Truyện ngắn của OLA AWONUBI (Nigeria)

Mẹ tôi vẫn thường bảo gia đình chúng tôi được sống ở khu phố khang trang nhất, nơi những ngôi nhà đều có khoảnh sân rộng và các gia đình có ít người trong khi lại có rất nhiều ô tô. Phía bên kia con đường là nơi ở của những người có địa vị xã hội không cho phép họ có lựa chọn nào khác ngoài việc phải ở chen chúc, đôi khi là cả một đại gia đình trong những căn phòng cho thuê chật hẹp và dơ dáy.

Đối diện nhà chúng tôi là một trong những khu nhà thuê như vậy, nhưng ngôi nhà lại được sơn cái màu y hệt màu của loại kẹo cao su tôi yêu thích. Cái màu hồng đậm khiến tôi luôn liên tưởng tới miệng của một người phụ nữ lớn tuổi; quả là một lựa chọn màu sắc kỳ quặc đặt lại với nhau, trông chẳng khác nào những đôi giày cọc cạch vậy.

Bố tôi là một kiến trúc sư. Ông cho rằng Sở Quy hoạch thành phố nên tháo dỡ và cho xây dựng lại ngôi nhà cho khang trang hơn. Ông bảo căn nhà chẳng khác nào một con mắt đau nhức hay một cái nhọt đã mưng mủ trên khuôn mặt và thực sự là một điều kỳ quái.

Bố vẫn thích khiến chúng tôi bối rối với những ngôn từ to tát như vậy.

Mẹ tôi là ủy viên Hội đồng quản trị tại trường tôi học, là giáo viên và cũng là giáo dân thuyết pháp tại Nhà thờ Anh giáo địa phương. Bà cho rằng sự tồn tại của ngôi nhà màu hồng chẳng khác nào con rắn trên vườn địa đàng, như cái ung nhọt tồn tại âm ỉ và nếu không được giải quyết thấu đáo thì rất có thể sẽ đe dọa những gia đình gia giáo ở khu phố và cả xã hội.

Mẹ bảo: “Tôi chẳng hiểu sao chúng ta phải chịu đựng điều này. Chúng ta đã kiến nghị và cảnh sát hứa sẽ giải quyết, nhưng chẳng có gì xảy ra sất”.

Năm đó tôi lên tám. Tôi không hiểu tại sao mẹ lại phí công cho ngôi nhà màu hồng như vậy. Nhưng từ lâu tôi cũng hiểu rằng nếu trẻ con dám hỏi người lớn những câu hỏi họ không muốn trả lời thì họ sẽ sai chúng đi làm một việc gì đó cho đỡ hỏi.

Phòng khách nhà tôi có những ô cửa sổ theo kiến trúc Pháp mở ra ngoài phố, và vì thế tiếng ồn, âm nhạc và cả những tiếng cười từ ngoài phố cứ thế lọt vào nhà. Tôi thường ngồi hàng giờ nhìn ra ngoài cửa sổ về phía ngôi nhà màu hồng bên kia đường, ước gì mình có thể bước vào đó để xem những bí mật ẩn chứa trong đó ra sao mà người lớn chẳng bao giờ nhắc tới cả.

Số lượng các cô gái trong căn nhà đó thay đổi liên tục. Tôi đã từng đếm và cuối cùng phải đầu hàng. Mặc dù không biết tên, tôi nhớ mặt họ và tự mình đặt cho mỗi người một biệt danh. Cái chị đen mập tôi gọi là Chị béo còn cái chị dáng người cao gầy thì tôi gọi là Nàng tiên cá vì chị có cái mái tóc dài tết đuôi sam. Còn một chị khác thì tôi gọi là Cô gái Jackson vì chị có mái tóc xoăn và dày như các thành viên trong gia đình Michael Jackson.

 

Minh họa của PHẠM HÀ HẢI

Căn nhà luôn có người thường xuyên viếng thăm, rất nhiều xe ô tô lui tới, nhạc mở xập xình, đặc biệt là vào buổi tối. Tôi hỏi mẹ về ngôi nhà màu hồng thì mẹ bảo đó không phải việc của tôi, đừng có quan tâm. Tôi muốn mình trông giống những cô gái bên đó. Họ có thể ép tóc thẳng cho tới khi tóc bóng cả lên hay mang lên người những bộ quần áo hợp thời trang nhất và trang điểm rất sành điệu.

Có những buổi chiều họ còn mang loa đài ra ngoài hiên, bật nhạc lên và nhảy. Tôi còn nhớ lần đầu tiên tôi nghe ca sĩ Fela hát điệu Afrobeat là từ ngôi nhà màu hồng đó. Lúc đó tôi mới lên mười nhưng vẫn kịp nhớ như in những ca từ, kiểu như “Nếu anh gọi một người phụ nữ, một phụ nữ châu Phi bình thường, cô ấy sẽ nói: Này tôi sẽ là một quý bà đấy nhé’”. Thế rồi họ sẽ lắc, nhảy theo nhịp trống.

Vào giai đoạn nắng nóng đỉnh điểm, những cô gái bên ngôi nhà hồng sẽ ngồi hóng gió dưới tán lá cây to che rợp cả mái hiên. Rồi họ sẽ nằm ngủ luôn ở đó sau khi trò chuyện và tết tóc cho nhau. Thỉnh thoảng tôi cũng bắt gặp vài người khóc và rất lấy làm ngạc nhiên về điều đó vì trông họ thật xinh đẹp và có rất nhiều bạn bè.

Một hôm, lúc đầu giờ tối, trong nhà hết muối nên mẹ bảo tôi đi mua ở cửa hàng tạp hóa cuối phố. Cửa hàng này bán đủ thứ, từ cúc áo cho tới dầu hỏa. Tôi thấy Nàng tiên cá đang bước ra từ một chiếc xe lớn màu xanh đen. Nàng tiên cá đứng trước ngôi nhà màu hồng nhìn theo chiếc xe cho tới khi nó mất dạng, hai mắt ầng ậc nước. Tôi đánh bạo hỏi vì sao chị ấy khóc. Chị ấy bảo: “Mẹ em không muốn em nói chuyện với chị đâu”. Chiếc khuyên vàng to tướng, lủng lẳng hai bên tai và cả những dòng nước mắt của Nàng tiên cá khiến tôi thích thú.

Tôi bảo: “Mẹ em ở nhà cơ”.

Nàng tiên cá lắc đầu: “Em không hiểu đâu. Em còn bé quá”.

Tôi bảo: “Em sắp thành thiếu niên rồi mà”.

Nàng tiên cá hạ giọng như thể đang nói với chính mình: “Cuối tuần trước, ông ấy bảo muốn cưới chị. Chị sẽ có một ngôi nhà, một chiếc ô tô, có lái xe và cả người giúp việc nữa. Chị sẽ thành bà lớn. Giờ ông ấy bảo không cưới chị nữa vì vợ cả ông ấy không cho cưới thêm vợ bé. Chị còn không biết thằng khốn ấy có còn đến đây gặp chị nữa không”.

Tôi muốn hỏi Nàng tiên cá xem cái “thằng khốn” mà chị ấy vừa bảo là ai nhưng lại thôi, chỉ hỏi: “Làm sao ông ấy cưới chị được khi đã có vợ rồi?”

Nàng tiên cá quắc mắt như thể mới nhìn thấy tôi lần đầu, miệng rít lên: “Biến đi, đồ con gái ngu xuẩn!”

Tôi chợt nhớ là trước khi sai tôi đi mua muối, mẹ đã nhổ một bãi nước bọt lên đống cát và bảo tôi phải đi cho nhanh, về trước khi cát khô. Thế là tôi chạy một mạch về phía cửa hàng tạp hóa.

Người tiếp theo và cũng là người cuối cùng tôi nhìn thấy đang khóc là Cô gái Jackson. Lúc đó bố mẹ tôi đang bận đi dự tiệc. Dì thì đang chăm em tôi ở tầng trên, vì vậy tôi được tự do ngồi dưới mái hiên và tận hưởng cái không khí se lạnh đầu giờ tối.

Tôi thấy mấy chiếc xe xịch đỗ trước ngôi nhà màu hồng, vẫn có người ra, người vào như thường lệ. Giọng ca James Brown lại phát ra từ mấy chiếc loa thùng và các cô gái thì mua gà ướp tiêu, đồ uống có ga và bia từ mấy cửa hàng bên đường rồi bày bộ đồ ăn ra như mọi khi.

Bỗng nhiên một chiếc xe hơi tiến tới ngôi nhà màu hồng. Ba người bước ra khỏi xe, đi về phía ngôi nhà. Một người đàn ông và một người phụ nữ khoảng độ tuổi bố mẹ tôi trong trang phục truyền thống và một người đàn ông nữa trẻ hơn, mặc áo quần tây, sơ mi. Tôi đoán là khách vì chưa từng thấy họ trước đây.

Họ gõ cửa. Khi cửa mở, cả ba bước ào vào. Sau đó tiếng quát tháo và la hét vang lên. Mấy người đàn ông trong ngôi nhà chạy ra, lên xe và đi thẳng. Rồi tôi thấy Cô gái Jackson lao ra phố, vừa chạy vừa la, đuổi theo sau là người đàn ông trẻ với một cây gậy lớn trong tay.

Suốt trong những năm tháng lớn lên dưới sự giám sát chặt chẽ của mẹ, tôi đã luôn nghĩ về những cô gái ở ngôi nhà màu hồng một cách trìu mến. Đôi khi tôi tự hỏi không biết những cô gái còn lại đã đi đâu, nhất là Nàng tiên cá; liệu Nàng tiên cá có tìm được người đàn ông của mình với ngôi nhà lớn có đầu bếp, có người hầu và lái xe hay không?

Người phụ nữ lớn tuổi bước ra bên ngoài, hét lớn: “Lũ đàng điếm! Chúng mày đã làm hư hỏng con gái tao. Nó đã là một đứa con ngoan trước khi tới Lagos này! Nếu cảnh sát không tới và đóng cửa cái sào huyệt tội lỗi này thì tao sẽ tự đốt nó tan thành tro bụi. Nơi này tồi tệ hơn bất cứ chốn trụy lạc, sa đọa nào khác!”

Đám đông người bán hàng, các bà nội trợ và đám trẻ ranh vô công rồi nghề túm tụm lại trước cửa ngôi nhà màu hồng. Những người gọi là có học hơn thì chỉ vén rèm nhìn ra và lắc đầu. Câu chuyện này chắc hẳn là hay hơn những gì đang phát trên tivi rất nhiều!

Người đàn ông lớn tuổi giữ người đàn ông trẻ tuổi lại, không cho chạy về phía Cô gái Jackson đang đứng khoanh tay ở phía xa. Người đàn ông trẻ la lên: “Bỏ tôi ra, ông già! Tôi trả tiền cưới cô ta nhưng chỉ một tuần sau lễ đính hôn cô ta trốn tới Lagos để tự bán thân. Vậy tính sao với món tiền tôi trả cho cô ta học nghề trang điểm đây? Tính sao với món tiền tôi trả cho gia đình các người để làm của hồi môn đây?”

“Tôi xin cậu. Làm ơn hãy nhìn mái đầu bạc này của tôi mà thương cho tôi với. Tôi cũng chẳng đến nỗi quá tự cao mà không thể quỳ xuống xin cậu. Cậu cũng như con trai tôi… hãy tha thứ cho nó và mang nó về”.

“Tha thứ ư? Ông muốn tôi tha thứ cho đứa con gái mà có lẽ đã ngủ với nửa số đàn ông Lagos này ư? Tất cả mọi người ở nhà đã cười vào mũi tôi. Ông nghĩ là gia đình tôi có thể chịu đựng được nỗi nhục này thêm nữa sao?”

Đám đông bu lại, hào hứng ủng hộ người đàn ông trẻ tuổi.

Có người la lên: “Đúng đấy. Đòi lại tiền từ đứa con gái hư hỏng đó đi!”

Một người phụ nữ khác bình phẩm: “Thật là mất mặt cho cả gia đình!”

Một người đàn ông khác hí hửng: “Nó xứng đáng bị lột sạch quần áo và dẫn đi dọc các phố”.

Một bà nội trợ khác thì hét lên: “Đốt cái nhà này đi!”

Cô gái Jackson đã không khóc nữa, nhưng lại cười lớn: “Hỡi những kẻ đạo đức giả! Nếu các bà chăm sóc chồng mình cho tử tế thì họ có tìm đến chúng tôi không?”

Đám đông lập tức im bặt còn Cô gái Jackson thì trở nên bạo dạn hơn, chỉ tay vào người đàn ông trẻ tuổi: “Còn kẻ này! Tôi bỏ tới Lagos vì phát hiện ra rằng hắn ta ngủ với bạn thân của tôi. Tôi đã tự nhủ rằng hắn ta thích bạn thân của tôi vì cô ta ép tóc, nói tiếng Anh tốt hơn và mặc đồ đẹp hơn. Tôi còn xứng đáng vạn lần so với một kẻ dối trá, phản bội tôi như vậy. Ít nhất thì giờ tôi còn được trả tiền vì điều đó”. Nói đến đó, Cô gái Jackson cười nhạo và nguýt dài người đàn ông trẻ tuổi.

Ngay lúc người đàn ông trẻ tuổi định tiếp tục đuổi theo Cô gái Jackson thì có người vỗ mạnh vào vai tôi. Tôi quay lại thì thấy dì đang đứng đó, khoanh tay trước ngực.

“Đi vào ngay! Nếu mẹ về thì…”

Dì lôi tôi vào nhà và bắt tôi lên giường đi ngủ. Tôi thì tiếc hùi hụi vì không được xem phần kết của câu chuyện. Vì thế, lúc dì vào kiểm tra xem chúng tôi còn ở trên giường hay không, tôi hỏi: “Đàng điếm là gì hả dì?”

“Đi ngủ đi”.

“Vậy ngoài kia đã xảy ra chuyện gì?”

Giọng dì như thông báo kịch đã hạ màn: “Cảnh sát tới thì đã muộn. Thôi, giờ thì đi ngủ đi”.

Sáng hôm sau, tôi thấy ngôi nhà màu hồng đã bị bịt kín bằng gỗ ván và những cô gái thì đang ngồi bên ngoài với lỉnh kỉnh những va-li, những túi. Vài người vẫn còn đang khóc.

Tôi hỏi: “Sao họ khóc vậy, mẹ?”

Mắt mẹ tôi đỏ hoe, giọng nặng nề: “Một câu chuyện buồn. Một trong số những cô gái đó đã chết tối qua. Người chồng sắp cưới tới tìm nhưng cô ấy từ chối không về cùng anh ta. Anh ta có mang theo một con dao… và thế là…” Mẹ ngừng lại lắc lắc đầu: “Con hỏi quá nhiều! Giờ thì dậy và đi tắm đi”.

Tôi sửng sốt, cố tìm cách hiểu ra câu chuyện từ những gì mình nghe thấy và nhìn thấy tối hôm qua, cả trước đó và sau đó nữa. Lần đầu tiên trong đời, tôi từ chối bữa sáng.

Có người bảo hằng đêm vẫn thấy một cô gái có mái tóc dày ngồi trên vòm cổng, tết tóc và hát một bài hát của Fela. Tôi sợ lắm và luôn tìm cách để không phải đi qua ngôi nhà màu hồng bị bỏ hoang đó mỗi khi mặt trời lặn.

Mấy tháng sau, người ta tháo dỡ ngôi nhà màu hồng và xây lên trên đó một ngôi nhà giống như những ngôi nhà của chúng tôi. Bố tôi vui mừng ra mặt, bảo: “Cuối cùng người ta cũng làm một việc đúng đắn. Giờ thì điều cần làm là tất cả những ngôi nhà đáng sợ ở phía bên kia đường phải bị dỡ bỏ như thế. Rồi con phố sẽ thu hút những người tốt về sống”.

Vài năm sau, khi bước vào tuổi thiếu niên, mẹ tôi trở nên đặc biệt khó tính và nói rằng nếu thấy tôi đứng nói chuyện với thằng con trai nào đó thì bà sẽ lột da tôi.

Bà thường vung vẩy cái roi và bảo: “Thiếu nghiêm khắc có lẽ chính là điều đã khiến con bé đó rơi vào con đường tồi tệ. Còn tôi thì sẽ không lặp lại lỗi lầm đó đâu”.

Suốt trong những năm tháng lớn lên dưới sự giám sát chặt chẽ của mẹ, tôi đã luôn nghĩ về những cô gái ở ngôi nhà màu hồng một cách trìu mến. Đôi khi tôi tự hỏi không biết những cô gái còn lại đã đi đâu, nhất là Nàng tiên cá; liệu Nàng tiên cá có tìm được người đàn ông của mình với ngôi nhà lớn có đầu bếp, có người hầu và lái xe hay không?

HỮU DƯƠNG (dịch)

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài