“Nghìn lẻ một đêm và nền văn minh A Rập” là cuốn sách khá đặc biệt tập hợp những ghi chép, nghiên cứu với nhiều tài liệu quý giúp bạn đọc hiểu hơn về tác phẩm đầy mê hoặc “Nghìn lẻ một đêm”, do nhà báo lão thành Phan Quang công bố. Sách vừa được NXB Kim Đồng giới thiệu với bạn đọc.

“Nghìn lẻ một đêm” được coi như một “công trình dệt gấm bằng từ ngữ”-một di sản kỳ diệu thuộc về sáng tác truyền khẩu dân gian của nhân loại đã đi qua 1000 năm cho đến tận hôm nay. Năm 1704, câu chuyện về nàng Sheherazade kể chuyện hầu bạo chí Shariar trong tác phẩm này đã được độc giả Pháp biết đến lần đầu tiên qua bản dịch của học giả Antoine Galland và lập tức lan truyền rộng rãi khắp thế giới. Liền sau đó, hàng loạt tác phẩm ăn theo “Nghìn lẻ một đêm” như “Nghìn lẻ một ngày” (1710); “Nghìn lẻ một giờ” (1740); “Nghìn lẻ một khắc” (1733)…đã xuất hhieenj. Không chỉ có vậy, cảm hứng từ nàng Sheherazade còn lan tỏa tới nhiều bộ môn nghệ thật như sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, hội họa…

Đó là trên thế giới, còn ở nước ta “Nghìn lẻ một đêm” đã xuất hiện dài kỳ trên các cột báo cách đây hơn một thế kỷ. Bản tiếng Việt “Nghìn lẻ một đêm” do chính nhà báo Phan Quang chuyển ngữ từ tiếng Pháp của Antoine Galland ra mắt độc giả Việt nam lần đầu năm 1981 và tái bản chừng hơn 30 lần cho đến nay.

“Nghìn lẻ một đêm và văn minh A Rập” của nhà báo Phan Quang là tác phẩm lý thú giúp bạn đọc không chỉ tiếp cận với một công trình văn học đặc biệt của nhân loại mà còn có thể tìm hiểu một nền văn hóa giàu truyền thống ở xứ sở này. Rất nhiều câu hỏi được lý giải qua những nghiên cứu, phân tích của nhà báo, dịch giả Phan Quang như về nguồn gốc thật sự của tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm”? Có bao nhiêu chuyện kể trong toàn bộ “Nghìn lẻ một đêm” ấy? Đây có phải là sáng tạo từ một người phụ nữ?…

Nhà báo Phan Quang cũng chia sẻ “Bộ “Nghìn lẻ một đêm” phản ánh một hiện thực Hồi giáo rất khác biệt so với hình ảnh về đạo Hồi phổ biến trong suy nghĩ của phần đông nhân dân thế giới ngày nay. Các truyện trong “Nghìn lẻ một đêm” đều bàng bạc tinh thần nhân văn sâu sắc. Đó là tiếng hát tôn vinh tinh thần lao động cần cù, dám vượt qua khó khăn trở ngại; là lời ca ngợi tự do, quyền tự do của con người được mưu cầu hạnh phúc…

Đó là thiên sử thi về lòng dũng cảm, trí thông minh, tinh thần phản kháng của người dân đối với bất công xã hội”. Nhà báo, dịch giả Phan Quang còn chia sẻ, vốn say mê tác phẩm “Nghìn lẻ một đêm” từ nhỏ nên kể từ khi chuyển ngữ công trình này ông đã để tâm ghi chép, sưu tầm, nghiên cứu tất cả những gì gặp được có liên quan đến bộ truyện cổ. Cùng với những tài liệu đã có, nhà báo, dịch giải Phan Quang cũng chú ý sắp xếp, dẫn dắt những câu chuyện này một cách hấp dẫn bạn đọc nhất có thể.


Theo Dương Hà – Hà Nội mới online