HOÀNG HOA

 Thấp thoáng hình bóng gia phả những gia đình, và lớn hơn, tộc phả của một dân tộc, quốc phả của một đất nước khi nhà thơ lắng nghe mỗi hơi thở. Chậm rãi, từ tốn, đều đặn, và kiên trì, bằng tình thương yêu cuộc sống, thương yêu con người thường trực, bền lâu. Thương yêu, và ý thức về sự tồn tại của những con người, những số phận đó trong dòng chảy tồn tại của cộng đồng, của dân tộc mình.

 

Để quý trọng mỗi cuộc sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo của thiếu thốn, cần lao, trong sự tù hãm của ách áp bức ngoại bang và những tàn phá do chiến tranh. Và rộng hơn, quý trọng những phẩm chất làm nên bản lĩnh cộng đồng, sức mạnh dân tộc, ngay cả những bản tính cố hữu mang màu sắc tiêu cực mà thông thường, trong ngày thường, người ta có thể coi thường.Hãy giở bất kỳ những bài thơ mà mỗi bài ấy thường tập trung vào một nhân vật nhất định, có khi đơn lẻ, có khi đặt trong mối liên hệ với một số nhân vật khác, chúng ta thấy mỗi con người, đời người ấy như thí dụ, như tượng trưng của một tính cách, một trạng thái, một đặc điểm, một giá trị. Người ông nội kiên cường, say lè nhè nhưng không khi nào có suy nghĩ khuất phục trước nước Nhật xâm lược. Người bà nội như chứng nhân của một quá khứ huyền thoại qua những câu chuyện kể lúc nào cũng sẵn sàng tuôn trào, trìu mến và bình yên. Anh chàng bắt rắn hào hiệp, chẳng sợ một loại rắn nào và sẵn sàng giúp đỡ người khác bằng tất cả tấm lòng thực ra cũng rất giàu xúc cảm của mình…Nhà thơ nói về những đặc điểm, giá trị ấy, ta đọc mà tưởng như không còn gì lạ lùng, cũng gần gũi, dễ cảm nhận như đời sống thực diễn ra trước mắt. Vậy thì đâu là điều độc đáo trong những bài thơ cũng thường ngắn gọn này? Ko Un đã nói về những cuộc đời ấy, bằng tình thương yêu, lòng trắc ẩn, hẳn rồi, nhưng thông qua những miêu tả thật giản dị, nhưng rất đỗi sinh động và cụ thể, với những việc, những nghề nghiệp, những tập quán, những thói quen, những nếp sống… quen thuộc trong đời sống đông đảo người dân xứ sở ông. Những cụ thể đầy tính chân thực ấy làm nên sức thuyết phục và tính khái quát cao khi người đọc liên tưởng từ nhỏ đến lớn, từ hẹp đến rộng, từ đơn lẻ đến đông đảo, từ cá nhân đến cộng đồng. Và cả khi bắt đầu suy ngẫm từ riêng mỗi con người ấy thôi, trong bối cảnh cuộc sống gia đình họ, quê hương họ mà nhà thơ tái tạo, ta đã thấy tràn ngập nỗi niềm, sự ám ảnh dai dẳng mà ông hướng về họ.Chính nhà thơ Ko Un, ông là một thí dụ lớn để nói với chúng ta về sứ mệnh người làm thơ, trong nỗ lực nâng đỡ, bênh vực những cuộc đời, những số phận, trong niềm say mê đón nhận, lắng nghe, và tìm thấy những vẻ đẹp của tâm hồn, tính cách, sức sống con người từ trong những khó khăn, đằng sau những khuất lấp.(Tập thơ “Vạn đời người”, nhà thơ Hàn Quốc Ko Un, dịch giả Lê Đăng Hoan, NXB Hội Nhà văn).

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài