Bức ảnh “Bác Hồ bắt nhịp bài ca Kết đoàn” của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Lâm Hồng Long đã trở thành biểu tượng của tinh thần đoàn kết dân tộc. Ở đó, chân dung vị lãnh tụ hiện lên thật giản dị, gần gũi với thần thái ung dung, tự tại. Bác không chỉ là người chỉ huy dàn nhạc giao hưởng hôm ấy mà còn là người nhạc trưởng vĩ đại của cả dân tộc Việt Nam.

Bác Hồ bắt nhịp bài ca kết đoàn. Ảnh TL

Đã gần 60 năm trôi qua, hình ảnh Bác Hồ cầm đũa nhạc trưởng bắt nhịp cho cả dàn nhạc giao hưởng tấu bài ca Kết đoàn vẫn như nhắc nhớ chúng ta một điều gì đó, trọng đại hơn một sự kiện, dẫu là rất đặc biệt. Vâng! Đó chính là thông điệp mà Bác muốn gửi tới tất cả mọi người, kể cả khách nước ngoài đang có mặt tại sự kiện hôm ấy: “Đoàn kết, Đại đoàn kết! Thành công, Đại thành công!”. Cách mạng Việt Nam dù còn nhiều khó khăn gian khổ, nhưng nếu toàn dân đoàn kết một lòng chắc chắn sẽ thành công!

Sinh thời, Bác Hồ đã khẳng định: “Nhờ đại đoàn kết mà trong bao thế kỷ nhân dân Việt Nam đã bảo vệ được độc lập, tự do của mình. Nhờ đại đoàn kết mà nhân dân Việt Nam đã đánh thắng chủ nghĩa thực dân, làm Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến thắng lợi. Nhờ đại đoàn kết toàn dân mà nhân dân Việt Nam chúng ta nhất định thống nhất!”. Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về đại đoàn kết dân tộc có tính chiến lược, xuyên suốt lịch sử và quá trình cách mạng. Còn nhớ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa vừa ra đời, khó khăn chồng chất khó khăn, thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt… hoành hành thì sức mạnh nào giữ cho con thuyền cách mạng vượt qua hoàn cảnh “ngàn cân treo sợi tóc”đây? Người cầm lái cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc. Người dạy: “Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà”. Chính với tinh thần ấy Bác kêu gọi toàn dân kháng chiến: “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm… tất cả phải đoàn kết đánh đuổi giặc cướp nước!”.

Cuộc kháng chiến cứu nước thắng lợi do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân lớn nhất, cơ bản nhất là toàn dân đoàn kết một lòng xung quanh Bác, bởi vì Bác khơi nguồn đoàn kết, Bác tin vào sức mạnh vô địch của đoàn kết, Bác tin tưởng vào toàn dân. Bác tin như thế và Bác truyền niềm tin ấy cho mọi người để đoàn kết. Người khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa cũng là người thực hành tinh thần đại đoàn kết một cách mẫu mực và trong sáng. Trong bộ máy của nhà nước công nông non trẻ, có rất nhiều nhân sĩ trí thức của chế độ cũ được Bác Hồ trọng dụng, như Phạm Khắc Hòe, Bùi Bằng Đoàn… và cả vua Bảo Đại vừa thoái vị. Đặc biệt, trong Chính phủ của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa non trẻ chúng ta thấy có một vị là Phó Chủ tịch từng là chủ bút báo Tiếng Dân, một tờ báo đã có lúc đăng công khai quan điểm coi những việc làm của những người cộng sản là rất khó có thể thành công! Cụ là Huỳnh Thúc Kháng, người được Hồ Chí Minh nể trọng và đánh giá rất cao về uy đức và trí tuệ. Bởi vậy, ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, cuối năm 1945, Hồ Chủ tịch đã hai lần viết thư mời cụ Huỳnh Thúc Kháng ra giúp việc cho Chính phủ. Rồi trong những ngày dầu sôi lửa bỏng năm 1946, trước khi sang Pháp thực hiện chuyến công du nước ngoài lâu ngày, Bác Hồ đã ký sắc lệnh ủy nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, một nhân sĩ ngoài Đảng Cộng sản, làm quyền Chủ tịch nước, với lời dặn dò gan ruột: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến!”. Và Cụ Huỳnh đã đảm nhiệm công việc một cách trọn vẹn.

Sau chuyến công tác từ nước Pháp trở về, Bác đã vận động được bốn trí thức Việt kiều yêu nước cùng theo về tham gia xây dựng đất nước là kỹ sư Võ Quý Huân, bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư Võ Đình Quỳnh và nhà khoa học Phạm Quang Lễ, tức giáo sư Trần Đại Nghĩa khả kính sau này. Tiếp đó, những trí thức lớn khác đang ở Pháp như: Nguyễn Khắc Viện, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo v.v… cũng nghe theo lời kêu gọi của Hồ Chí Minh, trở về Việt Nam tham gia kháng chiến cứu nước. Trong bối cảnh đất nước còn muôn vàn khó khăn thiếu thốn, các trí thức này đã có những đóng góp to lớn vào công cuộc kháng chiến và sau này là kiến quốc của toàn dân tộc. Những con người ấy nay không còn nữa nhưng tên tuổi của họ sống mãi cùng cách mạng Việt Nam. Có thể nói Bác là “niềm tin tất thắng”, là sức hấp dẫn diệu kỳ vì tinh thần đại đoàn kết dân tộc. Nhắc lại những sự kiện đặc biệt, những nhân vật đặc biệt trên đây để thấy Bác coi trọng đoàn kết dân tộc như thế nào. Vì thế, khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa ra đời, có nhà báo nước ngoài hỏi rằng Bác là người của Đảng phái nào? Bác đã trả lời là mình không ở đảng phái nào cả và nếu như có thì đó là Đảng của dân tộc Việt Nam. Trả lời như thế bởi Bác đặt đoàn kết dân tộc lúc bấy giờ là tối thượng, là điều kiện quyết định sự thắng lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cách mạng Việt Nam giành được những thắng lợi vĩ đại với tinh thần đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần quốc tế cao cả. Có thể nói, Bác là tượng đài của tinh thần đoàn kết quốc tế. Ở đâu nhân dân bị áp bức là ở đó hình tượng Hồ Chí Minh sáng ngời với niềm tin tất thắng. Đối với bạn bè quốc tế, suốt đời Bác cống hiến cho sự đoàn kết các đảng anh em, Bác tự hào với phong trào quốc tế bao nhiêu, Trong Di chúc thiêng liêng, Bác đau lòng vì sự bất hòa hiện nay giữa các đảng anh em. Bác dặn: “Đảng ta phải ra sức hoạt động góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đại đoàn kết giữa các đảng anh em”. Rộng hơn là khối đoàn kết với nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh có mối quan hệ thân thiết và gần gũi với nhiều nhà lãnh đạo của nhiều nước trên thế giới; trước tiên là của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Nhờ tình bạn thân thiết ấy mà tình đoàn kết chiến đấu giữa ba dân tộc Việt Nam – Lào – Campuchia tuy trải bao thăng trầm, nhưng vẫn thủy chung bền chặt. Chủ tịch Hồ Chí Minh của dân tộc Việt Nam cón có mối quan hệ thân thiết với nhiều nhà lãnh đạo các nước trên thế giới, như: Ấn Độ, Indonesia, Cu Ba… Diệu kỳ thay Hồ Chí Minh, một lãnh tụ cộng sản lại được thế giới công nhận là anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất! Bởi văn hóa chính là sự thương yêu con người, là sự đoàn kết vì một thế giới đại đồng, một thế giới không có chiến tranh, áp bức, một thế giới hòa bình, hợp tác và hữu nghị. Xu hướng ấy cũng là niềm mơ ước của tất cả các dân tộc bị áp bức và lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới! Nhân loại ca vang bài ca Hồ Chí Minh bởi Người là tương lai, Người là mơ ước của những con người biết đoàn kết vì một thế giới tự do, bình đẳng và bác ái! Ngày nay, chủ trương Việt Nam là bạn của tất cả các nước, là đối tác đáng tin cậy và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, chính là kế thừa sâu sắc tư tưởng đại đoàn kết của Hồ Chí Minh.

Tròn 50 năm trước, trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho toàn Đảng, toàn dân trước lúc vĩnh viễn đi xa, Bác đã “trước hết nói về Đảng” và nội dung đầu tiên của “trước hết nói về Đảng” là vấn đề đoàn kết trong Đảng. Bác dặn: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Lời Bác dặn dò như vậy là quá đủ sâu sắc! Con người ta “giàu đôi con mắt”; và trong con mắt thì con ngươi là tất cả! Giữ gìn đoàn kết trong Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình là một yêu cầu sinh tử. Trong toàn bản Di chúc, hai chữ “đoàn kết” được Bác nhắc tới 8 lần. Mặc dù được chỉnh sửa, bổ sung trong vòng 4 năm nhưng dung lượng và nội dung Người viết về đoàn kết hầu như không hề thay đổi. Điều đó chứng tỏ suy ngẫm của Người về vấn đề đoàn kết hết sức kỹ lưỡng và thấu đáo.

Hơn lúc nào hết, trong giai đoạn hiện nay, tư tưởng đoàn kết của Hồ Chí Minh cần được quán triệt sâu sắc. Bởi vì trong công cuộc xây dựng và chỉnh đốn Đảng trong sạch vững mạnh, cũng như trong công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái, tự diễn biến… không ít kẻ xấu đang lợi dụng hòng làm lung lay sự đoàn kết nhất trí của Đảng, khoét sâu hố ngăn cách giữa “bộ phận không nhỏ” thoái hóa biến chất với nhân dân thành hố sâu ngăn cách giữa Đảng và nhân dân. Trong hoàn cảnh ấy, sự đoàn kết nhất trí trong toàn đảng, toàn dân hơn lúc nào hết cần được quan tâm hàng đầu, thể hiện nói đi đôi với làm trên nền tảng dân là gốc, “mở rộng dân chủ trong Đảng” như di huấn của Bác Hồ. Tất nhiên, đoàn kết không có nghĩa là thỏa hiệp, là buông thả để cho “bộ phận không nhỏ” tha hóa biến chất làm mất lòng tin của nhân dân. Chúng ta đau xót phải kỷ luật những người đồng chí của mình, nhưng không thể không làm vì sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Đảng không có lợi ích nào khác ngoài lợi ích của nhân dân. Đảng mạnh bởi có niềm tin tuyệt đối của nhân dân. Không thể thỏa hiệp, bao che cho những kẻ làm cho niềm tin ấy mai một, méo mó với chiêu bài “giữ đoàn kết nội bộ”! Chiêu bài ấy vừa xưa cũ, vừa hết sức nguy hiểm!

Muốn có đoàn kết thực sự thì phải thực sự vì dân, cùng nhân dân vượt qua gian khổ, khó khăn. Đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền phải đi đầu vào nơi gian khổ, phải nêu gương sáng, phải loại bỏ những người không xứng đáng trong hàng ngũ của mình để thực sự là khối đoàn kết nhất trí, là đội tiên phong cùng toàn dân xây dựng đất nước. Đảng viên phải sống hòa đồng cùng nhân dân, không chia bè chia phái, không “xây nhóm lợi ích” để tạo cho nhau đặc quyền, đặc lợi, để sống trên dân, xa dân, trái với Di chúc của Bác Hồ.

Trước thềm Đại hội lần thứ XIII của Đảng, mỗi đảng viên, mỗi người dân tưởng nhớ về Bác Hồ kính yêu hãy suy ngẫm và hành động như đang được “Bác bắt nhịp bài ca kết đoàn”. Có như vậy, nước Việt Nam của chúng ta mới thực sự có hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Dân ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành và sống trong tự do hạnh phúc, đúng như mong ước cao nhất của Bác Hồ!

……………………….

(*) Nguyên GĐ sở VHTT Hà Nội; nguyên Phó CN Ủy ban văn hóa, giáo dục thanh-thiếu niên & nhi đồng của Quốc hội.