Cây ngọc bút vẫn nở hoa – tập thơ, NXBHNV 2018; Tình thơ – tập thơ NXBHNV 2019; Ước mơ của em – tập thơ thiếu nhi NXBHNV 2020; Em yêu nhà mình – tập thơ thiếu nhi NXBHNV 2021; Trăng Thề – tập thơ NXBHNV 2022; Hào Quang của đất – tập truyện ngắn NXBHNV 2022; Những Đôi Mắt Khoảng Trời – tập truyện NXBHNV 2023; Nắng Trong Mưa – tập thơ NXB HNV 2023.

Khi nói về mình, ông từng viết, “ta như ngọn nến bỏ quên”.

Ngọn nến văn chương Đào Quốc Vịnh đã bùng lên ngọn lửa tận hiến và sẽ tiếp tục mang đến cho bạn đọc những tác phẩm thơ, và văn xuôi trong những dự án mà ông đang theo đuổi thực hiện.

Ngọc bút vẫn nở hoa

Giữa tuần đang bận nhiều việc thì nhận được điện của thím Thạch, tôi gác lại mọi công việc, về quê gặp thím.

Thím Thạch sống một mình trong một căn nhà cấp bốn ba gian hai trái đã xuống cấp. Những hàng ngói móc trên mái nhà đã xô xuống xiêu vẹo, không còn theo hàng lối như trước nữa. Lớp rêu bám trên mái ngói, vào mùa độ cuối thu, khô cong tróc lên một lớp rêu khô, khiến cho mái ngói đỏ au ngày xưa loang lổ một màu xanh đen thật cũ kỹ. Lớp vữa trát trên tường phía trước căn nhà đã lở những mảng lớn, lộ ra những hàng gạch non xây vội bị thời gian ăn mòn lõm sâu, đỏ quạch, nom ngôi nhà như có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Bức tường hoa phía trước sân bám đầy rêu, vào độ thu về hanh khô, bong tróc từng mảng nom vênh váo như những chiếc vỏ hến màu xanh đen ai cắm vào. Dải đất chạy sát chân tường trước nhà thím trồng một hàng cây hoa ngọc bút nở hoa tua tủa một màu trắng tinh khôi, thoang thoảng mùi hương nhẹ nhàng, thanh tao.

Vừa thấy tôi vào đến cổng thím đã đon đả:

– Chiến hả con! Vào đây, công việc Thím lo cũng đã gần xong, chỉ chờ anh về mang giấy tờ đi các cơ quan nữa thôi!

Độ này thím hơi gầy gò hơn, nhưng dáng đi của thím vẫn nhanh nhẹn, giọng nói của thím vẫn ấm áp và dịu dàng như hồi nào tôi gặp thím. Mái tóc thím đã bạc trắng. Đôi mắt của thím nhìn tôi vẫn sáng rực và âu yếm.

– Dạ, cháu chào thím!

Tôi gọi bà Thạch là thím vì ngày trước, khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ chú ruột tôi là ông Quỳ đã cùng bà đính hôn. Đám cưới của hai ông bà còn chưa được tổ chức thì ông phải khoác ba lô lên đường đi kháng chiến. Rồi bà ở lại làng, giặc Pháp tràn về chiếm làng, dựng tề lập bốt. Bà Thạch bí mật tham gia du kích địa phương, chờ ngày thắng lợi để hai ông bà được xây dựng hạnh phúc trăm năm. Nhưng rồi ông đi mãi và bà ở vậy một mình chờ ông…

– Cháu vào uống nước với thím!

– Vâng, thím vẫn khỏe? – tôi khẽ hỏi thím và liếc vội nhìn căn nhà thím ở, tự thấy chạnh lòng, phần thì thương thím phần lại trách mình sao lại vô tâm đến thế.

– Ngồi xuống con! Thím có một mình, thành ra sống tạm thế thôi, nhưng ổn cả – như đoán được ý của tôi thím Thạch gạt đi.

– Thím ơi!

– Gì vậy con?

– Sao thím trồng toàn một loại hoa ngọc bút thế kia vậy thím? – tôi hỏi.

– Thím trồng mấy chục năm rồi giờ cháu mới biết?

– Dạ… ! – Mặt tôi nóng ran lên tự thấy xấu hổ vì mình đã quá ít dành thời gian quan tâm tới thím.

– Thím sống sắp hết đời người rồi, những cây ngọc bút này vẫn là những thứ gắn bó với thím nhất…! – giọng thím hạ xuống nhỏ nhẹ và man mác đượm một nỗi buồn da diết, – hoa ngọc bút trắng tinh khôi. Nó là ước nguyện của chú thím ngày đính hôn. Ông ấy ước mong sau này hòa bình lập lại, chú thím sẽ có những đứa con, và chúng sẽ học hành giỏi giang cháu ạ. Thím chưa kể cho ai nghe câu chuyện này đâu. Cháu thấy đấy, ngay ở trước chỗ ông ấy nằm bây giờ ngoài nghĩa trang liệt sỹ, thím cũng trồng một cây ngọc bút cho hoa trắng muốt quanh năm đấy cháu!

– Dạ… – tôi lắp bắp – thì ra vậy, sự tình thế nào, thím kể cho con biết, thím nhé!

Thím tôi khẽ gật đầu đồng ý. Nhìn vào hai hốc mất sâu của thím, tôi cảm thấy trong con người thím – người nông dân cô độc giữa đời thường kia, đang chứa đựng những điều sâu lắng mà chính tôi cũng chưa thể biết được. Tôi giật mình lắng nghe từng lời thím kể…

Năm bốn bảy, khi chúng tôi vừa làm lễ đính hôn xong, thì anh Quỳ có lệnh rút vào hoạt động bí mật. Chúng tôi phải hoãn tổ chức đám cưới. Lúc chia tay anh ấy bảo, anh ấy đi kháng chiến, thắng lợi mới về, rồi anh ấy tặng tôi một cây hoa ngọc bút nhỏ. Anh ấy là người có tâm hồn lắm. Anh ấy thích làm thơ tặng tôi. Tôi hỏi:

– Sao anh tặng em cả cây ngọc bút vậy?

– Anh thích cái thanh tao của nó! – Ông Quỳ nói – hoa nó trắng muốt, hương thơm dìu dịu rất thanh tao. Anh tặng em cây hoa này để em chăm bón nó, mong cho nó tốt tươi và trổ hoa quanh năm. Nhớ anh, em hãy ở bên cây ngọc bút này… Sự tinh khôi của nó sẽ làm em ấm lòng. Anh mơ ước một ngày kháng chiến thành công, anh trở về, chúng mình sẽ làm đám cưới. Rồi sẽ sinh con đẻ cái. Các cụ bảo rằng trồng ngọc bút trong nhà con cái sẽ có khước học giỏi…!

Thế rồi chúng tôi chia tay nhau. Anh ấy đi được một thời gian thì quân Pháp tái chiếm làng này, lập tề xây bốt. Sếp bốt là ông Ngòi, người làng mình là một tên ác ôn khét tiếng. Ngay cả với vợ con, họ hàng hắn cũng không tha. Hễ nghi ai có liên quan đến Việt Minh là hắn cho lính đến đốt nhà, bắt bớ người thân ra bốt để hành hạ tra tấn dã man, nhẹ nhất là trói, nhốt vào gian nhà hẹp hai mét vuông nơi có tổ kiến vàng, bỏ mặc cho lũ kiến thi nhau đốt suốt đêm; buổi sáng chúng lôi ra thì thân hình đã biến dạng. Lớp da bên ngoài mọng lên. Chân tay, mặt mũi sưng húp nom mòng mọng nước. Nếu nặng lão sếp bốt cho lính dùng báng súng đánh vào đầu, vào mặt, thúc báng súng vào bụng đến thổ máu ra miệng ra mũi, thậm chí chúng còn buộc chặt vào một tấm ván rồi thả xuống ao chạ cho đi tầu ngầm, đợi đến lúc người bị đánh đã no nước, chúng kéo lên, dùng một tấm ván khác đặt lên bụng rồi cho hai thằng lính đứng lên tấm ván gỗ lận mạnh cho nước trong bụng phụt ra mồm, ra mũi, nếu không khai thì chúng còn hành hạ cho đến lúc ngất đi đến chết mới thôi.

Ở lại làng, tôi trồng cây ngọc bút trước nhà, ngày ngày chăm bón cho cây trổ hoa. Nhìn cây ngọc bút nở những chùm hoa trắng tinh, tôi luôn như được đang sống bên anh. Những bông hoa ngọc bút đã cho thêm một sức mạnh để tôi vượt qua biết bao nhiêu là khó khăn. Thời loạn lạc, sống trong làng tề, là cô gái trẻ chưa chồng chỉ giữ được mình thôi cũng đã là một việc không mấy dễ dàng rồi.

Tôi đã tham gia đội du kích của xã. Hàng ngày chúng tôi nhận chỉ thị của cấp trên về kế hoạch diệt tề trừ gian, về kế hoạch đón cán bộ cấp trên về nằm vùng chỉ đạo phong trào kháng chiến giữa làng tề. Ngoài việc thành lập các tổ chức thanh niên cứu quốc, phụ nữ cứu quốc, chúng tôi được tổ chức giao tổ chức thanh niên chống cộng để đưa người của ta vào làm công tác địch vận. Lúc nào, dù là đêm hay ngày tôi luôn cảm thấy anh Quỳ đang ở ngay bên cạnh mình, động viên mình. Nhớ anh tôi thề sẽ làm tốt công tác tổ chức giao để xứng đáng với anh, chờ kháng chiến thành công, cho chúng tôi sớm được đoàn tụ.

Năm năm mươi hai, hồi đấy là vào tháng ba, khi đang hội làng thì có kẻ chỉ điểm tôi là Việt Minh. Bọn lính dõng lùng sục khắp làng không bắt được tôi, chúng bèn lôi cụ thân sinh ra tôi ra để tra khảo nhằm gọi tôi ra đầu thú cứu cha mình. Chúng trói cha tôi vào gốc nhãn giữa sân đình cho bọn lính dùng báng súng thúc vào bụng, vào mạng sườn. Cha tôi quằn quại trong đau đớn đòn thù. Không lấy được lời khai của ông, bọn lính dõng như điên cuồng hơn. Chúng ghè báng súng nện vào đầu vào gáy, vào sống lưng cha tôi. Do đòn thù quá mạnh, sức cha tôi lại yếu nên ông đã gục xuống. Bọn lính dõng cột chặt cha tôi vào cây nhãn rồi bỏ đi. Người dân tham gia hội làng nháo nhác, bỏ cả lễ hội, tế lễ. Nhìn cha tôi bị đánh đập, quằn quại trong đau đớn không ai cầm được nước mắt.

Biết cha tôi không khai, lão sếp bốt như điên cuồng, liền sai lính đến nhà tôi đánh đập mẹ tôi rồi châm lửa đốt trụi căn nhà lợp rạ. Gà qué lợn chó nháo nhác. Mẹ tôi gục xuống trong đau đớn…

Chiều tối hôm đó mấy người tuần làng lén cởi trói, đưa cha tôi về nhà cụ Căn hàng xóm nằm nhờ ở đó để thuốc thang. Cha tôi bị đánh nhiều đòn hiểm thỉnh thoảng hộc máu mồm, máu mũi, chịu được mươi ngày thì trút hơi thở cuối cùng…

Do đã bị lộ, nên ngày đưa ma cha tôi, tôi vẫn phải trốn biệt, không dám về làng. Bọn địch thì rình rập giăng lưới bủa vây cho lính phục kích khắp nơi, từ trong làng đến nghĩa địa để bắt tôi. Thương cha mà không thể về thắp cho cha tôi lấy một nén hương. Điều ấy đã dày vò tôi đến tận bây giờ!

Sau khi cha tôi chết, những người họ hàng góp tiền bạc và công xá vào dựng tạm cho mẹ tôi một nếp nhà lợp rạ. Có điều rất lạ là căn nhà bị giặc đốt trụi không còn một thứ gì, thì cây ngọc bút anh Quỳ tặng tôi trồng trước sân vẫn còn sống, tuy một nửa tán lá bị táp lửa héo ron.

Trước sự hung hãn, dã man của sếp bốt Ngòi, tổ chức đã giao cho tôi cùng hai đồng chí khác lên kế hoạch xử tử sếp bốt Ngòi. Đây là một công việc hết sức khó khăn. Vì rất ít khi tên Ngòi ra khỏi bốt. Phải mất nhiều công sức lắm chúng tôi mới lên được kế hoạch trừng trị tên ác ôn khét tiếng ở cái làng tề này. Tên sếp bốt Dương Văn Ngòi có một cô vợ bé ở ngay xóm Bắc tên là Ngần, thỉnh thoảng hắn có về với cô Ngần nhưng không theo một quy luật nào. Một buổi tối, trời không trăng không sao, khi tên ác ôn Dương Văn Ngòi vừa ra khỏi cửa nhà ả Ngần thì tổ công tác đặc biệt của chúng tôi ập đến. Anh Nghịch dùng đòn hiểm gõ một nhát vào gáy tên Ngòi, khiến hắn gục xuống. Nhanh như cắt anh Ngổ và tôi xông vào nhồi giẻ vào miệng, chụp chiếc váy đụp vào đầu hắn, lấy thừng trói gô hắn lại rồi lôi hắn ra chiếc cầu đá trên nhánh con của con sông Thiên Đức, đặt nằm lên phiến đá nhẵn thín mát lạnh bàn chân, cởi cái bọc váy đụp quàng kín mít cả đầu và nửa người hắn. Hắn ngọ nguậy cái đầu rồi khò khè nặng nề thở từng hơi ngắt quãng. Hắn từ từ mở mắt và bất giác run lên bần bật đầy sợ hãi. Hắn ú ớ như thể van lạy xin được tha thứ. Tôi rít vào tai hắn: “Mày đã giết bao nhiêu người ở cái làng này rồi, mày có biết không? Tao căm thù mày, mày phải chết…!”. Tôi nghiến răng lại. Trong lòng tôi trào lên một lòng hận thù đến tột đỉnh. Tôi nhớ đến cha tôi, nhớ đến mẹ tôi nhớ đến hàng chục người đã chết dưới tay tên ác ôn này. Nợ máu phải trả bằng máu. Anh Nghịch dõng dạc đọc lệnh xử tử sếp bốt Ngòi: 

– Nhân danh chính quyền nhân dân, xét thấy Dương Văn Ngòi là một tên phản động khát máu, đã giết nhiều đồng bào đồng chí, nợ máu phải trả bằng máu! Giao cho đồng chí Thạch thực hiện nhiệm vụ!

– Rõ!

Tôi như không còn kiềm chế được cảm xúc của mình nữa, cầm lấy con dao nhọn đã được chuẩn bị sẵn xiết mạnh vào cổ tên Ngòi. Máu từ động mạch cổ phun ra phè phè, bắn cả vào quần áo tôi. Một mùi tanh mửa xộc vào mũi tôi, khiến tôi rùng mình, ghê sợ, cảm giác lạnh toát cả người. Khi thấy hắn đã chết, tôi chạy một mạch về nơi trú ẩn bí mật, nằm lăn ra không còn biết gì nữa. Khi tỉnh dậy tôi mới biết mình đang lên một cơn sốt cao, có ai đó đã đặt lên trán tôi một chiếc khăn mặt ướt.

Sau này cái việc trừng trị lão Ngòi cứ lảng vảng trong đầu tôi, làm cho tôi đôi khi lo lắng, đôi khi hồi hộp. Hắn là người nợ máu cách mạng, nợ máu nhân dân nhưng dòng máu từ trong cổ hắn phun ra phè phè vẫn ám ảnh tôi mãi đến tận bây giờ…

Thím Thạch nghẹn ngào dừng lại, đằng hắng vài tiếng như thể lấy lại sự cân bằng cảm xúc. Hai khóe mắt sâu hoắm của thím đẫm nước mắt. Tôi ngồi im, không dám hỏi thím vì sợ làm thím xúc động hơn lên. Tôi nhìn thím, thấy thương thím hơn. Năm nay thím đã ngoài bảy mươi. Thân thể thím gầy gò nhưng vẫn nhanh nhẹn như người ngoài năm mươi tuổi, cuộc đời thím với bao nhiêu thử thách, bao nhiêu gian nan, nay sống mai chết, đã rèn luyện thím trở thành một người phụ nữ sắt đá nhanh nhẹn, dứt khoát trong xử lý mọi tình huống của cuộc sống.

Căn nhà im lặng. Từ phía trên cái tủ ly cũ kỹ đã tróc hết lớp véc ni kê giữa nhà vừa làm tủ trang trí, vừa làm bàn thờ gia tiên, vọng ra tiếng kêu tích tắc đều đặn của chiếc đồng hồ báo thức cũ kỹ. Trên bàn thờ là di ảnh của các cụ thân sinh ra thím và bức truyền thần hình của chú ruột tôi. Tôi đứng dậy xin phép thím được thắp nén nhang cho những người đã khuất.

– Ngồi xuống thím kể nốt cho mà nghe… – thím Thạch khẽ thở dài, đoạn lấy vạt áo đưa tay lên lau nước mắt.

Sau khi sếp bốt Ngòi bị ta xử tử, ta lấn thêm một bước nữa là kiên quyết diệt tề, nhiều tên tề ngụy trước đây ra rả chửi Việt Minh bị ta cảnh cáo phải bỏ làng đi nơi khác, bọn lính dõng rút xuống đóng quân ở bốt Ghênh. Bọn địch như điên cuồng hơn. Chúng liên tiếp tổ chức các cuộc hành quân từ Hải Dương đi dọc đường 18 lên càn quét, bắt bớ, đốt phá, hãm hiếp, bắn giết dân thường.

Cuối tháng Hai năm Năm Mươi Ba chúng chuẩn bị một cuộc hành quân quy mô rất lớn, có xe bọc thép yểm trợ. Lực lượng du kích của ta được trang bị thêm vũ khí, lập phòng tuyến để chặn chúng tiến lên Thị trấn Hồ. Huyện ủy cử một đồng chí lãnh đạo huyện ủy xuống trực tiếp làm công tác chính trị của xã đội. Người ấy lại chính là anh Quỳ. Tôi được gặp anh và trực tiếp đưa anh xuống căn hầm bí mật được đào ở trên gồ Mả Tre ngay đầu xóm Đông. Sau nhiều năm xa nhau, chúng tôi chỉ được nói với nhau vài câu. Anh bảo anh mới được trên điều về huyện ủy nhận công tác, chưa kịp về thăm nhà thì lao vào chống càn. Anh cũng nói, tương quan giữa ta và địch trên toàn mặt trận đã có nhiều thay đổi có lợi cho ta, chiến tranh sẽ sớm chấm dứt, hòa bình chúng tôi sẽ làm đám cưới. Tôi cố mím chặt môi lại để không òa lên khóc với anh mà nước mắt cứ trào ra. Anh ôm lấy tôi, động viên tôi, xin lỗi vì để tôi phải đợi quá lâu…

Sáng sớm hôm sau khi vừa mới tỉnh dậy tôi giật bắn mình khi biết bọn địch lại đóng quân ngay trên khu đất cao nhất cánh đồng là gồ Mả Tre. Chúng dựng lán trại trên gồ. Lòng tôi như có lửa đốt. Dưới hầm có hai người là anh Quỳ huyện ủy viên và anh Hợp chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến xã. Số lương thực thực phẩm, nước uống dự phòng ở dưới hầm chỉ đủ cho hai người trong một tuần. Tất cả các con đường tiếp tế xuống hầm đã bị địch phong tỏa… Một tuần, rồi mười ngày, mười lăm ngày trôi đi. Bọn địch vẫn đóng quân trên gồ Mả Tre. Ban ngày chúng cho từng tốp lính đi lùng sục các làng xung quanh, nhưng vẫn để một lực lượng ở lại giữ chốt. Quân ta nhiều lần lên kế hoạch tấn công vào khu địch đóng quân nhưng đều không được cấp trên đồng ý. Bởi tấn công vào khu gồ Mả Tre để đuổi chúng ra khỏi đấy thì ta không đủ lực, dễ làm cho địch nghi ngờ về ý định của ta. Tổ chức đưa ra nhiều giả thiết để chuẩn bị đối phó nếu tình huống xấu xảy ra. Một loạt nơi trú ẩn bí mật của du kích thôn xã và thậm chí cả trên huyện cũng được di chuyển đề phòng trong các anh có người không chịu nổi đói khát phải đội hầm đầu hàng địch. Riêng tôi, tôi rất tin ở anh Quỳ. Anh ấy là một người gan như cóc tía, có chết cũng không thể đầu hàng giặc. Mọi người lo lắng, nín thở chờ đợi.

Ngày thứ mười sáu, rồi mười bảy nặng nề trôi đi… Im lặng! Chúng tôi hồi hộp mong địch nhanh rút quân, mong các anh vượt qua đươc cái đói cái khát.

Ngày thứ mười tám…! Khi mặt trời vừa lên ngang ngọn tre, xua tan đám mây mù ẩm ướt đã phủ kín vạn vật nửa tháng trời nay, thì bất chợt tiếng nổ của một loạt súng ngắn rất gần liên tiếp vọng lại. Chúng tôi ngồi trong khu ẩn nấp mà toát hết mồ hôi vì lo lắng, không hiểu chuyện gì xảy ra.

Anh Ngổ và tôi tìm cách tiếp cận khu gồ Mả Tre nơi vừa vang lên một loạt súng ngắn. Phía trên gồ bọn lính nhốn nháo, ồn ĩ, có cả tiếng chửi, tiếng thề độc và tiếng cười khằng khặc vang lên. Có người đội hầm đầu hàng! Nước mắt tôi trào ra, sự chua xót trong lòng mình trào dâng lên tận cổ, khiến tôi không sao thở nổi. Tôi cố xóa đi cái ý nghĩ xấu xa ấy đi, rằng anh đã ngoi lên với sự sống, nhưng càng cố xua đi, thì tôi lại càng cảm nhận thấy sự đau đớn, xấu hổ và bẽ bàng khi bất giác anh Ngổ nhìn sang tôi…

Bọn địch quát loa rất to, gọi rất to tên anh: “Yêu cầu anh Nguyễn Văn Quỳ lên ngay! Đầu hàng thì sống, chống lại thì chết!”. Nghe tiếng loa chúng gọi anh đầu hàng, tôi thở phào vì anh vẫn chịu đựng được, không đầu hàng địch. Vừa lo chúng sẽ bắt được anh, chúng sẽ tra tấn anh, chúng sẽ giết anh… Nước mắt tôi trào ra. Anh Ngổ động viên tôi: “Cô bình tĩnh!”.

Tôi không còn biết chuyện gì đang xảy ra nữa. Phía trên gồ cao kia bọn địch đang gọi loa yêu cầu anh lên hàng. Chúng thấy không kết quả bèn cho lính vào làng bắt dân làng ôm rơm, rạ ra, chất thành từng đống quanh miệng hầm rồi châm lửa đốt, thi nhau dùng mũ áo lùa. Chúng vừa đốt rơm vừa hò reo gào thét vì sắp bắt được con cá sộp Việt Minh.

Khi mặt trời lên đỉnh đầu thì bọn địch cũng đã đốt hết mấy đống rơm rạ chúng bắt người dân ôm ra. Đám lửa lụi dần. Tôi nhìn từ xa kia sau làn nước mắt của mình thấp thoáng là bóng dáng anh Hợp.

– Thằng Hợp đầu hàng rồi! – Anh Ngổ rít lên qua kẽ răng.!

Tôi nấc lên rồi lịm đi… Trước mắt tôi là anh, anh cười rất tươi, trao cho tôi một cây hoa ngọc bút, anh bảo cây ngọc bút sẽ có khước cho con cháu chúng tôi sau này học hành giỏi giang, ngoan ngoãn. Cây ngọc bút sẽ là sự trong trắng, tinh khiết tình yêu của hai chúng tôi…!

Khi tôi tỉnh dậy thì đã là lúc nửa đêm. Sau khi hun hầm gọi anh Quỳ đầu hàng không được, biết anh đã chết, bọn địch lặng lẽ rút quân, lôi theo chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến xã Nguyễn Văn Hợp đã đội hầm đầu hàng.

– Cô tỉnh rồi à! Ta chuẩn bị làm truy điệu anh Quỳ rồi lo chôn cất cho anh ấy.

Tôi vùng dậy chạy như bay về phía gồ Mả Tre… Lao vào nơi anh nằm, quỳ xuống ôm lấy anh. Tôi tiễn anh đi từ sau ngày toàn quốc kháng chiến đến giờ, vì công tác bí mật anh phải đổi họ, không thể viết dù là vài dòng gửi cho người thân. Nhưng không ai trong chúng tôi có thể ngờ lại có một cuộc gặp mặt, sau mấy năm chờ đợi đau đớn đến thế này. Tôi ôm anh vào lòng thật chặt. Mùi khói rơm địch hun ám vào thân thể anh oi oi nồng nặc. Tôi vẫn cảm thấy hơi ấm của anh đang tỏa sang sưởi ấm cho lòng tôi đang buốt giá đến tận cùng giữa đêm ngày mồng hai tháng Ba năm ấy…

Đêm ấy chúng tôi lặng lẽ vĩnh biệt anh, trả anh về với đất mẹ. Từ khi xa anh, tôi chỉ còn cảm giác hạnh phúc vào những lúc nhớ tới anh…

Thím Thạch đứng dậy với tay lấy cái khăn mặt lau hai hốc mắt, xỉ mũi xì xì. Tôi đứng dậy bước đến trước bàn thờ, thắp nén nhang vái lạy các cụ và chú tôi ba lạy, đoạn tôi quay lại bàn uống nước ngồi xuống bên thím.Tôi hỏi thím:

– Trước đây cháu còn nhỏ nên không hiểu vì sao chú Quỳ đã được công nhận là liệt sỹ, nhà mình đã có giấy chứng nhận là gia đình liệt sỹ, chúng cháu đi xem chiếu bóng không mất tiền, sau này lại không được công nhận, sao vậy thím?

– Đó là chuyện của những người sống cháu ạ! Tay Hợp trước lúc đội hầm đầu hàng có nói với chú Quỳ là đầu hàng để sống, chú Quỳ không đồng ý. Khi thấy tay Hợp đội hầm lên, chú hô nếu đầu hàng sẽ bắn, nhưng tay Hợp không nghe, cứ đội hầm lên đầu hàng địch. Thấy vậy, chú Quỳ rút súng, lên đạn dương lên phía nắp hầm. Tay Hợp đưa bàn tay phải lại nắm chặt lấy nòng súng. Chú Quỳ bóp cò liên tiếp ba phát súng, làm bàn tay phải của Hợp nát bét, sau này đi chạy chữa may còn giữ được ngón tay cái. Ngay sau khi chú Quỳ mất tổ chức đã làm các thủ tục công nhận liệt sỹ cho chú. Huyện ủy lúc bấy giờ đã phát động phong trào học tập noi gương tấm gương hy sinh của chú.

Đến năm 1963 có cuộc họp ở xã về việc xét các danh hiệu cho người có công, bà Hiền là người bà con với tay Hợp đã đề nghị xã cắt danh hiệu liệt sỹ đối với chú Quỳ với lý do chú ấy chết trong hầm trú ẩn chứ không trực tiếp chiến đấu. Vì nhiều lý do cá nhân mà chủ tọa cuộc họp đã thông qua việc đó, nên đến giờ Nhà Nước vẫn chưa cấp Bằng Tổ Quốc Ghi Công cho chú, mặc dù chú đã nằm ở nghĩa trang liệt sỹ mấy chục năm nay. Khi biết chuyện này ông của cháu buồn lắm, Chiến ạ. Đợt này cấp trên yêu cầu làm lại hồ sơ, may mà các đồng chí lãnh đạo thời chú Quỳ làm việc còn cả nên việc làm thủ tục không mấy khó khăn…

Thím Thạch lau nước mắt, bảo tôi ở lại ăn cơm trưa với thím. Ngồi ăn bữa cơm trưa với thím Thạch, nghe thím kể nhiều chuyện nữa về cuộc đời của thím, của những người du kích ở cái làng này những năm phá bốt diệt tề, tôi bỗng ngộ ra rằng cuộc sống của con người, tình yêu thương của con người mới thật trân quý làm sao.

Chia tay thím, tôi cầm một tập giấy tờ lo thủ tục công nhận liệt sỹ cho chú mà thím đưa, lòng tôi như chìm trong một giấc chiêm bao, tôi mải miết đạp xe đi trong hư vô… Bỗng tôi giật mình tỉnh lại, trước mặt tôi đã là nghĩa trang liệt sỹ của huyện, nơi chú tôi đã yên nghỉ bốn mươi bảy năm nay. Tôi bước gần lại ngôi mộ có cây ngọc bút già thân cây đã sù sì, tán lá được những người quản trang cắt tỉa gọn ghẽ, nở đầy hoa trắng muốt, trên nấm mộ là hàng chữ: “LIỆT SỸ NGUYỄN VĂN QUỲ  hy sinh ngày 02-3-1953”, lòng tôi trào lên một cảm xúc rất lạ.

Thắp bó hương trầm cắm lên mộ chú, và những nấm mộ xung quanh là những người đồng chí của ông, tôi cầu cho ông và những người nằm đây an giấc ngàn thu và thầm hứa với lòng mình sẽ sống có ích hơn để xứng đáng với sự hy sinh của các ông.

Một cơn gió bất chợt thoảng qua, nắm hương trầm tôi dâng trên mộ chú bùng lên một ngọn lửa cháy sáng đến kỳ lạ. Làn gió bất chợt làm cây ngọc bút vẫn nở hoa lay động xào xạc. Cổ tôi nghẹn lại, và nước mắt trào ra… Trong tâm khảm tôi hiện về là chú tôi với một người đàn bà đợi chú cả một đời người vò võ cô đơn. Và cây ngọc bút vẫn nở hoa tinh khôi khoe sắc, hương thơm thoảng bay nhè nhẹ trong gió chiều thu.