Hai bài viết của nhà văn Sương Nguyệt Minh (thay lời tựa) và nhà thơ Nguyễn Liên Châu (lời bạt) in trong tâp tiểu thuyết Ngược Mặt Trời đã nói khá sâu sắc về nội dung của tác phẩm và những nỗ lực văn chương đáng trân trọng của Nguyễn Một. Tôi không nhắc lại để khỏi làm mất thời gian của bạn đọc.
Sau đây là những ý nghĩ rời rạc của tôi khi đọc tập tiểu thuyết này.
1. “Tiểu thuyết rời rạc”
Nhà văn Nguyễn Một gọi tác phẩm của mình là “tiểu thuyết rời rạc” và nhà thơ Nguyễn Liên Châu đã nói khá kỹ về tính chất “rời rạc” của Ngược Mặt Trời trong lời bạt. Tôi không nghĩ như vậy. Ngược Mặt Trời được viết chặt chẽ, công phu, giàu cảm xúc và giàu năng lực sáng tạo. Không hề có chỗ nào là rời rạc. Bạn đọc không thể đọc đảo ngược các chương của tập truyện, càng không thể đọc theo kiểu “vớ được chương nào thì đọc chương nấy như đọc những truyện ngắn độc lập”.
Bởi vì, Ngược Mặt Trời được kể theo cấu trúc cổ điển. Nhân vật bước đi theo số phận. Các sự việc được sắp xếp theo tuyến thời gian, tuyến định mệnh (lời tiên tri của ông Bảy Đò về cái chết của Hà. Tr.185), tuyến nhân quả (cha ông tử đạo, con cháu bỏ đạo và bị trừng phạt.tr 116-tr.141). Mỗi chương lại được kết nối với chương sau bằng một tình tiết kết nối liền mạch, logic. Một cấu trúc nhiều tầng lớp như thế sao lại là “rời rạc”. Tôi nhìn thấy sự tài hoa của Nguyễn Một trong việc tổ chức các lớp lang, sự xuất hiện của từng nhân vật và số phận của họ; cách nhà văn lý giải các vấn đề, cách nhà văn sử dụng “đa phương tiện” cho mục đích viết. Hơn thế Nguyễn Một còn tài hoa trong việc sử dụng nhiều thủ pháp.
Thủ pháp chính là thủ pháp “hồi ức”. Tác giả miêu tả nhân vật đang hành động trong hiện tại, nhân một sự việc nào đó, nhớ lại và hình ảnh đời sống quá khứ hiện về. Thủ pháp này chiếm lĩnh phần lớn trong việc xây dựng các nhân vật, nó tạo nên tầng hiện thực chồng lên trên thực tại. Tuy vậy, điều này không mới. Thủ pháp thứ hai là xáo trộn quá khứ và hiện tại. Đang kể chuyện nhân vật ở hiện tại, chương sau kể chuyện nhân vật ở quá khứ, khiến cho người đọc dễ mất phương hướng thời gian giữa các thế hệ nhân vật, và lạc mất tuyến truyện chính là câu chuyện kể về nhân vật Nguyễn Chạc. Thủ pháp thứ ba là gán cho nhân vật một khả năng siêu nhiên và tận dụng khai thác khả năng đó để tái hiện cuộc sống ở phần bị che khuất. Nhân vật Chín Toàn (tr. 68), từ khi bị mù, ông có thể nhìn thấy và nói chuyện với hồn người chết; cũng vậy Nguyễn Chạc (tr. 51) trong những cơn mộng du, nói chuyện với hồn ma người lính chết trận. Chương Không tìm lại được (tr. 124), Nguyễn Chạc lang thang trong rừng, gặp hồn ma người lính Lê Văn Hải, và nghe Hải kể lại cái chết của mình. Qua đó Nguyễn Một bày tỏ quan điểm của mình về cuộc chiền tranh trong quá khứ. Thủ pháp thứ tư là cho nhân vật mẹ Têrêsa chìm vào những suy nghiệm “mạc khải” lúc cầu nguyện, từ đó Nguyễn Một nói về những vấn đề của lịch sử : lịch sử đạo Công Giáo bị bách hại và lịch sử thực dân Pháp xâm lược nước ta. Nguyễn Một để cho mẹ Têrêsa hội kiến với hai thánh tử đạo là Matthêu Lê Văn Gẫm (tr.111) và Cha Mạc Danh Du (Josep Marchand-Giuse Du-tr133). Mẹ Têrêsa cũng chất vấn Cha Bá Đa Lộc (tr. 147).
Nhờ sử dụng những thủ pháp ấy, Nguyễn Một có điều kiện mở rộng biên độ thời gian không gian cho câu truyện. Tính hư cấu của tiểu thuyết cho phép nhà văn sử dụng mọi biện pháp để sáng tạo. Nguyễn Một đưa nhiều mẩu chuyện dân gian vào tác phẩm, chẳng hạn, chuyện tìm mộ người chết (tr.71), thầy địa lý chỉ kho báu (tr 93), chuyện Đức Mẹ hiện ra (143- người đọc có thể lần ra dấu vết ở Đức mẹ Tào Pao hay hiện tượng ở Bạch Lâm Đồng Nai những năm gần đây), chuyện giết trinh nữ làm thần tài giữ của (tr.94), chuyện cạm bẫy bí mật trong kho báu cùng với những bùa chú… Nếu nhìn ở cấp độ thủ pháp xây dựng tác phẩm, tôi không thấy có gì là mới, là cách tân trong tư duy nghệ thuật tiểu thuyết ở Ngược Mặt Trời. Tôi ngờ rằng Nguyễn Một muốn viết một tác phẩm theo kiểu bút pháp Hiện Thực Huyền Ảo, bởi chiếm đa phần trong nội dung tập truyện là hiện thực được tái hiện trong ký ức, trong những hồi ức, những “mạc khải”, những mộng du, trong thế giới của hồn ma, của cổ tích,.
2. Một cốt truyện “rời rạc”
Theo dõi hành động truyện và số phận của nhân vật chính Nguyễn Chạc, người đọc thường bị mất dấu vết của nhân vật này ở hiện tại. Chạc là nhiếp ảnh gia. Chán thành phố chật hẹp, anh trở về làng quê, nhưng làng quê ấy đã mất tích hoàn toàn, chỉ còn trong ký ức của anh. Suốt tập truyện, người đọc chỉ thấy anh lang thang nơi này nơi kia. Và không có hành động gì làm phát triển cốt truyện. Thành ra câu chuyện về nhân vật này thật đơn giản. Chương mở đầu, Nguyễn Chạc dẫn cô gái Ngân Hà lên đồi để chụp ảnh nude, kiểu chụp ngược ánh sáng mặt trời. Sau đó, bằng phép liên tưởng tác giả kể về những nhân vật khác với nhiều hồi ức, kết cấu truyện phân nhánh như nhánh cây, đến chương Năm hai mươi lăm tuổi của Ngân Hà (tr. 180), cốt truyện mới trở lại việc chụp hình, sau một năm Chạc không đụng đến máy. Và lần này những hình Nguyễn Chạc chụp, khi in ra, không thấy Hà, chỉ thấy những cơn lốc (tr. 207), Chạc thấy Hà bay vào vùng ánh sáng mặt trời. Câu chuyện của Chạc khắc họa một chủ đề: không thể tìm thấy được những gì đã mất, không thể giữ được những gì không thuộc về mình. Và câu chuyện của Nguyễn Chạc chỉ là một chuyện tình lãng mạn, đơn giản.
Những chuyện khác kể theo nhân vật này, chuyện của Chín Toàn, Hoàng Thạch, ông Bảy chèo đò, Trần Danh-Hoàng Lan, Mẹ Têrêsa ..là để tác giả trình bày những chủ đề khác. Đó là chủ đề về lòng tham, lòng thù hận của con người, về chiến tranh, về đạo Công Giáo bị bách hại ở Việt Nam, về nhân vật lịch sử Bá Đa Lộc. ..
Vì Ngược Mặt Trời là tiểu thuyết hư cấu, kiểu Hiện Thực Huyền Ảo, có nhiều yếu tố hoang tưởng, nên những vấn đề lịch sử (tôn giáo, chiến tranh) do tác giả đặt ra không thể xem xét ở góc độ hiện thực của khoa học lịch sử, dù tác giả có dựa trên tư liệu lịch sử để hư cấu. Thí dụ viết về hai vị thánh tử đạo Việt Nam Matthêu Lê Văn Gẫm (tr.111) và Cha Mạc Danh Du (tức Josep Marchand-Giuse Du-tr133), phần tư liệu chính lấy từ tiểu sử các thánh tử đạo Việt Nam. Tác giả chỉ tiểu thuyết hóa phần trình bày cho phù hợp với nội dung câu chuyện đang được kể.
Điều có thể thấy rõ nhất tính chất “rời rạc” trong cách miêu tả của Nguyễn Một là sự mơ hồ, đứt đoạn khi nói về cuộc chiến. Cuộc chiến không được miêu tả cụ thể-lịch sử, không có những sự kiện, những cột mốc không gian, thời gian. Chỉ có những hồn ma nơi này, nơi kia kể lại cái chết của mình. Sự rời rạc còn do mạch kể đứt đoạn về không gian. Không có một không gian cụ thể làm bối cảnh, mà những không gian khác nhau ở những thời điểm khác nhau, dù có dấu vết Bửu Long, núi Chúa,…Do tính chất “rời rạc”(không hiện thực) này, các vấn đề Nguyễn Một đặt ra không có khả năng trở thành những vấn đề cần được giải quyết trong hiện thực. Nói cách khác, nếu nhà văn có tham vọng muốn nêu và giải quyết những vấn đề lớn của hiện thực và lịch sử, thì tôi e rằng Ngược Mặt Trời chưa đủ sức gánh vác nhiệm vụ mà tác giả trao cho tác phẩm
Ngược Mặt Trời tô đậm chủ đề về lòng hận thù. “Ta quan sát nhiều thế kỷ qua rồi, ta biết, con người ở thế giới bên kia-thế giới của cha mẹ cháu-bị tham vọng, hận thù tàn phá, rồi cháu sẽ thấy họ sẽ còn tàn sát nhau”(tr.86). Chiến tranh, cũng chỉ là hận thù:”Lòng hận thù chỉ xuất hiện khi bom đạn trút xuống làng quê này, lòng hận thù chỉ xuất hiện khi những con người xa lạ đến và dạy cho những người dân của làng quê mình lòng hận thù…”(tr. 37) Cả cái chết của Nguyễn Thị Chìu, cô bạn gái lúc thiếu thời của Chạc, cũng được lý giải bằng lòng hận thù phi lý giữa hai dân tộc (tr.109). Những gì Nguyễn Một viết ra, khá mơ hồ (vì là Hiện Thực Huyền Ảo). Chẳng hạn, cuộc chiến đấu chống xâm lược của dân tộc ta để bảo vệ quyền tự do, độc lập, nếu chỉ coi là cuộc tương tranh hận thù của hai phía (tr. 55) thì không ổn, bởi cái thế giới của các hồn ma do Nguyễn Một vẽ ra, không phải là hiện thực bom đạn Mỹ dội xuống đất nước này trước năm 1975. Qua lời của linh hồn người lính chết trận, Nguyễn Một gọi cuộc chiến tranh vừa qua là “cuộc chiến chán chường” do trời đày dân tộc mình (tr 53). Nhân vật Hoàng Thạch gọi là “cuộc chiến chết tiệt”(tr. 33). Những nhận định như vậy, người đọc đã gặp trong Quán Dương Cầm (Đặng Thị Thanh Liễu-2002), Bóng Anh Hùng (Doãn Dũng-2009)
Những vấn đề khác được đặt ra trong tác phẩm như sự bách hại đạo Công Giáo ở Việt Nam, vai trò của Bá Đa Lộc và việc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam cũng chỉ là sự nhắc lại một vấn đề cũ mà không có kiến giải gì mới. Chỉ là cái nhìn lãng mạn trên một vấn đề hiện thực, dù cái nhìn ấy có vẻ chân thành và nhiều thiện cảm. Nguyễn Một nhắc lại luận điểm này, Bá Đa Lộc đã đưa thực dân Pháp vào xâm lược Việt Nam (tr.148), và “nhìn bằng con mắt bây giờ thì ta sai”(tr.147). Phải chăng đó là sự thanh minh cho Bá Đa Lộc? Điều lý giải này chẳng có giá trị gì. Việc thực dân Pháp xâm lược Việt Nam nằm trong xu thế xâm lược của các nước tư bản phương tây. Pháp xâm lược Đông Dương, các nước châu Phi. Anh xâm lược Ần Độ, Úc Châu, Mỹ đối với Philippine, Guam…Chính sách bế quan tỏa cảng của nhà Nguyễn là một trong những nguyên nhân. Không phải vì đạo Công Giáo mà Pháp xâm lược Việt Nam. Nếu nói đạo Công Giáo mở đường và là nguyên nhân Pháp xâm lược Việt Nam thì giải thích thề nào việc Pháp xâm lược Lào và Cambodia, vì hai quốc gia này hai nước Phật giáo? Giải thích thế náo việc Anh xâm lược Ấn Độ, đất nước của nhiều tôn giáo?
Nếu những vấn đề lịch sử được đặt ra trong tác phẩm không giải quyết trong hoàn cảnh lịch sử-xã hội cụ thể, thì câu chuyện được kể chỉ còn là một câu chuyện lãng mạn. Chuyện tình yêu của Chạc và Chìu, chuyện tình yêu của Chạc và Ngân Hà, và kết cục, cả hai người con gái này đều chết. Cái chết của Ngân Hà, một người con gái tự nguyện làm người mẫu để chụp hình nude cho Chạc, là một cái chết mơ hồ, không rõ nguyên nhân, không tìm được thủ phạm, nói đúng hơn Hà chết để ứng nghiệm lời tiên tri của ông Bảy chèo đò, lời tiên tri không có bất cứ một căn cứ nào. Có chăng là Nguyễn Một gán ghép số phận họ vào “thân phận của người phụ nữ trong cuộc chiến máu lửa của đất nước”(tr143)
Ngược Mặt Trời miêu tả nhiều cuộc tình lãng mạn như thế. Tôi gọi là “cuộc tình lãng mạn”, bởi nó không được miêu tả trong hoàn cảnh lịch sử xã hội cụ thể, không phát triển trong các mối quan hệ xã hội, mà hoàn toàn theo chủ quan của tác giả. Cuộc tình Trần Danh-Hoàng Lan là một thí dụ. Trần Danh (người vô thần) và Hoàng Lan, một nữ tu bỏ đan viện theo trai. Họ sống với nhau, có con. Rồi Trần Danh hối tiếc thời gian trước khi gặp Hòang Lan. Sau cùng cả hai bị giết chết, không rõ nguyên nhân, không tìm ra thủ phạm. Nguyễn Một muốn nói gì qua cuộc tình ấy? Ca ngợi tư do hay tố cáo hận thù, hay chỉ là một kiểu tình yêu lãng mạn có thêm chút bạo lực?
Vì hiện thực được miêu tả trong tác phẩm là “hiện thực huyền ảo” nên chẳng ai bắt bẻ được, song kiểu viết Hiện Thực Huyền Ảo cũng trói tay tác giả khi nhà văn muốn lên tiếng nói về những vấn đề hiện thực (vấn đề chiến tranh Việt Nam, vấn đề đạo Công Giáo bị kỳ thị ở Việt Nam). Ngỡ rằng Ngược Mặt Trời có thể chuyên chở những vấn đề lớn mà tác giả ấp ủ, nhưng thực tế chỉ là chuyện tình lãng mạn, đơn giản (câu chuyện Nguyễn Chạc chụp hình nude cho Ngân Hà) có thêm thắt những chuyện ma quái và một ít bạo lực (bọn thổ phỉ bắn chết Bảy Đò và Hoàng Thạch)
3. Những ghi nhận
Tính chất tài hoa của ngòi bút Nguyễn Một thể hiện khá rõ trong nhiều yếu tố của Ngược Mặt Trời. Đó là giọng văn điềm tĩnh, có chiều sâu, có sự thăng hoa cảm xúc. Nguyễn Một có khả năng viết những đoạn rất thơ và những chương rất dữ dội, phức tạp. Anh thâm nhập sâu vào thế giới tâm hồn, thế giới tâm linh đặc biệt ở nhân vật mẹ Têrêsa. Nguyễn Một viết rất thuyết phục suy nghĩ, cảm xúc của mẹ. Đó là thế giới tư tưởng, thế giới mặc khải và thế giới ngôn ngữ riêng của người Công Giáo. Từ đây anh lý giải cách nhìn những bách hại mà đạo Công Giáo phải chịu trong lịch sử là con đường khổ nạn của Chúa, là con đường nên thánh và làm triển nở màu nhiệm đức tin. Các vua nhà Nguyễn càng bách hại thì đạo Công Giáo càng phát triển, và ngày càng có nhiều chứng nhân anh dũng như thánh Mattheu Lê Văn Gẫm, thánh Giuse Du (Lm Joseph Marchand). Có vài chi tiết chưa chính xác, tôi nghĩ đó chỉ là lỗi kỹ thuật. Lời Đức Giêsu cầu nguyện:”Lạy cha, nếu được xin cha hãy cất chén đắng này cho con, nhưng cha hãy làm theo ý cha chứ đừng làm theo ý con”(tr. 134) Đây là lời Chúa cầu nguyện trong vườn cây dầu trước lúc nộp mình chịu chết, không phải trong 49 ngày cầu nguyện của Chúa Giêsu (tr.133). Trong Kinh Thánh Tân Ước, Chúa Giêsu được Thần khí dẫn vào trong hoang địa, ăn chay 40 đêm ngày trước khi Ngài rao giảng Tin Mừng (Mt 3, 1-2), không phải 49 ngày. Ở trang 32, Hoàng Thạch “đọc 50 lần bài kinh Kính Mừng, 50 kinh Lạy cha, và 50 kinh Sáng danh. Ông muốn lần chuỗi mân côi Mười lăm sự thương khó…”. Chi tiết này không chính xác về cách đọc kinh của người Công Giáo. Người có đạo thường đọc một chuỗi 50 kinh Kính Mừng, chia làm 5 chục. Mỗi chục đọc một kinh Lạy Cha và một kinh Sáng Danh. Nếu lần chuỗi, thì có thể lần Năm sự Thương. Chỉ khi nguyện ngắm tưởng niệm Chúa chết trong mùa Phục Sinh, người ta mới ngắn 15 Sự thương khó của Chúa. Không có lần chuỗi 15 sự thương khó.
Nguyễn Một có khả năng sáng tạo những câu chuyện như trong truyền thuyết (Kịch), kể cả truyền thuyết trong hiện thực (câu chuyện của A Hóa). Vở kịch Pho tượng đồng đen làm hé lộ một tài năng khác của Nguyễn Một, tài năng viết kịch, và nếu muốn, anh có thể thành công. Việc anh tiểu thuyết hóa tư liệu tiểu sử hai vị thánh tử đạo cũng là một khả năng văn chương mà nhà văn non tay không dễ thành công. Anh viết lại như chính câu chuyện anh kể. Dấu tích tư liệu đã được chuyển hóa triệt để. Và so với Đất Trời Vần Vũ, anh đã viết Ngược Mặt Trời với một bút pháp khác hẳn. Đó là một nỗ lực có nhiều tìm tòi để tự đổi mới, để vượt qua chính mình. Nỗ lực ấy thật đáng trân trọng.
Nhà thơ Nguyễn Liên Châu kết thúc bài bạt cho Ngược Mặt Trời viết thế này :”Trong tôi còn hai nỗi ám ảnh: 1/ Đi tìm nguồn cội không có thật là còn giữ thiêng nguồn cội của Nguyễn Chạc. 2/ Sự an nhiên trong veo của một Thánh Nữ như Ngân Hà khi chĩa hai bầu vú thanh tân thách thức mặt trời. Cần phải gặp tác giả để ‘thanh toán hai nỗi ám ảnh này”(tr.213) Tôi nghĩ nhà thơ Nguyễn Liên Châu chỉ nói đùa cho vui, chẳng lẽ nhà văn Nguyễn Một lại đặt chi tiết Ngân Hà chĩa hai bầu vú thanh tân thách thức mặt trời làm chủ đề chính của tác phẩm?!!! Dù có cố tình hiểu theo nghĩa của “Hiện Thực Huyền Ảo” đi chăng nữa, thì việc chụp hình nude, miêu tả sex trong tác phẩm, cũng chỉ là một “thủ pháp” tạo “hấp dẫn” thời thượng cho tác phẩm mà thôi, làm gì có tư tưởng và nghệ thuật đến nỗi “ám ảnh” nhà thơ!
Ngược Mặt Trời không phải là đi về phía bóng tối hay cái nhìn phía khuất tối (góc khuất của Bá Đa Lộc, bóng tối của chiến tranh Việt Nam, những mặt trái của xã hội hay của lòng người), dù rằng những điều này mới là những gì đáng đọc ở tác phẩm này. Nhưng cách viết Hiện Thực Huyền Ảo đã phủ định điều ấy. Ngược Mặt Trời cũng chẳng phải là sự “báo động về khủng hoảng đức tin” mà chỉ đơn thuần là chụp hình ngược ánh sáng mặt trời, một kỹ thuật rất khó của nhiếp ảnh. Bởi nhiều lần Nguyễn Chạc nhắc lại ước mơ của anh khi dẫn Ngân Hà lên đồi, “anh vẫn mơ những tấm ảnh ngược mặt trời được chụp bởi thân thể tuyệt mỹ của Hà”(tr. 180)
Tháng 12 năm 2013