Nhà văn, nhà thơ Ngô Thị Hạnh
Văn học chưa phản ánh được thời đại.
Thơ khó tìm đầu ra, nhuận bút thấp, các báo không mặn mà. Nếu có xuất bản thì các tác giả cũng thường phải tự in và rồi biếu tặng nhau… Những “thảm cảnh” ấy của thơ có phải là lý do khiến cho nhà thơ Ngô Thị Hạnh chuyển sang văn xuôi hay không?
Tất nhiên là không phải vậy. Tôi đã viết văn trước khi làm thơ, và cũng in tập truyện “Hòn bi vỡ” trước tập thơ “Vang vọng”. Tuy nhiên, tôi có nhiều thời gian để đắm đuối với thơ hơn, và cũng tập trung cho thơ nhiều hơn nên độc giả có cảm giác tôi “chỉ biết yêu thơ”. Thơ nói được nhiều cung bậc của cảm xúc, văn xuôi nói lên được đầy đủ về số phận mà mình muốn chuyển tải. Do vậy, tôi nghĩ mình viết truyện ngắn, hay tiểu thuyết không phải là chuyện ôm đồm. Điều quan trọng là khả năng cần có để làm cả hay việc này đều tốt. Theo tôi, viết là nhu cầu tự thân, chẳng gì có thể ngăn cản được, còn viết theo thể loại nào thì tùy thuộc vào vấn đề mình quan tâm và cảm xúc mình lúc đó.
“Khúc hát giờ kẹt xe” – câu chuyện của đời sống đô thị, của giới trẻ, thậm chí của chính tác giả – là những tiếng thở dài khe khẽ, cố kìm nén, nhưng vẫn luôn lấp lánh những niềm tin sống. Nếu có thể nói ngắn gọn về đời sống đô thị – nơi bạn đang sống và làm việc, bạn sẽ nói gì?
Sống động và khó nắm bắt. Đôi khi tôi cảm thấy khó bề xoay sở được giữa các thông tin, và mình sẽ bị nhiễu nếu không có những giây phút riêng tư để định thần. Bây giờ và nơi đây (Sài Gòn), cần phải có bản lĩnh mới biết mình cần làm gì trước, làm gì sau mà không vô ích (cười)… Để một năm sau, phân tích lại công việc đã qua không phải tự mắng mình lúc đó đã phí thì giờ cho những chuyện vô bổ.
Cuộc sống đôi thị của giới trẻ hay của chính tôi thật là sống động, làm sao để viết hết những điều mình trăn trở và có ích cho độc giả! Đôi khi tôi quá tham lam, muốn tác phẩm của mình vừa có ích lại vừa cuốn hút, nhưng tài năng thì có giới hạn, tôi biết mình cần trải nghiệm và học tập nhiều hơn nữa.
Những câu truyện của bạn thường khá ngắn, như một tia chớp rạch qua số phận từng nhân vật, tuy nhiên những khoảng lặng làm sâu hơn tính cách nhân vật còn chưa thật nhiều. “Khúc hát giờ kẹt xe” vì thế nghiêng về chất truyện kể nhiều hơn. Bạn có thể chia sẽ gì về những truyện ngắn in trong tập ?
Thật lòng mà nói, tập truyện này là tập văn xuôi thứ ba, nhưng tôi vẫn nghĩ nó là tác phẩm văn xuôi đầu tay mà thôi. Nó còn mang nhiều dấu ấn cá nhân, và tính kể chuyện. Tôi đau đáu về những số phận trong đó, Họa Mi loay hoay tìm xem mình là ai mà không được (Buổi chiều của Họa Mi), người phụ nữ trong “Linh hồn hoa mai” khắc khoải hạnh phúc nửa vời mà không thể thoát li, nhân vật tự sự trong “Không thấy mình trong gương” chỉ cảm thấy mình còn tồn tại khi nghĩ đến Mẹ… nên cần xuất bản tập truyện. Tôi xuất bản tập truyện này để có thêm động lực và nguồn cảm hứng viết tiếp tập truyện ngắn liên hoàn “Giọt máu đào”.
Truyện ngắn liên hoàn? Bạn có thể nói đôi điều về “dự án” mới này?
Hai tập truyện trước tôi viết về những số phận riêng lẻ rồi tập hợp và tuyển chọn lại khi có cơ hội để xuất bản. Hầu hết chúng đã được đăng báo và sáng tác trong nhiều giai đoạn, cảm xúc khác nhau. Tuy nhiên, người ta thường khó hài lòng với những việc mình đã làm, và tôi cũng vậy. Nay tôi quyết định viết truyện ngắn liên hoàn vì tôi có điều kiện đi chuyên sâu về một mảng đề tài, có cơ hội để phỏng vấn những nhân vật sống mà tôi đang viết. Tập truyện ngắn liên hoàn “Giọt máu đào” tôi viết riêng tặng những bà mẹ bán máu nuôi con và những người mẹ có con chết trẻ. Trong một chỉnh thể, tập truyện là một truyện dài, vì các số phận có liên quan đến nhau. Còn khi đọc riêng lẻ, tập truyện vẫn là những truyện ngắn độc lập và có tên gọi riêng.
Có người cho rằng đời sống đô thị hiện đang đặt ra rất nhiều vấn đề nhức nhối, mang tính thời đại. Tuy nhiên sự phản ánh thực tế ấy trong tác phẩm văn học còn khá mờ nhạt, và mới chỉ ở bề nổi. Bạn nghĩ gì về nhận định này?
Là người sống trong đời sống đô thị hiện đại, tôi cũng tự thấy văn học chưa phản ánh được thời đại. Mở rộng ra, cả văn học nghệ thuật nói chung, theo tôi đều theo sau đời sống rất xa. Từ văn học, điện ảnh đến sân khấu hay âm nhạc đều đang trong tình trạng này. Thời đại này, hình như ngày càng nhiều sự kiện gây ngạc nhiên và thất vọng đến mức mình cảm thấy bất lực với ngôn từ.
Văn học nghệ thuật nói chung và văn chương nói riêng còn “theo sau đời sống rất xa” – như bạn vừa đề cập, nguyên nhân vì sao theo cách nhìn nhận của bạn? Những tác giả mới có thể có cảm giác “bất lực với ngôn từ” nhưng những tác giả đã thành danh chẳng lẽ cũng ở tình cảnh đời sống trượt qua trang viết của mình. Hay chính người viết đang xa rời đời sống? Bạn nghĩ sao?
Đi tìm nguyên nhân rõ ràng cho cách nhìn này của bản thân quả thật là khó, tôi chỉ cảm nhận như thế, còn giải thích vì sao thì không thể diễn tả trong vài trang giấy. Ví như, bi kịch của những cá nhân thời nay đã khác, nhưng sân khấu và văn học cứ diễn tả theo những motip cũ; như nghe nhạc xưa thì thấy cũ còn nghe nhạc mới thì thấy không diễn tả được lòng mình. Mênh mang và không cân bằng. Chắc bởi vậy mà tôi còn muốn viết. Tôi thấy mình không xa rời đời sống, chỉ đôi khi đóng cửa ở nhà với những thứ mà tôi cho rằng mình biết đủ, rồi viết. Nếu đi nữa là bị nhiễu thông tin và quên mất mình đang cần gì!
Sáng tác thì không có thể loại nào là chính hay là phụ
Có người chuyển từ thơ sang văn xuôi, và nhận thấy đó mới đúng là “thể loại của mình”. Còn bạn, giữa thơ và văn xuôi, đâu là chính, đâu là phụ?
Khi tôi sáng tác thì không có thể loại nào là chính hay là phụ. Và cả sau này nếu tôi viết theo thể loại nor-fiction (không hư cấu), cũng với tâm thế này. Tôi viết bằng cả sự trân trọng và dồn hết tâm sức (tuy nhiên, kết quả có khả quan hay không còn phụ thuộc vào tài năng có-giới-hạn của tui – cười!).
Một vài truyện ngắn trong tập mang dáng dấp câu truyện ngụ ngôn. Tiêu biểu là truyện ngắn “Linh hồn hoa mai”. Khi viết, bạn có chú trọng nhiều đến thủ pháp và hình thức biểu đạt hay không?
Có chú ý nhưng không quá quan trọng. Thường tôi quan tâm đến chất liệu của truyện đó nhiều hơn. Truyện ngắn “Linh hồn hoa mai” tôi viết trong khoảng thời gian nghỉ để chuyển tiết học ở trường Nhân văn TP.HCM năm 2005. Lúc đó, tôi cố ý tạo không gian và thời gian hẹp cho mình để viết thật ngắn mà vẫn biểu đạt được câu chuyện cần kể và thông điệp chính mình muốn gửi gắm. Thế nên, nó hơi giống truyện ngụ ngôn, khi viết xong, tôi thích biểu tượng còn một nửa chiếc giường khi người vợ đã chết.
Đề tài đô thị hợp với văn xuôi hơn là thơ, bạn có nghĩ như vậy không?
Tôi không nghĩ vậy đối với những nhà thơ tài năng.
Sự khác nhau lớn nhất giữa thơ và văn xuôi là gì – theo bạn?
Khác nhau về chất liệu tạo ra hai thể loại này: một bên là tứ thơ + thi pháp chắt lọc ngôn từ xúc cảm, còn một bên là câu chuyện + thi pháp kể chuyện (theo kinh nghiệp sáng tác của riêng tôi).
Làm thơ, viết truyện, biên tập văn học, biên kịch phim… Bạn hiện đang làm các công việc liên quan đến văn học nghệ thuật, vậy có bao giờ bạn nghĩ mình cần mạnh dạn dấn sang các lĩnh vực khác để thử sức, để có thêm thực tế và vốn sống?
Hiện nay, ba công việc này đã chiếm hết thời gian làm việc của tôi. Nên tôi không nghĩ sẽ thử sức mình ở hội họa hay âm nhạc (hai lĩnh vực nghệ thuật tôi rất thích được thưởng thức). Tôi thấy mình cần đi và sống với nhiều đối tượng có khả năng trở thành nhân vật của tôi nhiều hơn là khám phá một lĩnh vực nghệ thuật mới. Sắp tới, tôi sẽ chuyên sâu vào văn xuôi và viết về những câu chuyện chân thực mà tôi đã gặp. Tôi cảm thấy dấu ấn cá nhân tôi bộc lộ trong tác phẩm mình viết ra cũng tạm đủ rồi. Giờ cần viết về những số phận của thời đại tôi đang sống.
Viết về những số phận của thời đại tôi đang sống – đó là một nhu cầu tự thân hay còn là trách nhiệm của một người cầm bút trước thời cuộc?
Tôi viết vì cả hai điều này. Khi phóng bút thì cứ để mình lao tới. Khi tìm hiểu về những số phận đương đại (nhân vật) và đọc lại tác phẩm của mình thì tự vấn mình đang cầm bút vì ai đây? Hai yếu tố này mà dung hòa được thì theo tôi mới là người cầm bút thật sự. Viết về nỗi đau của mình hay về nỗi đau của người khác cũng là một cách để giải thoát mình và độc giả khỏi khổ đau. Hương vị của hạnh phúc hay giải thoát chỉ có thể nếm trải được khi mình tự tìm kiếm. Nên đôi khi, tôi và nhân vật của tôi là một.
Nhân nói về vấn đề này, bạn nghĩ rằng giới trẻ hiện nay ở đô thị đang “mất phương hướng”? Không có việc làm hoặc không tìm được việc làm thích hợp, những hoang mang đổ vỡ… Những câu chuyện đó chúng ta đang gặp hàng ngày
Ở thời đại nào, dù nông thôn hay thành thị thì con người cũng luôn đặt cho mình những câu hỏi. Việc mất phương hướng rồi tìm lại phương hướng là luôn luôn nếu ta còn sống. Bản thân tôi nhiều khi cũng mất phương hướng, không biết nương tựa vào đâu nếu không có Niềm tin. Sống bất cẩn, lầm lỡ rồi đổ vỡ là điều chúng ta thấy nhan nhản ở xung quanh. Làm sao để mỗi ngày là một ngày có ích là điều ai cũng cần trăn trở, không riêng gì với những người cầm bút.
Xin cảm ơn bạn đã trò chuyện
Thy Anh thực hiện