Vương Bạch – VHNTPT
(Đăng lại từ Nhà văn thành phố Hồ Chí Minh)
Thi sĩ đồng quê Ngô Văn Phú, năm nay tuổi bát tuần. Ông có thâm niên trên 40 năm làm công tác biên tập văn học, trong đó có 13 năm làm giám đốc nhà xuất bản, 6 năm biệt phái sang Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội.
Nhà thơ Ngô Văn Phú
Không chỉ thành công trong lĩnh vực sáng tác, ông còn có con mắt tinh đời phát hiện tài năng trẻ. Năm 1971, một tác giả là chiến sĩ, có tên là Nguyễn Duy Nhuệ, gửi đến tạp chí một số bài thơ. Ông chọn đăng bài Chiều khẩu đội. Ít lâu sau, Nguyễn Duy Nhuệ có vẻ buồn vì cho rằng thơ mình không lên tay. Ngô Văn Phú khuyên Nhuệ: “Làm thơ có lúc thế này, có lúc thế khác. Hơi đâu mà lo. Miễn là đừng nản chí. Biết đâu có ngày…”. Năm 1972, Nguyễn Duy Nhuệ đi chiến trường, rút ngắn tên mình thành Nguyễn Duy. Rồi Nguyễn Duy lừng lững giành giải nhất cuộc thi thơ tuần báo Văn Nghệ với các bài Hơi ấm ổ rơm, Tre xanh, Bầu trời vuông…
Ngô Văn Phú từng đoạt nhiều giải thưởng văn học. Ấy thế mà có lần ông gặp tai nạn nghề nghiệp! Cuối năm 1972, Mỹ ném bom B52 trong 12 ngày đêm ở Hà Nội. Là người làm thơ gắn bó với ruộng đồng, ông đến Đông Anh, thấy đất đai bị cày xới, hố to hố nhỏ như các cái sẹo trong lòng rất đau xót. Ông viết bài thơ Sẹo đất và gửi đăng trên tạp chí Thanh Niên. Bài thơ có câu “Tưởng như da thịt mình mới sẹo/ Ai ngờ đất cũng sẹo như mình”. Người ta cho rằng tư tưởng tác giả có vấn đề, có ý gieo rắc tâm lý sợ hãi chiến tranh, không có lợi cho cuộc chiến lúc đó. Thế là Ngô Văn Phú bị kỷ luật, hạ chức từ Bí thư xuống làm Phó Bí thư Chi bộ Báo Văn Nghệ, nơi ông đảm nhiệm tổ phó tổ văn xuôi.
Năm 1994, Sẹo đất in trong tập Mắt mùa thu, một trong 28 tập thơ của Ngô Văn Phú. Nhà thơ tâm sự: “Bài thơ bị nhắc nhở là do thời điểm xuất hiện của nó chưa thích hợp. Thế thôi!”.
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài