1. Một cuốn sách nghiên cứu hay, theo tôi, đáp ứng và/hoặc hai điều: thứ nhất, giải quyết thỏa đáng đối tượng nghiên cứu; thứ hai, khiến người đọc phải suy nghĩ về giả thuyết nghiên cứu, đi tìm xem giả thuyết ấy là hợp lý hay không hợp lý, thuyết phục hay không thuyết phục, và đâu là không gian của nó hay giới hạn mà nó chưa thể vượt qua. Thơ như là mỹ học của cái Khác của Đỗ Lai Thúy là một công trình như thế. Bởi trước nhất, nó đáp ứng điều thứ nhất mà tôi vừa nói, bằng sự trọn vẹn của phần hai của cuốn sách: Chân trần đến cái Khác, qua việc phê bình phong cách học các tác giả Nguyễn Xuân Sanh, Nguyễn Đình Thi, Thanh Tâm Tuyền, Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Lê Đạt, Bùi Giáng. Và sau đó, bởi nó khiến người đọc phải suy nghĩ về điều thứ hai, cái giả thuyết nghiên cứu của tác giả, được thể hiện trong tiểu luận dày dặn làm thành phần một: Thơ như là mỹ học của cái Khác.
2. Một lần nữa, với bảy chân dung thơ sau 1945, gộp với bảy chân dung thơ trước đó, thời Thơ mới (Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Vũ Hoàng Chương, Hàn Mặc Tử, Bích Khê) đã được phê bình trong Con mắt thơ (Nxb. Lao động, 1992; thêm Đinh Hùng và nhóm Xuân Thu nhã tập được bổ sung trong các lần tái bản bởi Nxb. Giáo dục, 1997 và Nxb. Văn hóa thông tin, 2000), Đỗ Lai Thúy đã tóm bắt được mười lăm thi nhân thời hiện đại. Nếu tính hai thi nhân nữa được phê bình trong Bút pháp của ham muốn (Trung tâm sách Thủy & Nxb. Tri thức, 2009), là Chế Lan Viên và Hoàng Cầm (không tính Xuân Diệu được viết tiếp lần thứ hai), Đỗ Lai Thúy không còn “nợ” quá nhiều để có được một công trình phê bình phong cách học xứng đáng với những thi nhân xứng đáng nhất của nền thi ca Việt Nam hiện đại. Những người còn thiếu, có lẽ sẽ là Quang Dũng, Văn Cao, Lưu Quang Vũ, Xuân Quỳnh ở phía Bắc, và Phạm Công Thiện, Tô Thùy Yên, Nguyễn Đức Sơn, Nhã Ca ở phía Nam, Tản Đà như bậc khơi nguồn thơ hiện đại, và chưa có ai khép lại được một thế kỷ thơ Việt như là hợp lưu của hai dòng chảy từ hai miền đất nước. Như vậy là, Đỗ Lai Thúy đã có trên hai phần ba các bài phê bình các nhà thơ này (một vài nhà thơ khác đã được viết nhưng chưa đưa vào tập). Tay gập bìa bốn của “mắt thơ hai”, tức Thơ như là mỹ học của cái Khác, trong lối nói tự trào tương quan với “mắt thơ một”, tức Con mắt thơ: phê bình phong cách Thơ mới, Đỗ Lai Thúy có nhắc đến “mắt thơ ba” – “huệ nhãn”. Không biết con đường bình thường “núi lại là núi, sông lại là sông”… của phong cách học còn có sức vẫy gọi bước lữ hành để sau khi đã thấy “không gian mới” ở mắt thơ một, đã thay “con mắt mới” ở mắt thơ hai, Đỗ Lai Thúy có trở về với “con mắt” và “không gian” không còn/cần biện biệt mới-cũ nữa?
3. Thực ra, ở thời điểm của 20 năm trước, khi chỉ ra các “không gian mới” mà các thi sĩ tiền chiến đi tìm bằng cách đi tìm từ chính những ẩn ngữ trong thi phẩm của họ, Đỗ Lai Thúy đã không chỉ phê bình phong cách một cách “có phong cách” như lối nói của Đỗ Đức Hiểu, mà đã xây dựng được cho mình một cấu trúc chặt chẽ trong các tiếp cận. Cấu trúc ấy chặt chẽ từ trong giả thuyết nghiên cứu, nên về sau dù có bổ sung thêm Đinh Hùng hay nhóm Xuân Thu nhã tập, thì cấu trúc của cuốn sách cũng không suy chuyển, không bị phá vỡ. Tiếp cận trường hợp và đại diện đã không làm tổn hại đến tinh thần chung, và những kết luận khoa học của công trình. Lấy cái Tôi làm sợi chỉ xuyên suốt, Đỗ Lai Thúy đã vừa làm nổi bật được phong cách từng thi nhân vừa kết nối họ trong một “hành trình nghệ thuật”. Một tiếp cận vừa vặn trong không gian văn học để khẳng định được chỗ đứng và vị thế của phong trào Thơ mới.
Ở thời điểm hiện tại, sau 20 năm, cái Tôi làm thành “phong cách” của thi nhân trong không gian văn học, được đẩy lên thành cái Khác cũng làm thành phong cách của thi nhân nhưng giờ đây là trong không gian văn hóa. Cái cắc cớ, cái khiến người đọc phải suy nghĩ chính là từ cách đặt vấn đề về cái Khác (Otherness) này. Cái Khác ở đây là gì? Và nếu cái Khác là tha nhân (the Other) thì cái gì là bản ngã, theo đó, cái gì là của chúng ta (ours) và cái gì là của người khác (theirs)? Và nữa, nó tương quan thế nào với Lạ hóa (Defamiliarization), với Lề/ Ngoại vi (Margin) và/hoặc Ngoại biên (Periphery), với cái Khác biệt/ Trì biệt (Defférance)?
4. Trong tiểu luận, Đỗ Lai Thúy, chỉ đến phần thứ 7/11 mới đặt ra con đường của cái Khác. Sáu phần đầu, từ phần 1 đến 3, miêu thuật về văn học Việt Nam trong bước ngoặt hiện đại hóa, những cách tân và giới hạn trong quan niệm về thực tại của văn học ở chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa hiện đại; phần 4 đến 6, trình bày về thơ Việt Nam xét trên bình diện ngôn ngữ trong tương quan với nhận thức về thực tại. Đó là một cái nền rất rộng cho sự xuất hiện của cái Khác và thơ như là mỹ học của cái Khác. ở phần 7, Đỗ Lai Thúy lược sử các quan niệm về cái Khác từ chỗ được hiểu một cách tản mát ở thời tiền hiện đại, cô đúc trong thời hiện đại với sự xuất hiện của diễn ngôn thực dân (colonial discourse) như là hợp thức sự lưỡng hợp Đông – Tây, và giải khái niệm ở thời hậu hiện đại, để trở thành “cái-khác-phi-khái-niệm”. Phần 8 và 9, trình bày quan niệm mỹ học ở ba hệ hình tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại để khẳng định cái Khác như là “phạm trù chủ đạo của mỹ học hậu hiện đại”, thơ như là “mỹ học của cái Khác” cũng những tương đồng và dị biệt trong quan niệm về cái Khác ở Việt Nam. Phần 10 và phần 11, Đỗ Lai Thúy đề xuất vấn đề không gian như là “môi trường sáng tạo của cái Khác” và các khả thể của việc viết “lịch sử thơ” nhìn từ cái Khác.
Bìa cuốn “Thơ như là mỹ học của cái khác” của Đỗ Lai Thúy
Từ tiền đề lý thuyết trên, Đỗ Lai Thúy đi vào tìm hiểu hành trình thơ Việt Nam như là hành trình của cái Khác. Chính ở chỗ này, tính chất phi-khái-niệm của cái Khác được bộc lộ. Nhìn từ ngôn ngữ như là vật liệu của thơ, với ngôn ngữ thơ và với lịch sử của thơ, thì thơ và thơ đến sau luôn như những cái khác, bởi ý thức lạ hóa của thơ và nhà thơ. Nhìn từ trường chính trị và trường văn học, thì thơ (hậu) hiện đại và sự (hậu) hiện đại hóa thơ luôn như một dòng nhỏ/lẻ, tức nó là/ở/thuộc lề/ngoại vi và/hoặc ngoại biên trong thế đối lập với trung tâm quyền lực (centered power) và văn học dòng chính (central literature). Điều này đúng (hoặc hợp lý) về mặt lý thuyết. Còn về thực tế, trong văn học hiện đại Việt Nam ở miền Bắc, trường hợp rút phép thông công các nhà thơ chẳng hạn, chẳng giúp vào việc “tự định nghĩa” văn học dòng chính, và (nhà) thơ bị đẩy ra ngoài rìa cũng không lấy đó làm thành ứng xử nước đôi (ambivalence) với quyền lực trung tâm. Còn với trường hợp thơ đô thị miền Nam, tuy được văn học dòng chính sử dụng để tự định nghĩa, nhưng nó lại chẳng có cơ hội để ứng xử trở lại. Lý thuyết du hành đến đây vấp phải trở lực này. Cuối cùng, khi thơ bước vào không gian của các giải-trung tâm, thì tự nó lại phân hóa, để nghiêng về cái Khác biệt/ Trì biệt hơn là cái Khác. Làm thế nào để cái Khác vẫn chỉ là cái Khác khi không có bất kỳ lực hướng tâm nào ngoài hướng về chính nó? Cái Khác, trong lập luận của Đỗ Lai Thúy, vì vậy, nối/gối tiếp và/hoặc đồng thời của cả Lạ hóa, Ngoại vi/Ngoại biên, cái Khác biệt, để trở thành cái-khác-phi-khái-niệm. Xét như vậy thì lý thuyết không (còn) là phương pháp, mà (chỉ) là suy tư. Nghĩa là nó kích thích hứng thú tìm tòi và suy ngẫm. Dù nó độc lập với các phê bình phong cách học về thơ-khác ở phần tiếp sau.
5. Đặt Cái khác vào ba hệ hình tiền hiện đại – hiện đại – hậu hiện đại để thấy một hành trình từ sự loại trừ (cái Khác này (cái Ta) loại trừ cái Khác kia) qua sự hợp thức (cái Khác kia ra đời để giúp vào việc định nghĩa cái Khác này – cái Ta) đến sự bổ sung (cái Khác/ cái Ta này để làm rõ cái Khác/ cái Ta kia), như cách Đỗ Lai Thúy đã làm, thì xét đến cùng, mối quan tâm về cái Ta hay cái Khác ở đây, trong một không gian rộng hơn, đều là những suy tư về Chủ thể (Subject) và Chủ thể tính (Subjectivity). Trong trường văn học nội thuộc không gian Việt Nam, như đã nói ở trên, trong chặng thứ hai, tính chất hợp thức hóa (legitimation) có thể bị chất vấn. Diễn ngôn thực dân như một đề xuất của Edward Said khi ông bàn về Đông phương học/ Chủ nghĩa phương Đông (Orientalism) không hướng vào việc nhận thức về cái Khác (phương Đông), mà theo ông, khi phương Tây chỉ định cái khác nó là phương Đông, thì chỉ là để tự định nghĩa bản thân nó trên nguyên tắc hợp thức, theo đó biện minh cho sự xâm lược. Về sau, lý thuyết hậu thực dân phát triển đề xuất lý thuyết này, nó cũng được sử dụng trong các đối lập về tri thức quyền lực khác ngoài đối lập Đông – Tây, như giữa trung tâm và ngoại biên. Khi ấy, trong văn học chẳng hạn, văn học dòng chính sẽ tự định nghĩa nó bằng việc gạt ra ngoài lề những dòng văn học đang cạnh tranh khác. Nhưng những ứng xử hậu Nhân văn Giai phẩm hay hậu Cộng hòa miền Nam lại ít khi là một vấn đề trong suốt như thế. Khó lòng để tìm thấy ở đấy sự phản kháng của các bộ phận nhỏ, lẻ ở ngoài lề, dưới đáy, ngoài việc chúng tự định nghĩa về chính chúng trong thế không tương thông với văn học dòng chính; một ứng xử khác hẳn với các tiếng nói ngầm (underground voices) đương đại. Thậm chí, sự không phản kháng này cũng không thể coi là một hình thức phản kháng. Vì đó là một hiện diện mất không gian, một hiện diện tự thân, để không trở thành cái Khác dù vẫn là Chủ thể. Tính chất liền mạch trong các lập luận của Đỗ Lai Thúy vấp phải một thực tại thách đố này nếu lấy cái Khác làm khái niệm xuyên suốt, bất chấp việc ông xử lý xuất sắc những hiện tượng nảy sinh từ/trong thực tại ấy. Tôi không tin là Đỗ Lai Thúy không thấy “cắc cớ” ở những vấn đề này, bởi những phê bình nhà văn và tác phẩm của họ trong phần II của cuốn sách không chỉ xuất phát từ khái niệm có tính chất căn nền là cái Khác ấy, mà xuất phát từ một nhận thức sâu rộng hơn, và cũng được ông đặt ra trong tiểu luận của mình: thực tại. Nhận thức về sự khác biệt của các thực tại mới là căn nền cho việc tiếp cận thơ Việt Nam ở đây. Còn cái Khác (chỉ) là một hiện diện đến sau, “hợp thức” cho những gì Đỗ Lai Thúy đã làm trước đó, là các phê bình đại diện từ (và trong) các thực tại mà nhà văn và tác phẩm của họ hiện diện. Kim chỉ nam cho các phê bình của Đỗ Lai Thúy, nếu không đặt tên là cái Khác, vẫn hoàn toàn thống nhất nếu nhìn từ một giác độ khác, như là Chủ thể và Chủ thể tính. Và nếu nhìn như vậy, thì Thơ như là mỹ học của cái Khác vẫn là phê bình phong cách học. Cái khác biệt so với Con mắt thơ: phê bình phong cách Thơ mới là ở chỗ, Đỗ Lai Thúy đã đi từ chỗ chỉ ra sự thể hiện chủ thể và chủ thể tính trong sự phát hiện ra không gian của nó đến chỗ chỉ ra chủ thể và chủ thể tính trong chính sự phát hiện ra sự mất không gian của nó. Thơ mới là thơ của cái tôi trong không gian đô thị, còn thơ hậu Thơ mới là thơ của cái tôi của sự mất không gian ấy, trong lúc sáng tạo và/hoặc lưu truyền. Thơ và lịch sử thơ Việt Nam không thể không biết đến lịch sử này. Nghĩa là không thể không biết những tìm tòi của Đỗ Lai Thúy. Và/để chờ đợi ở ông nhiều hơn nữa.
Nguồn: Vanvn.net