1. Bây giờ tôi mang hoa đến dòng sông

Đọc diễn văn truy tặng người đãng trí…

Bao nhiêu lứa học trò các trường Quốc Học, Hàm Nghi, Hưng Đạo, Nguyễn Du (Huế) năm xưa của thầy Ngô Kha cứ mỗi lần vịn vai cầu Bến Ngự, nhìn sông An Cựu tím dần trong chiều sương khói, lại rớm rớm nước mắt, lặng đọc những câu thơ của người thầy thân yêu mở đầu bản trường ca bí ẩn “Ngụ ngôn của người đãng trí”. Rồi họ cùng ôn lại những ngày biểu tình đòi chính quyền “trả thầy giáo Ngô Kha lại cho chúng tôi”, hô vang khẩu hiệu “đả đảo bọn ăn cướp thầy” vào tháng 3 năm 1972, sau khi thầy bị bắt lần thứ hai. Đã bốn mươi năm rồi, một ngày cuối tháng 1 năm 1973 ấy (ngày 27 Tết), ngay sau khi hiệp định Paris về hoà bình ở Việt Nam được ký kết, khi thầy Ngô Kha đang ở nhà với người mẹ già Cao Thị Uẩn, một toán mật vụ nhảy xuống xe, bắt “nhà thơ ngụ ngôn của người đãng trí” tống lên xe chạy như bay về Ty Cảnh sát Quốc gia, nhà lao Thừa Phủ…

Ngô Kha ơi, sau cú bắt bớ tàn nhẫn ấy, trong tù ngục bọn dã man đã hành hạ thầy như thế nào? Không ai hay biết. Tại sao chúng bí mật thủ tiêu thầy? Chúng giết thầy ngày nào, giờ nào? Không ai hay biết. Chúng chôn thầy ở mô? Không ai hay biết. Ôi, một tài năng thơ ca ở tuổi 38 đang nở rộ, một chiến sĩ luôn dấn thân cho hòa bình thống nhất đất nước đã bị thủ tiêu, không một nén nhang, không một dòng điếu văn, không một cỗ quan tài, không ngày giỗ chạp, không có mộ chí! Sao phận người lại mong manh và trớ trêu như ngụ ngôn vậy? Thế mà có lúc thầy đã đau đớn khóc cho cái chết của một tình yêu:

đêm cuối cùng mùa đông

nếu đời không còn có mai sau

anh sẽ viết bài điếu văn nhân thế

và tạc mồ bia em…

(Đêm ba mươi)

Có một bóng hồng thấp thoáng trong thơ thầy: còn nghe hương thơm em phảng phất lòng tay/ còn hình ảnh đôi mắt em thèm thuồng uống lấy (Đêm ba mươi). Nhưng hình như hình bóng người con gái trong thơ Ngô Kha như là cánh đồng để thầy trồng lên đó toàn một giống cây cô đơn, buồn thảm: người con gái lặng yên xem chúc thư/ bó hoa tôi mang đến dòng sông bây giờ đã héo …cũng như em/ chỉ còn một nụ cười/ để xua đuổi già nua…(Ngụ ngôn người đãng trí)

Bây giờ, thân xác thầy đã thấm vào đất trời Huế, hòa tan vào cõi hư vô xanh thẳm. Cơn bão cuốn tôi đi mờ mịt/ chúng tôi ra khỏi vùng phán xét của loài người. (Ngụ ngôn người đãng trí). Nhưng thầy vẫn như hiện hữu từng ngày với những con đường, con đò, dòng sông và hàng cây long não Huế. Gia đình và các bạn thầy Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn, Thái Ngọc San… và gia đình một lần thắp nhang khấn hương hồn thầy, rồi xin lấy ngày cuối năm làm ngày giỗ Ngô Kha. Tới ngày khai trường hay ngày Hiến chương Nhà giáo hàng năm, bọn học trò ngày xưa được thầy dạy văn, dạy giáo dục công dân và sang sảng đọc thơ cho học trò nghe, lại da diết nhớ thầy. Họ gọi nhau tụ tập về bên sông Hương, nâng chén rượu, đọc thơ nhớ thầy và đọc Ngụ ngôn của người đãng trí:

và than đá đã thức dậy

nghe gỗ hương nói thì thầm

những hạt cơm đen của mùa Đông

…than nuôi dưỡng người say rượu

như tôi hằng nuôi dưỡng sự cô đơn…

Người viết những dòng này không được vinh hạnh là học trò của thầy Ngô Kha, nhưng cũng xin được gọi thi sĩ là thầy vì những câu thơ tài hoa, những câu thơ cháy bỏng phận người, những câu thơ thẳm sâu không dễ gì có được …

2. Thơ Ngô Kha là nỗi cô đơn trên cuộc hành trình dằng dặc đi tìm chính mình. “Hoa cô độc”, tên tập thơ đầu tay, cũng chính là hình tượng triết học lay động, là phát hiện của Ngô Kha, được một thế hệ trí thức trẻ Huế những năm 60 của thế kỷ trước dùng để gọi tên một miền cảm thức siêu hình như làn gió mới thổi về. Bản thể con người là sự đơn chiếc, cô độc là hoa của kiếp người:

Đại lộ dòng sông đêm

mặt trời vô hình tan vỡ

suối đau thương đường phố

nhớ nhung bơ vơ

vẫn còn sa mạc

thành trì

hoang rợ

tâm linh …

(Đêm ba mươi – Hoa cô độc)

Khi “bơ vơ” nhìn thấy cái bóng đơn chiếc của mình trong đêm vũ trụ, chính là lúc con người đạt đến sự “ngộ” (ngôn ngữ Phật). Đó cũng là lúc con người đến được với tâm linh, đến được với cái tôi vĩnh cửu. Nói về thơ Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường cho rằng, trong cuộc hành trình dài “nỗi cô đơn nguyên ủy của phận người cùng với nỗi lo âu khắc khoải như là dấu hiệu của sự nhận thức sáng suốt….”. Và “Ngô Kha đã phát hiện ra trên cánh đồng hắt hiu của linh hồn chàng một loài ác hoa mọc lên từ bao giờ, chàng âu yếm gọi tên nó là “Hoa cô độc”. Những linh cảm phận người đã được Ngô Kha cảm nhận qua thơ làm lạnh xương sống người đọc, khi nhà thơ vào tuổi hai mươi tràn trề yêu thương và khát vọng:

nó trốn chạy khúc nhạc buồn gợi nhớ tên em

nên trở về đây

ôm tượng đá lạnh lùng tưởng linh hồn con gái

… tay cầm vừng trăng ném xuống công viên

chỉ thấy đời dài bằng cô độc

(Người con trai – Hoa cô độc)

Tâm hồn con người cũng mênh mông bí ẩn như vũ trụ. Nếu ai đó suốt đời hồ hởi với cái “chúng ta”, không bao giờ (hoặc không chịu) nhìn cái bóng đơn chiếc của mình khoắc khoải đêm đêm trên trang giấy, thì làm sao đi được đến cõi sâu thẳm của hồn người!

Đọc thơ, tôi luôn hình dung một Ngô Kha trầm tư già cả, trong những năm 60 của thế kỷ XX ấy, đã rong ruỗi khắp nhân gian, đánh bạn với những “người ca bài sám hối/ trên bàn tay lạnh lùng”, với “tim khô gầy thoi thóp thanh tân”… Đó là sự xui khiến của thần linh. Đó là cảm thức ma ám mà chỉ có “loài thi sĩ” (chữ của Hàn Mặc Tử) mới khải thị được. Cuối cùng của cuộc tìm kiếm đó là hình hài cuộc sống thực, rất u uẩn:

còn đắng cay ở lại với mình

chiều dĩ vãng chở đầy khoang thổ mộ…

(Bài thơ hôm nay – Hoa cô độc)

Cuộc lang thang của thi sĩ với nỗi cô đơn phận người cộng thêm một trời máu lửa chiến tranh trên quê hương yêu dấu, đã đẩy tâm hồn chàng đến cõi tuyệt vọng. Đó là hoàn cảnh ra đời của trường ca “Ngụ ngôn của người đãng trí” của Ngô Kha vào năm 1969, năm chiến tranh vào hồi ác liệt nhất. Nói cách khác Ngụ ngôn… là cung bậc mới của phận người, là nỗi buồn cô độc cộng với tiếng thét đớn đau trước cái chết. Ngụ ngôn của người đãng trí là tiếng thét đòi giải thoát khỏi không gian tù ngục. “Khoảng hư vô như cánh tay gối đầu. Giấy trắng là cánh đồng của bầy ngựa già đi lang thang”. Trường ca Ngụ ngôn… bắt đầu với lời đề từ siêu thực như thế. Tiếp theo là vô vàn những thi ảnh lạ lùng, phi lý, kinh khiếp, những cuộc vật lộn, giằng xé, những cái chết mục ruỗng, những tiếng thở dài, những tiếng thét, những ánh hỏa châu . …vết thương nảy lộc… người say rượu đắp bùn lên trái tim…chỉ có quả gấc hồng hào rực ánh lửa chiến tranh…tình yêu là xác chết …nhạc giáo đường trôi trên thi thể hoàng hôn …đêm đêm/ tiếng chó tru linh hồn…người con gái cười như cát bay…mùa hạ đốt tim tôi thành khói trắng…giọng nữ tu già vo ve như đàn muỗi.v.v.. Rất nhiều, rất nhiều những câu thơ tài hoa, lạ lùng đọc lên như tiếng nấc, như tiếng sét, sắc sảo đến ớn lạnh. Ngụ ngôn… miên man những hình ảnh câu chữ tưởng như rời rạc, xô bồ, ngang dọc không cấu trúc, bỗng đua nhau sống dậy, mọc lên từ trái tim và trí tưởng tượng đắm đuối của nhà thơ. Tất cả được huy động để khắc đậm hình tượng những cơn ác mộng, cõi hỗn chiến trong linh hồn giữa thời địa ngục tao loạn. Đẩy tới tận cùng của cơn đau giằng xé, đến nỗi, nhà thơ phải đau đớn thốt lên: những dòng chữ chảy từng hàng não sống.

Thế giới Ngụ ngôn… là thế giới siêu thực đa chiều bắt đầu bằng chiêm cảm. Tôi đem thời gian đổi lấy chiêm bao/ hằng đêm thắp nến đi vào giấc ngủ. Hay “tự sát bằng cô đơn nên chẳng bao giờ chết … tôi như tiếng khóc mù mọc đôi cánh. Nhưng Ngụ ngôn… vẫn có nhiều khoảng hiện thực rát buốt:

ôi dòng máu lênh đênh

hai muơi bốn giờ đi qua những tháp canh

hai mươi bốn giờ đi qua những tử thi còn mở mắt

Những mảnh hiện thực tâm linh hiếm hoi trong Ngụ ngôn… cũng đậm chất ẩn dụ nhưng rất đời, rất xác tín về tương lai cuộc sống:

vì trái tim là một quả đồng hồ treo

em nhớ mỗi ngày lên dây

sự sống bắt đầu từ đó

Đó là niềm tin, là sự thức tỉnh của bản ngã trước sự hấp hối của nhân tính. Đó cũng là điểm tựa cho Ngô Kha trở về với thực tại trong những tháng ngày nóng bỏng cuộc đấu tranh xuống đường của bạn bè sinh viên Huế của nhà thơ với nhiều bài thơ về chiến tranh, trong đó có Trường ca hòa bình. Chiến tranh còn giơ nanh sắc vuốt nhọn khắp miền, thế mà Ngô Kha đã nghĩ đến một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo/ một thị trấn yêu kiều qua ngõ làng Vây…(Cho những người nằm xuống). Sự tiên đoán đó bây giờ đã thành sự thật! Trường ca hòa bình không hư vô sâu thẳm hay bát ngát mù sương như Ngụ ngôn người đãng trí, nhưng đó là chứng chỉ cho giai đoạn dấn thân quyết liệt của Ngô Kha trong cuốn chiến đấu dành tự do cho dân tộc, cũng là chứng chỉ cho chất thi sĩ dấn thân của Ngô Kha, quyết liệt như nhà thơ cộng sản Petopy của Hungari. Đó cũng chính là chất thi sĩ, không chịu được sự khốn nạn về tư tưởng và nhân cách. Trường ca hòa bình là tiếng hát phấn khích về tương lai đất nước khi cuộc kháng chiến đang dần vào hồi kết:

ta bỗng nghe xao xuyến trên thân người

muôn vó ngựa dập dồn trong thớ thịt

Bằng sức tưởng tương phong phú, Ngô Kha đã hình dung khung cảnh đất nước sau hòa bình với nhiều hình ảnh đầy phấn khích: Nghe lụa mát trong hồn khi chiến tranh vừa tẩm liệm…ta vá lại cánh đồng từ các hố bom……hạt mầm sâu mừng rỡ thoát thai…nhìn hàng cây tượng đá hồi xuân/ như con ngựa say tình bên lá cỏ.v.v… Đó là sự đồng cảm, đồng hành cùng cuộc chiến đấu sống còn của toàn dân tộc.

Có thể nói, với Ngô Kha, Hoa cô độcNgụ ngôn người đãng trí là sự phát tiết tài hoa của thi sĩ trên hành trình của người lữ khách cô đơn. Là hiện thân của cái đẹp tâm linh, tâm cảm. Theo thiển ý của người viết, thì thơ siêu thực của Ngô Kha phải được xếp trong số những nhà thơ hàng đầu của miền Nam thời đó. Đến nay đọc lại vẫn thấy rất mới mẻ và cuốn hút. Còn với Trường ca hòa bình là sự nhận chân lịch sử đất nước là sự dấn thân trong cuộc đấu tranh. Và Người đã vĩnh biệt bạn bè, người thân, đã tan trong hư vô vì sự dấn thân quyết liệt đó.

3. Mùa hạ năm 2002, trong dịp đi sáng tác ở Đà Lạt, tôi được làm quen với ông Ngô Tú. Lúc đó ông đã gần 80 tuổi. Ông Ngô Tú là anh ruột của nhà thơ liệt sĩ Ngô Kha. Ông đi theo cách mạng từ trẻ, và tập kết ra Bắc. Khi Huế giải phóng, ông là sĩ quan cấp tá của ngành công an, được nhà nước tặng Huân chương Độc lập hạng 2. Ông về lại quê hương, nhưng rồi lại xung phong lên miền cao nguyên Lâm Đồng. Ông Tú đã xuất bản mấy tập thơ. Ông có cả trường ca dài 2000 câu về cuộc kháng chiến của dân tộc. Có lẽ “gen thơ” của hai anh em xuất phát từ ông bà tiên tổ. Tôi hỏi thăm về gia đình. Ông Tú cho biết, thân sinh của ông là ông Ngô Tuyên, một ông quan triều Nguyễn, từng giữ chức tri huyện Lệ Thủy – Quảng Bình, thẩm phán Tòa án Huế, mẹ là Cao Thị Uẩn. Theo tài liệu của Nguyễn Duy Hiền viết năm 2005, thì ông Tuyên và bà Uyển sinh được 7 người con (4 nam, 3 nữ) gồm: Ngô Cơ (đã mất), Ngô Tú, Ngôi Thị Trang (đã mất), Ngô Thi Thuấn (đã mất), Ngô Du (đã mất – không phải tướng Ngô Dzu của quân đội Sài Gòn như một số người viết nhầm), Ngô Thị Huân, Ngô Kha. Như vậy Ngô Kha là con út. Thời nhỏ cả 7 anh chị em được ông bố cho học hành đến nơi đến chốn. Ngô Kha có hai bằng đại học: sư phạm và luật khoa. Ngô Kha có người anh trai tên là Ngô Du, đã bị chết trong đợt Mậu Thân ở Huế, người chị gái tên là Ngô Thị Huân, y tá quân đội ngụy (bà chị này hiện đang cai quản ngôi nhà của thân sinh ở thôn Thế Lại Thượng). Năm 1962, Ngô Kha bị bắt quân dịch. Chính bà chị này đã giúp cho Ngô Kha khỏi ra chiến trường mà được chuyển ra Huế làm trợ lý báo chí cho Phòng Tham mưu vùng I chiến thuật. Ngô Kha là sĩ quan quân đội Việt nam Cộng hòa, nhưng lại hăng hái tham gia phong trào đấu tranh của sinh viên học sinh Huế, đặc biệt là trong cuộc xuống đường cùng bà con phật tử Huế chống lại chính quyền Mỹ-Diệm đàn áp Phật giáo năm 1963. Năm 1964, Ngô Kha giải ngũ về dạy học. Vừa dạy học, Ngô Kha vừa tham gia phong trào đấu tranh. Ngô Kha cùng Trần Quang Long lập ra nhóm đấu tranh, gọi là “thanh niên chống xa hoa phóng đãng” và “Quán bạn”, tham gia xuất bản tờ tin “lực lượng” kêu gọi tuổi trẻ đấu tranh, đòi hòa bình dân chủ. Ngô Kha hành động quyết liệt đến mức, năm 1966, nhân sự chia rẽ trong lực lượng Quân đội ngụy ở Miền Trung, đòi cách chức Nguyễn Chánh Thi, tư lệnh quân đoàn 1 Quân đội Sài Gòn. Tương kế tựu kế, Ngô Kha đã vận động hàng trăm sĩ quan, binh lính ngụy ở Huế ly khai thành lập chiến đoàn mang tên Nguyễn Đại Thức chống Mỹ-Thiệu. Cái tên Nguyễn Đại Thức là do Ngô Kha nghĩ ra. Chiến đoàn này còn lên chốt chặn tại đỉnh đèo Hải Vân với quyết tâm chặn quân chính phủ từ Đà Nẵng ra Huế. Nhưng sự không thành, vì Nguyễn Chánh Thi đầu hàng chính phủ Thiệu. Sau vụ này Ngô Kha bị bắt đi tù ở Phú Quốc một thời gian.

Năm 1970, Ngô Kha đã cùng các đồng chí của mình trong lực lượng đấu tranh luôn bám trụ ở Trụ sở Tổng hội Sinh viên ( 22-Trương Định, Huế) để phát động đấu tranh. Họ xuất bản tập san “Tự quyết”, thành lập Mặt trận văn hóa dân tộc miền Trung do Ngô Kha làm chủ tịch, tổ chức triễn lãm tội ác của Mỹ tại Huế. Tháng 3-1972, Ngô Kha bị cảnh sát ngụy bắt vô tù. Sau cuộc đấu tranh dữ dội của học sinh các trường, sau mấy tháng giam giữ, cảnh sát ngụy đã phải trả tự do cho Ngô Kha. Một năm sau, Ngô Kha lại bị chặn bắt dọc đường như đã kể ở đầu bài viết. Lần này thì Ngô Kha đã vĩnh viễn xa các em học trò, xa những đồng chí đã cùng nhau “xuống đường” bao nhiêu năm trời.

Tôi hỏi nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, một người bạn thân thiết của Ngô Kha rằng, tại sao những ngày đó “tổ chức” không đưa Ngô Kha lên Xanh?. Hoàng Phủ bảo: “tổ chức đã có liên lạc với Ngô Kha, nhưng Kha chưa kịp đi thì bị bắt. Cũng có thể nó chần chừ giữa lên rừng hay ở lại tranh đấu với bạn bè, trong lúc mật vụ địch theo dõi từng bước đi, nên không thoát được…”

Như vậy liên tục trong 10 năm từ 1963-1973, Ngô Kha thực sự là người lính tiên phong trong phong trào đấu tranh của tuổi trẻ Huế. Tất cả hiện thực nóng bỏng đó đã trở thành chất liệu sống cho trường ca Ngụ ngôn người đãng trí và Trường ca hòa bình và nhiều bài thơ khác của nhà thơ. Vâng, với Ngô Kha thơ được đổi bằng máu xương và mạng sống! Với Ngô Kha thơ là cái còn lại cuối cùng. Như linh hồn thơ còn sống mãi. Trong phần kết “Ngụ ngôn người đãng trí”, nhà thơ nhớ mẹ, gửi mẹ những câu thơ như tiên tri về đời mình, cũng là thân phận chung của loài thi sĩ mọi thời:

và nay gió cũng tang bồng

nhưng thi sĩ vẫn nằm yên trong nhà tù vĩnh cửu.

Nguồn: vanvn.net

Exit mobile version