Ngày 20/12 vừa qua là vừa tròn 200 năm kể từ ngày cuốn “Truyện cổ tích Grimm” đầu tiên ra đời. 200 năm qua, truyện cổ tích Grimm được coi là nguồn cảm hứng bất tận cho các nghệ sĩ hoạt động trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật khác nhau, được dịch ra 160 thứ tiếng, được UNESCO chính thức công nhận là di sản văn hóa thế giới…
Những câu chuyện trong “Truyện cổ tích Grimm” ngày nay đưa ta đến một thế giới thật đẹp, thật thơ mộng và lãng mạn. Tuy nhiên, nội dung và những tình tiết trong phiên bản đầu tiên của “Truyện cổ tích Grimm” lại không hoàn toàn như vậy…
Chúng ta đều biết, hai anh em nhà ngôn ngữ học người Đức Jacob và Wilhelm Grimm không tự sáng tác ra những câu chuyện cổ tích này mà chỉ thu thập những câu chuyện được truyền tụng trong dân gian từ đời này sang đời khác. Và năm 1812, họ cho ra đời bộ sưu tập 86 truyện cổ tích trong một cuốn sách mang tựa đề “Kinder – und Hausmarchen” (Truyện của trẻ em và gia đình).
Trong khoảng thời gian từ 1812 đến 1864, anh em nhà Grimm đã xuất bản 17 phiên bản khác nhau của “Truyện cổ tích Grimm”.
Nhiều độc giả lấy làm ngạc nhiên nếu được đọc phiên bản 1 của những câu chuyện như “Rapunzel”, “Hoàng tử Ếch”, “Cô bé lọ lem”, “Cô bé quàng khăn đỏ” hay “Người đẹp ngủ trong rừng”… Thời gian trôi đi, nội dung của những câu chuyện cổ tích đã có nhiều thay đổi. Lấy câu chuyện “Hoàng tử Ếch” làm ví dụ. Ngày nay, phần lớn chúng ta được đọc phiên bản “Hoàng tử Ếch”, trong đó, ếch biến thành người nhờ nụ hôn của nàng công chúa. Tuy nhiên, ở bản in đầu thì nàng công chúa đã hất con ếch đập vào tường và sau đó ếch biến thành người.
Không chỉ có những tình tiết bạo lực mà những tình tiết liên quan đến tình dục hay tình dục trước hôn nhân cũng được anh em nhà Grimm loại bỏ khỏi những câu chuyện cổ tích như trong truyện “Rapunzel” chẳng hạn. Trong bản in đầu tiên, khi Rapunzel bị giam giữ trong tòa tháp xuất hiện hoàng tử và họ nhanh chóng cảm mến nhau… Sau đó hoàng tử đi khỏi tòa tháp mà không đánh thức phù thủy canh giữ. Rapunzel mang thai. Bằng chứng là nàng công chúa có mái tóc dài óng ả rất vô tư kêu với phù thủy rằng quần áo của cô nhanh chóng trở nên chật chội, nhất là phần thắt lưng cứ… chật căng.
Tại sao anh em nhà Grimm phải loại những tình tiết bạo lực, kinh dị hay tình dục khỏi cuốn truyện của mình?
Có thể nói, tiêu đề “Truyện dành cho trẻ em và gia đình” không phù hợp với nội dung của nó. Trong bối cảnh châu Âu đầu thế kỷ XIX, những quan niệm tôn giáo bảo thủ còn quá nặng nề, “Truyện dành cho trẻ em và gia đình” bị chỉ trích gay gắt. Các bậc phụ huynh cho rằng “Truyện dành cho trẻ em và gia đình” có nội dung quá ảm đạm, còn nhà thờ thì cho rằng chúng không thuộc hệ tư tưởng Kitô giáo. Để cuốn sách có thể tồn tại, người anh em thứ 3 của nhà Grimm – Emil – người chịu trách nhiệm trang trí cuốn sách đã phải minh họa thêm các biểu tượng Kitô giáo. Chính vì vậy, ở những phiên bản say này, trên chiếc bàn cạnh giường ngủ của bà cô bé quàng khăn đỏ đã xuất hiện cuốn kinh thánh.
“Truyện của trẻ em và gia đình” không chỉ được anh em nhà Grimm chỉnh sửa về nội dung. Nếu so sánh phiên bản đầu tiên (1802) với phiên bản thứ 7 (1857) ta thấy thứ văn phong sinh động, tinh tế, chau chuốt được thay bằng thứ văn phong rời rạc kiểu văn truyền khẩu.
Để “Truyện cổ tích Grimm” trở thành hòn ngọc trong kho tàng chuyện dân gian nhân loại không thể không nhắc đến công lao của các hãng phim, trong đó có Disney. Khi dựng những câu chuyện cổ tích trong “Truyện cổ tích Grimm” thành phim, Disney đã “dọn sạch” những tình tiết “không đứng đắn”, “khiếp đảm”, “kinh dị” và ảm đạm. Khi những câu chuyện cổ tích được “gọt giũa” cho phù hợp với tư tưởng của từng thời đại thì chúng trở thành nổi tiếng hơn, có sức sống hơn, các bậc phụ huynh thích đọc cho bọn trẻ nhiều hơn…
200 năm đã qua đi, giờ đây chúng ta chỉ có thể tự hỏi rằng điều gì sẽ xảy ra nếu Jacob và Wihelm không chỉnh sửa những câu chuyện cổ tích của họ? Liệu “Truyện cổ tích Grimm” và tên tuổi của họ có còn đến ngày nay?
Nguồn tin: vnca.cand.com.vn