Cầm Kỳ Official1,19 N người đăng kýSố liệu phân tíchChỉnh sửa video

Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official giới thiệu chùm truyện ngắn của nhà văn Đào Quốc Minh.

– Bàn tay và ngọn bút

– Đứa con của nấm mồ

– Kinh văn

– Ngôi đình

– Thiên thần

Đào Quốc Minh

Sinh 1986

Quê: Gia Lâm, Hà Nội

Làm thơ, viết văn và dịch sách bên bờ Thiên Đức Giang

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam

Hiện đang công tác tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn

Tác phẩm:

Hoa xuân và nắng hồng 1

Hoa Xuân và Nắng hồng 2

Mưa Tháng ba

Dấu vân tay màu xanh lục

Những người Vũ công Memfis

Nguyệt nương

Tuyển tập thơ Đào Quốc Minh (sách Nhà Nước đặt hàng) – NXBHNV

Người tù không số (tập truyện ngắn)

Đứa con của nấm mồ (tập truyện ngắn)

Và hơn một chục tác phẩm dịch thuật từ tiếng Anh sang tiếng Việt các chuyên ngành Triết học, Mỹ học.

Giải thưởng

Giải thưởng văn học dành cho tác giả trẻ của Hội Nhà Văn Hà Nội năm 2015 cho tác phẩm thơ Những người vũ công Memfis

Nhà văn Tạ Duy Anh nhận định:

THỜI GIAN trong tác phẩm của Đào Quốc Minh là một đại lượng đồng nhất, bao trùm và bao chứa. THỜI GIAN đang kể lại với bạn những gì thuộc về nó. Với mỗi truyện, phụ thuộc vào điều nó kể lại và muốn nói, nó sẽ điều động những nhân vật phù hợp. Dưới con mắt của THỜI GIAN, có biết bao thứ không giống như con người nhìn thấy, chứng kiến, trải nghiệm, suy đoán và đoan chắc. Và con người, thay vì đưa ra phán xét, phán quyết, chỉ có thể (và chỉ nên) khiêm tốn suy ngẫm, cật vấn không ngừng về bản thân mình.

Bởi xét cho cùng, mọi tai họa mà chúng ta đang vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm, phần lớn đều có nguyên nhân từ sự thiếu suy ngẫm, thiếu cật vấn thường xuyên của mỗi chúng ta.

Kết quả là, mỗi khi đọc xong một truyện, bạn đọc cứ phải tự hỏi: Chuyện của thời nào? Nhân vật đang sống hay đã chết? Mọi thứ đang xảy ra là thật hay ảo? Tác giả kể hay ma quỷ kể? Bởi vì có truyện, phải khi đọc câu kết, mới biết người kể là một vong hồn, một con ma, một kẻ từng oanh liệt nhưng đã chết từ tám hoánh nào rồi. (Tiện thể nói luôn, hầu hết nhân vật của Đào Quốc Minh đều không thể xác định được tuổi. Chính xác hơn là họ không có tuổi). Có truyện, người kể và nhân vật cứ nhập vào nhau từng lúc, khiến không còn phân biệt được đâu là “tôi” nhân vật, đâu là “tôi” nhà văn với tư cách người trong cuộc kể lại, đâu là “tôi” quan sát… lạnh lùng đứng từ xa hay tít trên cao?

Và câu hỏi bao trùm sẽ là: Đào Quốc Minh muốn nói gì với bạn đọc? Các “dị truyện” của anh, luôn khiến bạn đọc hãi hùng, muốn truyền tải thông điệp gì?

Ngôi đình

          Mùa gió bấc lại về trên đất phương nam. Mưa mùa này thật nhẹ mà thấm thật sâu. Có từng sinh ra ở những làng quê Việt cổ kính, mới thấu được nỗi u buồn bảng lảng lất phất bay, thịt da tái đi sau đợt gió thốc, mỗi khi hoàng hôn buông xuống. Chung quanh ẩm mục, cái ẩm mục se buốt ngấm vào hai lá phổi. Khói mù lên chạng vạng, cay lòa đôi ngươi mắt. Và những tiếng chó cắn ma râm ran, bên những nếp nhà gianh vách đất tịch mịch. Mùi cơm chín nóng hôi hổi, thơm một hương thanh sạch, len vào cái bụng đói mềm. Tiếng quẳng cưa đục tràng lục cục. Tiếng bát đũa xoong nồi lách cách. Giọng đám đàn bà ngoa nguýt. Gương mặt đỏ gay của đàn ông. Và bấc đèn dầu lay lắt lung linh, đổ bóng lên giấc mơ ta từ sớm.

Trong giấc mơ bồng bềnh trôi dạt, các bà và mẹ thường kể lại cho tôi truyền kỳ về một người góa phụ, khi nhắm mắt buông tay, chỉ còn là một cái xác lạnh, nửa thiểu não nửa viên mãn, mình mẩy nhăn nheo và rúm ró, với buồng ngực bị trống, không hề còn trái tim. Và kỳ lạ biết bao nhiêu, trong lòng mụ già cú vọ, kẻ xấu người lại xấu số, là một hài nhi da dẻ đỏ hồng, vừa mới được mụ hạ sinh. Từ bao giờ ở làng tôi, người ta đã kể rằng, trái tim đứa bé ấy chính là trái tim của mụ.

          Chiều nay tôi lần hồi trở về làng quê. Làng tôi, một ngôi làng cổ xưa, nằm trải theo hình cánh cung, ở tả ngạn dòng sông Đáy hiền hòa. Trong gần bốn mươi năm qua, ngôi đình ở gốc đa đầu làng, vốn bị đội cải cách giật sập, cứ mỗi lần xây lên, được một thời gian, thì lại bỗng dưng sụp xuống, không rõ nguyên nhân. Những năm trước đây khá lâu, ngôi đình đã từng được xây cao, chỉ còn thiếu lưỡng long chầu nguyệt, nhưng chưa kịp gắn mặt nguyệt lên nóc đình, thì toàn bộ liền sụp thành đống gỗ vụn. Càng gần về sau này, chỉ mới xây đến mái, có khi chỉ mới xây đến vì kèo, hoặc mới chống được cột gỗ, thì ngôi đình đã sụp rồi. Năm gần đây nhất, các hiệp thợ thuê về còn không dựng được cột, cột vừa dựng lên là tự dưng ập xuống. Những lần xây rồi sụp liên miên như thế, ngày một cướp đi nhiều tính mạng. Dần dần dân làng cứ nghĩ đến xây đình là sợ hãi. Nhưng theo lão thầy cúng già cả nhất làng, thì đình không thể không xây và vẫn phải xây theo bản vẽ của thầy.

          Con đường làng dù chưa bê tông hóa, tôi thong dong đạp xe khung các bon, lướt cứ nhẹ như bay đã về tới đầu làng. Cảnh vật sau bấy nhiêu năm, dường như không hề thay đổi. Vẫn con bé con vừa lên bảy tuổi, phải, chính là nó, không lẫn đi đâu được, đang ngồi hát đồng dao dưới gốc đa. Con bé ngồi một mình, vẫn như mấy chục năm nay, nó không lớn lên và không già đi, hai má vẫn đỏ hồng màu trái đào, hai mắt vẫn lấp lánh như sao băng, vẫn bím tóc đuôi sam, vểnh lên tinh nghịch, vẫn bàn tay đỏ mềm mũm, mà ngày nào tôi từng muốn hôn, bằng đôi môi của thằng trẻ con khờ dại, vẫn hai cái vòng lục lạc trên cổ chân, chặp chặp lại rung rinh kêu lanh canh. Con bé trông thấy tôi phóng xe về, dừng chân ngỡ ngàng trước nó, hai mắt dán vào đứa bé gái, nửa quen thuộc nửa xa lạ, vậy mà nó cũng chẳng đoái hoài, có lẽ nó đã quên tôi từ lâu lắm rồi. Nó chẳng buồn nhìn tôi, mà vẫn tiếp tục nhảy múa, cẳng chân trắng trẻo thon thon, chặp chặp lại cất tung tăng, theo giọng hát đầy hoang dại, cái hoang dại của thiên nhiên cỏ cây, hay cái hoang dại của vô tình vô dục. Con bé không có tên gọi, và thực tình là không có tuổi. Câu chuyện về con bé vô gia cư ấy, mãi ở cái tuổi thần tiên lên bảy ấy. Mãi là một câu chuyện đầy bi thảm…

***

          Họ vẫn bảo nhau rằng con bé, chính là đứa cháu nội độc nhất của lão thầy cúng trưởng làng. Trong ký ức lãng đãng của bà tôi… Còn nhớ vào những năm đó, chiến cuộc đang đi tới hồi kết, có một chuyện đau lòng đã xảy ra, mà bà không sao quên được, đó là ngôi đình thờ thánh làng mình, trong một buổi sáng tinh mơ, đã bị đội cải cách gài mìn giật sập… Tên đội trưởng nọ không ai khác, chính là thằng đội Cả con thầy Cả, vốn làm thầy cúng đã nhiều đời. Cùng trong buổi đêm hôm ấy, đứa con dâu lớn trong nhà đó, đã hạ sinh một con bé rất xinh xắn, có cái tên nôm gọi ở nhà là Riết. Mới chào đời được mấy ngày, con Riết đã theo thằng đội Cả, tất nhiên là được bồng trên tay, tham gia vào những cuộc đấu tố… Còn nhớ khi ấy làng mình, đàn ông con trai chết trận nhiều lắm, ở nhà chỉ còn lại đám đàn bà con gái, và một vài ông già bà lão, vốn chưa chịu chết đi cho… Cứ như thế thằng đội Cả và con vợ nó, đem theo con Riết miệng còn hơi sữa, vào những cuộc thanh trừng lần lượt, cho đến chính ông bố của nó, là thầy Cả nó cũng không tha… Bà tôi nhắm mắt lại, hai mí mắt đỏ bừng, còn nóng ran màu tiết. Trút một ngực thở nặng, bà chầm chậm kể tiếp. Bên tai tôi còn nghe âm âm đâu đây… lời phán truyền của ông lão thầy cúng: Hãy đốt bỏ di thư, đốt bỏ di thư ấy. Đoạn tuyệt di họa mai sau…

          … Ngôi đình làng mình, thờ thành hoàng làng, trong đó có thánh mẫu, là vị nhất đẳng phúc thần, được vua Thánh Tông sắc phong, trước đó đã nhiều đời vua ban sắc. Thánh mẫu linh thiêng lắm. Tương truyền người là một bà lão ăn mày, lang thang không nhà không thân thích, trong cuộc chiến chống giặc tàu, cách đây đã hơn một ngàn năm rồi. Bà chối bỏ địa vị con dâu của một thế gia quý tộc, có gốc gác thái thú bên tàu, trốn chạy từ vùng trung nguyên mà đi tìm người bạn trúc mã thất lạc, vốn là người cùng một nguyên lai bản quán, là một nông phu cùng khổ nước nam mình. Trải bao nỗi truân chuyên vất vả, trải bao bão tố binh lửa dập vùi, có khi từng bị bắt vào thanh lâu, đến nỗi bị đánh đập tới tàn phế, bị hủy dung nhan bằng thuốc độc, bị cướp giật hết nữ trang và cả lộ phí, bà vẫn không nguôi nỗi hoài vọng cố hương, không nguôi hy vọng tìm lại được bạn đời, không nguôi hẹn thề mối đính ước giao bôi. Phải lê tấm thân tàn tạ, quần áo rách rưới xác xơ, dung nhan bị rạch như cú vọ, bị người đời bỉ báng và xỉa xói, do lời đồn đại của bao kẻ bất nhân, bà bị mang tiếng bạc ác suốt đời, cuối cùng bà đã lê bước tới đây, chính là gốc đa làng mình, rồi siêu thoát tại nơi này. Nơi bà chết chính là đình làng mình. Con cháu đời sau và lộ khách, nơi hoang sơ, đã mộc táng cho người. Tổ tiên ta vì cảm phục tấm lòng son sắt của thánh mẫu, mà nguyện thắp hương thờ phụng đời đời…

          Nhưng tôi từng nghe phong thanh, có vài kẻ xa lạ thầm thì kể rằng, người đàn bà nọ trong một đêm trăng, đã cưỡi mây gió bay thẳng về trời, để lại ngôi đình trống không tượng gỗ, và dĩ nhiên đó lại là một câu chuyện hoang đường khác nữa, mà ngày nay như lũ chúng tôi đây, chẳng có người nào tin tưởng cả.

          Trong mắt tôi còn váng vất, hình ảnh ông lão thầy cúng, ngửng đầu dâng tâm hương thành kính, miệng hô vang từng lời lạnh điếng… Xin thần và người hãy xá tội cho đời đời con cháu… Hãy cho vong thân kẻ tạo nghiệp được hồi đầu…

***

          Cái năm con bé Riết vừa tròn bảy tuổi, cuộc cải cách điền địa và phản đế phản phong cũng chấm dứt chưa lâu, trên khắp nẻo đường phù sa đỏ máu. Đời sống người làng tôi cũng trở lại yên bình, mà thực ra là cái lặng câm và sự điếc đặc. Người ta không muốn nói, cũng không muốn nghe gì, nhất là những âm hưởng tiêu cực, những cảm xúc ủy mị và sến súa. Nếu làm trái có thể lãnh án tù, đó là lệnh của các đấng bề trên, cũng là án lệ của dân làng, bởi từng có vài ba đứa dinh tê, hoặc đằng sau quay, xét về mặt tư tưởng, đã bị hội đồng ném đá, đúng nghĩa đen của hành vi này. Lãnh đạo cấp thôn và xã đã quán triệt, tất cả phải có tinh thần tiến công. Một thứ tinh thần len lỏi vào cả những lá thư, với lời chào tống tiễn lộng gió thời đại, giống nhau như đúc phôi đồng, như những viên gạch chung lò, trăm người như một, chẳng ai dám làm khác. Dần dà cái suy nghĩ giả dối, cái hành vi làm là do sợ, đã biến thành suy nghĩ tự giác, đã biến thành hành động tự thân, chẳng cần ai bảo.

          Ấy thế mà con bé Riết lại là một ngoại lệ. Cái năm đó thằng đội Cả, có tin rằng hắn đã chết, có kẻ bảo hắn đã bỏ xứ, nhưng sống không thấy người, chết thì chẳng thấy xác. Con vợ thằng đội Cả, nghe đồn đã hóa điên, sau đó vật vờ tận đâu, lạc vào một ngôi chùa, rồi ở riết trong chùa đấy, không thể về làng nữa. Con bé Riết sống nương tựa với ông lão Cả. Ngày ngày nó tha thẩn đồng dao, bên gốc đa già nua đã ngàn tuổi. Có điều kỳ lạ là cứ nhà ai, miễn có đàn bà sắp sinh nở, thì nó đã từ đâu lù lù đứng đó, đợi cho đứa bé chui đầu ra, rồi bất thình lình hát lên một bài vè, mà người nghe dù là ai đều rợn cả người. Bài dân ca đấy rất dài, tôi nhớ loáng thoáng: Chui đầu ra, bụng rất đau, mẹ mất tim, bé mất đầu, cha bé đâu, giam mất tích, không thân thích, múc đầu lâu, dưới giếng sâu, vọng tiếng hét, ngôi đình giết, Riết dâng hương, xếp lóng xương, sinh con nhỏ, quả tim đỏ… Con bé Riết cứ thế ngâm nga bài vè, ngay trước cửa nhà đang có hỉ sự. Nhiều người đàn bà vì quá ghê rợn, đã gặp ca sinh khó vô cùng đau đớn. Nhiều đứa bé ra đời vì thế, có đứa đã bị chứng tâm thần, do thiếu ô xy trong nước ối đục, kỳ lạ chúng phần lớn lại là lũ con cháu trong các gia đình liên quan đến đội cải cách. Nhiều người đàn bà đã chết khi chưa sinh nở, và đứa bé trong bụng cũng chết ngạt thương tâm. Những vụ việc như thế xảy ra, ban đầu thì chưa có ai chú ý, nhưng càng về sau, tần suất càng nhiều, dân làng đã nhận định rằng chính con bé Riết, là nguyên nhân của các tai ương man rợ ấy.

          Nơi con bé Riết đến rồi đi, nó để lại những tật nguyền, những cảnh sinh ly tử biệt, những nỗi đau không thể nguôi quên, cùng âm hưởng đồng dao tối tăm bất tận. Vào cái ngày cưới của chị tôi, con bé Riết vừa tròn bảy tuổi, tay cầm ống tre rỗng vừa đi vừa gõ, tiếng gõ lốc cốc trầm trầm đục đục, hòa vào khúc đồng dao đáng sợ ấy: Một cô dâu, bên xác chết, chú rể không, gian đằng đông, có một người bại liệt, người bại liệt nằm, van xin Riết, van xin Riết, vàng bạc đầy nhà, phía ngàn tây, một đám người, như một đám ma, lá cờ thấm máu tươi, mái tóc lòa xòa, mang người đi hết, mang làng đi hết… Vợ chồng chị sau đó ra sao, tôi chỉ lờ mờ nghe được, hình như anh rể đã bị án tử hình, vì dinh tê vào nam chi đó, rồi vượt biên biệt tăm tích, chỉ biết chị đã héo rũ đi, chỉ còn một thân xác khô, nằm bại liệt trong nhà đất. Người chú họ tôi hồi hương, sau mươi năm chinh chiến, mãi sau này khi tôi đã già, và ông sắp rời dương thế, ông mới rùng mình đọc lại một câu đồng dao, mà năm ấy con bé Riết hát trước cửa nhà ông: Bồng con Riết… con bảy tuổi… con Riết mãi bảy tuổi… Tôi không hiểu sao ông lại sợ câu ấy đến thế. Chỉ mang máng lời ông bảo, vào một năm thằng đội Cả, từng ôm con Riết đi hành quyết một đứa bé… Hằng năm mỗi khi tết đến xuân về, mùa gia tộc đoàn viên, mùa sinh sôi nảy nở, vào chính cái đêm ba mươi ẩm buốt, tôi lại nằm mơ thấy, ông lão thầy cúng đó, thầm thĩ bên tai tôi: Hãy đi tìm người… hãy đi tìm người… tìm người… tìm người… Tìm người ư? Tìm người nào? Người là ai? Lời tha thiết ấy hình như hướng về cái bóng một người đàn bà, một người đàn bà rồi đây biết đâu lại cứu chuộc cả cuộc đời ta…

          Để rồi dân làng lại thấy, Riết ngồi đó hiền khô, gương mặt thánh thiện và trong trẻo, dưới gốc đa xòa tán rộng lá xanh rì, trong những đêm mùa thu, trăng thanh cao lồng lộng, chốc chốc lại ngân nga bài đồng dao êm đềm hoan hỉ, như ngợi ca cái cảnh sắc thiên nhiên bất diệt đời đời. Riết không về nhà sống với ông lão thầy cúng, mặc cho người ông mòn mỏi đợi chờ. Nó nhặt nhạnh thứ đồ ăn thừa, lượm lại vài manh vải rách tả tơi, uống sương đọng lại trên lá cây, trú tạm trong cái hốc dưới gốc đa… vốn xưa kia là đầu làng, là nơi xây đình dựng chùa, nhưng từ lâu đã bị đẩy thành cuối làng… để tồn tại qua ngày đoạn tháng, mà gương mặt vẫn toát lên vẻ xinh đẹp, như một nàng ngọc nữ chốn bồng lai. Cho đến một ngày dân làng, dưới chỉ đạo của đội văn hóa, bài trừ mê tín dị đoan, đã truy bắt Riết về quy án. Riết bị bàn giao cho làng tự xử lý, và một lần nữa làng xử theo án lệ. Riết đang bị trói phơi, vào gốc gạo đầu làng, nơi trước đây là đồng hoang, chôn xác lũ người bị hành quyết.

***

          Tảng sáng hôm ấy trời còn tăm tối lắm. Những tiếng gà trống ran lên vồn vã. Quầng trăng đỏ như máu người, những năm nhất tề chiến thắng. Từ bốn xóm Đông Tây Nam Bắc, dân làng khua chiêng, trống và cả cuốc thuổng, gậy gộc giáo mác đủ cả, tiến về phía gốc gạo đang ra hoa, nụ hoa non nớt nhỏ xíu rụng đầy trên mái tóc của con bé Riết tội nghiệp, đang quằn mình trong chão, xõa xượi đầy nước mắt, và cả những vết máu ri rỉ, lăn tròn theo những giọt mồ hôi, đục ngầu và hôi tanh lờm lợm. Từ khắp nơi những tiếng hô vang trời dậy đất… Ném chết nó đi. Ném cho nó chết. Phải giết chết nó. Đứa con của quỷ dữ. Nó là con của quỷ dữ. Trả mạng cho con tao. Trả mạng cho chồng tao. Trả mạng cho cháu tao. Giết. Giết. Giết… Ban đầu dân làng còn dài dòng, còn hô những câu khẩu hiệu, còn mệnh lệnh thức, còn quyết nọ quyết kia, nhưng càng về sau, chỉ còn nghe thấy rõ nhất một từ Giết. Đúng vậy, phải giết. Nhưng dân làng tôi, dưới con mắt chứng kiến, và theo dõi của đội văn hóa, cũng tỏ ra quy củ lắm. Họ lập ra một ủy ban văn hóa, để lấy phiếu biểu quyết như gì. Quy định là nếu quá bán, thì sẽ xử tử bằng cách ném đá, mỗi người một cú ném, rồi trói treo cái xác đó, trên thân cây gạo suốt ba tuần trăng. Nếu kẻ tội ác tày trời đó, nếu con quỷ dữ đó, mà chưa chết được, thì thể theo lòng trời, làng sẽ tha bổng cho. Nhưng trong lịch sử mấy trăm năm của làng tôi, chưa có kẻ nào sống sót sau hình phạt ác độc đó. Phiên tòa bắt đầu. Trưởng làng lên bục.

          Ông lão thầy cúng toàn thân run rẩy, dường như ông không nhấc nổi chân. Ông đã đứng chôn như cột đá, ở trong đám đông từ bao giờ rồi. Đội văn hóa có ý nhìn chằm chằm vào ông, như chờ đợi một thái độ cung cúc. Có tiếng loa sắt gỉ đã réo tên ông, đã nhắm vào thân xác còm của ông. Vậy mà ông vẫn đứng lì ở đó, người ta thúc ông từ sau lưng, ông vẫn không nhấc nổi chân, mồ hôi ông toát ra đẫm áo, đẫm cả tấm khăn đen đội đầu. Ông như kẻ bị á khẩu và bị bất lực, trong tai chỉ còn âm thanh lùng bùng, mắt ông hoa lên đầy sao, rồi ông ngã lăn xuống đất, thân thể bỗng cứng đờ cả lại. Dân làng khiêng ông lên nằm trên bục. Ông lão thầy cúng miệng méo xệch. Có người đưa một tờ giấy gấp tư, chuyển từ phía sếp đội văn hóa, đặt vào lòng bàn tay ông lạnh toát. Ông rùng mình, gượng dậy hẳn. Bắt đầu vào quy trình xử án. Ông lí nhí tuyên bố lắp bắp: Thưa bà con… thưa bà con… cô bác… Con bé… à không… Con Riết… Kẻ tội… ác… tội ác… tày trời… Đã gieo rắc… biết… tai ương… cho dân làng… ta… dân ta… Nay làng… thể theo chỉ đạo… của đội… đội… thể theo lệ… lệ cũ của làng… thể theo… nguyện… nguyện vọng của… bà con… bà con… bổn trưởng làng… trưởng thôn ta… xin theo… trước hết là pháp… pháp… luật, tức là… lấy đa số… quá bán… quá bán… sẽ theo… lệ… làng… ném đá… đá… và bêu xác… trên… cây gạo… ba tuần… Xin… xin hết… Kính mời… bà con… bỏ phiếu.

          Đám đông phía dưới bục gỗ nhao nhao lên. Giết! Giết! Còn bỏ phiếu gì nữa? Rõ thật là lai căng cơ. Lệ làng là ném đá chết. Lại còn lai căng phiếu phung gì… Có một tiếng nạt nộ to hơn cả, át hẳn âm lượng của đám đông. Này này dám chống đối chế độ hả. Nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là bỏ phiếu biểu quyết. Nghe rõ chưa mấy cái bà này… Xa nghe như tiếng chân thình thịch, của một đội lính súng ống nai nịt. Từ phía đội ánh mắt quắc lên. Một nửa đám đông lúc đó, bỗng dưng chùng hẳn lại, thấy rõ mồn một rằng, họ im thin thít hẳn, không dám ho he nữa, ri rỉ mấy tiếng xì xào. Thấy chưa tôi đã bảo mà, im im cái mồm ngay đi, không khéo đội quy vào địa chủ, việt gian phản động bây giờ đấy. Có vài con mẹ đốp bán cá chợ, là còn hoắng cái giọng lên. Gớm ghiếc mấy cái bà này. Cứ làm như đội làm thịt… Nhưng tiếng nạt nộ lần nữa gầm lên. Nghe như tiếng bò rống ông ổng…

          Và rồi đám đông quyết định biểu quyết. Chín mươi chín phần trăm dân làng. Như kế hoạch chỉ đạo của đội. Đã bỏ phiếu ném đá tên Riết. Vậy là còn một tên. Một tên không bỏ. Là đứa nào? Đứa nào bước ra đây ngay lập tức? Đứa nào dám không bỏ phiếu xử tử? Đứa nào ra đây ngay! Không sẽ bị xử chung tội!

          Một con mụ ăn mày tập tễnh bước ra, thân thể khắp người lở loét vì hủi. Những tảng thịt cáu bẩn, rụng ra theo bước chân, mùi thối oăng tỏa ra xung quanh, máu và mủ đỏ lòm vàng khè rỉ ra, trông kinh tởm vô cùng. Đám đông nhanh chóng bịt mũi, dạt sang hai bên thành đường lối, như mở tấm thảm đỏ, lát đầy hoa gạo thắm, dẫn người đàn bà xấu số, hướng về phía con bé Riết. Mụ ăn mày quỳ xuống, trước mặt tên Riết đang gục đầu, toàn thân đầy vết roi thừng, đói khát đã mấy ngày nay. Cánh tay nhơ nhuốc và cụt lủn của mụ, rưng rưng bưng một gáo dừa nước, ghé vào sát miệng con bé Riết, và cất giọng khàn khàn đục đục: Con ơi… đừng sợ… mụ tiễn đưa con… lên đường thiên lý… trần gian này… vốn không thuộc về con… không hề thuộc về con… Riết ngẩng lên nhìn mụ hủi, nước mắt trong ngân ngấn.

          Những viên đá đủ loại, to nhỏ sắc cùn tù nhọn, từng chặp dội vào thân mình con bé Riết, từng đợt từng đợt Riết rú lên ghê rợn. Cuộc hành quyết diễn ra đằng đẵng suốt một ngày trời, từ sáng đến trưa, từ trưa sang chiều, từ chiều đến khuya, những cú ném dài lê thê kèm theo bao lời nguyền rủa, dân làng muốn chửi rủa cho đã, buông lời nguyền độc địa cho đã, rồi mới quyết định chọn loại đá, chọn cả phương hướng để ném, sao cho thật đau đớn, sao cho thật chí mạng, sao cho thật sướng tay, sao cho thật hả bụng dạ, sao cho rửa trọn được mối thâm thù.

          Riết dường như đã chết. Thân xác nát bấy và rũ rượi. Gần như không một mảnh vải. Treo trên thân cây gạo cổ. Hai cánh tay giang ngang, bị trói chặt vào một con xà. Hai bàn tay bị đóng đinh dài, vào hai đầu của con xà đó. Hai cổ chân bị cột vào nhau, bị đóng đinh vào thân cây gạo, chiếc đinh xuyên qua hai cổ chân, máu đã đen sì và khô lại từ lâu. Đầu Riết ngoẹo sang bên trái, tóc đen dài phủ kín gương mặt, che đi đôi mắt còn mở trừng, và đôi môi khô khốc tái nhợt. Khắp thân mình con bé, nhất là vùng đầu và cổ, bị gai gạo cào rách đến tóe máu tươi. Mãi sau này tôi vẫn còn gặp thứ ảo giác nhập nhòa, ông lão thầy cúng cất tiếng gào khóc thê lương, quỳ sụp trước gốc gạo đỏ đầy hoa, đầu dập trên đất cằn cỗi, cùng lời thở than đằng đẵng, suốt nhiều năm sau đó… Nhân gian này không hề thuộc về con…

***

          Con bé Riết hấp hối trong cô độc. Nó bị đóng đinh ở đó, trên thân cây gạo cổ, suốt ba tuần trăng. Làng tôi khi đó đã mất sạch đàn ông. Chỉ còn toàn một đám đàn bà con gái. Tên đội cũng là một mụ đàn bà. Đàn ông duy nhất trong làng, chính là ông lão thầy cúng nọ. Đàn bà vốn dễ siêu lòng mủi dạ, dễ thương cảm và mau nước mắt. Vậy mà cũng chẳng có một người đàn bà nào, từ con bé tám chín tuổi đầu, cho đến những con mụ đầu hai màu khăn tóc, và cả những bà lão tám mươi, chẳng một người nào rủ lòng trước một kẻ, vốn chỉ còn chút hơi thở tàn thoi thóp, dù chỉ là một gàu nước mát, một bát cám gạo hẩm hiu, hay một ánh lửa thổi lắt lay, đủ làm ấm lại cái thân tã tượi, vào những đêm buồn lành lạnh. Nhưng trong ba tuần trăng ấy, mãi sau này tôi mới được rõ, một người đàn bà vô gia cư, đó là mụ già mắc chứng hủi, vẫn thường lén lút vào buổi đêm, khi mọi người trong làng say giấc, trèo lên thân cây gạo đầy gai nhọn, xua kiến vàng và muỗi cho Riết, những trái gạo chát lè đầy xơ xước, được mụ hủi mớm vào miệng Riết, mà đâu biết giờ đây, đôi mắt trong vắt ấy, đang còn hấp háy được, là nhờ chút lực tàn, của thời khắc hồi quang. 

          Hết ba tuần trăng. Dân làng bỗng bàng hoàng, túm tụm nhau lại xôn xao. Xác con bé Riết đã biến mất rồi. Cây gạo đứng trơ trọi giữa trời đất. Còn lại đây là những sợi chão nguyên vết máu, là những đinh câu sắc nhọn đóng vào thớ gỗ. Tuyệt không có một sự giằng co hay phá hủy nào. Cái xác đó đã đi đâu. Con bé Riết đã đi đâu. Kẻ nào đã đưa nó đi khỏi đây, dù là giấu xác hay giấu người. Dân làng hỏi nhau vô vàn câu hỏi khó. Để rồi ba ngày sau đó, một ngày chủ nhật âm u, con bé Riết đã trở về làng. Riết lại ngồi dưới gốc đa, vẫn là Riết vừa tròn bảy tuổi, tay cầm khúc tre già rỗng, vừa gõ nhịp vừa hát đồng dao. Những bài đồng dao, của năm nay năm kia, của nhiều năm trước. Mỗi khi đồng dao của Riết cất lên, hoặc một đứa trẻ sơ sinh lìa đời, hoặc một đám cưới tan tác, hoặc một người phải biệt ly. Người làng tôi vô cùng hoảng sợ, và rồi đội văn hóa lại ra tay, án lệ của làng lại phán quyết. Con bé Riết lại một lần nữa, rồi hai lần nhiều lần nữa, bị đóng đinh trên thân gạo. Những tưởng rằng thế là hết, vậy mà Riết không chết nổi. Nó cứ sống như một cái đinh sắc nhọn, đóng rất sâu vào trong tim óc của làng. Ngôi đình làng cũng từ lâu, không ai tài nào dựng nổi. Mình tôi ngồi đối ẩm với trời xanh, đôi khi trong hơi men buốt lạnh, cái lạnh của sương thu và mưa đông, cái buốt của nhân tâm và lịch sử, như có một vong hồn bỗng đâu nhập vào người tôi, tôi bỗng thấy mình trở thành lão thầy cúng, miệng ú ớ không nói được nên lời, hai tay giơ cao hướng về cõi trời, bò rạp xuống đất đen, rồi đứt hơi chết hẳn, xa xa trong cõi tối mù, Riết đang hát đồng dao.

          Bẵng đi mấy chục năm, câu chuyện cũ năm nào, tưởng đã thành dĩ vãng. Ấy vậy mà hôm nay tôi trở về, làng tôi xa xưa đã mất đi, không còn một ai thân thuộc. Tôi lang thang làng trên xóm dưới, quanh quẩn chỉ thấy toàn là đàn bà. Những gương mặt hốc hác, tiều tụy và tang thương, nhưng lại có vẻ ngây dại, với những tròng mắt lạc, nhìn xếch lên ngọn cây gạo, những móng tay của vượn, nghều ngào và cáu bẩn, chốc chốc cười hềnh hệch… Bất thình lình, con bé Riết từ đâu hiện ra, nhảy chân sáo đến trước mặt tôi, nhoẻn miệng cười tươi, khúc hát chợt vang lên. Và từ hoàng hôn ngày ấy, khi ánh tà dương chìm vào u tịch, cho đến mãi sau này, dân làng không còn trông thấy tôi nữa, vong hồn tôi lạc bước, mất tích giữa chốn sương mù.