Văn học vẫn cần lắm những tác phẩm ghi giữ được những ký ức đặc sắc và độc đáo của dân tộc, của đất nước những năm tháng này. Những tác phẩm hay xưa nay còn lại đều qua những nhân vật cụ thể mách bảo, nhắc nhở cho chúng ta những bài học làm người, tổ chức cuộc sống cho xứng với con người. “Vùng sâu” đang nhắc nhở cho người đọc điều đó.

Những ngày tháng 5, nắng như đổ lửa. Ở miền Trung nhiệt độ lên đến 43-44 độ C. Có dịp ghé qua Thành phố Huế vừa trở lại yên lành sau mùa ồn ào Festival, gặp mấy bạn bè văn nghệ: NSND (mới được phong) Bạch Hạc, Phó Giám đốc Nhà hát Cung Đình, NSUT Kiều Oanh, Phó Giám đốc nhà hát Ca kịch Huế, Hiền Lương, Thu Hằng nói c huyện vui buồn những ngày phục vụ khách thập phương; nữ sĩ Thùy Mai, Tiến sĩ Thái Kim Lan, các bậc trưởng lão Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nhất Lâm, các bạn lớp sau, Ngô Minh, cặp họa sĩ song sinh tài hoa Lê Ngọc Thanh, Lê Đức Hải, ai cũng có tác phẩm để tặng. Trên xe trở ra, đọc một mạch xong hơn 300 trang tiểu thuyết Vùng sâu của Tô Nhuận Vỹ. Tới Cửa Hội, Nghệ An, phải nhắn ngay tin cho tác giả: Đã đọc xong. Sách của ông làm tôi mất nhiều nước mắt quá! Chạnh nhớ câu người xưa: Tuổi già, hạt lệ như sương, mà không biết thế là nhiều hay ít, trong hay đục?

Mấy dòng này, ghi vội cảm nhận của một người đọc về cuốn tiểu thuyết vừa nhận được giải thưởng văn học mang tên Phùng Quán.


Có lẽ, đã lâu mới được đọc một tiểu thuyết có lối kể chuyện quen thuộc mà lại gợi, đọng được nhiều suy nghĩ về nhân tình thế thái mang đậm tính thời sự như thế.

Nói quen thuộc, vì về hình thức, Vùng sâu tuân thủ nghiêm ngặt những khuôn phép của hệ hình phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa, ấy là phản ánh hiện thực trong quá trình phát triển đi lên của nó. Thái độ, lập trường tác giả rất rõ, xây dựng được các nhân vật điển hình trong hoàn cảnh điển hình, thế giới nhân vật chia hai tuyến rõ rệt, xấu ra xấu, tốt ra tốt, có những nhân vật tích cực, nhân vật lý tưởng, kết hợp được cảm hứng hiện thực với cảm hứng lãng mạn, và sau cùng là có một cái kết rất có hậu: cái xấu sắp bị bóc mẽ, bị trừng phạt; những người tốt, qua bao thăng trầm, bầm dập, oan khuất được phục hồi và được nhận những phần thưởng lý tưởng nhất: Có một mối tình thật đẹp, lại được tổ chức tin dùng, sắp xếp công việc, chức tước (có cần thế không?). Đó là một tiểu thuyết hấp dẫn, đầy lãng mạn, nhiều chỗ lấy được nước mắt người đọc.

Hình như đây là cách lựa chọn có ý thức của một nhà văn đã có nhiều kinh nghiệm viết tiểu thuyết: Dòng sông phẳng lặng (3 tập, tái bản sáu lần), Ngoại ô, cả hai đều đã được dựng phim, Phía ấy là chân trời. Bởi, vấn đề tác giả đề cập là một sự thật lịch sử, một di chứng lịch sử nhức nhối, làm thao thức bao phận người, mà đến hôm nay còn nhiều trường hợp chưa có hồi kết.

Chỉ cần nhớ đến chuyện chưa kể hết về các vị cán bộ tình báo chiến lược, nhiều vị là cấp tướng. Mấy năm trước, trên Tuổi trẻ có loạt bài về quá trình gian khó đi tìm lại sự trong sạch lịch sử cho nhiều Đảng viên, Cán bộ từng bị kỷ luật oan trong chiến tranh ở mấy tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chuyện của người Chỉ huy biệt động Sài Gòn Tư Chu- Nguyễn Đức Hùng vừa qua đời, mà chiến công bao lần làm rung chuyển thành phố, bao nhiêu chiến sĩ của ông được tuyên dương anh hùng. Riêng ông, hơn 35 năm sau giải phóng, khi nằm trên giường bệnh mới nhận được sự công nhận của tổ chức.

Ở quê tôi, xã Vĩnh Tú- Vĩnh Linh- Quảng Trị, trên mộ phần người lập Chi bộ Đảng 1930, từng chỉ huy bao cuộc đấu tranh lớn, tham gia chỉ huy đội Du kích Ba Tơ, Chỉ huy trưởng mặt trận Nha Trang 1947, bên cạnh câu liễn: Đất nước dọc ngang lòng chung thủy/ Nhân dân muôn thuở nhớ công ơn, còn ghi câu: Uy danh khanh tướng cũng như ai/ Lòng trung lời thẳng, thế mà sai/ Đảng quên dân nhớ, chờ chân lý/ Suối vàng tin tưởng có ngày mai!

Ngày 19 và 20 tháng 5 vừa rồi, tại Đà Nẵng diễn ra cuộc gặp mặt: Nhìn lại phong trào đấu tranh yêu nước của Thanh niên- Sinh viên- Học sinh- Trí thức- và Văn nghệ sĩ giai đoạn 1945-1975 của một số người từng là thủ lĩnh, nòng cốt và hạt nhân trong phong trào tuổi trẻ tranh đấu tại các đô thị ở miền Nam, nhiều người được biết đến vì sự gan dạ, can trường, khí phách khi chịu đòn roi tra tấn: Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Lê Quang Vịnh, Lê Công Cơ… Đã có một số tiểu thuyết viết về phong trào tranh đấu đặc sắc này. Học phí trả bằng máu của Nguyễn Khắc Phục từng bị đốt ở Huế, nói lên tính không đơn giản khi đánh giá vai trò các cá nhân trong phong trào.

Nhưng, đó là chuyện của một thời kỳ đã vĩnh viễn lùi vào lịch sử. Dẫu có muôn vàn cách tân cả về sáng tác và lý luận, văn học, nếu không muốn tự biến mình thành một trò chơi vô tăm tích, tự đánh mất vai trò xã hội, thì không thể trốn tránh trách nhiệm, sứ mệnh của mình là lưu giữ lại ký ức của một dân tộc, một thời đại cho muôn đời sau bằng những tác phẩm cụ thế. Bao thời đại huy hoàng hay đau khổ từng bị đánh chìm trong dòng thác vô tình của thời gian vì không tìm được những vật chứng có khả năng lưu giữ những hình ảnh của thời mình. Khi công nghệ truyền thông đa phương tiện phát triển, kỹ năng dịch thuật và in ấn có nhiều thuận lợi, vì vụ lợi, nhiều người có năng lực tham gia đội ngũ còng lưng khuân vác những sản phẩm văn hóa đã có sẵn của nhiều xứ sở, nhiều thời đại về lấp đầy cái dạ dày vô lượng của văn hóa tiêu dùng, mà ngại đầu tư công sức, tài năng để sáng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật, sản xuất được những con tàu chứa chở được ký ức về thời đại mình đi vào tâm trí con người tương lai, là chúng ta đang thừa nhận sự bất tài, bất lực của người cầm bút.

Vì thế, muốn hay không, những năm tháng mà dân tộc vừa đi qua để giành được độc lập, thống nhất vẫn là một đề tài lớn của Văn học. Hơn thế, bao nhiêu vấn đề của những năm chiến tranh, của một đất nước có chiến tranh còn tồn tại và hiển lộ ở nhiều nơi trong cuộc sống ở thì hiện tại.

Vùng sâu đã làm hiển lộ một mạch sống được tiếp nối đó.

Mấy nhân vật chính gặp nhau trong những năm cuối Chiến tranh khốc liệt. Ngay thời gian đó đã phát sinh những quan hệ khá rối rắm trong chiến tranh: số phận những người từng bị bắt bớ, tù đày. Vốn là lớp trẻ lớn lên trong đô thị bị chiếm, nhưng hiểu được hoàn cảnh, khi được giác ngộ họ chọn lối sống có lý tưởng, có chí lớn. Xông lên hàng đầu trong cuộc đương đầu với kẻ địch trên đường phố. Bắt bớ, tù đày, tra tấn không làm họ khuất phục. Phước là một người như thế. Biết là không thể dùng vũ lực khuất phục anh ta, CIA Mỹ chọn một ngón đòn hiểm hơn, trả tự do cho anh và ngụy tạo một hồ sơ giả là Phước được tha vì đã chiêu hồi, nhận làm người của kế hoạch hậu chiến. Phước không biết điều đó. Ngày giải phóng, đang cùng bạn trẻ hăng hái lên đường khai hoang, với cương vị Tiểu đoàn trưởng, Phước bị gọi về. Không ai tuyên bố rõ ràng, nhưng Phước bị vô hiệu hóa từ đó. Hàng chục năm, Phước- chàng thủ lĩnh phong trào tranh đấu, người tù gan dạ, can trường trước muôn vàn đòn roi ác ôn, giờ phải kiếm sống bằng nghề đạp xích lô, trong hoàn cảnh ngặt nghèo vẫn giữ được phẩm hạnh thanh cao, trong sạch. Để kiến thức không rơi rụng, anh tự biến mình thành một người nghiên cứu Huế.

Hoài, một chàng trai Hà Nội, được đào tạo chu đáo về nghiệp vụ, được cử vào chiến trường khi còn chiến tranh làm công tác bảo vệ An ninh nội bộ. Việc đầu tiên anh được phân công là kiểm tra một nữ Đảng viên vừa ra tù trong một trường hợp bất thường. Lòng cảm phục đã chuyển thành tình yêu với người nữ Đảng viên từng bị bầm dập, dày vò trong lao tù. Đó là Thảo. Để chứng minh cho sự trung thành, kiên định của Thảo, Hoài đã giao cho Thảo nhiệm vụ bảo vệ một đồng chí Cán bộ quan trọng của Thành ủy đi kiểm tra tình hình. Đồng chí Cấp ủy đã dùng quyền lực của mình để có thể xác nhận, đưa Thảo trở lại đội hình chiến đấu. Trong hầm bí mật chỉ có hai người, nghĩ là như bao lần được đồng bào tin yêu, dâng hiến cho mình những gì quý báu nhất, kể cả tính mạng, coi bảo vệ cán bộ là bảo vệ Đảng, đồng chí cấp ủy đã làm cái việc thông thường của nam nữ với người bảo vệ. Không có tình cảm nhưng Thảo nghĩ, có thể dây là một phương thức để kiểm tra, một dịp để thể hiện lòng trung thành nên chấp nhận. Sẽ là điều có thể xảy ra trong chiến tranh. Nhưng rồi, Thảo có mang, và rồi đồng chí cấp ủy đã không thừa nhận đứa con là của mình vì điều đó có thể ảnh hưởng tới sự thăng tiến tương lai.

Đất nước giải phóng. Bọn họ lại trở về thành phố. Hoài, chàng trai Hà Nội tiếp tục công việc cũ. Lần này tìm hiểu để xác minh trường hợp của Phước. Thảo vẫn làm một công việc bình thường để nuôi con gái vì tội có con không chồng. Chỉ có vị cán bộ xưa, giờ là người quan trọng và sắp được giữ một chức vụ quan trọng hơn. Hoài và Thảo thương yêu, gần gũi bên nhau mà không tới được với nhau, vì còn bức tường bí mật của vị lãnh đạo và đứa bé xưa, giờ đã sắp là một thiếu nữ xinh đẹp.

Kể thì nhanh, nhưng trong cuộc đời, chịu đựng bức bí hàng chục năm với Hoài, Thảo, Phước, với bao bí mật, oan ức, bao nghi kỵ, bao đói rét, bệnh tật quả là không dễ. Mọi sự chỉ được giải thoát khi có một nàng tiên từ Thủ đô Hà Nội xuất hiện. Trinh, con gái một quan chức ngoại giao, vối là em gái người yêu đầu tiên của Hoài (đã mất), khi trưởng thành, bằng linh cảm, tài trí, quan hệ quốc tế và cao cấp rộng rãi, đã làm rất nhiều, rất nhiều việc, kể cả sang tận sào huyệt một nhân viên CIA xưa- tác giả kế hoạch làm cho một chàng trai kiên trinh, bất khuất bị thân bại, danh liệt mà không mất một chút sức lực nào- giờ về đi dạy học, muốn quên chuyện nhơ nhuốc xưa, để giúp làm sáng tỏ trường hợp của Phước.

Đây là nhân vật thể hiện tập trung, rõ ràng nhất cảm hứng lãng mạn của nhà văn ở tuổi cổ lai hy: Trinh tập họp những gì đáng yêu nhất của một người con gái: thông minh, sắc sảo, chủ động, giỏi trong ứng xử, rạch ròi trong công việc và tình cảm. Nhưng có lẽ, nó cũng bộc lộ rõ nhất sự bất lực khi giải quyết bài toán trần thế của tác giả.

Thực ra, tác giả đã chạm vào một vỉa quặng hiện thực rất giàu các nguyên tố để làm nên những bão táp, cuồng phong dữ dội và dai dẳng trong thế giới tâm thức của con người trong các cuộc chiến tranh. Mà cuộc chiến tranh chúng ta vừa đi qua, trong thì hiện tại. với một kẻ thù vừa giàu có về vật chất và trí tuệ nên vô cùng nham hiểm: càng lịch sự, càng trí thức càng nham hiểm- giết người không cần gươm dao. Ngay cả khi nó không còn hiện diện, thì chất độc của nó gieo lại vẫn đủ sức phát tác cho những người còn lại giết nhau.

Mà cay đắng, là ngay trong lịch sử hiện đại thôi, ở nhiều quốc gia lớn nhỏ, cả những vị nguyên thủ nổi tiếng tài trí, thông minh, mưu lược, sau chiến thắng cũng để bàn tay của mình nhuốm máu bao đồng chí, đồng đội trung kiên, vì sự chuẩn bị của kẻ thù.

Mặc dầu, tác giả để cho các nhân vật cắt nghĩa, như, có thể chăng, trong chiến đấu, những người gan dạ, thông minh, dũng cảm, trung thực nhất ta đã đưa ra phía trước để giành thắng lợi về quân sự, nên những người làm n hiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ, cũng như Tổ chức can bộ, đã không đủ tầm, đủ tâm, đủ trí để vượt qua cái bẫy của kẻ thù? Có thể điều đó cũng đúng trong một số trường hợp cụ thể. Nhưng quan trọng hơn, đây là bi kịch lịch sử, sản phẩm của những cuộc đối đầu triền miên, dai dẳng nhân danh nhiều thứ khác nhau: tôn giáo, thể chế chính trị, giai cấp, sắc tộc. Ngay các quốc gia có cùng hệ tư tưởng cũng không tránh khỏi các tranh chấp, đối đầu, thậm chí chiến tranh vì các quyền lợi vật chất khác. Sự cảnh giác không bao giờ thừa. Đây là sự lãng phí tài trí lớn, đánh mất hạnh phúc của bao phận người khi thế giới còn sự đối đầu. Hơn một lần, như để tìm nguyên nhân, tác giả phải cho nhân vật thét lên:

– Nhưng tôi buồn, có lúc buồn khôn tả, là sao chúng ta ít lòng tin ở con người đến thế, sao chúng ta dễ dàng đánh mất lòng tin ở đồng chí, đồng đội đến thế? Dễ dàng đến độ khó tin nổi: Có lúc nhanh chóng tin sự “ân hận” của kẻ mới hôm qua là kẻ thù hơn cả sự chân thành của người vừa cùng mình đổ mồ hôi và đổ cả máu trong căn hầm bí mật. Vì sao lạ kỳ và bất công như thế? (trang 132)

Hình như đúng mà cũng không hoàn toàn như thế. Kẻ địch tiếp tục thắng khi chúng ta nghi ngờ, mất lòng tin ở nhau.

Nhưng trong thế trận này, chỉ riêng lòng tin chưa giải quyết được bài toán cao cấp mà sự phân hóa thường xuyên phát sinh bất ngờ trong tiến trình phát triển của đời sống xã hội. Đây là mảnh đất giàu có cho sự phân tích tâm lý của con người ở một đất nước liên miên có chiến tranh, đã và đang có sự phân hóa các giai tầng trong xã hội, một bộ phận đã giành được quyền lực, khi chưa t ìm ra phương thức sử dụng nó để tạo ra sự phát triển đồng đều cho mọi người lại hăm hở và có khi trắng trợn mưu sinh cho dòng tộc, họ hàng, bất chấp lời cảnh báo: Chỉ sống vì gia đình là ý nghĩ của loài cầm thú. Chọn giải pháp lãng mạn, quy nguồn gốc cho mọi oan khuất, bất hạnh bởi sự thiếu liêm chính của một vài cá nhân, dẫu ở cương vị nào, vẫn là chọn một đáp án đơn giản cho một bài toán xã hội muôn phần phức tạp. Một khi toàn khối tư bản Thế giới hào phóng dốc tiền của, kỹ thuật công nghệ cho chúng ta xây dựng một nhà nước Xã hội Chủ nghĩa, cấu trúc Xã hội không che dấu sứ mệnh lịch sử đào mồ chôn Chủ nghĩa Tư bản, thì tinh thần cảnh giác phải muôn phần đáng đề cao, bởi hiện thực ở nhiều nước, chưa biết ai sẽ chôn ai.

Nghĩ thế, để thấy, văn học vẫn cần lắm những tác phẩm ghi giữ được những ký ức đặc sắc và độc đáo của dân tộc, của đất nước những năm tháng này. Những tác phẩm hay xưa nay còn lại đều qua những nhân vật cụ thể mách bảo, nhắc nhở cho chúng ta những bài học làm người, tổ chức cuộc sống cho xứng với con người. Vùng sâu đang nhắc nhở cho người đọc điều đó.

Ngô Thảo

Nguồn: Vanhocquenha.vn