Kinh là thợ cả của cánh thợ mộc làng Vân, không thuộc dạng cự phú, nhưng cũng thuộc hàng phú ông. Khi còn nhỏ, cha mẹ khá giả nên cho đi học. Học đến bảy năm chỉ lõm bõm Tam tự kinh. Trong đầu Kinh mùi mạt cưa, cột kèo, dùi đục nhiều hơn chữ nghĩa. Ông thầy làng dữ đòn ngày nào cũng đánh. Đánh chán, kêu Kinh nằm xuống lấy cái hèo đo, xong giơ lên cho cả đám học trò xem. Thầy bảo: Dài thế này rồi, bằng hai đứa tóc để trái đào mà Tam tự kinh cũng chưa thuộc. Kinh nghĩ mình tối dạ, về nhà năn nỉ cha mẹ cho nghỉ học. Cha mẹ Kinh lúc đầu rất giận, vì cả mấy đứa con chả đứa nào làm được ông nọ bà kia. Nhưng Kinh nói: Nhất thầy nhì thợ, để con theo nghề tổ tiên. Chứ theo nghiệp sách đèn mà dạ tối như hũ nút thì có lấy chữ thánh hiền, thủ bút của các trạng nguyên bảng nhãn đốt ra uống vẫn tối như bưng. Thà rằng cứ học lấy cái nghề mộc, thiên hạ chẳng nói nhất thầy nhì thợ là gì. Hoạn lộ lắm vinh nhiều nhục. Đi thi phạm húy có khi mất mạng. Cha mẹ lúc đầu còn giận, nhưng nghe Kinh nói cũng có lý.

Hai mươi tư thành gia thất với một con gái ông thợ cả khác. Nhưng năm năm giường chiếu chỉ đẻ được cho cả Kinh ba con vịt giời. Sau lấy thêm một cô hàng xén chợ huyện. Cả Kinh ngày đục gỗ, đêm về đục hai bà vợ. Bào hết cả sức lực phương phi của anh thợ mộc to khỏe mà cô hàng xén cũng chỉ lòi ra hai cô hàng xén nhỏ. Đến năm bốn mươi tuổi, trong nhà cả Kinh có hẳn bảy cô con gái. Đến tuổi này mà chưa có thằng chống gậy thì cả Kinh phát lo. Có cầu có thiêng, có kiêng có lành, nhà cả Kinh chạy khắp chùa này miếu kia van vái. Sau gặp một ni cô hiến kế cho con gái đầu xuất giá tu hành. Đến năm bốn mươi lăm tuổi, vợ cả Kinh cũng hơn bốn mươi lăm, răng đã rụng hết có chửa. Sau sinh được một đứa con trai, đặt tên Luân. Ai cũng nói là lão bạng sinh châu. Con cầu con cúng nên cả nhà quý như cục vàng. Cho bán khoán vào chùa, mặc áo đỏ có đóng dấu bán khoán. Lại gửi cho một nhà nghèo hèn nuôi. Luân gọi cha và mẹ kế là anh chị.


Con lên năm thì cả Kinh đi làm ở đâu cũng cho Luân đi theo. Luân mặt mũi khôi ngô lịch duyệt, ai gặp cũng khen. Mỗi lần khen như vậy cả Kinh mặt đang cười tươi như hoa tối sầm lại. Cả Kinh sợ càng khen thì ma quỷ càng ghen ghét.

Luân lên bảy, cứ suốt ngày lân la gần chiếu thợ cả chơi, lại nhanh trí, cha dạy cho gì cũng biết, đọc được cả thước lỗ ban mà cả Kinh còn băn khoăn không biết có cho con đi học hay không.

Ở cồn Tiên bên kia sông Vi có một ông Nghè Bân về hưu và một bà vợ đến tậu đất. Người làng Vân sau lưng nhau hay cười cợt nhau Bân là sờ. Cả Kinh biết Bân là người nho nhã. Một chiều, hai cha con ngồi trên phản uống trà, thì thấy một người cưỡi ngựa chạy vô. Cả Kinh chạy vội ra lạy. Ông quan tướng mạo thật đúng như tên, vừa thanh tao vừa nho nhã. Ông Nghè Bân đến mời cả Kinh làm nhà.

Cả Kinh nhận lời mà cả đêm nằm lo ngay ngáy. Thường dinh phủ nhà quan là phải làm bằng danh mộc. Nhưng Nghè Bân có yêu cầu đặc biệt, nhờ cả Kinh làm một căn nhà năm gian toàn bằng tre.

Nếu nhà tranh vách nứa thông thường thì cần gì đến cánh thợ của cả Kinh. Cả Kinh trằn trọc năm canh, sáng mai thức dậy hai mắt thâm quầng trũng sâu xuống. Nghè Bân làm quan trong triều, lấy vợ là một bà công nữ. Nếu mà làm không vừa lòng nhà quan thì chỉ có nước bán sới mà đi.

Lúc ăn cơm, thấy cha cứ nâng bát cơm lên rồi đặt xuống, Luân mới lấy nắm đũa đưa cho cha, thỏ thẻ: Cha nhìn đây này. Luân lấy hai nắm đũa giơ trước mặt cha ngang dọc. Cả Kinh nhìn một hồi rồi chợt cười ha ha, đứng dậy nâng đứa con lên cao khen lớn: Con cha giỏi quá. Khen xong, nhìn con, mặt lại tối sầm.

Hôm khởi công, Nghè Bân mời cả Kinh ngồi cùng mâm. Cả Kinh chối mãi không được cuối cùng cũng ngồi. Thấy Luân đứng kế bên cha, Nghè Bân nhìn Luân, nhìn rất lâu vào gương mặt. Nhìn xong kêu Luân lên giường tre ngồi cùng. Cả Kinh đưa mắt lườm con. Luân không tỏ ra sợ hãi mà còn nhìn thẳng vào ông áo thụng mũ cánh chuồn. Đợi rượu ngà ngà cả Kinh mới nói về tình cảnh độc đinh nhà mình. Quan Nghè Bân nghe xong thở dài đặt đũa xuống. Quan vuốt chòm tóc quả đào của Luân rồi trầm giọng nói: Tôi kém bác cả hai tuổi, quan lộ hơn mười năm gập ghềnh, mà bây giờ chưa có một mụn con.

Nghè Bân nói trong kinh tôi và vợ ở trong một phủ đường. Nhưng mãi mà vẫn hai vợ chồng son. Vợ tôi khuyên tôi nạp thiếp mà tôi không muốn. Không có con là do cung tử tức của tôi vô chính diệu. Chỉ còn có một cơ hội duy nhất. Tôi đặt cả niềm tin vào bác.

Vợ chồng Nghè Bân ở trong phủ đường, nhưng năm nào cũng bị bóng đè năm bảy bận. Bà công nữ cho mời một ông thầy phù thủy người Tàu đến xem phong thủy. Ông thầy nhìn vợ chồng Nghè Bân rồi thở dài, nói tại vợ chồng thầy quá đẹp đôi, nên ông trời ghen tức mà không ban con. Hơn nữa phủ này làm từ gỗ, chắc chắn có mộc. Con quạ rỉa thịt người chết đường rồi mang lên cây ăn. Cái cây đó thành mộc tinh. Nửa đêm lén lút lại tác yêu tác quái trêu nhà quan. Ông thầy khuyên vợ chồng thầy nên kiếm một nếp nhà tre mà ở. Giống tre trúc là thứ linh, có tiên tính. Con ma con quái không dám đến gần.

Tự tay cả Kinh chọn những cây tre gai già thẳng, cứng. Cho chẻ đều thành dui. Đem ngâm qua nước ao tù mấy tháng rồi hong bồ hóng cho đen. Sau bó lại thành bó, ép chặt với sơn ta thành những khối tròn vuông. Làm ra cột ra kèo mẹ tròn con vuông, đục mộng y như nhà gỗ.

Luân thấy quan nghè cưỡi ngựa thì thích lắm. Luân cũng lấy ngựa gỗ cha đẽo cho rồi lấy khánh đầu võng bằng gỗ làm trò ông nghè vinh quy. Lũ trẻ con trong xóm cũng xúm vô rước ông nghè không khác gì trò chơi rằm tháng tám. Nghè Bân thấy vậy, không những không la mắng mà còn hỏi: Lớn lên cháu làm gì? Luân thưa: Muốn làm quan. Cả Kinh đang đục bào chiếu bên thất kinh. Cả dòng họ nhà Kinh đâu có ai làm được ông này bà kia. Lý trưởng là to nhất.

Nghè Bân đang đọc sách trên phản quay xuống chiếu nói với cả Kinh: Sao bác chưa cho cháu đi học?

Cả Kinh phân trần: Tôi theo nghiệp bút nghiên mười lăm năm mà bây giờ chữ nghĩa bay đi mất. Đến viết cái thượng lương cũng phải nhờ người ta. Chữ thánh hiền mấy ai học được. Chắc mồ mả tổ tiên không có tú khí.

Nghè Bân nhấp chén trà, rồi hỏi: Thế cháu nó sinh giờ nào?

Cả Kinh dừng tay, day trán nhớ lại: Mẹ nó đau bụng từ lúc Ngọ. Vỡ nước ối, thấy cả cái đầu đen đen mà nó không chịu ra. Làm đủ cách mà cứ nằm trong đó. Tôi lấy cái áo ném qua mái nhà mấy lần. Mời thầy cúng cúng bái tổ tiên, nhờ cả các ni tụng kinh. Mãi đến khi mặt trời xuống gần cây sào nó mới chịu ra. Mẹ nó sinh xong thì mất. Cháu nó tím tái, không khóc. Tôi vừa thương vừa giận vừa khóc mắng nó: Đồ bất hiếu, cướp công cha mẹ. Bà đỡ đành liều dốc đầu, vỗ vào mông ba cái. Được một khắc nó khóc oa oa, lúc đó đã nhọ mặt người, giờ Thân.

Quan Nghè  bấm ngón tay, nghĩ một hồi nói buồn buồn: Nếu cháu sinh giờ Thân, mệnh vô chính diệu tắc yểu, không sống đến giờ. Sinh vào giờ Thân, nhưng nửa canh giờ sau mới khóc, tức là thần thức đi lạc. Vậy phải tính giờ Mùi.

Cả Kinh cung kính rót trà, châm thêm đôi miếng trầm vào lư. Ngoài trời đã tối như mực. Nghè Bân sai người nhà mài mực, châm đèn. Luân ngồi kế bên, hết mở sách của quan nghè ra coi lại cầm bút định viết. Nghè Bân lúc chau mày, lúc lại như hơi cười, lúc lại ồ lên. Độ một canh giờ thì được một tờ giấy kẻ dọc ngang chi chít ô màu đen, màu son.

Con hầu dọn cơm lên. Nghè Bân cứ một lúc nhìn vào tờ giấy, lúc lại lấy sách tra. Mặt ông giãn ra. Uống liền mấy li rượu cúc. Lúc ngà ngà kêu người nhà mang tiền ra trả công thợ. Lại tặng cho mấy thước lụa tốt, thêm mấy quan tiền thưởng.

Nghè Bân uống chút rượu, người hưng phấn hẳn, ăn nói hoạt bát, giọng nói tươi vui. Cả Kinh vẫn chưa biết là thế nào, định hỏi quan nghè nhưng lại thôi. Sợ có điều gì bất kính thì chết. Quan chỉ vào một ô đánh dấu rồi nói: Bác cả xem đây, xương khúc lâm ư sửu mùi, phùng thời mão dậu cận thiên nhan. Cả Kinh mới bạo gan gặng hỏi: Vậy bẩm quan, số nó có thọ?

Quan bảo: Thọ, sẽ là mệnh quan triều đình ngày ngày gần vua.

Cả Kinh mặt biến sắc, lúc cau lại, lúc giãn ra, vừa mừng vừa lo. Mừng là con mình có số quý nhân. Lo là lo đường còn dài lắm, con mới lên bảy. Phải nấu sử sôi kinh, dùi mài kinh sử, thi ba trường năm trường mới được làm quan. Cả Kinh tuổi đã năm mươi. Tự dưng trong lòng cả nghĩ, chẳng biết có sống được đến lúc đó không. Đúng là cha già con mọn.

Luân như hiểu câu chuyện, ngước lên nhìn quan nghè rồi nói:

– Gần vua có sướng không?

– Gần vua như gần hổ. Sướng khổ theo thời.

Luân theo thầy đồ làng học vỡ lòng một năm. Như một miếng đất khô gặp nước, học đâu biết đấy. Lên mười thì thuộc lầu lầu tứ thư ngũ kinh.

Cả Kinh thấy con thông minh lịch duyệt thì ngày càng mừng thầm vừa cầu trời khấn Phật. Một hôm thầy đồ làng bảo Luân mời cha sang. Cả Kinh tưởng con như mình ngày xưa học dốt hay bị thầy đồ mắng, liền lật đật chạy qua. Thầy đồ mắt toét kèm nhèm, vừa lấy tay dụi mắt vừa nói:

– Tôi dạy hết chữ cho con anh rồi. Từ mai đừng bảo nó đến học nữa.

Cả Kinh tưởng con biếng học hay làm phật ý thầy nên bị thầy nói kháy, định lật đật chạy về dạy cho con một trận, toan nhảy xuống phản xỏ guốc. Thầy đồ một tay túm vạt áo lương cả Kinh một tay lau nhử:

– Tôi đoản học. Anh kiếm một thầy tài cao hơn tôi gửi cháu. Luân là đứa thông tuệ hiếm có. Con mà không giống cha, thật là hổ phụ không sinh hổ tử.

Cả Kinh mặt đỏ dừ trước mặt thầy đồ làng. Chắp tay cố nói ra vẻ kiểu cách:

– Dạ, bán tự vi sư, nhất tự vi sư. Thế theo thầy giờ con gửi cháu đi đâu?

– Xa tít chân trời mà gần ngay trước mặt.
*


Với Luân là một cơ duyên. Chứ Nghè Bân không định thu nhận môn đệ. Hôm cả Kinh mang một mâm lễ và dẫn Luân đến mong Nghè Bân nhận làm học trò, Nghè Bân đã lưỡng lự định giới thiệu cho một người khác. Nhưng khi Luân dâng cho thầy cái miếng sành nhặt được ở chuồng lợn thì Nghè Bân đã đổi ý, có lẽ nào đó là ý trời. Cái miếng sành đấy là cái ngõa nghiên, nguyên là ngói đền Đồng Tước. Nghè Bân liền cho rửa sạch, rồi lấy nước trầm tẩy trần, làm một lễ tẩy rửa ô uế cho một vật thiêng của người tôn thờ nghiên bút.

Một hôm quan nghè cưỡi ngựa dọc bờ sông thấy Luân đang thả diều với đám trẻ trâu. Mùa lụt, nước sông Vi biến thành màu hoa mơ. Lũ rắn nước đua nhau leo trườn về phía bờ tránh lụt. Dăm ba con giẻ cùi cũng tận dụng cơ hội xuống bắt rắn nhỏ kiếm ăn. Lũ mục đồng lấy roi tre quất lia lịa vào lũ rắn. Đầu tiên chỉ là một đứa, sau đứa này hè đứa kia mà thi nhau sát sinh. Giết xong ném thành đống trên bờ. Lòng Nghè Bân lại nhớ đến câu: Nhân chi sơ, tính bản thiện. Luân đi chơi về, Nghè Bân hỏi:

– Hôm nay con làm gì bên bờ sông?

– Dạ con quất rắn chơi.

– Thế Tam tự kinh câu đầu thế nào?

– Dạ, thưa thầy, nhân chi sơ, tính bản thiện.

– Thế vì sao mà con sinh ác tâm?

-Thưa thầy có phải là do học không ạ? Làm thế nào để phân biệt cái tốt để làm, cái xấu để không làm?

– Con có biết mọi vật tề bằng là gì không?

– Dạ, mọi vật đều bằng nhau thưa thầy.

– Đấy con biết nên phải làm gì.

Nghè Bân có nuôi một con khỉ tên là Hầu. Con khỉ đực rất ngộ nghĩnh, nai nịt như một dũng sĩ, đội nón, đeo gươm. Lúc con khỉ mới về, Nghè Bân dạy nó ăn cơm bằng thìa, nhưng nó cứ vung vẩy làm cơm rơi khắp nhà. Mỗi lần như vậy, lại sai Luân vụt cho nó một roi thật đau. Dần dần nó ăn cơm bằng thìa thạo như người. Luân bảo: Thầy lấy con khỉ để dạy con phải nghiêm khắc với bản thân mình?

Có con khỉ ở nhà, cảnh vật cũng sinh động vui vẻ hẳn lên. Con khỉ hay bắt chước nên làm nhiều trò rất buồn cười.

Một hôm Nghè Bân sai Luân lấy óc con khỉ. Lúc nhốt nó vào cái lồng, mắt nó nhìn thẳng vào Luân, hai tay chắp trước ngực xá xá. Luân cầm con dao phay mới mài sáng bóng. Luân nhìn vào mắt con khỉ, lại nhìn thấy gương mặt mình trên lưỡi dao. Đó là gương mặt của sự kinh hãi.

Luân nhắm mắt lại. Rồi hạ dao. Luân run rẩy nói với thầy:

– Thưa thầy con không làm được.

Luân đang chờ cơn thịnh nộ của thầy. Nhưng ngược lại ông mỉm một nụ cười.

– Đó là lòng trắc ẩn. Chỉ có con người mới có.

Có một người trên châu đến biếu thầy một thang thuốc lạ. Lúc đấy Nghè Bân đã năm mươi tuổi, vợ thầy cũng đã bốn mươi lăm. Năm bốn mươi lăm tuổi đã qua, theo cung tử tức của Nghè Bân thì không còn cơ hội có con nữa. Nhưng có bệnh thì vái tứ phương, Nghè Bân thử xem sao.

Chẳng biết là do siêng năng làm phúc hay tác dụng của ngôi nhà bằng trúc chứa khí chất của tiên, hay tác dụng của thuốc, bà công nữ bốn lăm tuổi ốm nghén thật. Trong lòng quan nghè khấn tạ ơn trời đất, cho mình có con nối nghiệp.

Thằng Hầu đã đến tuổi phát dục, má đỏ lừ, lông mượt như nhung. Đám thanh niên choai choai hay đứng ở bến đò để trêu nghẹo đám đàn bà con gái. Thấy ai được mắt thì lao vào bóp vú. Quan nghè có thấy mấy lần, buột miệng:

– Nhân bất học bất tri lý.

Một bữa Luân thấy được và mách với thầy.

– Thằng Hầu nó dám trêu con gái người ta.

Thầy kêu Luân rình bắt được tại trận, đánh cho thật đau. Học gì không học, đi học cái thói hư tật xấu.

– Ý thầy nói con khỉ ham học, nhưng không có lý trí, không biết đúng sai nên chả thành người được đúng không?

Thầy mỉm cười gật đầu khen ngợi. Dạo này Luân đã tiến bộ vượt bậc. Đã qua kỳ thi khảo hạch, mọi người đã gọi là khóa Luân.

Vợ Nghè Bân ốm nghén nằm nhà. Thầy lang bắt mạch cho thuốc dưỡng thai, khuyên hạn chế vận động. Một hôm bà công nữ nằm võng trong buồng nghỉ trưa. Đưa võng một lúc thì thiếp đi, lúc tỉnh dậy thì rú lên một tiếng. Máu đỏ phọt ra lênh lánh khắp nền nhà. Một cái đầu lâu nhe răng trắng ởn nằm trên đất.

Từ đó thì bà sinh ra bệnh. Nghè Bân luôn khuyên nhủ vợ hãy nghĩ đến con, đừng lo lắng gì không tốt cho thai nhi.

Nhưng từ đó bà sinh ra chứng thẩn thờ. Đang ngủ bỗng giật mình đánh thót. Bà hét toáng lên. Bà mơ thấy mình đang đi trên đường. Tự dưng người trần như nhộng, có một người đàn ông mình đầy lông lá đè lên.

Căn bệnh ngày càng trầm trọng. Bà đã lớn tuổi mới có thai lần đầu, lại bị chấn động tâm lý mạnh nên sinh trầm uất. Gương mặt vàng võ, khí chất suy nhược. Bệnh nặng như thế này phải dùng đến các thuốc an thần như chu sa, thần sa hay an cung ngưu hoàng. Nhưng nếu cứu mẹ lại không cứu được con. Vợ chồng Nghè Bân đã hiếm muộn, đúng là trời ghen với cả hạnh phúc của người đời.

Nghè Bân ngày đêm túc trực bên vợ. Nhưng bệnh ngày không thuyên giảm. Có lúc còn mê sảng, mất tri giác nói lảm nhảm. Nghè Bân lặng lẽ như cái bóng. Đêm đối mặt với cái đèn dầu lạc trân trân. Ngày ngửng mặt lên nhìn ông xanh mà thở dài. Việc xảy ra khiến không khí trong nhà ngột ngạt. Luân xin thầy cho về nhà với cả Kinh. Bấy giờ cả Kinh đã hơn sáu mươi tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn khỏe mạnh, lại làm lý trưởng trong làng.

Năm đấy bà công nữ lâm bồn. Người yếu lắm, nhưng sinh con xong vẫn nằm thoi thóp. Lúc cắt rốn cho con xong, bà đỡ không dám mang lại cho bà nghè xem. Bà nghè nằm trên giường dưới gậm có để than hồng, hơi thở khó nhọc, mồ hôi đẫm trán. Nghè Bân cầm tay vợ an ủi. Bà nhìn chồng cười buồn. Tự dưng bà tỉnh hẳn ra. Mắt bà sáng rực long lanh. Bà dặn Nghè Bân hãy giữ gìn sức khỏe, cố gắng sống nếu có mệnh hệ gì.

Nghè Bân trách vợ mình nói quở, nhưng trong lòng rất lo. Vừa giận mà vừa thương. Cảm giác lạ lẫm nhen lên trong lòng. Bà công nữ hỏi ông đã xem mặt con chưa, trai hay gái. Cục yết hầu chạy lên rồi chạy xuống trên cổ, ông gật đầu nói con trai.

Bà nghè uống nhiều thuốc bổ, sức khỏe có chiều khá lên. Độ một tháng sau thì đi lại được. Đứa con đã có vú trẻ và bà vú già chăm sóc dưới nhà ngang.

Một buổi chiều, mưa không ra mưa, nắng không ra nắng, phía Tây chiếu ra những chùm tia sáng gắt gỏng. Bà nhìn ra trời, thấy quái lạ nên gượng dậy đi ra sân. Trên trời lởm mây đen, lởm mây trắng rõ rệt. Một góc trời như thủng. Bà đi qua sân, rồi xuống nhà ngang. Đứa bé đang nằm trên võng. Bà kéo tấm lụa đỏ ra xem. Nhìn xong đổ vật xuống sàn.
*


Tú Luân đỗ hai lần tú tài nên gọi là ông Kép. Tú Luân văn hay chữ tốt nổi tiếng cả một vùng mà thi mãi cũng không đậu được cử nhân. Tú Luân xuống tỉnh trọ học ở nhà Nghè Tân. Nghè Tân đậu bảng nhãn, xuất ra làm quan. Nhưng thời thế nhiễu nhương, quân Pháp lộng hành, Nghè Tân làm quan nhưng không phục triều đình, chê triều đình nhu nhược nên cáo bệnh về nhà dạy học. Nghè Tân lấy nghề dạy học để che mắt, vừa giảng thi thư sách vở thánh hiền, nhưng chủ yếu nói về tình hình chính trị, kêu gọi các văn thân làm việc nghĩa, đánh đuổi quân Pháp, giành lấy nước Nam độc lập riêng của người Nam.
Ở ngoài phố có một nhà hát cô đầu. Những nhà phong lưu hay đến chơi.

Nhà tơ có một cô đào Liên rất mỏng mày hay hạt. Nhìn hình tướng, ai mới thấy cũng ngạc nhiên. Người đẹp như hoa như ngọc, mắt ấy, miệng ấy, thanh ấy đáng lẽ phải làm bậc mẫu nghi thiên hạ. Mắt cô lá răm, lúng liếng mà không dâm, đưa đẩy đa tình mà không đĩ thõa, có lúc nghiêm mà lại không dữ. Đám học trò lời ong tiếng ve rất nhiều, nhưng cô đào Liên chưa cho ai sửa khóa đụng đào. Người ta cứ tưởng đám đào hát là phường xướng ca vô loài cùng với đám bán trôn nuôi miệng. Có cậu học trò gạn hỏi chủ nhà tơ, chủ nhà mới cho hay đào Liên không phải dạng tầm thường mèo mả gà đồng. Đào liên con nhà nho, chẳng qua gặp điều khổ tâm nơi phải đậu nơi hồng trần.

Tú Luân mặt mũi khôi ngô, văn chương lại cái thế. Đám bạn đánh cược với tú Luân nếu mà bẻ được hoa thì được mấy chục quan tiền. Luân đã có vợ ở nhà, nhưng nghe đám bạn kháo nhau thì cũng nổi máu phiêu lưu. Văn nhân nhiều chữ nghĩa, nhưng cũng không phải là gỗ đá. Mà văn nhân thường có sao văn xương, văn khúc thủ mệnh hay giáp mệnh trong cung tử vi. Hai chữ đó thuộc bộ hoa, hay nghe lời con đĩ. Tú Luân gặp đào Liên rồi thì ngưỡng mộ cô đào. Người không những thanh nhã cao sang mà biết chữ nghĩa, hay cả văn chương thơ phú. Hai người gặp nhau, người buông tiếng hát người hòa tiếng trống chầu ăn nhịp như mây trôi nước chảy. Sau đào Liên mới kể ra nỗi khổ của mình. Cô vốn người tỉnh ngoài, con nhà nho, nhưng chẳng may cha bị quân Pháp bắt hành hình. Một mình cô bỏ trốn ở đây, mong tìm ai có khí tiết, tính ngày trả thù cho cha.

Tú Luân về nhà gặp cả Kinh nói muốn lấy đào Liên làm vợ hai. Cả Kinh đã già, nghe con nói thì gạt đi, khuyên con đừng dính líu đến phường làm phản. Khuyên con chú thí học hành thi cử mong ngày đỗ đạt, mở mày mở mặt với thiên hạ.

Khi xuống tỉnh, mấy lần tú Luân không gặp được đào Liên. Tú Luân tưởng đào Liên biết chuyện cha không đồng ý nên cố tình lánh mặt. Sau hỏi dò mới biết đào Liên đã gặp một chuyện động trời.

Tú Luân tìm gặp đào Liên đang trốn bên một căn nhà tranh ở ngoại ô. Giờ đào Liên thần sắc như kẻ mất hồn, mặt mày vàng võ. Tú Luân tìm thầy tìm thuốc giúp đỡ đào Liên. Một thời gian sau thì đào Liên có vẻ đỡ. Đêm hôm đấy đào Liên chẳng ngại chút tình, dâng cho tú Luân. Luân chiếm được người đẹp nhưng không còn trinh tiết. Nửa đêm hành sự xong tú Luân thở dài. Sáng ra không thấy đào Liên đâu. Sau người ta tìm thấy xác đào Liên trương lên ở dưới giếng đất sau nhà.

Tú Luân trong lòng buồn đau. Được hai tuần thì ngã bệnh. Chỗ dương vật sưng to mưng mủ khắm lặm. Thành thử đào Liên đã bị chủ nhà tơ lừa cho uống thuốc mê. Tỉnh dậy mới biết bị một quan thầy Pháp hãm hiếp, đổ tiêm la.

Tú Luân sợ hãi mới hỏi đám bạn học trò chỗ kiếm thầy lang. Ông thầy lang xem qua thì lắc đầu. Thầy bảo nó đã vào đến tủy, nước này chỉ chịu chết.Tú Luân khóc lóc thảm thiết, như thế này là tuyệt tự. Ông thầy lang có cô con gái vừa tuổi cập kê nhan sắc tầm thường. Ông thầy lang này vừa làm nghề xem tử vi về làm nghề bốc thuốc. Ông thầy lang hỏi ngày tháng năm sinh của tú Luân, xem xong ông thầy sắc mặt thay đổi. Theo lá số người này thọ lâu và có số làm quan triều đình. Ông thầy bảo chỉ còn một cách, thử một loại biệt dược. Nhưng nếu cứu được, tú Luân phải cưới con gái thầy lang làm vợ hai. Tú Luân tưởng mình hết phương cứu chữa, chẳng khác nào sắp chết đuối lại vớ được cọc tre. Nhờ ơn trời, tú Luân qua được cơn bệnh.

Nhưng vợ cả tú Luân ghen, hai bà vợ bằng mặt mà không bằng lòng. Tú Luân năm đấy đã hai mươi mấy mà cũng chưa có con nối dõi.

Năm đấy bên Tàu và ngoài Bắc đói kém. Quân Tàu ô lũ lượt qua đây, nghe đâu là bên đấy mất mùa, người ta phải ăn cả rễ cây, có nơi người ăn thịt người. Ăn mày khắp chợ đầy đường. Vợ hai tú Luân đi chợ tự dưng thèm ăn bánh đúc, vừa chấm miếng bánh đúc vào đĩa tôm canh đưa lên miệng thì có thằng ăn mày chạy lại giật. Sẵn cái đấu, bà vợ hai của tú Luân gõ một cái, nó sòi bọt mép lăn đùng ra chết.

Bà vợ cả về thuật lại, tú Luân phải viết giấy từ vợ, đuổi về với cha là ông thầy lang. Thầy tú Luân là Nghè Tân bị quân Pháp theo dõi lâu về tội làm phản, nay bắt về kinh chờ ngày xử tội.

Cha tú Luân đã gần bảy mươi tuổi, làm lý trưởng làng Vân. Lúc này chính quyền Pháp mị dân, chuyên mở hội Tây, bày những trò như leo cột mỡ ăn tiền. Làng Vân nghe lệnh trên mở hội bơi sải. Ba thôn và một phường thủy cơ thi với nhau. Chẳng may thuyền của đám thủy cơ bị lật, làm tám người chết. Tám người này lại theo tả đạo. Bọn Tây nghi ngờ lý trưởng Kinh lập mưu diệt tả đạo. Chúng đem cả Kinh nhốt vào xà lim.

Một tháng sau tú Luân mới đón được cha về. Cái xác chết hai ngày mà vẫn mở mắt trân trân. Tú Luân ôm xác cha khóc thảm thiết. Nước mắt tú Luân rớt vào xác cha thì một dòng máu thâm từ miệng ứa ra.

Từ đấy tú Luân phát điên. Nghe đâu có dựng một nếp nhà. Tất cả các cây gỗ đều cho lộn ngọn xuống đất. Nhà như thế người ta  gọi là nhà núc nác.
*


Cái đêm động trời thằng Hầu hiếp bà quan bị Nghè Bân chém đầu. Còn đứa con của Nghè Bân, lúc mới sinh trên người phủ đầy lông lá. Nhưng lớn lên từ từ rụng hết, người đó sống mãi trong căn nhà tre đặc biệt của người thợ Thanh Hoa ở cồn Tiên cả đời không đi đâu cả.
*


Người con gái thầy lang bỏ làng ra đi vì xấu hổ. Đứa ăn mày đó cũng không chết, nó chỉ là đứa được vợ cả của tú Luân thuê làm trò khi biết người con gái thầy lang có thai. Cái thai đó là tổ tiên của tôi.
*


Những năm người ta phá đình phá chùa, nhưng không ai dám động đến ngôi nhà núc nác, vì sợ đụng vào sẽ phạm phải bùa lỗ ban mà chết. Đám buôn gỗ quý kháo nhau nhà đó làm bằng gỗ huỳnh đàn, nhưng xem kĩ chỉ là ngôi nhà bằng gỗ xoan bình thường, nên chúng cũng không đụng tới.
*


Tôi hạ giải ngôi nhà, đem ra sông Vi để rửa. Khi các cột kèo chạm nước, gốc cột chìm, đỉnh cột nổi trên mặt nước.

Tôi rửa cẩn thận từ cái cột, như gột rửa hết oan ức về ngôi nhà núc nác hay của ông tú Luân. Người đã bán hết gia sản để hiến cho nghĩa quân chống Pháp, giả vờ điên vậy thôi.

Những bụi hồng trần hàng trăm năm hòa theo dòng nước rồi mải miết chảy về tận cuối dòng.
Nguồn Văn nghệ số 10/2016

Exit mobile version