Y TRANG (Lao động cuối tuần)
Tôi nghĩ, phong cách của Võ Thị Xuân Hà khá đa dạng, nhất là những năm gần đây, khi sự sáng tạo đang đến độ chín bởi khả năng và sự từng trải. Truyện ngắn này có cả sự dữ dội của đời sống, và thấm đẫm chất thơ, như điều mong muốn khai minh cho người đọc. Võ Thị Xuân Hà từng làm thơ, nhưng chị thành công ở văn xuôi và cũng là người có duyên với Phật giáo. Nhưng với độc giả, dù được đốn ngộ đến đâu, hoặc không có khái niệm gì đại loại như thế, thì vẫn phải thừa nhận rằng, câu kết của truyện ngắn như một lời xác tín đúng đắn rằng, chỉ có tình yêu, và “tình yêu của cõi sống này như nước…”. Đủ mạnh, đủ để gột rửa và tha thứ cho mọi lỗi lầm của kiếp người…
NGOÀI SONG GIÓ VẪN ĐANG THỔI
Truyện ngắn
Ngoài song kia gió vẫn đang thổi
Làm rơi rụng những hạt châu long lanh kết nhựa trên cành.
Cậu bé đứng trước cửa quán, tay xách một cái thùng gỗ chứa lỉnh kỉnh những vật dụng để đánh giày. Cậu đứng ngây người, ngửa cổ nhìn cây hoa giấy đỏ rực như màu đỏ cánh phượng.
Thực ra loài hoa giấy chỉ có cách tồn tại là bò dọc trên một bờ tường lởm chởm, một cánh cổng hoặc bám theo một cái cây to. Cây hoa giấy nào tự mình đứng giữa trời đất thì cũng chỉ cao lên được vài mét là chóng mặt muốn bò lại chính thân mình. Cây hoa giấy này của quán không biết ai đã trồng. Nó được bám nhằng nhịt xung quanh thân cây dâu da xoan. Khi tôi mới dọn về đây, nhìn mấy nhành cây khẳng khiu trước gió chướng, không hoa không lá, không một dấu hiệu của sự sống, tôi cứ ngỡ nó đã chết. Chồng tôi lấy dao khía khía vài vết trên gốc cây, thấy nhựa tươi ứa ra mờ xanh, mới kết luận rằng cây hoa giấy này vẫn sống nguyên. Khoảng chừng một tháng sau khi về đây, chúng tôi chăm bẵm cho cây dâu da xoan, bằng cách thắp hương cúng vong ngoài cổng quán, hương cháy gần tàn thì rót rượu rót nước mời, khi đó tôi không quên rót cho gốc cây thật đẫm rượu… Đúng quãng một tháng không quá, một buổi sáng thức dậy, bỗng nhìn thấy chùm hoa giấy đỏ rực lấp ló trên cành cây ngang tầng hai.
Mùa xuân năm nay đến muộn.
Minh họa của họa sĩ Lương Xuân Đoàn
Hoặc là nó la đà đến từ từ, rồi ở lại khá lâu. Mưa năm nay cũng rề rà chậm chạp. Hanh heo làm lá vàng rơi kín ngõ. Bỗng một ngày sau tiết xuân trêu ngươi, mưa rớt xuống, rớt liên tục. Cả bầu trời mặt đất tràn trề nước. Những đôi giày sũng nước sũng bùn đô thị bước vào quán.
Tiếng gọi đánh giày loang trước sân vườn.
“Giày!”
Cậu bé hết cơn mơ màng. Đôi mắt nhọn hoắt (giống như mũi tên định hướng) chĩa vào trong, rồi cậu lao vào cửa quán, tự động mở tung cánh cửa kính. Gió theo hơi nước lạnh tràn vào không gian đang tràn ngập ánh điện vàng. Khách ngồi trong quán vẫn đang rì rầm chuyện trò, không để ý không nhìn thấy đôi bàn chân lem luốc nứt nẻ xỏ đôi dép lê mòn vẹt đang nhún nhảy vui mừng.
Thực ra đôi chân cậu đang rất hấp tấp, giống như sợ ai đó tranh mất đôi giày dính đầy bùn.
Người đàn ông hất đôi giày ra, suýt trúng mặt cậu bé. Cậu ta túm lấy lần lượt hai chiếc giày đang tung ra chào đón mình, cười sung sướng.
Giọng cộc lốc:
“Đánh kỹ!”
Cậu bé tỏ ra cơ hội hơn tôi tưởng.
“Bác sẽ thấy đi khắp thành phố này không ai đánh giày bóng lộn như cháu”
Cà phê tỏa mùi thơm nức, kể cả ánh điện vàng sượm, vẫn không ngăn được câu chửi tục.
“Bóng cái lờ mẹ mày ấy”
Cậu bé cười hì hì. Rồi xách đôi giày ra ngồi bên hông cửa.
Nhân viên quán chậm chạp như mộng du, không đứa nào chạy ra đóng lại cái cửa kính chắn gió. Gió vu hồi thổi vào mặt vào lưng khách. Tôi cũng mơ màng và lười biếng, mặc kệ gió trêu ngươi thổi qua thổi lại. Tôi ngồi ngay sau cánh cửa kính, và giờ cậu bé đang chổng cái mông nhọn vào mặt tôi, ra sức bôi bôi đánh đánh chất xi đánh giày nhập giá rẻ từ cánh mấy tay Tàu lưng còng như lũ lừa bị nhốt chung với ngựa chiến.
Tôi nghe thấy cậu bé hát ư ử trong cuống họng:
Bên những mảnh thùng ngổn ngang mặt đất
Từng đàn kiến mải miết tìm bóng hình mình dần tan vỡ
Dằng dặc miền biên ải
Những giọt nước bay lên rồi rơi xuống…
Ngạc nhiên quá đỗi, tôi lắng nghe cậu bé hát một bài ca dường như đã trôi vào dĩ vãng của tôi lâu lắm rồi. Mà bài ca này, một cậu bé đánh giày sao lại có thể thuộc và thiết tha đài từ đến thế?
Tôi gọi:
“Này cháu…”
Cậu bé hồ hởi:
“Cô có bao nhiêu đôi giày cũ cứ mang hết ra đây cháu đánh cho, chỉ một loáng cả tủ giày của cô thơm nức. Cháu khuyến mại giá rẻ trời mưa cho cô, khuyến mại tiếp vì cô không đuổi cháu. Cô là chủ quán phải không ạ?”
Tôi hơi khó chịu.
“Sao cháu biết?”
“Ngày nào cháu đi qua đây cũng ngắm hai thứ. Cháu đố cô biết?”
Tôi không bắt chuyện, quay mặt vào cuốn sách đang đọc dở. Nhưng tiếng cậu bé cứ như cái cùi chỏ trẻ con thúc vào mạng sườn.
“Cháu chỉ thích ngắm hai thứ. Một là những bông hoa giấy đỏ chót trên cao kia. Hai là cô”
Cậu bé cười khiến tôi tò mò ngẩng lên khỏi trang sách.
“Cháu quên, không gọi cô là thứ được. Cháu thích ngắm cô”
Tôi cau mày.
“Nhóc con. Mới tí tuổi…”
Cậu bé gạt vội tay lên mặt, giống như gạt mồ hôi, cũng như cách gạt đi sự ngượng ngùng.
“Vì… nom cô giống mẹ cháu cực”
Cậu bé cúi xuống đánh tiếp chiếc giày dang dở.
Tôi vùi đầu sâu hơn vào trang sách.
Gió vẫn thổi. Đâu đó trên mặt đất, mùa đang trở mình. Những hạt mưa chui xuống đất, len lỏi và chạm vào những tầng rễ sâu.
Cậu bé mải mê đánh giày. Mải mê hát lẩm nhẩm trong cổ họng trẻ con đỏ như cổ con gà chọi những lời ca xưa cũ không dành cho thế giới của cậu.
Chẳng ai nghĩ rằng đêm nay lá vẫn còn xanh…
Ngoài song kia gió vẫn đang thổi
Làm rơi rụng những hạt châu long lanh kết nhựa trên cành…
*
Tôi ngập ngừng đứng ngoài cổng chùa Phước Minh, nửa muốn vào nửa muốn quay về.
Nhưng rồi tôi quyết định đi vào.
Sư ông dẫn tôi đến nửa sân chùa thì chắp tay:
“Con ạ, nỗi thù hận như nước”
Tôi chắp tay:
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật… Lòng con vô bờ bến, Thầy ơi!”
Dưới chái nhà ngang là hàng dãy phòng dành cho các ni và các bà vãi phục vụ nhà chùa. Cuối cùng mới là phòng của người thiếu phụ ấy.
Lúc này cô ta đang ngồi ngây ngô nhìn ra ngoài cửa, rồi bất chợt hoảng hốt như nhận ra khách, cô ta co rúm người lại sợ hãi.
Sau bao nhiêu năm, tôi quyết định đi tìm người này. Không phải vì cuộc hôn nhân tan nát của tôi đã lên sẹo. Cũng không phải tôi sẵn lòng tha thứ cho cô ta. Nỗi thù hận đàn bà trong tôi như bóng phù du lan tỏa trong hơi sương buổi sớm. Tôi không còn đau mỗi khi trở trời, mỗi khi một mình một bóng quay về nhà, mở khóa cánh cửa luôn đóng im ỉm hàng ngày. Tưng bừng luôn bên tôi ngoài quán cà phê. Gương mặt tôi như hoa đào như hoa giấy đỏ chói, hoặc là như những bông hoa nhài Nhật màu tim tím, mùi thơm lan tỏa trong không gian dìu dịu, mơ mơ hồ hồ. Những gương mặt đàn ông phong sương. Những niềm đam mê thành kính. Những nương tựa vững chãi. Tôi dậy từ sáng sớm để pha cà phê. Cho dù tôi đã đào tạo được mấy nhân viên có tay pha đạt độ chuẩn. Nhưng tôi vẫn muốn tự tay mình pha những phin cà phê đầu buổi sáng. Dường như năng lượng từ niềm tin yêu cuộc sống của tôi lan tỏa và thắp sáng trái tim lữ khách.
Một người con trai mạnh mẽ đã trải rộng niềm tin yêu cuộc sống, đặt tôi vào giữa và ôm tôi trong bao bọc tin yêu đó.
Giữa những bộn bề và những niềm vui, lẩn khuất trong một góc sâu thẳm là lá thư ấy. Những dòng chữ nghênh ngang ngộ nhận, phạm tội, lấn sâu rỉa róc quấy đảo. Những ý nghĩ vụt tung tóe, phơi bày, giẫm đạp. Những con chữ như những nhát dao độc chiếm của quỷ dữ, đĩ thõa và càn rỡ; thủ ác rồi chùi máu thản nhiên.
Tôi muốn nhìn tận mặt vầng khói độc lẩn khuất bấy lâu phía sau những gì tôi để lại cho thời gian, cho người đàn ông tôi từng yêu, từng đau đớn hận thù, từng phá bỏ sự ràng buộc và rồi từng hoảng hốt nhận ra, tôi vẫn còn yêu anh.
Người thiếu phụ với gương mặt phong tình còn lưu lại trên khóe mắt, đôi môi, rướn người nhìn khách bước vào. Cô ta lùi sâu vào cuối chiếc giường gỗ mộc, chăm chăm nhìn tôi.
Rồi thốt nhiên cô ta như không còn điên nữa, gào lên:
“Nỗi thù hận như nước… Nỗi thù hận như nước… ”
Cậu bé đánh giày kể:
“Cháu học lỏm bài hát này trên chùa Phước Minh. Có một cô điên hát không hay đâu cô ạ. Nhưng lúc nào cô ấy cũng hát mấy câu như thế này: Dằng dặc miền biên ải. Những giọt nước bay lên rồi rơi xuống…”
Tôi ngạc nhiên:
“Vậy sao?”
Tôi buông cuốn sách xuống.
Những dòng chữ nhức nhối năm nào hiện về:
“Đối với chị gái nhà anh, anh là của quý cần phải nâng niu, níu giữ bằng mọi giá nhưng đối với em, anh chỉ là một người quá đỗi bình thường, có khi còn không bằng một người bình thường vì đang có một cuộc sống không hề bình thường. Em không còn trẻ để chạy theo sự nhu nhược của anh, có thể anh thấy mình vẫn còn nhiều cơ hội khác. Vì vậy em chúc anh tìm được người chỉ bằng 1/10 em đã là may mắn cho anh lắm rồi…”
Giờ đây, tôi đang đứng đối diện cô gái điếm. Kẻ từng phá hủy cuộc sống của tôi. Kẻ thủ ác, lại nhân danh cái thiện để thực hiện cái ác. Người đàn ông tôi yêu thương năm nào, nay đã cách xa tôi hàng vạn dặm trong cái Kỷ Nguyên Tối Tăm, không ánh sáng, không hào quang chiếu rọi.
Tôi cứ đứng, như không tin vào mắt mình. Anh đã ôm ấp tấm thân kia. Đã thủ thỉ những lời mà giây phút đó, anh chắc mình sẽ thực hiện. Một gương mặt gái điếm không che đậy.
Đôi mắt tôi chiếu rọi vào tấm thân đã tự đày đọa qua bao thác loạn, bị phá rỡ, tấm thân vô minh vô đạo vô phúc vô phận.
Nhưng chính khi tôi nhìn soi vào mắt cô ta, để nhận diện kẻ đã hủy hoại cuộc sống của ba người – phải, lẽ ra tôi đã bị hủy hoại, nếu như không có vầng hào quang của Thần Linh trong Niên Kỷ Ánh Sáng chiếu rọi – tôi nhận ra sự đuối hèn, đáng thương biết bao.
Cô ta ôm mặt, quỳ sụp xuống.
Từ dưới đất, giọng rên rỉ khê nồng của cô gái điếm cất lên yếu ớt:
Kẻ độc tài kết liễu đời mình
Bên tình nương phận má hồng kiêu bạc.
Ngoài song kia gió vẫn đang thổi
Làm rơi rụng những hạt châu long lanh kết nhựa trên cành…
Tôi nói với cô ta:
“Cô ạ, đấy là bài thơ của tôi làm khi còn yêu anh ấy. Một người bạn đã phổ nhạc cho chúng tôi. Anh ấy nói rằng, hễ khi nào bài hát này vang lên, là tình yêu của anh với em sẽ được chắp cánh qua thời gian không gian và cõi vĩnh hằng…”
Cô gái điếm ngưng bặt.
Cô ta nói với tôi mấy câu của một người không hề điên:
“Chị, là chị nói về người đàn ông nào vậy? Em đã ngủ với hàng trăm thằng. Giờ em vẫn còn ngửi thấy mùi của họ, kẻ nhầy nhụa hôi hám, kẻ sực nức nước hoa tởm lợm của thứ đàn ông phong tình. Kẻ yếu đuối thảm hại… Đàn ông của chị là thằng nào?”
“Không, cô ạ. Anh ấy của tôi không quen biết cô. Còn bài hát này, tôi bằng lòng cho cô giữ gìn nó như một lời sám hối cho mình, cô nhé”
Tôi quay ra.
Tôi sẽ về quán để pha những phin cà phê đặc sánh dâng hiến cho đời.
Tôi nhìn lên bầu trời xanh thăm thẳm.
Như nhìn thấy nụ cười của người con trai đang ngày ngày bên tôi.
“Anh ạ, tình yêu của cõi sống này như nước… Tình yêu như nước…”
Thành Công, đêm 9/3/2015 – Kỷ nguyên Ánh Sáng
Theo Lao động cuối tuần (số 12 – ngày 20/03/2015)