi vào mặt mình. Trời đất quay cuồng. Bầy đom đóm sà vào mặt. Đầu mình ong ong như có trăm ngàn tiếng ve đang râm ran gọi hè. Có cái gì đó lợn cợn và mằn mặn trong miệng. Một cái răng đã gãy. Mình hít vào ngực một hơi thật sâu, rồi nhổ toẹt vào khuôn mặt cú vọ đang nham nhở cười của thằng Đại Hàn. Nó ngơ ngác nhìn mình, như chưa hiểu điều gì vừa xảy ra. Bãi nước bọt đầy máu chảy lòng thòng trên mặt, trên mũi thằng thiếu úy. Nó lấy tay vuốt mặt. Lẽ ra, nó đã đá thốc vào bụng mình cho hả cơn tức. Nhưng nó không làm vậy. Nó bóp chặt năm ngón tay vào cổ mình làm mình suýt ngạt thở, rồi nó gằn từng tiếng:
– Mày không nói, tao sẽ cắt lưỡi mày.

Mình chợt nghĩ. Ở đây gần các anh quá. Lỡ các anh đau lòng mà bung nắp hầm lên thì nguy to. Mình liền bảo nó dẫn mình đi, hết chỗ này đến chỗ khác. Cứ tới chỗ nào nghi ngờ, chúng lại dừng, lại hỏi mình và mình lại lắc đầu. Mình im lặng để chúng kéo lê mình đi khắp làng. Và mình cũng im lặng khắc sâu vào trong trái tim hình ảnh cái làng nhỏ hiền lành thân yêu của mình. Bởi, đây là cơ hội cuối cùng và duy nhất của mình với quê hương. Đấy, dưới lũy tre này, cờ cách mạng và truyền đơn đã tung bay trong những ngày tháng Giêng năm Sáu Lăm đáng nhớ… Những ngày Đồng Khởi. Xóm dưới làng trên rộn ràng náo nức như đang vào ngày hội. Và kia, dưới gốc ổi này mình đã có một kỉ niệm khó quên của đời con gái. Hương ổi dìu dịu, gió trưa mát lành, cánh võng nhẹ đưa, mình đã có một giấc mơ rất đẹp. Giấc mơ được cầm lấy tay anh. Giấc mơ của tuổi hồn nhiên mười bảy. Mình choàng tỉnh khi má lay vai mình. Trời ơi, hai cúc áo của mình bung ra, bày cả cái phập phồng hổn hển tuổi thanh xuân dưới vun ngực tròn đầy, căng tràn nhựa sống. May mà không có ai. Má mắng yêu mình. Mình đã vùi khuôn mặt thẹn thùng vào vai má, nũng nịu bắt đền. Và kia nữa, dưới gốc cây mít già nhất của làng, trước lá cờ cách mạng và ảnh Bác Hồ, mình và anh Trà đã long trọng tuyên đọc lời thề thiêng liêng của người du kích…

Hình như thằng thiếu úy Đại Hàn biết mình lừa nó. Nó ra lệnh dừng lại, rồi tay nó xiết vào cổ mình và rít lên:
– Mày lừa tao phải không? Nói mau, hầm bí mật ở đâu?
Mình lại cười khẩy vào cái mặt đang thộn ra và điên tiết của nó. Hầm bí mật ở trong lòng tao đây nè. Nó tức tối móc một cú vào ngực, rồi đá một đá trời giáng vào vùng bụng dưới, giữa hai chân mình. Đau lộn ruột lộn gan. Ói cả mật xanh mật vàng. Mình khụy xuống. Nhưng nó nắm tóc mình lôi lên, rồi chỏ rồi đạp, rồi dùi cui, rồi báng súng chúng thay nhau hành hạ thân xác mình. Đau, đau lắm các anh ơi. Quân dã man. Hãy giết chết tao đi. Mình đã chết đi sống lại mấy lần, mình không nhớ nổi nữa. Con đau, đau không chịu được nữa rồi ba ơi, má ơi. Mình cắn chặt răng. Không được rên. Rên là hèn nhát, là không xứng đáng với xóm làng. Mình chợt thấy ánh mắt dịu dàng đầm ấm quá đỗi của ba, như ngày nào lúc mình xin ba theo anh Trà vào du kích. Ba lặng im nhìn mình một hồi, dịu dàng và e ngại, rồi thở dài không cho mình đi. Làm thân con gái, lỡ nay mai bị giặc bắt bớ đánh đập… Mình hiểu, mình hiểu ba muốn nói gì mà. Mình đã thề không bao giờ làm nhơ bẩn thanh danh gia đình, làng xóm, không bao giờ làm hại cách mạng. Mình đã thề dù đau đớn, tù đày, dù có chết mình cũng xứng đáng là con gái của ba. Ba hiểu con gái của ba mà, có đúng không? Đứa con gái hiền lành chịu thương chịu khó và có tính nết gan lì giống ba. Nhưng ba Cừ ơi, má Quýt ơi, con không thở được nữa rồi, con phải đi đây. Anh Trà ơi, ráng chăm sóc ba má và các em thay Kỷ nghen anh…
*
* *
Lạnh. Se se. Se se cơn gió bấc trên cánh đồng Thiết Trụ sau mùa gặt. Kỷ đi như một người mộng du trên cánh đồng thân quen của mình. Kỷ cúi nhặt mê mải từng gié lúa rơi vãi trên những gốc lúa còn tươi rói. Mười ngón tay cóng buốt. Những hạt thóc căng mẩy. Những giọt mưa phùn lăn tê tái trên mặt Kỷ, ướt nhòe cả mắt. Thương ba Cừ quá. Số lúa mót của Kỷ chỉ vừa đủ nấu lưng lưng một bát cháo hành. Quân dã man. Chúng biết ba Cừ là cán bộ Việt Minh suốt chín năm chống Pháp, nhưng nghi ngờ ba không đi tập kết mà ở lại làm cơ sở cho cách mạng. Chắc có thằng Việt gian nào ton hót, kiếm cơm. Chúng đã đánh đập, hành hạ ba Cừ, bắt buộc ba khai ra những đồng chí cách mạng nằm vùng. Nhưng ba Cừ chỉ một mực kêu oan. Đánh chán, không tìm được gì, chúng đành thả ba về. Nhìn những vết roi tàn bạo còn rớm máu trên lưng ba, nhìn ba gắng lắm mới húp được một muỗng cháo vì đôi môi còn bầm tím sưng vù, Kỷ đã cố nén để không khóc nấc lên một tiếng. Lúc ba húp xong muỗng cháo cuối cùng, Kỷ cầm cái bát không, đi một hơi ra nhà sau, vục một gàu nước mát lạnh đổ ào ào lên đầu, lên mặt mình, mà nghe hai con mắt cứ cay cay như ớt và đôi môi còn mằn mặn như tro.


Minh họa: Phạm Hà Hải

 

Lạnh. Lạnh tê. Mười ngón tay của Kỷ đông cứng như tuyết. Kỷ kinh hãi nhìn vào hai bàn tay mình và khóc. Hình như vừa có một cơn gió rất lạnh, lùa vào từ ngoài cửa. Nhức buốt mười đầu ngón tay. Kỷ tỉnh hẳn. Kỷ cựa mình. Hai cánh tay Kỷ bị trói quặt ra đằng sau. Hai chân Kỷ cũng bị trói chặt. Kỷ cố ngồi dậy nhưng không được. Toàn thân đau ê ẩm. Mười ngón tay nhức buốt. Hai mắt Kỷ mở trừng trừng, nhìn vào bóng đêm. Ước gì mình được nhìn bằng ánh mắt dịu dàng tha thiết lên mười đầu ngón tay đang sưng vù, rỉ máu của mình. Sao bọn mày tàn bạo và khát máu đến thế. Kỷ thương những ngón tay hình búp măng của mình biết bao. Nhà nghèo quá, mới lên bốn tuổi, Kỷ đã phải giúp mẹ ẵm em, nấu cơm, chăn bò. Gần chín tuổi, Kỷ vẫn chưa được đi học. Kỷ ước được có ngày cầm cây bút tre nắn nót viết chữ i tờ biết bao. Những con chữ cứ hay nhảy múa trong giấc ngủ đầy mộng mị nhưng hồn nhiên của Kỷ. Rồi ngày đó cũng đến. Đó là vào một ngày mùa Thu, khi đất nước vừa tạm chia hai miền Nam Bắc. Kỷ như con sáo tung tăng tới trường, tung tăng với niềm vui tự do. Mười ngón tay xinh xắn của Kỷ đã biết làm những con chữ biết nói và biết hát. Kỷ yêu quý biết bao những ngón tay mềm mại của mình. Nhưng rồi, chỉ học tới lớp năm, Kỷ phải nghỉ học. Đấy là thời kì dồn thôn lập ấp và khủng bố của máy chém. Kỷ ở nhà chằm nón giúp mẹ. Mười bốn tuổi, Kỷ đã nổi tiếng làng trên xóm dưới là có đôi tay khéo. Những chiếc nón do Kỷ chằm rất đẹp và sắc xảo, cả những bà khó tính cũng phải trầm trồ. Kỷ nhớ, có một đêm mải nghĩ vẩn vơ, mũi kim chằm nón đã găm vào ngón tay. Một giọt máu hồng ứa ra. Nhức buốt. Đêm thẫn thờ dừng lại trên nếp lá chằm dở dang. Kỷ khóc vì đau thì ít mà vì tủi thân thì nhiều. Nhưng tiếng khóc rất thầm, rất khẽ, cứ như chỉ chảy ngược vào trong. Kỷ thương ba má và các em quá. Kỷ lặng lẽ chùi nước mắt và lại lặng lẽ rút sợi chằm cho kịp phiên chợ sớm Gò Găng.

Gió. Phải, gió đấy. Gió bồng bềnh tóc mây của Kỷ. Gió rì rào trên sóng lúa xanh rì con gái. Gió sóng sánh mắt anh. Anh cầm tay Kỷ. Rất lâu. Bàn tay anh rất ấm cứ giữ mãi hai bàn tay Kỷ. Anh khen đôi bàn tay búp nõn của Kỷ. Anh nói ước gì bàn tay Kỷ và bàn tay anh cùng chung lo một mái nhà xinh và cùng ẵm bồng, nựng nịu những đứa con kháu khỉnh. Kỷ không nhớ mình đã nói gì. Cũng không hiểu vì sao mình giận dỗi. Nhưng khi rút vội tay về, Kỷ bỗng ngơ ngác nhận ra tất cả những vì sao đang lấp lánh trong mắt anh đều vụt tắt. Nhìn bóng anh khuất dần sau con đường làng nho nhỏ, Kỷ bỗng muốn chạy ào đến, cầm lấy bàn tay anh và rồi gục đầu vào đôi vai anh mà khóc. Nhưng hai chân Kỷ như dán chặt vào mặt đất. Sao kì vậy Kỷ ơi. Đâu phải Kỷ không thương anh, đâu phải Kỷ không muốn lập gia đình, nhưng không phải bây giờ, lúc quê hương đang chuyển mình cho những ngày diệt tề phá ấp. Anh biết như vậy mà. Anh hiểu cho lòng Kỷ có đúng không. Nhưng sao Kỷ cứ thấy ngỡ ngàng như vừa đánh mất cái hồn nhiên, giản dị mà quá đỗi thiêng liêng của thì con gái. Và mỗi lần nhìn ngọn đèn dầu đêm nào cũng thức, cứ lặng lẽ cháy hình trái tim, lòng Kỷ lại xao xuyến phập phồng, lại thảng thốt gọi anh trong giấc mơ mười bảy tuổi.

Khát. Khát quá. Khát khô cả cổ. Kỷ liếm môi mình. Môi Kỷ sưng vù. Miệng Kỷ khô khốc và nhức buốt. Ước gì được vục mặt vào dòng sông quê mẹ để nghe con nước mát lành chảy thao thiết giữa trái tim. Ước gì được vùi mặt vào vai các anh mà khóc. Kỷ bỗng nhớ và thương các anh thương binh quá chừng. Nhất là anh Sáu. Một cánh tay đã gần đứt lìa sau trận càn của địch. Suốt đêm, Kỷ ngồi bên anh, bên cơn sốt cao và những lời mê sảng của anh. Cả trong lúc thập tử nhất sinh, ảnh còn nói trêu mình, còn ghẹo mình có mười ngón tay dịu dàng của cô Tấm, đứa nào nay mai lấy Kỷ là hạnh phúc nhất trần gian. Trời ơi, vậy mà khi mặt trời chưa lên, anh Sáu đã ra đi. Kỷ đã vuốt mắt anh bằng mười ngón tay cô Tấm dịu dàng. Và Kỷ đã úp mặt mình vào mười ngón tay bé bỏng để nghẹn ngào như một người ruột thịt.

Bọn chúng đóng đinh lên mười ngón tay Kỷ. Nhức, nhức quá các anh ơi. Nhức tới tận xương, tận tủy. Kỷ muốn khóc thật to, cho những giọt nước mắt làm mềm bớt cơn đau đang muốn xé rách thân thể mình. Nhưng mình không có quyền khóc. Nước mắt chỉ dành cho người mình thương yêu. Nước mắt không dành cho kẻ thù. Bởi, khóc là hèn nhát. Kỷ nghiến chặt răng. Một ngón, hai ngón, rồi ba ngón… Nhức, nhức lắm anh Trà ơi. Cơn đau đang muốn cắt lìa ngón tay của Kỷ ra đây này. Nó đang nghiến vào tim Kỷ, bóp nghẹn tim Kỷ. Cơn đau chẹn ngang cổ họng, khiến Kỷ không thở nổi nữa. Rồi Kỷ nghe một tiếng vỡ òa từ lồng ngực mình. Và Kỷ thấy mình bồng bềnh trôi trong bóng đêm. Khát. Khát quá. Trong cơn mê, trong ảo ảnh khói sương, Kỷ chợt nhìn thấy một suối nước mát lành từ trời cao chảy xuống. Lóng lánh và trong veo. Kỷ trườn người về phía đó. Trườn bằng mười ngón tay sưng vù của mình. Trườn bằng cơn khát cháy cổ. Kỷ há miệng hớp lấy hớp để thứ nước óng vàng như mật ong chảy ra từ vầng trăng quê mẹ. Rồi Kỷ thấy mình bồng bềnh như mây trôi qua dòng sông quê hương. Và ở đấy, Kỷ ngạc nhiên thấy mình đang nằm ngủ ngon lành bên bờ sông, bên con nghé hồn nhiên gặm những vạt nắng cuối ngày rực vàng hoa cải…
*
* *
Lửa. Lửa xòe ra sáng lòe trước mặt thằng thiếu úy Đại Hàn, nóng rát rạt ngón tay trỏ. Thằng thiếu úy ho sặc sụa. Khói thuốc ói ra nhầy nhụa và khét lè. Đù mẹ… Có mồi thuốc mà cũng run. Nó chửi thề, nhổ một bãi nước bọt xuống đất, rồi rút súng bắn ba phát chỉ thiên. Tức thì, một thằng Việt gian chạy tới cầm lấy can xăng tạt mạnh lên cây mít, lên người Kỷ. Nó lướt ánh mắt thèm thuồng trơ trẽn lên người, lên mặt Kỷ rồi cười hơ hớ. Chợt nó đứng sượng trân, miệng ngoác ra như người mắc gió. Từ đôi mắt Kỷ nó nhìn thấy ngọn lửa căm hờn đang ngùn ngụt cháy. Và từ đôi môi kia, đôi môi còn sưng vù rỉ máu, nó nhìn thấy một cái cười ngạo nghễ và kiêu hãnh. Hình như có tiếng cười nhạt, thương hại và đầy khinh bỉ vừa khẩy qua khuôn miệng của người con gái kiên trung. Bất giác nó vuốt mặt. Mặt nó đờ ra, gai gai. Mồ hôi ướt lạnh cả sống lưng. Hai đùi nó nóng ran. Mặt nó đỏ gấc. Nó thẹn thùng nhìn qua bên cạnh. Thằng lính Đại Hàn đã thả cây đuốc xuống đất và ngất xỉu từ hồi nào.
– Đù mẹ… Toàn lũ ăn hại…

Thằng thiếu úy Đại Hàn bước tới đá vào cái đít ướt nhẹp của thằng Việt gian làm thằng cu chúi mặt xuống đất. Nó hùng hổ nhặt lấy cây đuốc và bật lửa. Rồi nó chậm rãi bước từng bước về phía Kỷ. Có thứ gì đó từ cái dáng đứng mảnh khảnh và thanh cao của đứa con gái trẻ măng mà gan lì kia làm thằng thiếu úy Đại Hàn thấy chờn chợn. Đứa nào dám cột con nhỏ đó lên cây mà giống y chang… Hình ảnh Chúa Cứu thế ngày nào trên cây Thập tự hiện về làm nó kinh hãi. Nó run run làm dấu thánh. Nó lắc đầu, rồi chợt thở dài. Chắc gì Chúa đã tồn tại. Mà nếu có tồn tại, chắc gì Chúa đã yêu thương con người. Nếu có, sao má nó, người đàn bà hiền lành khốn khổ, một con chiên ngoan đạo, năm đó phải bị hãm hiếp đến tắt thở bởi những thằng đàn ông cùng một giống nòi. Nếu có, sao ba nó phải chết tức tưởi bởi một viên đạn lạc vào ngày đầu tiên kết thúc cuộc chiến tranh năm Năm Ba tàn khốc. Nó rít một hơi thuốc dài và sâu, rồi lặng lẽ nhả những chữ o tròn vành, mờ mịt phận người vào không khí. Rồi nó nheo mắt nhìn vào mặt Kỷ. Ánh mắt. Đúng rồi, chính ánh mắt ấy. Ánh mắt rất đỗi nghiêm khắc lạnh lùng nhưng cũng rất dịu dàng tha thiết kia đã làm nó chột dạ. Đó là ánh mắt của má nó những khi nó bị đòn đau. Phải rồi, đó là ánh mắt đầy thương yêu của mẹ…

Từ phía sân bay Gò Quánh, vừa có thêm một tiếng pháo nổ chát chúa. Tiếng nổ làm thằng thiếu úy bừng tỉnh. Nó nhìn chằm chằm vào thân thể trần truồng chằng chịt vết thương của Kỷ. Rồi cười khẩy. Mẹ kiếp… Phải thiêu sống nó. Phải thiêu rụi cả cái vùng đất nhiệt đới khốn nạn này. Phải làm cho lũ làng và bọn chui rúc trong lòng đất kia phải khiếp đảm cúi đầu. Nó bước nhanh tới năm bước, lấy đà ném mạnh cây đuốc đang cháy dở vào người Kỷ. Kỷ phựt cháy. Con rồng lửa cuồn cuộn ôm tròn lấy thân thể thanh khiết của Kỷ, dịu dàng như người mẹ hiền đang ôm ấp vỗ về đứa con yêu trong lòng. Thỉnh thoảng nó gầm ghè khạc lửa làm những kẻ yếu bóng vía phải kinh hãi. Ngực Kỷ phập phồng, hơi thở dồn dập. Hai cánh tay Kỷ giật giật. Mười ngón tay sưng vù co lại thành nắm đấm, như cố kìm nén cái nóng rẫy nhức buốt đang muốn xé toạc cả thân thể mảnh dẻ của Kỷ. Kìa lạ chưa. Mắt Kỷ vẫn rực sáng. Môi Kỷ vẫn cười. Nụ cười ngạo nghễ và kiêu hãnh.

Bỗng có tiếng thét lớn. Đó là tiếng thét kinh thiên động địa của con rồng lửa. Từ lồng ngực Kỷ ngọn lửa bùng lên dữ dội, cháy rực cả một góc trời. Lửa hừng hực đỏ lòm. Lửa bạo liệt và hoang dại. Tàn lửa bắn ra tung tóe. Bọn lính Đại Hàn và lũ Việt gian kinh hãi bỏ chạy tán loạn. Thằng thiếu úy mặt xanh như tàu lá chuối, đứng sững sờ nhìn trân trân vào ngọn lửa như một kẻ bị thôi miên, bị hút mất cả hồn vía. Bất chợt nó khụy hai đầu gối, quỳ xuống đất. Một tay nó lần tìm dây chuyền bằng bạc đeo ở cổ, run rẩy nâng cây thánh giá lên ngang mày. Tay kia làm dấu thánh. Miệng nó lắp bắp những lời nguyện cầu. Lửa. Lửa. Lửa… Lửa reo, những lời bất tử. Lửa hát, bài hát vĩnh hằng. Lửa cháy bập bùng trên gương mặt già nua tội nghiệp đang cúi gằm sám hối của thằng thiếu úy. Từ trong lòng đất, có những giọt nước mắt ứa ra cay xè, nóng hổi và mặn chát. Chợt có tiếng sấm vang rền trong không trung và một chớp lửa sáng lòa, rạch đôi bầu trời oi ả. Mưa. Mưa ào ào đổ. Thằng thiếu úy Đại Hàn vẫn quỳ dưới đất, hai tay ngửa lên trời cao, mặt ngẩng lên liếm lấy liếm để những giọt mưa trái mùa, đỏ ối như máu trong niềm thành kính và hân hoan khó tả. Một đốm lửa vừa vụt sáng lên và tí tách tiếng reo trước khi lịm tắt vào giữa muôn trùng.

Linh hồn người con gái đã bay lên trong quầng lửa đỏ rực như máu…

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

 

Exit mobile version