CHÚC MỪNG NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11
Khi cô đi xa.
Kỷ vật nhỏ tặng em không phải bằng vàng
Không phải giấc mơ thiên đường rực rỡ.
Mà là hòn ngọc thiêng giấu ở trong tim...
Ngày xưa, đã xưa lắm, có một lớp học đạo trên đỉnh núi quanh năm mây trắng phủ mờ. Thầy dạy là một pháp sư nổi tiếng đã từng bôn ba khắp thế gian để tu nhânh tích đức. Nghe đồn ông có một báu vật do chính Ngọc Hoàng Thượng Đế ban tặng trước khi giáng xuống trần thực hiện sứ mệnh giúp đời. Báu vật ấy là gì chưa ai biết. Chỉ biết rằng người nào được ông trao cho báu vật, người đó sẽ có sức mạnh vô biên để chiến thắng bất cứ một tai ương nào.
Hết năm này qua năm khác vẫn chưa có ai được ông ban cho vinh hạnh ấy.
Người đi tìm học ông đông lắm. Muốn tới đó, họ phải trèo đèo lội suối ròng rã cả năm trời. Khi đến được chân núi, họ phải tìm cách leo lên, vừa leo vừa đánh nhau với các loài trăn, rắn thành tinh thò cổ ra từ bất kể một hang hốc nào. Họ ăn hết lương khô thì bứt quả rừng ăn, uống nước cạn bầu thì tiểu ra mà uống. Tới lưng chừng núi thì nước tiểu cũng không còn, da khô cháy, tóc dài râu rậm. Rồi một hôm bỗng có tiếng hát du dương vẳng tới mỗi lúc một gần. Họ nhìn thấy một tốp thiếu nữ tuyệt đẹp đang bay lượn lúc ẩn lúc hiện bên những lùm cây.
– Tôi đói quá!
– Tôi khát quá! Hãy cứu!
Các chàng trai kiệt sức thều thào vẫy gọi. Những thiếu nữ chạy ùa tới, mỗi nàng ôm một chàng vuốt ve. Họ đưa các chàng trai về một lâu đài rực rỡ nắng vàng. Những li nước thơm đưa tới. Rồi tiệc tùng. Rồi ca hát. Các chàng trai tươi tỉnh lại. Họ kể cho các thiếu nữ nghe vì sao họ lại lên đây và những nỗi gian truân trên đường.
– Ồ! – Một cô có lẽ là chị cả lên tiếng – Các anh hãy ở lại đây vui chơi, tội gì đi tiếp cho mệt. Nếu muốn học đạo làm người thì chúng em sẽ ban tặng mỗi anh một cuốn sách, trong đó có ghi hết mọi điều. Còn muốn báu vật, chúng em xin tặng mỗi người một viên ngọc trị giá bằng cả một cung điện nguy nga. Các anh sẽ giàu có, sẽ có vợ đẹp và một đàn nô tì xinh xắn hầu hạ.
Vậy tìm thầy làm gì nữa? Đời người sống được mấy mươi năm mà phải chịu khổ sở để đi tìm cái mà có thể mình không tìm được.
Các chàng trai nghĩ vậy. Thế là họ nhận quà quí ra về sau những ngày vui chơi thỏa thích.
Họ bằng lòng sống một cuộc sống no đủ, vương giả, hàng ngày mang cuốn Kinh ra đọc mà đọc mãi cũng chả thuộc được dòng nào. Nhưng cho đến già họ vẫn còn khoe, hồi ấy…
Dân chúng nhìn họ như nhìn những bậc vĩ nhân.
Phải! Họ đã có công đi hơn một năm trời đằng đẵng, leo đến lưng chừng núi cao để đem về vinh thân cho họ. Thử hỏi dân chúng đã được chút gì? Nhưng dân chúng vẫn ngưỡng mộ họ. Dân chúng chất phác vô cùng!
Một ngày kia, có những chàng trai khi gặp các tiên nữ vẫn không chịu quay về. Họ chịu sầy da chảy máu để đi lên tiếp. Lên gần tới nơi thì trời mưa to gió lớn không thể đi được, họ ôm nhau, truyền hơi ấm cho những người kiệt sức. Nếu chỉ có một người có lẽ gió bão cuốn đi rồi. Cơn bão tan dần, các chàng trai nhìn thấy một ánh sáng thần diệu tỏa trên đỉnh núi, họ lần đường leo lên và thế là họ đã tìm được thầy.
Buổi đầu người thầy hỏi:
– Các anh tìm đến ta để làm gì?
– Thưa thầy, chúng con muốn học đạo làm người.
– Các anh vẫn làm người đó thôi.
Một chàng trai bước lên lễ phép thưa:
– Thưa thầy, đất nước chúng con hiện đang lâm nguy, dân tình đói kém, nhà vua hèn nhát để quan lại tham nhũng, trộm cướp nổi lên khắp nơi, đâu cũng có tiếng kêu ai oán. Mong thầy ban cho chúng con báu vật để chúng con dẹp loạn.
Chàng trai ấy tên là Đàm Thanh. Chàng đẹp như một ngọn núi hùng vĩ, tiếng của chàng trầm như tiếng lòng đất.
Người thầy gật gù:
– Các anh đã vượt qua bao trở ngại để đến đây, hẳn không phải loại người tầm thường. Người được ta trao báu vật phải là người thắng cuộc sau ba lần thi.
Lần thứ nhất:
– Làm thế nào để con suối trước mặt cạn nước?
Các chàng trai vò đầu bứt tai. Cuối cùng họ cho rằng phải hợp sức cùng nhau tát nước suối đổ đi.
Chỉ có một người cứ nằm lăn ra ngủ, đó là Đàm Thanh. Mọi người cho rằng anh ta lười. Nhưng người thầy lại giật mình: phải chăng đây chính là người ta đang tìm?
Thời hạn phải trả lời đã hết. Dòng suối vẫn rì rào ca hát như trêu ngươi lòng kiên nhẫn con người.
– Làm thế nào để con suối ấy cạn nước?
Mọi người cúi đầu.
Đàm Thanh bước ra:
– Thưa thầy chỉ có cách là khơi nguồn suối cho chảy về hướng khác, lúc đó dòng suối ở trước mặt sẽ cạn khô.
Mọi người cùng ồ lên. Đúng rồi câu hỏi chỉ yêu cầu làm cho dòng suối trước mặt cạn nước.
Thầy hỏi:
– Tai sao anh không trả lời ngay từ đầu?
– Con muốn các anh ấy hiểu sức mạnh đoàn kết đôi khi cũng vô ích
Thầy gật:
– Đúng, sức mạnh đoàn kết đôi khi cũng vô ích nếu không có trí tuệ!
Thế là Đàm Thanh thắng cuộc trong lần thi thứ nhất.
Lần thi thứ hai:
Sau thời gian học hành và tập luyện võ thuật, các chàng trai dàn hàng trên đấu trường để đua tài. Hẳn ai cũng đoán được Đàm Thanh sẽ lại giành phần thắng trong lần thi này. Chàng có thể bắn một phát rơi mười chiếc lông chim của một con chim đang bay, sau đó bắn phát thứ hai xâu cả mười chiếc lông ấy vào mũi tên. Chàng có thể lộn mình bay lên đỉnh núi cao nhất. Chàng có thể hát một tiếng làm cho núi lở đá bay. Với trí tuệ thông minh và lòng dũng cảm, giờ đây chàng đã có thể trở về quê hương.
Nhưng chàng cần có ngọn lửa thần để nung nóng những trái tim nguội lạnh nơi quê nhà.
Vì thế còn phải thi cuộc thi thứ ba nữa.
Lần thi thứ ba:
Thầy hỏi:
– Giờ đây các anh ước điều gì?
– Thưa thầy chúng con chỉ có một nguyện ước duy nhất là được thầy ban tặng cho báu vật thiêng liêng.
– Ta chỉ hỏi lại thôi – Thầy mỉm cười – Báu vật là thứ quý nhất mà ta có. Các anh hãy đoán xem báu vật đó là cái gì?
– Một viên ngọc thần ạ!
– Một cây đèn thần ạ!
– Hay phải chăng là ba hạt kê với ba điều ước?
Đến lượt Đàm Thanh:
– Thưa thầy, con đã được thầy ban cho trí tuệ, sức mạnh thiêng liêng, nếu được thầy ban cho báu vật thì đó là hạnh phúc vô biên. Nhưng con trộm nghĩ, cái quý báu nhất mà thầy có là tấm lòng của thầy, trái tim của thầy. Rồi một mai trên đường dài đầy gian truân trái tim cao quý của thầy là niềm tin tăng thêm sức mạnh cho con.
Đàm Thanh vừa dứt lời, một vầng hào quang kì diệu tỏa quanh pháp sư. Từ trái tim ông phát ra những tia sáng lấp lánh.
– Con đã nói đúng, hỡi chàng trai dũng cảm! Ta trao cho con báu vật thiêng liêng, trao cho con sứ mệnh cao quý đem lại tự do hạnh phúc cho mọi kiếp người. Hỡi các con! Từ nay Đàm Thanh sẽ là thủ lĩnh. Hãy đoàn kết thương yêu nhau! Đó là lời dặn của ta. Sứ mệnh của ta trên cõi trần đã hoàn thành.
Nói xong, pháp sư thò tay vào ngực móc trái tim còn đang nóng hổi đưa cho Đàm Thanh, trái tim như một viên ngọc thần kỳ diệu lung linh trong tay chàng.
– Vĩnh biệt! Pháp sư hét lên một tiếng rồi biến thành một vầng hào quang bay lên trời.
Đoàn người hò reo theo bước chân Đàm Thanh trở về. Trên tay chàng Đàm Thanh ánh lửa kỳ diệu của trái tim người thầy tỏa sáng cả một vùng.
*
Cô giáo Tâm ngừng kể. Cả lớp im phắc như chưa thoát khỏi giấc mộng.
– Thế rồi sau này Đàm Thanh có làm nên sự nghiệp hay không các em hãy tự suy diễn tiếp…
Tâm còn trẻ lắm. Năm ấy cô mới 22 tuổi.
Những giờ đạo đức cô thường dành hơn nửa thời gian để kể chuyện cho học sinh nghe. Cô thay những lời thuyết lý về đạo đức bằng những câu chuyện nhỏ. Bọn trẻ yêu cô như người chị thân thương. Chúng không thể làm quen với một thực tế là sẽ có ngày phải xa cách cô. Lẽ tất nhiên lên cấp III thì không học Tâm nữa. Nhưng Tâm lại chia tay với chúng sớm quá: Cô đi lấy chồng xa. Điều đó nhắc chúng rằng cô giáo cũng là người trần mắt thịt, chứ đâu phải là một nàng tiên giáng thế.
Tâm ở xa thường nhận được hàng lô thư của học trò.
Cô bé Thu Ái nhí nhảnh, “con mèo con” ngày nào viết:
“Cô ơi, lên cấp ba rồi mới quen đi nỗi vắng cô. “Nhỏ” vẫn được là học sinh khá của lớp, vẫn là đoàn viên tốt như hồi cô mớ kết nạp “nhỏ”. Nhưng Đoàn ở trường “nhỏ” bây giờ sao buồn tẻ quá, chỉ thấy họp hành phê bình, rồi đi lao động liên miên. Các bạn ngoài Đoàn dè bỉu: “Vào Đoàn để được cộng điểm tốt nghiệp!”.
Cậu bé An hiền lành ngày nào viết:
“Cô ơi, em đã là đại đội trưởng. Chúng em đang đóng trên đất bạn. Em vẫn nhớ như in hình ảnh cô, những câu chuyện cô kể về đạo lí làm người, điều đó đã củng cố niềm tin cho em về một ngày mai… Nhưng đôi lúc em thấy buồn cho hiện tại mà chính mình bất lực.
Cô sẽ giận em lắm phải không?
Em vừa nhận được thư nhà. Chị em kể về đời sống của gia đình em, của bà con quê em mà em buồn quá. Cô còn nhớ ông Phúc bí thư Đảng uỷ xã, cái ông đi xe Honda lượn vèo vèo lướt qua lướt lại để trêu cô ấy. Ông ta có thành tích nằm hầm dưới trảng cát ven sông suốt thời kì chống Mỹ sau Mậu Thân. Bây giờ ông ta vác súng, lượn Honda đến từng nhà xua người già người trẻ đi học bổ túc ban đêm. Ai không đi ông ta lên đạn cái “rốp”. Ông ta phanh ngực đi nhậu suốt ngày, lấy thóc của các gia đình liệt sĩ để chia nhau… Ai cũng biết nhưng sợ không dám nói ra.
Chúng em đóng quân trong rừng, thỉnh thoảng bọn biệt kích mò tới, lại vài người ra đi. Hàng ngày ăn cơm với rau rừng, gạo hết lại sắn. Anh bạn Đại đội Phó phụ trách công tác chính trị ban ngày cười nói động viên anh em, ban đêm anh ấy nằm ôm em khóc. Làng quê anh thực hiện khoán sản phẩm, bốn đứa con nhỏ và người mẹ mù lòa trông chờ cả vào bàn tay người vợ đau yếu. Khoán sản là thắng lợi của chúng ta phải không cô? Nhưng trong thành công cũng có những nỗi niềm riêng. Bây giờ mọi người không giúp nhau vô tư được như những năm 60, 70…”.
Còn cô bé Ánh Tuyết, thời Tâm còn dạy ở đấy, các đồng nghiệp vẫn bảo: “Vào lớp 9A, giảng bài hứng thú là nhờ nhìn vào ánh mắt cô bé Tuyết”. Tưởng như điều khó tin. Tuyết học không giỏi lắm, bé chỉ dễ thương và nhân hậu đến độ người lớn phải cảm phục.
Vậy mà bây giờ nó như con chim gãy cánh:
“Cô ơi, mẹ em mất rồi. Ngày mẹ em sắp nhắm mắt em phải chạy vay lãi ít tiền may bộ quần áo mới cho mẹ. Gia sản mẹ em để lại là ba chị em, một ngôi nhà lợp tôn tiều tuỵ và vài ba chiếc quần áo sờn rách. Em vẫn thầm ước trở thành cô giáo như cô, có thể thành công hơn cô nữa. Nhưng bây giờ em đi chằm nón thuê cũng chưa đủ trả nợ, lấy tiền đâu mà học tiếp. Em đã phụ cô…”
Tâm thường viết thư cho từng trò, cố gắng phần nào xoa dịu nỗi đau của chúng.
*
Chuyến tàu Thống Nhất đang chờ giờ khởi hành.
Tuấn và cô bạn gái vất vả xách va li hòm siểng vào cửa soát vé.
“Nhanh lên! sao các vị vào ga muộn thế, tàu sắp chạy rồi”. Chị nhân viên kiểm vé giục.
Tìm được số ghế, Tuấn ngồi quạt phành phạch.
“Oi quá! Có lẽ trời sắp mưa”. Cô bạn gái lẩm bẩm. Họ mới ở nước ngoài về. Trông họ đầy sức sống.
Trời bắt đầu lộp bộp vài giọt mưa. Những người bán hàng rong kéo đầy lên tàu.
– Ai kem đây!
– Mua đi, báo Công An thành phố, một vụ giết người cướp của, thủ phạm đã bị bắt. Báo Phụ nữ…
– Bánh mì nóng đây! Hai đồng một chiếc.
Tuấn ngạc nhiên:
– Có hai đồng một chiếc, rẻ thế.
– Hai đồng là hai trăm cậu ạ. Bây giờ người ta có gọi đúng cái gì đâu.
Cụ già ngồi ghế đối diện lên tiếng.
Bỗng một giọng nói phụ nữ rất quen làm Tuấn giật mình:
– Không bán đồng rưỡi đâu. Bánh lấy đồng tám rồi, lãi có hai hào bạc mà bác còn mặc cả.
Tuấn nhìn qua cửa sổ. Một người đàn bà tay cắp rổ bánh mì, khuôn mặt bị chiếc nón thâm xì che khuất. Cánh tay gầy guộc của chị đang chậm chạp đếm từng đồng tiền hai chục. Chắc đi làm thêm kiếm tiền. Trông dáng dấp rụt rè đến thảm hại. Nhưng sao giọng nói lại… Giọng nói ấy… không có lẽ nào…
Mười năm trước đây, khi còn là cậu học trò nhỏ, anh đã nghẹn ngào cùng bạn ra ga tiễn cô giáo chủ nhiệm. “Thà không biết cô còn hơn là phải xa cô như thế này”. Cô ấy cười nhưng nước mắt lại lăn trên má.
Cũng trong khung cảnh ồn ào nóng bức của sân ga, cô đọc cho lớp bài thơ kỉ niệm:
Khi cô đi xa…
Kỷ vật nhỏ tặng em không phải bằng vàng.
Không phải giấc mơ thiên đường rực rỡ.
Mà là hòn ngọc thiêng giấu ở trong tim.
Rồi một khi em mò mẫn trong đêm.
Viên ngọc ấy tình cô chiếu sáng.
Em sẽ thấy cuộc đời đầy gió mát.
Giữa sa mạc khô cằn…
Cô giúi cho Tuấn một chiếc bật lửa. Tuấn ngước nhìn cô như muốn hỏi: “Sao vậy cô?”. Cô cười: “Thế đấy, mọi khi ở lớp cô vẫn cấm em hút thuốc, nhưng bây giờ em đã lớn rồi”. Lúc ấy Tuấn 17 tuổi, anh đi học muộn.
Mười năm rồi…
Tiếng rao lại cất lên như khía vào tim Tuấn.
– Ai bánh mì đây!
Mưa bắt đầu nặng hạt. “Ai bánh mì…”. Tuấn nhao người ra khỏi cửa tàu. Cô Tâm! Trời ơi cô giáo…
Tuấn lục vội một xấp tiền đưa cho cô bạn gái.
– Hiền, chạy xuống mua hết rổ bánh mì của chị mặc áo đen kia nhanh lên.
– Ơ…? – Hiền ngơ ngác.
Tiếng còi tàu rúc lên báo hiệu sắp đến giờ chạy.
– Nhanh lên! – Tuấn giục.
Hiền chạy xuống rồi bê cả rổ bánh lên. Tuấn nghe thấy tiếng người đàn bà ngay cửa tàu:
– May quá, đang ế hàng mà trời lại mưa. Cho tôi xin cái rổ. Ơ kìa. Tuấn! Tuấn phải không?
Rồi chừng như nhớ ra cái thế của mình, cô Tâm khựng lại.
Tàu bắt đầu chạy.
– Cô ơi, em đây! Cô cầm chiếc áo này mà mặc kẻo trời mưa lạnh. Em mới đi học bên kia về.
Cô Tâm chạy theo:
– Tuấn ơi, cô biếu em bánh ăn đường, em cầm tiền lại này.
– Không, cô ơi. Cô còn nhớ chúng em? Cô có còn đi dạy học?
– Vẫn còn, và vẫn nhớ các em. Em vào trong đó đừng kể cho các bạn là đã gặp cô như thế này mà các bạn buồn. Đừng kể…!
“Nhưng sao cô lại phải khổ sở thế này?”. Song Tuấn kịp dừng câu hỏi. Có cái gì nghẹn ở trong cổ. Anh cố nhoài ra gọi:
– Cô ơi em vẫn còn nhớ câu chuyện “Ngọc trong tim” cô kể ngày xưa. Cả bài thơ nữa.
– Em hãy nhớ… Hãy… nhớ….!
Tiếng cô nhòe đi trong mưa, trong tiếng người ồn ã.
Tàu đi xa dần. Tuấn vẫn còn vẫy. Trên sân ga bóng cô xiêu vẹo. Dòng người đưa tiễn len qua, xô dạt người đàn bà đội chiếc nón lá rách.
Hai dòng nước mắt từ từ lăn trên má Tuấn.
Trên toa, có một người đàn ông lặng lẽ rút khăn mùi xoa chấm mắt.
– 1990 –