Đỗ Trung Lai
I. Hiện tượng- Sinh thời, khi nghe tin mình được “Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội”, nhà văn Tô Hoài cười như mếu bảo tôi: “Ông xem! Tôi mà lại đi nhận giải thưởng Bùi Xuân Phái, thì có buồn cười không?”.

Sao thế nhỉ? Hay là ông nghĩ, việc một nhà văn trong số những nhà văn hàng đầu viết về Hà Nội, mà lại đi nhận giải thưởng, dù đẹp; mang tên một tác giả, dù hay; nhưng nằm ở một khu vực khác – khu vực “Nghệ thuật thị giác” – thì hơi trớ trêu? Nói thế, nhưng rồi ông vẫn đi nhận, có lẽ vì ông không muốn làm mất lòng ai, kể cả ông bạn họa sĩ già quá cố – Thôi cũng được! Ai mà không biết, không yêu, “xê-ri” tranh “Phố Phái” (vốn là cái cớ, để sinh ra giải thưởng mang tên họa sĩ ấy) kia chứ?” – chắc là ông Tô Hoài nghĩ vậy? Không biết nữa! Nhưng chỉ biết, ở đời, từ chỗ “cũng được” tới chỗ “tâm phục, khẩu phục”, là một khoảng cách rất xa, mà từ chỗ “có buồn cười không?” đến chỗ “có buồn không?”, lại có thể là rất ngắn!

Nghĩ thêm, trước đó, Tô Hoài đã nói về ông Vũ Bằng như sau: “Những năm ấy (những năm 30, 40 của thế kỷ trước), Nam Cao đang ở với tôi trên Nghĩa Đô. Chúng tôi mải mê đọc Vũ Bằng. Nếu nhà nghiên cứu văn học nào lưu tâm đến những truyện ngắn Vũ Bằng thời kỳ ấy với những truyện ngắn Nam Cao và những truyện ngắn “Bụi ô tô”, “Một đêm sáng giăng suông”… của tôi trên báo “Hà Nội tân văn”, có thể dễ dàng nhận thấy ở hai ngòi bút này (Nam Cao và Tô Hoài), hơi hướng Vũ Bằng. Chính chúng tôi cũng thường thành tâm tự nhận xét, ảnh hưởng từ anh ấy…”.

Vốn đã yêu văn ông Vũ Bằng từ lâu, nghe ông Tô Hoài, tôi chú tâm đọc lại Vũ Bằng, kỹ hơn khi trước, đặc biệt là đọc  “Thương nhớ mười hai”.

*

Nhà văn Vũ Bằng sinh năm 1913 tại Hà Nội, trong một gia đình nho học, quê gốc ở Hải Dương. Sau ông theo học trường An-be Xa-rô (Albert Sarraut), tốt nghiệp tú tài Pháp. Năm 16 tuổi, ông đã có truyện đăng báo. Liền sau đó, ông lao vào làm văn viết báo, vì say mê, không phải vì mưu sinh. Năm 1935, ông lấy vợ là bà Nguyễn Thị Quỳ, người Thuận Thành – Bắc Ninh. Cuối năm 1946, Vũ bằng đưa vợ con tản cư ra vùng kháng chiến (chống Pháp). Cuối năm 1948, ông trở về Hà Nội dưới cái lốt “dinh tê”, bắt đầu tham gia hoạt động trong mạng lưới tình báo cách mạng (chính Nam Cao, do không biết việc này, đã lấy ông làm nguyên mẫu để dựng nên chân dung nhân vật “Văn sĩ Hoàng” bỏ kháng chiến, trong truyện ngắn “Đôi mắt” của mình, với động tác vỗ đùi cảm thán: “Tài, tài thật, tài đến thế là cùng, tiên sư… anh Tào Tháo!”)

Năm 1954, được sự phân công của tổ chức, Vũ Bằng lại “di cư” vào Nam – vào Sài Gòn – để lại vợ (bà Quỳ) và con trai ở lại Hà Nội, tiếp tục hoạt động bí mật cho đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng. Từ năm 1967, ở Hà Nội, bà Quỳ đã qua đời mà chưa hề được gặp lại ông! Thậm chí, bà còn không biết cả bí mật “chết người” của ông!

Tháng 3 năm 2000, Cục Chính trị – Tổng cục 2 – Bộ Quốc phòng đã có văn bản xác nhận nhà văn Vũ Bằng là chiến sĩ quân báo.

Ngày 13/2/2007, nhà văn Vũ Bằng được truy tặng “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật”.

*

Số phận và hành trạng Vũ Bằng là như thế. Con người nghệ sĩ- chiến sĩ ấy đã viết nên những “khổ thơ” thương nhớ, nhớ nhung, buồn đẹp vô cùng, bằng văn xuôi: … Người ta nhớ nhà, nhớ cửa, nhớ những nét mặt thân yêu, nhớ những con đường đã đi về năm trước, nhớ người bạn chiếu chăn dắt tay nhau đi trên những con đường vắng vẻ ngào ngạt mùi hoa xoan còn thơm mát hơn cả hoa cau, hoa bưởi. Người ta nhớ heo may giếng vàng; người ta nhớ cá mè, rau rút; người ta nhớ trăng bạc chén vàng.

“Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu” (Ngô đồng rơi một lá thôi/ Là thiên hạ biết đất trời sang thu), thơ cổ viết thế! Cũng thơ thời ấy, viết rằng: Bên giếng, ngô đồng xào xạc lá/ Chày ai đập vải dưới thu sương/ Mình ta nằm ngủ bên thềm vắng/ Tỉnh dậy, trăng soi lạnh nửa giường. Cái giếng trong thơ ấy “vàng” vì trăng thu hay còn vì nó ngậm sắc những lá ngô đồng xao xác hơi may chờ rụng? “Trăng bạc, chén vàng” cũng thế, thơ cổ viết: Nhân sinh đắc ý tu tận hoan/ Mạc sử kim bôi không đối nguyệt (Trong đời, khi đắc ý, hãy nên vui tới cùng/ Đừng để cho chiếc chén vàng kia (vì thiếu rượu), phải nằm không nhìn trăng!). “Chén vàng, trăng bạc” hay “Trăng bạc, chén vàng” là vậy. Rượu trong chén ngậm trăng mà hóa bạc hóa vàng! Đẹp là thế, hàn lâm là thế, phương Bắc là thế, mà rồi Vũ Bằng “Việt hóa” chúng một cách tài tình, nhẹ như không, khi đặt chúng bên cạnh những thứ thuần Việt như hoa xoan, hoa cau, hoa bưởi, rau rút, cá mè! Đọc sách xứ người để càng yêu xứ mình, thế mới là đọc, ai lẫn với việc đâu đáng nhớ, đáng yêu hơn đâu? Đâu sang trọng, to bé hơn đâu? Không đậm chất Việt, không thể nghĩ thế, viết thế. Rồi ông viết tiếp: …Nhớ quá, bất cứ cái gì của Hà Nội cũng nhớ, bất cứ cái gì của Bắc Việt cũng nhớ, nhớ từ cánh đồng lúa con gái mơn mởn nhớ đi; nhớ từ tiếng hát của người mẹ ru con buổi trưa hè mà nhớ lại; nhớ hoa sấu rụng đầu đường Hàng Trống…  Bây giờ liễu ở Hồ Gươm có còn xanh mươn mướt như hồi ta bước ra đi? Những đồi sơn trúc, thạch hương ở Nghi Tàm có còn chứa phong quang như cũ? Núi Nùng ra sao? Hồ Tây thế nào?… Ở trước cửa chợ Đồng Xuân có còn chăng những hàng nước chè tươi; ở Chợ Hôm, những hàng phở gánh bán cho khách ăn đêm, và ở trên khắp nẻo đường, những người đội thúng, cầm một chiếc đèn dầu ở tay lặng lẽ đi trong đêm, rao “Giò, dầy!”?… Thì ra cái người nhớ Hà Nội, nhớ Bắc Việt cũng như thể là chàng trai nhớ gái: Bất cứ thấy ai cũng tưởng ngay đến người thương của mình, và đem ra so sánh thì bao nhiêu người đẹp ở trước mặt đều kém người thương mình hết

Từ đó, mười hai tháng trong mỗi năm đầu thế kỷ 20, được Vũ Bằng “thơ hóa” bằng “Mười hai thương nhớ”. Từng câu từng chữ đều là Hà Nội, là Bắc, là Việt; đều đưa những sự giản dị, gần gũi, thi vị, thiết cốt hằng ngày thành ra hàn lâm, kinh điển hằng đời.

Ở “Thương nhớ thứ nhất” ông viết: … Đêm xanh biêng biếc, tuy có mưa dây, nhưng nhìn lên thấy rõ từng cánh vạc bay. Về khuya, trời vẫn rét một cách tình tứ nên thơ: mặc dầu vẫn phải đắp chăn bông, nhưng ban ngày không cần phải mặc áo ấm như hồi cuối Chạp…

Trong “Thương nhớ thứ hai”, Vũ Bằng viết: Yêu quá, cái đêm tháng Hai ở Bắc; thương quá, cái đêm tháng Hai ở Bắc; thành ra cái gì cũng thấy qua đi nhanh quá. Ước gì năm tháng dài thêm ra để ngày thì đi xem hội xem hè, đêm thì cùng với những người thân vui xuân với quân bài cao thấp. Hỡi những người máy móc, đừng có bảo những đồng bào ấy là những người hưởng lạc. Bị kẹt trong một cái thế hết kẻ xâm lăng nọ đến quân cướp nước kia, với những tài nguyên chưa bao giờ khai thác, họ, những người phương Bắc, phải chiến đấu không ngừng, đổi bát mồ hôi lấy bát cơm để sống, nhưng không vì thế mà phải chạy ngược chạy xuôi, phờ râu trợn mắt để đánh vật với đồng tiền. Họ làm việc bằng chân tay, bằng trí óc để chống lại thiên nhiên, để duy trì sự sống, để vươn lên mãi, nhưng lúc nào cần nghỉ ngơi họ biết nghỉ ngơi, khi nào phải chắt chiu cái nội tâm, khi nào cần phải sống đẹp, sống cho đúng ý nghĩa của sự sống thì họ sống đẹp, sống cho ra sống. Vì thế cứ làm việc, nhưng suốt một tháng Giêng họ cứ vui xuân. Tuy vậy, vẫn chưa đủ; những ngày vui còn kéo dài ra mãi tận tháng Hai mà người ta vẫn cứ tức sao những đêm tháng Hai ngắn quá! Đã ai yêu và bênh vực người Việt xứ Bắc cùng với phong hóa và khí chất của họ, nồng nhiệt mà lại thấu triệt như ông chưa?

Đến “Thương nhớ thứ ba”, ông tả: …Trời trong như ngọc, đất sạch như lau. Ngủ dậy lúc còn tối trời, anh ngồi uống nước trà đợi trời sáng thì uống chưa xong ấm nước, anh bỗng thấy có những đám mây hồng từ phía đông kéo đến giữa một nền trời xanh ngăn ngắn một màu. Ở đằng sau nhà, chim hót ríu ran, đánh thức những con người đang thiêm thiếp. Anh mở cửa nhìn ra ngoài thì lá cây sạch bong ra, lóng lánh như ở trong một phim ảnh màu tuyệt đẹp: sương móc ban đêm rửa hoa lá cỏ cây, rửa cả cát bụi trên các nẻo đường thành phố…   Tháng Ba mà không có những ao rau cần xanh ngăn ngắt, tươi hơn hớn, không phải là tháng ba Bắc Việt. Gió xuân mơn mởn hoa đào/ Mưa xuân phấp phới trên ao rau cần. Ấy, đất nước này chỉ đẹp giản dị thế thôi, hiền lành thế thôi, ai muốn nói thế nào thì nói chứ dân nước chúng tôi vẫn nhận là đẹp nhất thế giới, đáng yêu nhất trần hoàn. Đố ai chê được! Đố ai cướp được!

Ông viết về Hà Nội Bờ Hồ cứ đẹp, kể cả trong thời thuộc Pháp, ở “Thương nhớ thứ tư”: …Phải rồi, vào mùa này đây, hoa gạo bắt đầu nở chói đỏ ở ven hồ Hoàn Kiếm, rơi xuống nước xanh, rụng xuống cỏ xanh, ve sầu lột cánh đã kêu rền rền vào buổi trưa, và cứ chiều chiều dân Hà Nội kéo nhau đi dạo quanh hồ, trải chiếu lên cỏ hay dắt nhau đứng giữa cầu Thê Húc nhìn ra những phố Bôn Be, Tràng Tiền hay Hàng Đào, Ngõ Hồ, Cầu Gỗ lập lòe nghìn vạn con mắt điện màu sáng chói…

Rồi ông viết về tháng Năm ăn bánh tôm bên đường Cổ Ngư, ăn “giết sâu bọ” mọi nhà ngày Đoan Ngọ, khác hẳn cái việc giết sâu bọ bằng uýt ki, mạc ten, rượu Minh Mạng nhắm với củ kiệu, mãng cầu, khế xanh, cóc tím, xoài ang ca, vú sữa…; Ông viết rằng, ông tiếc vì phải nghe “cô đầu” hát “Văn Chiêu Hồn” “quỷ khốc thần sầu” qua sóng phát thanh miền Bắc giữa cái nóng phương Nam, mà tôi thì quan niệm rằng, bài Chiêu Hồn của Nguyễn Du chỉ có thể hay hoàn toàn khi người ta niệm vào những ngày mưa sầu gió thảm liên miên ở miền Bắc, những ngày mà ai cũng nhớ lại câu hát vốn đã thuộc lòng từ thủơ nhỏ: “Tục truyền tháng Bảy mưa Ngâu/ Con trời lấy đứa chăn trâu cũng phiền” – vừa Việt, vừa thực, vừa buồn, vừa hóm!

Ông viết về tháng Tám: Vào buổi tà huân dắt tay vợ đi chơi ngoại ô nhìn trăng dãi trên ruộng lúa và nghe tiếng hát trống quân theo gió vàng heo hút ở làng bên kia sông vọng lại… Lúc ấy, đứng dừng lại nhìn vào mắt vợ thì trong mắt vợ mình cũng thấy có trăng, có trăng cả ở toàn thân, mặc quần áo mà như là khỏa thân, chạm mạnh vào thì vỡ… Từ đầu tháng Tám, các phố Hàng Gai, Hàng Hài, Hàng Mã, Hàng Hòm, Hàng Thiếc, Hàng Bông Lờ, Hàng Trống hóa trang một cách kỳ diệu đến nỗi làm cho du khách không thể nào nhận ra được nữa…

Rồi mùa thu tràn sang tháng Chín. Mà ở Bắc Bộ Việt Nam, tháng Chín mùa thu mới “chín”, vì tháng Tám còn nắng “nám vỏ bưởi”. Tháng Chín mới có “gạo mới chim ngói”, tháng Chín mới có rươi gốc – “Tháng Chín đôi mươi, tháng Mười mồng năm”- hai cái hẹn thưởng rươi lớn nhất. Vũ Bằng viết: … Cốm thì xanh biêng biếc mà hồng thì đỏ chói chang, hoạ sĩ lập thể nào đã dám dùng hai mầu đó kết hợp với nhau chưa? Ấy thế mà ở Bắc, cứ đến tháng Chín thì nhà trai lại đem đến sêu Tết nhà gái hồng và cốm, hai thứ bầy sát với nhau. Nhìn những mâm hồng và cốm tốt đôi như trai gái tốt đôi, ai cũng cảm thấy lòng mình nở hoa và kính sợ tổ tiên ta hơn lên một chút vì sao các cụ lại có thể lựa chọn tài đến thế trong việc chơi mầu sắc, đồng thời lại đem cho nhân duyên của trai gái một ý nghĩa đậm đà đến thế.

Tháng Mười, ông viết: … những buổi tối tháng Mười ở Bắc có gió bấc thổi lành lạnh, có mưa rơi rầu rầu, ai đi đâu, ai làm gì cũng cố phiên phiến để về cho sớm quây quần với nhau chung quanh cái bàn ăn, dưới một ngọn đèn hồng ấm áp?

Tháng Một, ông kín đáo viết về ta – địch ngày ấy: Nghe nói nước Mỹ xuất toàn lực ném những loại bom kinh khủng lắm, mà ném toàn bom nặng…, mình ở đây thấy rợn cả tóc gáy lên, ấy thế mà không hiểu làm sao cứ nghe thấy người ta nói là Bắc Việt vẫn đánh và đánh dữ hơn cả lúc mới phát động chiến tranh là khác… Ở đây (miền Nam), người ta cũng ném bom tiêu diệt quá khích, ai cũng bảo là thời tiết không như trước, mưa không đúng cữ mà nắng cũng ra ngoại lệ, thành ra mình cũng tưởng thời tiết Bắc Việt đổi thay, do đó lắm hôm nằm tưởng tượng, mình cứ ngỡ Bắc Việt là không còn mưa rét và có khi lại nóng nứt đá tan vàng cũng nên. Nghĩ như thế, thấy buồn; nhưng nằm nghĩ thêm một lúc mình lại cười muốn khóc. Bom không làm nhục được người thì sao mà lại ảnh hưởng được đến trời?… bảo rằng bom mà thay đổi được thời tiết, có lẽ là chuyện mơ hồ bịa đặt. Ấy, chính vì nghĩ dớ dẩn như thế mình mới thấy yên tâm hơn một chút. Nước non là nước non trờiAi chia đặng nước, ai dời đặng non. Không ai dời đặng non, không ai chia đặng nước, thế thì tháng Một ở Bắc Việt, tất nhiên vẫn rét, mưa tháng Một ở Bắc Việt tất nhiên vẫn riêu riêu. Và nghĩ đến như thế thì bảo không yêu Bắc Việt làm sao cho được?

Sống trong lòng địch, mà công khai viết thế, in thế, người thường mà làm được sao?

Rồi ông bảo: …Không phải là thi sĩ, nhưng vào những buổi chiều tháng Một ở Hà Nội, người nào cũng muốn làm thơ… Kéo cái màn cửa sổ mà nhìn qua lớp kính mờ mờ hơi nước xuống con đường nhựa láng bóng nước mưa, anh thấy vũ trụ im ru như trong buổi hồng hoang mà nhịp thở ân tình của người yêu là tiếng hát ru, còn bộ ngực ngát thơm là cái gối mộng đưa anh xuống con thuyền bát nhã chở về miền cực lạc… và khi ông viết: Em ra bến nước trông về Bắc/ Chỉ thấy mây trôi, chẳng thấy làng! Y giơ tay bưng lấy mặt…, chả phải là ông đang viết về ông, nơi chân cầu Bình Lợi, bên bờ sông Tân Thuận, suốt mấy chục năm chịu mang tiếng “dinh tê”, “di cư”, “bội tình” để làm quân báo cho cách mạng, đó sao?

Tháng Chạp – “Thương nhớ thứ 12”, ông mượn lời người vợ Hà Nội khi chuẩn bị đón Tết mà tỏ lòng yêu nước bằng cách “vòng” qua phong hóa, qua mỹ tục dân tộc, để nói hộ cho mọi nhà Việt, Bắc Việt, Hà Nội: Anh bảo người ở xa nhà xa cửa đến Tết lôi thôi lếch thếch vợ con kéo về quê ăn Tết còn mệt mỏi và tốn kém đến đâu, sao mà họ vẫn cứ về quê ăn Tết? Không về là không ăn Tết, không ăn Tết thì không thể yên tâm được. Có ai bắt buộc họ đâu, nhưng họ cứ về, vì cách gì trong một năm họ cũng phải trở về nhìn lại bàn thờ, ngôi mộ, cây cau, cúng ông bà, thăm họ hàng làng nước một lần, mà lần đó phải là ngày Tết. Về quê ăn Tết, đối với tất cả người Việt Nam tức là trở về nguồn cội để cảm thông với ông bà tổ tiên, với anh em họ hàng, với đồng bào thôn xóm; về quê ăn Tết tức là để tỏ cái tinh thần lạc quan ra chung quanh mình, tỏ tình thương yêu cởi mở và biểu dương những tinh thần, những kỷ niệm thắm thiết vì lâu ngày mà quên đi mất.

Thế đấy, dẫn văn- xuôi-  thơ của Vũ Bằng, riêng chỉ từ “Thương nhớ mười hai”, đã không biết thế nào là đủ, dẫn mãi rồi vẫn thấy thiếu!

*

Ngày trước, người Nga nói về văn của Tuốc-ghê-nhi-ép: “Chỉ cần mươi dòng, thiên nhiên Nga của ông đã tỏa hương rồi”.

Với Vũ Bằng cũng thế, chỉ cần mươi dòng, thiên nhiên Việt, Bắc Việt, Hà Nội, đã tỏa hương rồi!

Trong lòng địch, ngày ngày, ông tự mình băng bó vết thương chia ly tủi cực của mình bằng tình yêu xứ sở, bằng một thứ văn chương thuần Việt mượt mà, êm như nhung mà đọc kỹ, không thiếu gì những sợi tơ máu luồn trong đó. Ông như chim yến đem cả huyết mình ra mà làm tổ! Bằng cách ấy, ông sống và chiến đấu. Bằng cách ấy, ông giúp chúng ta yêu Hà Nội, yêu xứ sở, yêu nước Nam thêm lên bao nhiêu! Ai đó đã nói, tình yêu nước phải bắt đầu từ những thứ nho nhỏ, giản dị thân yêu bên mình; như là cỏ cây, hoa lá, ngôi nhà, mảnh sân rồi đến xóm làng… Vũ Bằng quả là bậc thầy, truyền dạy tình yêu nước theo cách ấy, qua văn chương!

II. Lời bàn

1. Số phận như vậy, hành trạng như vậy, chiến công “ngậm ngải tìm trầm” của ông Vũ Bằng khiến ông đủ tư cách đứng bên những “Anh hùng LLVT” thời kháng chiến.

2. Văn chương như vậy; tình yêu với đất nước “dài như sông dài” như vậy; đủ khiến cho khối người đã nhận “Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật” “cùng ông” phải băn khoăn, ngượng ngập! Với văn chương của mình, nếu ông không được truy tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật”, thì thật là bất thường! Thậm chí, đội hình đã được vinh dự nhận giải thưởng lớn ấy, tôi đồ rằng, còn sẵn sàng kính cẩn đỡ ông, dìu ông vào “chiếu nhất” ấy chứ.

3. Vì những lẽ trên, với tất cả lòng kính trọng cố họa sĩ Bùi Xuân Phái- “U-tri-lô của Hà Nội”- tôi mạo muội đề nghị Hà Nội đặt thêm ra “Giải thưởng Vũ Bằng- Vì tình yêu Hà Nội” để trao cho giới văn chương chữ nghĩa có công với Hà Nội, còn “Giải thưởng Bùi Xuân Phái- Vì tình yêu Hà Nội” thì vẫn giữ lại, nhưng thích hợp nhất, là dùng để trao cho những người có công với Hà Nội trong các môn nghệ thuật thị giác.

Được thế, chắc chắn sẽ không bao giờ còn có một ông Tô Hoài khác, phải “cười như mếu”, khi đi lĩnh giải của Hà Nội.

 

Nguồn Văn nghệ số 35+36/2017

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

 

Exit mobile version