Võ Vân
Thời gian qua, mặc dù độc giả Việt Nam được tiếp cận nhiều bài nghiên cứu phê bình sinh thái nhưng vẫn chưa thể bao quát đầy đủ mọi khía cạnh của hướng nghiên cứu mới mẻ này.
Trên thế giới cũng như ở Việt Nam, hiện nay môi trường đang là vấn đề được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt cụm từ “ô nhiễm môi trường” có tần suất xuất hiện trên báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng với mức độ khá thường xuyên. Cùng đó là các vấn đề khác của xã hội như quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, nạn phân biệt chủng tộc, sự dịch chuyển dân cư, chiến tranh… Những hậu quả nặng nề nhất của các vấn đề này chính là cuộc sống của loài người chúng ta bị đe dọa.
Những vấn đề này được phản ánh, đi vào nhận thức của con người qua nhiều cách thức, trong đó có sáng tác văn học, ngày càng nhiều văn nghệ sĩ phản ánh những gì liên quan tới môi trường vào trong tác phẩm. Qua đó cũng phần nào thức tỉnh, cảnh tỉnh được con người khi tác động làm biến đổi môi trường.
Các học giả, các nhà nghiên cứu tham gia Hội thảo Quốc tế Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu
Bản chất của phê bình sinh thái là nghiên cứu mối quan hệ giữa văn học với môi trường tự nhiên (Cheryll Glotfelty)
Trong thế kỷ XX, nhiều ngành nghiên cứu nhân văn liên quan mật thiết tới nội dung bảo vệ môi trường liên tục xuất hiện và như một sự tiếp nối những hoạt động nghiên cứu sinh thái mang tính liên ngành; phê bình sinh thái phát triển và gặp gỡ với nhiều diễn ngôn khác liên quan đến nó.
Theo cách định danh hiện nay, văn học sinh thái là những tác phẩm văn học ra đời trong bối cảnh môi trường sinh thái ngày càng xấu đi, nội dung của chúng thể hiện trách nhiệm xã hội của người viết trước vấn nạn này. Và phê bình sinh thái (thuật ngữ ra đời sau văn học sinh thái) là nghiên cứu văn học gắn liền với chủ đề môi trường (Peter Barry), còn có một tên gọi khác là nghiên cứu xanh, là những thuật ngữ nói về một khuynh hướng phê bình bắt đầu tại Mỹ những năm cuối thập niên 80, tại Anh đầu thập niên 90 và nhanh chóng lan rộng toàn cầu.
Cùng với sự dịch chuyển mối quan tâm của phê bình sinh thái từ phạm vi địa phương sang phạm vi toàn cầu, trên cơ sở xem xét điều kiện thực tiễn của việc nghiên cứu vấn đề này tại Việt Nam những năm gần đây, Viện Văn học (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã tổ chức một cuộc hội thảo lớn nhằm giới thiệu và làm rõ được sự hiện diện, tồn tại của phê bình sinh thái tại Việt Nam. Những vấn đề được mang ra trao đổi, bàn luận tại hội thảo này đã giải đáp phần nào được sự cần thiết và ý nghĩa của chuyên ngành phê bình mới này, mang đến những thông tin cơ bản cho độc giả, một bộ phận những người cầm bút, nhà nghiên cứu, phê bình văn học hiện nay ở Việt Nam.
Trong hơn 100 tham luận của các tác giả từ nhiều quốc gia trên thế giới gửi tới tham gia hội thảo, Ban tổ chức cũng đã lựa chọn các tham luận để in thành kỷ yếu Hội thảo. Đây có thể xem như là một nguồn tài liệu tổng hợp giá trị dành cho những người muốn tìm hiểu sâu hơn về vấn đề này.
Việc tổ chức hội thảo vào thời điểm ở Việt Nam đã có một số công trình, bài nghiên cứu được dịch và giới thiệu, một số đề tài nghiên cứu theo hướng nghiên cứu phê bình sinh thái được triển khai, một số trường đại học có chuyên ngành nghiên cứu, lý luận phê bình văn học quan tâm và một bộ phận những người khác có những hiểu biết nhất định về phê bình sinh thái cũng sẽ tạo tiền đề để những đối tượng phổ biến hơn như độc giả, người viết… có thể hiểu về vị trí và vai trò của mình hơn khi tiếp cận văn bản.
Nhiều ý kiến được trao đổi tại Hội thảo
Còn đó những điều đáng suy nghĩ
Xuất phát từ thực tiễn nghiên cứu văn học sinh thái, diễn tiến của phê bình sinh thái thời gian gần đây ở Việt Nam, nhiều bài nghiên cứu, những ý kiến thiết thực đã được đưa ra để bàn luận theo các nhóm vấn đề cụ thể tại Hội thảo. Tuy nhiên, trong phạm vi thảo luận tại Hội thảo, mặc dù nhiều học giả, nhà nghiên cứu trong nước và thế giới quan tâm gửi tham luận và trình bày các nghiên cứu của mình nhưng những vấn đề được đưa ra vẫn chưa thể bao quát đầy đủ mọi khía cạnh của hướng nghiên cứu mới mẻ này.
GS.TS Lã Thụy Vinh, Đại học Dân tộc Quảng Tây, đề cập đến việc xây dựng tâm thức trong văn hóa đọc xanh. Văn hóa đọc xanh là tôn chỉ cốt yếu của thẩm mỹ hóa đời sống, văn hóa đọc xanh và xây dựng tâm thức xanh là hai mặt của một chỉnh thể thẩm mỹ hóa cuộc sống. Xuất phát từ nguyên lý của văn hóa đọc xanh, trên cơ sở lĩnh hội những phạm trù có liên quan đến thẩm mỹ sinh tồn, thẩm mỹ cuộc sống và thẩm mỹ sinh thái chỉnh thể của con người, tiến hành làm rõ mối quan hệ biện chứng giữa văn hóa đọc xanh và xây dựng tâm thức xanh, tầm quan trọng của tâm thức xanh đối với thẩm mỹ sinh thái chỉnh thể, tính chất riêng biệt của xây dựng tâm thức xanh, chuẩn mực xây dựng tâm thức xanh, xác định và chỉ ra những khái niệm liên quan đến xây dựng tâm thức xanh và ý nghĩa thực tiễn của nó.
Với tư cách một giảng viên, TS Đặng Lưu, Khoa Sư phạm Ngữ văn, Đại học Vinh cho rằng trong các lý thuyết về văn học, phê bình sinh thái có vẻ “cận nhân tình” hơn cả. Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục môi trường tất yếu phải là vấn đề được quan tâm đúng mức trong dạy học. Tuy nhiên, giáo dục môi trường trong dạy học nghị luận xã hội thuận lợi bao nhiêu thì trong dạy đọc hiểu tác phẩm văn chương lại khó khăn bấy nhiêu, bởi, trong chương trình ngữ văn hiện hành vắng bóng những tác phẩm đề cập trực diện đến những hiểm họa, nguy cơ về môi trường, sinh thái; và thiếu hẳn tri thức về lý thuyết phê bình sinh thái nên giáo viên sẽ lúng túng trong việc hướng dẫn học sinh khai thác những chủ đề liên quan tới vấn đề này.
Trong dạy học tác phẩm văn chương ở nhà trường, sinh thái mới chỉ tồn tại với tư cách là một vấn đề chứ chưa được hình dung là một đối tượng thẩm mĩ. Việc giảng dạy ngữ văn cũng như văn chương học đường dường như vẫn chưa theo kịp những thành tựu của lý luận, đòi hỏi của đời sống. Để phê bình sinh thái thực sự hỗ trợ được cho người giảng viên thì lý thuyết về phê bình sinh thái phải trở thành một mảng tri thức cần thiết của giáo viên ngữ văn. Khi người giáo viên ngữ văn không thể né tránh những vấn đề nóng bỏng của dân tộc và nhân loại là vấn đề môi trường, thì việc tiếp cận với những nội dung cơ bản của phê bình sinh thái sẽ giúp họ chủ động hơn trong công việc giảng dạy.
Ngày 14/12, Viện Văn học- Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế Phê bình sinh thái: tiếng nói bản địa, tiếng nói toàn cầu.
Tham dự Hội thảo có PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ – Uỷ viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình VHNT Trung Ương; GS. TS. Nguyễn Quang Thuấn – Chủ tịch Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS. Nguyễn Đăng Điệp – Viện trưởng Viện Văn học cùng đông đảo các học giả, nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ, các cơ quan truyền thông và những đối tượng quan tâm tìm hiểu vấn đề này tại Việt Nam.
Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của giới phê bình trong và ngoài nước. Hơn 100 tham luận đã gửi tới Hội thảo, được tập hợp in trong Kỷ yếu Hội thảo. Nhiều tham luận tập trung vào các nhóm vấn đề chính của chủ đề Hội thảo đã được trình bày trong các phiên họp tọa đàm, giải đáp được phần nào những vấn đề cơ bản của hướng nghiên cứu mới này trong hệ thống các ngành nghiên cứu lý luận phê bình văn học ở Việt Nam về: diễn tiến của phê bình sinh thái thời gian gần đây, những kinh nghiệm trong nghiên cứu văn học sinh thái và cơ hội và khả năng của phê bình sinh thái ở Việt Nam.
Tổ Quốc
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài