Hiện đang có một thực trạng không lạc quan lắm, theo cách nhìn của tôi. Đó là – do sự phát triển của báo chí lên đến nhiều trăm tờ thuộc đủ các loại: báo in, báo hình, báo mạng… thì mặc nhiên phê bình báo chí được đưa lên hàng đầu. Dẫu chuyên hoặc không chuyên, việc thông tin về hoạt động văn học – nghệ thuật cũng là một nhu cầu chung, phổ biến của xã hội; và do vậy cũng là đối tượng cho các loại báo chí quan tâm. Điều đó khiến cho các ông chủ báo, các nhà báo và các biên tập viên báo chí trở thành các vai diễn quan trọng trong đời sống phê bình. Phải qua họ, hoặc nhờ vào họ mà một tác giả, hoặc một tác phẩm nào đó mới đến được với quần chúng, qua kênh truyền thông, trước khi có sự bàn bạc, thẩm định của các giới chuyên môn, nếu như đó là một sự kiện, hoặc một hiện tượng có vấn đề…

Là báo chí nên bài vở thường phải ngắn, và nội dung được đề cập chủ yếu là những vấn đề thích hợp với đời sống chính trị, xã hội, hoặc một câu chuyện giật gân nào đó nhiều hơn là đời sống văn chương, là câu chuyện thuần túy văn chương. Việc bàn thảo chung quanh một tác phẩm hay, hoặc có chuyện để bàn, cần cho sinh hoạt học thuật do vậy bỗng trở nên rất hiếm, kể cả trên các báo của Hội nghề nghiệp hoặc các viện nghiên cứu. Và đó chính là nguyên cớ cho sự im lặng, tẻ nhạt của đời sống phê bình.

Như vậy có thể nghĩ: đây là thời phê bình báo chí làm nên gương mặt chủ đạo, có tác dụng thay thế hoặc lấn át phê bình chuyên nghiệp. Đó là tình hình hoàn toàn khác, so với trước đây, kể từ sau 1945 cho đến 1990, khi đất nước trong Đổi mới đang chuẩn bị bước vào hội nhập. Nhưng phê bình chuyên nghiệp là ai, ở thời điểm hôm nay, thì cũng rất khó tìm. Có thể nghĩ đến một lực lượng viết, gồm nhiều thế hệ, công tác ở các viện nghiên cứu và các khoa văn hóa, văn học, khoa học xã hội và nhân văn ở Đại học? Nhưng xem ra họ chỉ làm bằng tay trái; và hiệu quả nếu có cũng không thể rộng rãi, mà chỉ giới hạn trong đời sống học đường. Ngoài hai loại đó, cùng với lực lượng làm báo, viết báo như đã kể trên, không biết cái gọi là phê bình chuyên nghiệp nằm ở đâu, có dạng hình như thế nào? Và nếu không tìm thấy thì đó là chuyện tự nhiên, hoặc có gì là bất thường?

Vậy là vào cái thời tất cả mọi ngành, mọi nghề đều hướng tới chuyên nghiệp, thì với phê bình, xem ra lại theo chiều ngược lại. Hiện tượng đó là trái hoặc thuận quy luật, ta cần tiếp tục bàn. Nhưng có điều rõ ràng là, chính vào lúc phê bình yếu (hoặc mất đi) tính chuyên nghiệp thì đời sống sáng tác lại bề bộn, nhiều màu vẻ nhất. Nhiều vì con số rất đông người viết – khó mà đếm xuể; và lượng tác phẩm cũng theo đó mà nhân lên thành con số…khủng, trên khắp mặt các thể loại. Trong cái biển mênh mông các đầu sách ra hàng tuần, hàng tháng thì việc chọn giới thiệu một tác phẩm sao cho đúng, và gợi được sự chú ý của công chúng quả là câu chuyện vô cùng khó, thậm chí là việc không thể làm nếu muốn đạt một hiệu quả phê bình đích thực. Đó là điều khiến cho nhiều người phải lẩn tránh mà tìm đến những công việc vừa nhàn nhã hơn, vừa yên ổn hơn. Phần tôi, tôi biết có rất nhiều sách được ấn hành, qua theo dõi trên các quảng cáo, hoặc được biếu tặng, nhưng lại thiếu thời gian để đọc; có nhiều tác giả tặng sách nhưng lại không thể viết bài giới thiệu, bởi viết cho người này không thể không viết cho người kia. Hoặc thỉnh thoảng nếu có viết do tình bạn bè, tri kỷ thì cũng không phải là để đưa lên báo, mà để dùng vào những chỗ khác, theo nhu cầu của cả hai phía… Như vậy là đặt bên cạnh nhau, số lượng tác phẩm được ấn hành với số lượng người được gọi là quen, hoặc được giao việc phê bình (theo nghĩa chuyên nghiệp) thì thấy tỷ lệ trên quả là quá chênh lệch. Và đó cũng là lý do khiến cho tôi nói đến một tín hiệu vui – đó là sự thành lập Hội đồng lý luận phê bình văn học- nghệ thuật Trung ương, trực thuộc Ban Tuyên giáo, tức là chịu trách nhiệm trước Đảng, với 36 thành viên. Quả là một tổ chức quan trọng như thế trước nay chưa hề có. Cộng cho hết những tên tuổi tiêu biểu tham gia công việc phê bình trong hơn nửa thế kỷ trước thời Đổi mới có lẽ cũng chưa bằng. Và cùng với Hội đồng còn là một Tạp chí mang đích danh Lý luận phê bình văn học nghệ thuật ra hàng tháng. Nay, sau mấy năm hoạt động, với nhiều hình thức như tổ chức các hội thảo lớn và nhỏ; các cuộc tập huấn ở nhiều nơi, cả trong Nam ngoài Bắc, trong đó có tập huấn về chiêu thức và phương pháp phê bình cho từng hội, từng địa phương; và một Giải thưởng lớn cho nhiều ngành, nhiều hạng mục vừa diễn ra vào cuối tháng 3 vừa qua, cũng nên có một đánh giá sơ bộ để xem kết quả hoạt động của Hội đồng và của Tạp chí ra sao. Bởi, có thể nói, đây là sự kiện quan trọng nhất chứng tỏ sự quan tâm và quyết tâm làm chuyển đổi tình hình của Đảng.

***

Có mấy sự kiện theo tôi là đáng chú ý trong đời sống phê bình thời gian gần đây. Đó là cuộc trình diễn mang tên Bay cùng Vili, nhằm giới thiệu hai cuốn sách mới: Vili ParisVili tùy bút của Vi Thùy Linh ở Nhà hát lớn Hà Nội vào tối 1-12-2012. Một tối diễn rất hoành tráng, chật khán giả đến dự bằng giấy mời. Một cuộc diễn gần như xưa nay chưa từng có đối với bất cứ tác giả tên tuổi nào, cho dù đó là Tố Hữu hoặc Chế Lan Viên, Xuân Diệu hoặc Huy Cận, Trần Đăng Khoa hoặc Lưu Quang Vũ… Trong cuộc trình diễn thơ và văn mà người diễn là chính tác giả và những tên tuổi nổi tiếng trong giới truyền hình và sân khấu đó, còn có phát biểu của những nhân vật quan trọng như Giáo sư Vũ Khiêu, Nghị sĩ Dương Trung Quốc, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi, Giám đốc Học viện chính trị hành chính Quốc gia Tạ Ngọc Tấn. Một đêm trình diễn văn chương có một không hai – để giới thiệu hai cuốn sách vừa ấn hành, gợi nhiều cảm xúc và nghĩ ngẫm cho ngót sáu trăm khách mời… Thế nhưng, sau đó có dư chấn gì không trong đời sống văn học, thơ ca? Các bản thơ và văn xuôi của Vili được hưởng ứng trong sự đọc riêng lẻ của công chúng, và trong bàn luận của giới nghề nghiệp ra sao, qua các hội thảo – nếu có, hoặc trên báo chí?

Hiện tượng thứ hai là hai hội thảo do Viện Văn học tổ chức về thơ Nguyễn Quang Thiều và tiểu thuyết của Nguyễn Xuân Khánh. Đây là chọn lựa đúng cho hai lĩnh vực. Hai hội thảo có nhiều tham luận được chuẩn bị sẵn và in thành sách (chuyện khó diễn ra trước đây); một là: Thơ Việt Nam hiện đại, Nguyễn Quang Thiều; 350 trang; gồm 25 bài; Nxb. Hội Nhà văn in tháng 6-2012; 1000 bản; và hai là Lịch sử và văn hóa – cái nhìn nghệ thuật Nguyễn Xuân Khánh; 476 trang; gồm 25 bài; Nxb. Phụ nữ và Viện Văn học in quý IV-2012; 200 bản. Vậy là, riêng với khoảng dăm chục người dự họp, nếu chăm chú nghe và chịu khó đọc thì tri thức thu được về hai tác giả đã được thu gom thành khối, thành món rất dễ cho việc tìm hiểu, tra cứu. Nhưng ngoài số người dự họp thì số lượng bạn đọc quan tâm được mở rộng đến đâu, thuộc giới nào, vẫn còn là câu hỏi.


Ngoài ra cũng còn một vài hiện tượng khác – như hiện tượng giới thiệu cuốn sách của Đặng Thân – một tên tuổi mới trong làng phê bình, có tên Dị-nghị-luận – Đồng-chân-dung, 495 trang, do Nxb. Văn học và Thái Hà books ấn hành quý I-2013; 2000 bản..; với ba lời bình in ở bìa 4 (1), nếu là đúng, thì phải nói đây là một sự kiện lớn, rất lớn trong đời sống học thuật của dân tộc Việt đầu thế kỷ XXI; không kể một cuộc giới thiệu trên Tivi. Rõ ràng cuốn sách có nhiều cái lạ trong nội dung và cách viết – gần như trước đây chưa hề có ở bất kỳ tên tuổi nào làm nên gương mặt phê bình của thế kỷ XX. Phần tôi, tôi hy vọng nó có được sự sống lâu bền trong tiếp nhận của công chúng đông đảo, như sự khẳng định của ba đồng nghiệp.

***

Một vài sự kiện tôi được biết như trên có làm thay đổi chút ít không khí phê bình có phần trầm mặc trong nhiều năm qua. Dẫu dư chấn là có hoặc không, nhiều hoặc ít thì việc đi tìm các phương thức mới cho hoạt động của nó là điều nên khuyến khích. Trong những tìm tòi để làm mới mình, có lúc khó tránh sa vào cái lạ; nhưng cái lạ rồi sẽ trở thành quen nếu nó khơi được vào tận ngọn nguồn của sáng tạo đích thực, chứ không phải là cái lạ nhất thời và cá biệt, hoặc cái lạ để gây sự!

Trở lại với bầu khí quyển chung của đời sống hôm nay – một đời sống mà áp lực của kinh tế, của sinh hoạt vật chất, của thương mại và giải trí đang là tràn ngập, khiến cho mọi hoạt động khác của đời sống tinh thần không thể không thay đổi hoặc biến dạng. Có lẽ rồi cũng phải quen với việc một số lượng khá đông bạn trẻ không ngại bỏ ra nhiều triệu đồng để mua một vé xem trình diễn của các sao, trong và ngoài nước, nhưng lại ngần ngại bỏ ra dăm chục ngàn đồng cho một cuốn sách, chưa hẳn đã là văn học mà là sách dạy kỹ năng sống, nghệ thuật kinh doanh, làm đẹp hoặc truyện tranh… Hiện tượng này hẳn có liên quan với chỉ số ở Việt Nam, mỗi người dân đọc 0,8 đầu sách/ năm (2). Đây là vấn đề, xét đến cùng, ở cấp vĩ mô – phải được giải quyết trong việc xử lý mối quan hệ quá mất cân đối giữa kinh tế và văn hóa.

Trở lại với đời sống văn học – gồm cả sáng tác và phê bình, với thực trạng như trên, nếu có gây nên hoang mang thì cũng là phải. Chọn tiêu chí nào cho hoạt động sáng tác và phê bình vào lúc này khi thực trạng là thế, ngoài ba khái niệm quen thuộc: chân, thiện, mỹ? Trong khi trước đây, kể từ đầu thế kỷ XX cho đến 1990, tiêu chí đó gần như không thay đổi, hoặc có cùng một cách hiểu.

Gần một thế kỷ, với mục tiêu số 1 là độc lập và thống nhất cho dân tộc, và thắng trong hai (hoặc ba) cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, không phải kết thúc ở thời điểm 1975 mà còn kéo dài cho đến hết thập niên 80. Đồng thời là thoát đóinghèo bằng con đường xây dựng và đi lên chủ nghĩa xã hội, tức là con đường xóa bỏ giai cấp (hữu sản) và xây dựng chế độ công hữu toàn dân và tập thể. Ngoài định hướng ấy không có con đường nào khác.

Còn bây giờ, khi đất nước bước vào hội nhập, và xã hội chủ nghĩa chỉ còn là định hướng, thì có quá nhiều con đường cho ta tìm. Và mọi sự đang diễn ra trong tìm tòi. Nếu cả xã hội là thế, thì văn học- nghệ thuật cũng là thế. Cả nghệ thuật văn chương và khoa học văn chương cũng là thế!

Nếu trước đây, mỗi cuốn sách in ra chỉ riêng trên miền Bắc cũng đến hàng vạn bản là điều tự nhiên, vì ngoài sách ra không có gì khác cho con người hưởng thụ xét trên ba chức năng: nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ (3); thì bây giờ chỉ cần trung bình 1000 bản cho ngót 90 triệu dân là đã đủ – trừ một số ngoại lệ. Bởi ngoài sách ra, có quá nhiều phương tiện cho con người thỏa mãn các nhu cầu của mình. Văn hóa đọc sau nhiều trăm năm có ngôi vị, bây giờ phải chia sẻ hoặc nhường ngôi cho các văn hóa khác, cũng nên xem là tự nhiên, chứ không nên quá lo lắng, để nghĩ cách chấn hưng. Cố nhiên chấn hưng được ở mức độ nào, hoặc khu vực nào thì đó là điều mừng. Nhưng phải thấy đó là điều khó. Văn hóa đọc phải tồn tại trong cạnh tranh với văn hóa nghe-nhìn là lẽ đương nhiên. Và cuộc cạnh tranh này càng khó khăn khi văn hóa mạng lên ngôi. Có nghĩa là một cuộc soán ngôi đang diễn ra khi con người đang dần dần từ bỏ bút sắt (hoặc các loại bút bi) và chuyển sang bàn phím, để tiếp cận với cả một thế giới trong thu nhỏ mà ta quen gọi là thế giới phẳng. Có nghĩa là nếu cuộc chuyển ngôi từ bút lông sang bút sắt đã tạo nên rất nhanh chóng một chuyển đổi mô hình triệt để vào đầu thế kỷ XX để cho ra đời văn học hiện đại thay cho văn chương trung đại kéo dài hàng nghìn năm, thì cuộc chuyển đổi mô hình vào đầu thế kỷ XXI này sẽ còn chóng vánh và quyết liệt hơn. Bởi nó lại diễn ra trong cuộc Toàn cầu hóa lần thứ ba (gắn với kỷ nguyên thông tin), khiến cho sự phân biệt và cách biệt giữa Đông và Tây như trong hai cuộc Toàn cầu hóa trước là không còn nữa (4).

Cứ nghĩ như vậy thì lại thấy cần bình tâm trước các hiện tượng đang diễn ra, trong đó có hiện tượng văn hóa phê bình theo nghĩa cổ điển đang thu hẹp lại. Không phải giới phê bình kém người tài. Tôi tìm thấy nhiều người tài trong các bạn trẻ, ở các báo, các trường và viện, và các cơ quan văn hóa, văn nghệ, với ý nghĩ nếu mình còn đồng hành được với họ cũng đã là hạnh phúc… Không phải vì sáng tác kém hay, không có cái hay. Vẫn có, và ngày càng nhiều cái hay trong đội ngũ ngày càng đông các tên sách, tên người thuộc thế hệ 7X trở về sau, gồm cả hội viên và không là hội viên Hội Nhà văn, như Nguyễn Ngọc Tư, Bích Lan, Nguyễn Đình Tú, Phan Việt, Nguyễn Ngọc Thuần, Đỗ Bích Thúy, Phan Triều Hải, Văn Cầm Hải, Vũ Đình Giang, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh, Thụy Anh, Nguyễn Phan Quế Mai… cho đến Nguyễn Trương Quý, Meggi Phạm… Với đội ngũ này, không cần đến giới phê bình họ vẫn có nhiều cách đến với người đọc khi công nghệ thông tinvăn hóa mạng làm được rất nhanh và rất rộng việc giới thiệu, quảng bá cho một tên tuổi nào đấy, không kể khi tác giả đã là một thương hiệu. Vậy thì nếu phê bình là việc không cần thiết nữa, hoặc không cần thiết lắm (5); khi phê bình chỉ là, hoặc nên là một giao hảo tri kỷ giữa người viết và người đọc, một quan hệ Bá Nha – Tử Kỳ thời hiện đại, thì phê bình tự nó phải biến đổi, hoặc biến dạng cho thích hợp với tình thế mới.

Như vậy là, nếu chăm chú quan sát thế giới và nắm được yêu cầu mới của thời đại thì việc viết sách hay làm báo, sáng tác truyện, thơ hay viết tiểu luận- phê bình cũng cần chuyển đổi mục tiêu và phương thức cho nó để tồn tại mà làm nên gương mặt mới cho cuộc chuyển đổi mô hình lần thứ hai của văn chương- học thuật Việt Nam, sau khoảng cách hơn 100 năm. Nhìn vào toàn bộ lực lượng viết trong và ngoài Hội Nhà văn, nhất là ngoài Hội Nhà văn, với tỷ lệ khá đông lực lượng trẻ, kể từ 8X và 9X trở đi, tôi nghĩ là cuộc chuyển động ấy đang diễn ra gấp gáp. Hãy chờ xem những gì sẽ diễn ra, gồm những dự báo và cả những gì chưa hề có trong dự báo, với tỷ lệ hy vọng nhiều hơn thất vọng. Hãy ngược về đầu thế kỷ trước để đứng về phía ủng hộ Tản Đà và Hoàng Ngọc Phách mà thương cho Nguyễn Khuyến, Tú Xương… Rồi đứng về phía Hàn Mặc Tử và Xuân Diệu, Vũ Trọng Phụng và Nam Cao để đưa cả Nguyễn Khuyến, Tú Xương cùng Tản Đà và Hoàng Ngọc Phách vào một ngôi vị cao trong ngôi đền văn học sử. Ba mươi năm đầu thế kỷ XX đã có những cuộc chuyển ngôi ngoạn mục như thế. Ba mươi năm đầu thế kỷ XXI hẳn sẽ diễn ra những gì còn ngoạn mục hơn, tôi mong và tin như thế. Một hình dung cụ thể về gương mặt của sáng tác và phê bình văn học trong tương lai là khó, nhưng chắc chắn chức năng và phương thức thể hiện của cả hai sẽ phải thay đổi, và tác động qua lại giữa chúng, cùng những ranh giới để phân biệt sẽ không còn như cũ.

Tây Hồ 23-24.4.2013


___________________

(*) Bài viết tham gia Hội thảo Nâng cao chất lượng, hiệu quả lý luận, phê bình văn học do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Tam Đảo, tháng 6.2013.

(1) “Một cách tiếp cận vừa từ bên trong vừa từ bên ngoài, vừa khoa học vừa nghệ thuật, với tri thức phong phú từ các nền văn hóa khác nhau và hệ phê bình khác lạ nhưng không quên tri thức khu vực truyền thống. Những góc nhìn vừa mới lạ, vừa trẻ trung đối với các tác giả đương đại của văn học Việt Nam”

(Nhà phê bình Trần Ngọc Vương).

“Đọc văn Đặng Thân, có lẽ phải bỏ thói quen dung túng ngôn ngữ chuẩn tắc, mà phải “xuyên” qua cái vỏ của nó, bằng bất cứ giá nào, để thấu tận lõi, phải “sang sông””

(Nhà thơ Nguyễn Bảo Chân)

“Đặng Thân là một chủ thể khác: vượt lên trên những chủ thể chấn thương.

Đặng Thân là một vũ trụ khác: vũ trụ vượt ra ngoài mọi cõi buồn vui.

Đặng Thân là một tiếng nói khác: tiếng nói không lẫn vào dàn sắc giọng đám đông”

(Nhà phê bình La Khắc Hòa)

(2) Đây là con số được đưa ra trong ngày Hội sách 23/4 – 2013, theo kết quả điều tra tình hình đọc thuộc hệ thống thư viện.

Tất nhiên số người đọc không qua thư viện vẫn còn nhiều. Nhưng sự ngưng trệ hoặc tê liệt của hệ thống thư viện cũng là điều rất đáng nghĩ.

(3) Cho đến đầu thập niên 80 chức năng giải trí mới được nói đến một cách dè dặt.

(4) Cuộc Toàn cầu hóa lần thứ nhất diễn ra từ năm 1492 là năm Christopher Colombus tìm ra châu Mỹ; cuộc thứ hai diễn ra từ 1800, 11 năm sau Cách mạng 1789; và cuộc thứ ba diễn ra từ năm 2000, 11 năm sau bức tường Berlin đổ – 1989.

(5) Khi phê bình phải là “một phương thức chỉ đạo của Đảng trên mặt trận văn nghệ” (Trường Chinh: Về phê bình văn học; 1969) thì nó có một sứ mệnh lớn lắm; sứ mệnh từng được Hồ Chí Minh nói đến trong Thư gửi họa sĩ nhân dịp triển lãm hội họa – 1951: “Văn hóa- nghệ thuật cũng là một mặt trận”. Và, nghệ sĩ phải là “chiến sĩ trên mặt trận ấy”.

Exit mobile version