Truyện ngắn của VÕ THỊ XUÂN HÀ


Thằng Vương nhoai người lên. Nó doạ:
– Tao sẽ đập nát bét!
Tao sẽ đập nát bét! Tao sẽ… đập… nát…bé… t…!
Nó lầm bầm chỉ mấy câu đó suốt dọc chiều tàn.
Con bé Hoa sợ hãi ngồi thu lu sau cái chum vỡ.
Trong chum, một con cá rô mới thây lẩy ngang tàng xé nước. Mà vụng nước chỉ bé tí bằng năm vụm tay, được quây lại trong cái lòng chum đất mốc meo. Con cá hơi ngóc đầu mỗi khi vướng phải một cái lá xoan đã vàng không biết đọng lại trong lòng chum từ khi nào. Con bé gạt giọt nước mắt, mỉm cười với con rô kiêu hãnh không biết phận mình.
Nó vỗ về cá theo nhịp Yêu nhau:
Yêu nhau cởi áo cho nhau.
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay
Yêu nhau chẳng ngại đường xa…”
Một con mắt của thằng Vương mở thao láo hướng ra cái chum vỡ:
– Tao sẽ… đập nát bét…
Cái đầu thằng Vương ngọ ngoạy.
Con bé ru:
“Cá ngoan, cá đừng quấy chị. Cá nằm yên đi. Sao mày chẳng chịu nằm yên? Anh ấy doạ thế thôi. Anh ấy rất hiền mà. Mẹ chúng mình sắp về rồi”.
Con bé sụt sịt. Tay quệt nước mắt. Chiều xuống đến nửa búi trúc đầu ngõ.. Nắng sắp tàn. Nước mắt con Hoa nhấp nhánh lăn xuống theo nhịp điệu ca từ.
Yêu nhau con mắt liếc ngang…
Ghét nhau ném đá vỡ đầu nhau ra…

Đã nhiều ngày Hoan ngồi gục trên cái băng ghế trước cửa phòng khám dành cho sản phụ.
Khoa vô sinh đông nghẹt người.
Người ta chen nhau xếp hàng chờ đến lượt mua biên lai khám bệnh. Đàn bà con gái khắp các ngóc ngách từ những miền đâu đó đổ về. Phía trong cửa bán biên lai hỏi: khám gì? Ngoài cửa lễ phép xướng các nghi bệnh: Viêm. Nấm. Dính Tử Cung. Thụ Thai Ống nghiệm. Xét Nghiệm Máu. U Nang Buồng Trứng. Loãng Tinh… Bên trong cửa hô: tiền. Ngoài cửa chân thành rối rít: dạ, tiền. Hôi hám. Thơm tho. Chua loét. Đài các. Tất cả đều mua được biên lai. Rồi nhẫn nại xếp số ngoài các cửa phòng khám theo từng nghi bệnh.

Bác sĩ nam đi dọc hành lang, nơi chỉ có các phòng khám dành cho chị em, quát nhặng xị:
– Tôi nhắc lần này là lần thứ ba từ sáng đến giờ rồi nhé. Các anh đàn ông đi hết ra ngoài sân chờ đi. Để dành chỗ cho chị em người ta ngồi. Đàn ông gì mà cứ dật dờ ở chỗ khám phụ khoa đàn bà thế?
Thanh niên đang ngồi cùng người yêu hay cô vợ trẻ gì đó định găng lên với bác sĩ. Nhưng cô gái kéo tay:
– Thôi, nhịn nhục một chút đi anh. Mấy khi đã phải vào chỗ này.
Một tay mặt vàng xẹt, ném điếu thuốc đang hút dở xuống mặt sàn hành lang:
– Mẹ, chúng nó thì hơn gì chúng ông? Đàn ông đ. gì mà đi học cái nghề mó đít đàn bà.
Bà vợ mặt thâm xì như lá lúa ủng nước, chắp tay vái:
– Thôi, ông im đi cho. Để tôi còn chữa chạy cho yên. Ra mẹ nó ngoài sân kia mà làm điếu thuốc lào cho thoáng. Đợi tôi ở đấy. Mất cả ngày chưa chắc đã có kết quả gì ấy chứ.
Đám đàn ông đứng ngồi lố nhố ngoài sân.
Một thằng mặt nhọn hoắt từ đâu len vào, huých:
– Ông anh tranh thủ tè một bãi không?
Mấy ông nông dân tò mò:
– Cái gì?
– Tè?
Một ông chân thành:
– Ngoài này cái gì cũng có người chào mời. May quá sáng nay tôi phải “đi” bằng hết mới lên xe. Ở thành phố đái cũng phải trả tiền.
Thằng mặt nhọn chán nản:
– Đây là “tè” kiểu “tàu nhanh”. Đi một cuốc “tàu nhanh” giá rẻ bất ngờ. Mấy khi ra phố hưởng hương phố. Trẻ bẫng nhé. Cống rãnh còn nghiêm. Thơm tho. Mặc mấy bà khám chữa, còn chán mới ra.
Mấy ông phá lên cười:
– Đã gọi là cống rãnh mà còn thơm tho nữa.
Ông mặc bộ lính sờn nát lầu bầu:
– Tiền đ. đâu mà đi nhanh với chậm. Nó gọi lấy tiền đưa bác sĩ mà không có thì về vỡ mặt…
Thằng mặt nhọn nói đểu:
– Cống nhà ông thối mẹ nó rồi. Mất tiền vào cái cống thối ấy làm chó gì. Ngu không biết đường sướng. Thảo nào mà cái đám dân đen này mãi chẳng ngóc được đầu với thiên hạ.
Thằng mặt nhọn còn cáu tiết với đám “dân đen-cống thối” một lúc rồi lởn vởn đâu không biết.

Hoan ngồi chờ đến số khám của mình. Chị cho vào phong bì tờ năm chục ngàn màu xanh. Kẹp phong bì vào cuốn sổ khám bệnh. Người ta nhận tiền cho còn là may. Trên tường, ngay cửa phòng khám có treo tấm biển: “Nghiêm cấm các bác sĩ nhận tiền của bệnh nhân. Bệnh nhân không được đưa tiền cho bác sĩ”. Nhưng mà sự đời không trôi theo những dòng nghiêm lệnh đó. Sự đời xanh tươi và có những lối đi riêng. Ai may mắn sẽ được đi trên con đường thiên lý…
Con đường thiên lý của Hoan bây giờ là tấm thảm in con số năm mươi ngàn, mang màu xanh hy vọng.

Cái đêm ấy.
Cặp đùi của chị mở rộng đến căng cứng. Trái tim nghẹt thở muốn vỡ bung ra vì cơn đau. Cái đầu của đứa bé chui ra gần nửa lại thụt vào. Bà đỡ của xóm thét lạc giọng:
– Cố chút nữa đi! Lấy hơi thật sâu. Sắp ra rồi!
Nhưng chị gần như hụt hơi. Cái đầu đứa bé quá khổ, hình như bà đỡ lẩm bẩm như vậy. Trong thoáng chốc chị hình dung ra một đứa con trai to khoẻ. Chửa nó chị ăn nhiều ngủ nhiều đến kỳ lạ. Chị lấy hơi, gắng sức với niềm vui muốn nhanh chóng được gặp mặt con.
Tay bà đỡ vén thật khéo. Vén ngang. Dọc. Vén nữa. Giống như múa.
Nó ra rồi.
Nó là con trai.
Là con trai. Cháu đích tôn của dòng họ. Lớn lên những đứa cháu đích tôn sẽ hương khói cho ông bà. Chúng sẽ dựng nhà, xây tổ ấm. Khá hơn, chúng sẽ đi đây đi đó khắp cái đất nước nhỏ bé này để dựng xây.
Thằng bé khóc. Nhưng tiếng khóc của nó không giống tiếng khóc của một đứa trẻ.
Bà đỡ ôm thằng bé đứng ngây ra. Chị cố nhỏm dậy:
– Cho cháu xem mặt nó.
Bà đỡ vẫn đứng ngây ra, vòng tay ôm run run. Cái bọc tã to xù cứ phát ra tiếng khóc của một âm hồn nào đó.
Chị nhìn thấy con rồi. Nhìn thấy thật rõ ràng trong cái bọc tã.
Chị xỉu đi, gần như không biết gì nữa.

Lại một đêm.
Cặp đùi của chị lại căng cứng.
Mắt chị ráo hoảnh trong cơn đau. Lần này không phải là bà đỡ xóm nữa. Chị lên hẳn bệnh viện huyện.
Chị đau lắm. Nhưng anh ta, chồng chị khi đó, không muốn xoa dịu những cơn đau liên tiếp của vợ.
Trước khi đi viện, anh ta tuyên bố:
– Nếu lần này cô đẻ ra một con quỷ nữa, tôi sẽ cưới ngay con bé Loan xóm bên.
Cơn đau bốc lên như ma dại trêu chọc.
Chồng chị vẫn thản nhiên:
– Cô có biết bao nhiêu thằng trẻ trai mê con bé ấy đến mòn cả ngõ nhà nó không? Thế mà hôm nọ con bé ấy bảo: vợ anh không giống đàn bà. Đàn bà mông phải nở như Loan, môi phải mọng như Loan… Mẹ kiếp thương thay cho tôi. Cái giống nhà cô, nếu ngay từ đầu tôi biết đã không rước nợ vào thân. Huân huy chương của bố cô là cái thứ đếch gì? Có gỡ được cái vô phúc của nhà cô không? Huân huy chương có tẩy rửa được cái món ngoạ quỷ trong cái nhà này không?
Cơn điên giận của anh ta bốc lên cùng cơn đau đẻ của vợ.

Chị bảo với bác sĩ bệnh viện huyện:
– Làm cho em cái giấy chứng sinh cho cháu theo họ mẹ.
Bác sĩ nhìn con bé con đang nhoe nhoe khóc trong đống tã lót, chân tình:
– Bố cháu hôm qua có đến mà?
Chị cương quyết:
– Không, anh ta không phải là bố của con bé. Với cả, chị ơi, có phải là cháu bình thường không?
Bác sĩ gật đầu:
– Cứ yên tâm. Cháu không sao cả. Phải vui vẻ thì mới có sữa tốt để nuôi con. Yên tâm nhé.
Bác sĩ còn nói với theo chiếc xe đẩy sản phụ:
– Trời không nỡ ra tay quá với ai đâu.

Hạnh phúc đã từng tưởng tượng là có trong vòng tay chị, nay trôi lơ lửng trên các tầng mây.
Bác sĩ phòng khám nhận phong bì, niềm nở:
– Chị đã từng là thanh niên xung phong?
– Không, chị ơi. Em là con của lính. Ông ngoại các cháu ngày xưa là lính Trường Sơn. Khắp dải Trường Sơn lá xanh bị úa tàn. Chị ơi, chị có xem trên ti vi hôm nọ họ chiếu máy bay Mỹ rải cái chất độc…
– Bây giờ cô muốn gì? Cô có phải là cái người hôm trước đến, bảo là có hai đứa con, một đứa dị tật…?
– Vâng!
– Vậy cô định khám gì nữa? Viêm phụ khoa à?
– Em định lấy chồng!
– Sao???
– Vâng! Em với bố các cháu bỏ nhau lâu rồi. Người ta bảo số em hai đời chồng. Nhưng… nếu lấy ai đó mà không có con được lành lặn thì…
– Nói ngắn thôi.
Chị cúi đầu khẽ vâng. Rồi quả quyết:
– Em muốn lấy chồng! Nhưng trước khi lấy ai đó, phải tin mình là người đàn bà bình thường.
Bác sĩ khẽ gắt:
– Cô tìm bác sĩ tâm lý nhé. Lấy ai chẳng được. Cô là đàn bà chứ là đàn ông à? Lại gặp phải tay nào giở trò phải không?
Tay bác sĩ với cái phong bì như muốn hắt trả lại.
Chị cuống:
– Bác sĩ, giúp em với. Mong bác sĩ nghe em trình bày cho hết. Em phải biết là mình đã bình thường rồi mới dám lấy người ta.
Bác sĩ dịu dàng:
– Chúng tôi chỉ xét nghiệm, chữa trị vô sinh. Còn trường hợp này thì… quả thật, ngoài khả năng…
– Nhưng chị hãy cứ cho em chiếu chụp, xét nghiệm. Em đi xét nghiệm máu ở bệnh viện huyện có dấu hiệu gì khác đâu, thậm chí bác sĩ ở đó còn bảo em có thể hiến máu nhân đạo được nữa cơ.
Bác sĩ buông người ngả ra thành ghế nghe chừng khó xử với cái phong bì quá.
Suýt nữa chị buột miệng: Hãy giúp em. Cha em đã hy sinh ở cửa ngõ Sài Gòn khi em mới ba tuổi. Cha em về thăm mẹ em năm ấy… Cha em đâu có lỗi gì với mẹ con em…
Nhưng chị kịp ngưng lại. Chị không có quyền đem cha ra vào cái tình huống thật tầm thường này của chị. Bác sĩ nói đúng. Chị vẫn là đàn bà. Lấy ai chẳng được. Miễn người ta chấp nhận.
Bác sĩ chợt đồng ý:
– Thôi được. Cho cô làm lại các xét nghiệm máu, soi tươi, xét nghiệm vi sinh… Làm xong các xét nghiệm này thì mang kết quả lại cho tôi xem.
Chị cười rạng rỡ:
– Cám ơn bác sĩ! May quá.
Bác sĩ lẩm bẩm:
– Chưa có gì là may đâu. Nếu không bị viêm nhiễm gì, hết kỳ kinh tới chừng 2,3 ngày còn phải chụp tử cung vòi trứng. Kỳ kinh tiếp sau đó kiểm tra niêm mạc tử cung. Sau đó còn phải siêu âm buồng trứng, xét nghiệm nội tiết…

Hoan đi làm các xét nghiệm hết tháng này sang tháng khác.
Người làng bắt đầu xì xào:
– Con mẹ Hoan bỏ con bỏ cái đi kiếm chồng trên phố.
Con cá rô bây giờ được con bé Hoa nuôi trong cái thùng gỗ đựng nước mưa.
Thằng Vương gào:
– Tao sẽ đập nát bét!
Cái đầu to của nó lắc lư như củ hành trước gió. Con bé dỗ anh:
– Mẹ bảo sẽ mua ô tô màu đỏ cho anh, búp bê có tóc vàng cho em.
– Tao sẽ đập nát bét!
Con cá rô lượn qua lượn lại giữa những kẽ tay của con bé. Nước mưa trong thùng gỗ bốc lên tanh tanh.
– Em sắp được đi học lớp một rồi đấy. Em sẽ dạy anh viết.
– Tao sẽ đập nát bét!
Người làng đi qua ngõ. Tò mò nhìn quanh:
– Gớm, nhà Hoan dạo này sạch sẽ gọn gàng quá, nhẩy.
Tiếng thằng bé gào từ trong cũi:
– Tao sẽ đập nát bét!
– Chúng mày sắp có bố mới, nhẩy.
Thằng Vương chồm lên như muốn vượt qua bốn bức hàng rào cũi, giọng điên dại:
– Tao sẽ đập nát bét!
Con Hoa xị mặt nhìn người làng ghê gớm, lấy tay bịt tai lại. Nó quay sang dỗ anh:
– Anh đừng tức. Đừng gào thế. Em cũng muốn có bố.
Giọng thằng Vương đỡ điên hơn:
– Tao sẽ đập nát bét!
Con Hoa kiên nhẫn:
– Anh có muốn được bố bế đi xem sông Thiên Đức chảy không? Anh có muốn đi công viên nước Hồ Tây ở Hà Nội không? Em muốn có bố để được bố đưa đi khắp nơi. Rồi em sẽ dạy chữ cho anh mà. Em hứa đấy.
– Tao sẽ đập nát bét!
Nhưng lần này nó chỉ thầm thì câu đó trong cuống họng. Con Hoa bày đồ hàng ra trước cũi rủ anh chơi cùng.
Người làng mang khoai mới luộc đến cho hai đứa trẻ. Chẹp miệng:
– Khổ thân chúng mày…

Bác sĩ khu chụp Xquang cầm tập hồ sơ dày, tuyên bố trước cửa phòng đợi:
– Sáng nay đông bệnh nhân quá. Có hai máy chụp nhưng một cái đang trục trặc. Bác sĩ chụp chỉ nhận chín người có tên sau đây…
Rồi ông đọc to tên của những người có “thảm bay may mắn”
Bà nhà quê có gương mặt thâm xì như lá lúa ủng nước tái mặt: chết thôi, lại mất thêm công thêm của tháng sau rồi. Có ai đó kéo tay chị ta thì thầm: tôi chỉ xin bà bát phở thôi. Cứ mạnh dạn xô cửa kia vào mà lót tay cho lão bác sĩ cầm hồ sơ ấy. Vào đi. Nhanh lên. Dăm ba chục cho đỡ mất công tháng sau. Nhớ bát phở nhé.
Bà xin phở rót tai hết lượt. Xin được ngót chục “bát phở” trong vòng chưa đầy nửa tiếng.
Bác sĩ gọi thêm vào danh sách khá nhiều. Gần như là hết cả đám chị em ngồi chầu chực trước cửa mà như ban đầu nói sẽ bị loại sang tháng sau. Chụp tử cung vòi trứng là một “bác sĩ đàn ông”. Đám chị em lần lượt tuột hết những thứ che đậy, nằm như con cá bị lên thớt trên cái bàn máy chụp. Xoạc hết ra. “Bác sĩ đàn ông” thực hiện các thao tác quen thuộc hàng ngày. Chị em ai cũng nghĩ thầm: vợ anh ta là ai nhỉ? Một cái xilanh dài ngoẵng đút vào thật sâu. Một thứ thuốc gì đó được bơm vào. Tử cung căng cứng. Tưng tức rồi muốn nổ vì đau. Có ai đó làm dấu lên trời: trời ơi, sao trời nỡ đoạ đày thân xác đàn bà con gái chúng con. Lần lượt lảo đảo đứng lên đi ra, tìm phòng nằm. Máu loang đỏ những tấm băng vệ sinh. Nhưng lòng tràn đầy hy vọng.
Có ai đó hỏi: có đau không? Người vừa ra lắc gật chẳng ai giống ai. Nữ kỹ thuật viên hồ hởi báo tin cho cả phòng: sáng nay không ai bị tắc vòi trứng. Niềm hân hoan nở bừng trên các gương mặt. Mọi người kháo nhau: trên mạng người ta thống kê tỉ lệ vô sinh quá cao của nam thanh nữ tú trong cái thời buổi thị trường nhốn nháo này. Là bởi tệ nạn mại dâm, hoá chất độc hại, thuốc trừ sâu, thuốc lá, stress, nghiện hút, bệnh tật, sinh hoạt giai gái vô độ. Giai gái đây là nói cái loại giai bừa bãi với hết gái này gái nọ, trường sinh học bị phân tán, lấy đâu ra tinh lực cường tráng mà không vô sinh? Tại gì lũ thị chúng mình?
Hoan nằm thiêm thiếp, lo hai đứa ở nhà đói. Cô gái nằm giường bên tò mò:
– Chị chưa có con à?
– Hai cháu rồi.
– Thế sao còn phải chụp?
Cô gái nhìn chị ngưỡng mộ lẫn ghen tị:
– Em mong có một đứa cũng được. Chị lại muốn đẻ thêm chứ gì? Chưa có con trai à?
Cô gái nằm cạnh cửa bỗng toát mồ hôi, lên cơn đau bụng, nôn thốc nôn tháo. Bác sĩ chạy vào bắt mạch, đo huyết áp. Nữ kỹ thuật viên cho cô uống thuốc đặc trị, đấm đấm vào mảnh lưng con gái tròn lẳn, nhưng chắc phải cúi gập nhiều trong một xưởng may. Cô gái nom chỉ như một cô bé mới lớn. Nữ kỹ thuật viên an ủi:
– Còn ít tuổi, lo gì.
– Nhưng chồng sắp cưới của em đời vợ trước không có con.
– Thế thì tại vợ chồng lão ấy chứ tại gì cô.
– Thì là em cũng muốn ba năm rõ mười. Có cái giấy của bệnh viện rồi, anh ấy mới chịu cưới.
Mọi người than:
– Ôi, đàn bà.
– Lấy ai chẳng được. Xinh xẻo trẻ trung thế kia mà đâm đầu vào đống cứt.
Cô gái cố thanh minh:
– Anh ấy còn tốt hơn đám bọn con trai tuổi em.
Một chị lớn tuổi nằm trong góc bỗng thút thít khóc:
– Tránh không khỏi cái số. Chẳng ai nói hay nói tốt được đâu. Tôi đây này, con trai mười tám tuổi, cao lớn, đang chuẩn bị sang Anh học. Cháu thi đỗ trường bên đó…
Chị nức lên khiến cả phòng cùng ngoảnh vào.
– Hôm đó nó ngồi ở sân lau xe. Nhà tôi ở sát đường cái lớn. Lái xe tải say rượu chồm thẳng cả cái xe vào chỗ cháu ngồi…
Mọi người thảng thốt:
– Ôi trời ơi!!!
Chị ôm bụng ngoảnh vào trong tường khóc.
– Gần năm mươi tuổi rồi. Con bỏ đi, còn mong gì nữa.
Nữ kỹ thuật viên an ủi:
– Chị ơi, nhờ chuyên môn can thiệp chắc vẫn còn kịp.
Có ai đó bảo:
– Chuyên môn gì thì chuyên môn. Trường hợp này chắc phải đi làm lễ thôi. Xin cho thằng bé đầu thai lại kiếp người…
Cả phòng lặng phắt. Như đang trôi về cõi âm.

Hoan đi ra cổng. Lòng thư thái hơn với những kết quả khả quan: hai vòi trứng không bị tắc, máu không có vấn đề gì, không có khuẩn vô sinh, không có độc tố gây “ngoạ sinh”.
Tế bào huyết ngày nào đã gây ra cái đầu dị thường của thằng bé, nay liệu còn lẩn khuất như bóng ma dật dờ trên các cánh rừng Trường Sơn? Những loài cây nào bị thứ chất diệt lá làm úa tàn? Tế bào huyết nào bị nhiễm chất huỷ diệt lang thang trên cõi dương thế?

Chị đang đứng ngơ ngác chờ xe ngoài cổng bệnh viện thì một người đàn ông gọi:
– Cô gì ơi!
Chị ngoảnh lại. Một người đàn ông đã già, gương mặt gầy ngơ ngác giữa dòng người ùn ùn vào ra bệnh viện.
Ông ta đến gần. Chị nhìn rõ bộ quân phục đã sờn cũ. Nom chừng ông ta chỉ thua ông ngoại thằng Vương (nếu ông còn sống đến nay) chừng vài ba tuổi là cùng.
– Tôi được bác sĩ Minh giới thiệu. Xin lỗi cô. Cô cho tôi gặp dăm phút được không?
Hoan không hiểu:
– Cháu…
– Tôi chỉ dám xin cô dăm phút thôi. Tôi là lính, sẽ trình bày thật nhanh gọn.
Ông khẩn khoản. Nét mặt người già nài xin trông thật tội. Chị không nỡ bảo ông là hai đứa con chị đang chờ. Một đứa dị tật. Một đứa còn bé quá, còn chưa đi học lớp một. Đứa bé trông đứa lớn.
Chị như trong cõi vô thức, theo chân ông già vào một cái quán cà phê nhỏ bên kia phố. Ngượng ngần nhận ly sữa nóng nhân viên bưng ra, chẳng hiểu ông già gọi từ lúc nào khi mới bước vào quán.

Ông vào chuyện ngay, không kịp cho chị uống trước một ngụm sữa. Tiếng ông trôi trong “dăm phút” mà như cả đời người giãi bày.
“Bác sĩ Minh bảo tôi nói khéo kẻo cô giận. Tôi là người nhà của bác sĩ. Tôi biết cô cũng muốn biết mình có còn sinh con bình thường được không, để… còn đi lấy chồng. Tôi ngần này tuổi rồi. Chẳng gặp được ai. Hay cô giúp sinh cho tôi một đứa con rồi hẵng đi lấy chồng? Nó không lành lặn cũng được. Tôi sẽ dành cả cuộc đời còn lại để chăm sóc nó. Cô đừng nghĩ sai về tôi. Tôi đáng tuổi cha cô. Năm ấy tôi bị thương ở đầu bị mất trí nhớ. Khi tỉnh lại trong trại thương binh thì thời gian đã đi qua hơn nửa đời người. Tôi về làng, gia đình đã giỗ tôi mấy chục năm có lẻ. Tôi có lương trợ cấp. Tôi có thể nuôi hòn máu của tôi, dù nó phôi thai ở dạng nào. Tôi sẽ… chỉ dám nhờ đến kỹ thuật ống nghiệm. Có được không cô? Đây là địa chỉ của tôi. Tôi cam đoan, cô sinh xong tôi sẽ xin cháu về nuôi. Tôi sẽ chu cấp cho ba mẹ con cô cho đến khi có người đàn ông nào đó. Cầm bằng không có người ấy…
Vì sao tôi nài xin cô? Vì cô mới là người hiểu cho cánh lính chúng tôi. Coi như một lần thử nghiệm. Một lần làm phúc. Được không cô? Được không con gái?”.

Chị không tin vào tai mình. Không tin vào mảnh giấy ghi tên và địa chỉ ông già. Chị quên quên nhớ nhớ. Rồi nhớ ra mình còn phải đi mua cho thằng Vương cái ô tô màu đỏ, cho con Hoa con búp bê có mái tóc vàng.
Chị lại nhớ chị còn nhiều việc trên cái cõi thế này quá.

Ở nhà, con Hoa đang dỗ anh nó:
– Mẹ sắp về rồi. Mặt trời xuống đỏ ối kia rồi.
Thằng Vương cười:
– Tao sẽ đập nát bét!
Con cá rô quẫy roàn roạt trong thùng gỗ chứa nước mưa. Nó đớp những con loăng quăng mới sinh ra từ đêm hôm trước.

– Thái Hà, 9.4.05 –

 

 

 

Exit mobile version