Lê Anh Hoài và tập thơ đa ngữ:

Nghệ thuật đừng nên tạo bộ mặt nghiêm trang

(VĂN NGHỆ TRẺ) – Tôi hình dung mỗi ngôn ngữ là một thế giới, trong đó từng thứ trong vạn vật và muôn loài hiện ra với những dạng thể không hề giống chính nó tại thế – giới – ngôn – ngữ khác.Dĩ nhiên, với điều kiện trong ngôn ngữ ấy, nó có được một vị trí. Và khi ngôn ngữ có được một cách ghi với con chữ trên một bề mặt, bằng mọi công cụ, nó tiếp tục sống một đời sống khác.

Tôi hướng tới khi làm tập thơ đa ngữ này không phải là tăng lượng người đọc thơ mình (trong chuyện này, không làm con tính kiểu số học được); mà thông qua một việc làm có vẻ lạ lùng, tôi muốn công chúng lưu tâm đến vấn đề ngôn ngữ các dân tộc ít người nói riêng và vấn đề văn hóa, nói chung. Tạm gọi là đưa phản đề để nhấn mạnh chính đề. Đây cũng là một kiểu làm nghệ thuật ý niệm.

Muốn tạo ra một ấn phẩm không chỉ để đọc, mà còn để xem nữa.

*

Ngay khi vừa ra mắt, tập thơ Mảnh mảnh mảnh của anh đã thu hút được sự quan tâm chú ý của dư luận. Tuy nhiên đa phần, báo chí mới chỉ chú ý đến khía cạnh “lạ” của tập thơ. Lạ về hình thức. Lạ về cách thức biểu đạt (một bài thơ thể hiện qua 5 ngôn ngữ). Lạ về tên gọi… Vậy “lạ” có phải là yếu tố hàng đầu được anh cân nhắc tới khi ra mắt tập thơ này?

Lạ cũng là một yếu tố tôi quan tâm khi làm một tác phẩm, kể cả tác phẩm văn chương hay tác phẩm nghệ thuật thị giác. Nhưng phải khẳng định, lạ mà không hay thì lạ trở thành vô giá trị, thậm chí lố bịch.

*

Nhưng rõ ràng là lần nào Lê Anh Hoài ra sách cũng có những “chiêu trò” kèm theo. Anh nói gì về điều này?

Khi “bầy trò”, tôi hướng tới hai mục tiêu: Với đông đảo công chúng, ít nhất tác phẩm nó cũng phải cuốn hút, khiến tò mò chú ý. Tôi cho rằng, nghệ thuật đừng nên tạo bộ mặt nghiêm trang, mà nên vui tươi một chút, nên giúp người ta cười, giải trí. Dĩ nhiên, tôi phải tránh việc tạo ra những thứ chiêu trò phi nghệ thuật. Với một số ít người chuyên nghiệp, tôi mong muốn chuyển tải đến họ một ý niệm nghệ thuật nằm bên dưới cái mà bạn gọi là “chiêu trò”.

*

Người sáng tạo luôn có những ý tưởng, những thông điệp gửi gắm qua tác phẩm của mình; tuy nhiên không phải tất cả mọi người đều dễ dàng chia sẻ được ý tưởng của họ. Tập thơ mới ra mắt của anh, tôi đã chứng kiến một số người ngắm nghía cuốn sách với vẻ hiếu kì và chỉ tìm đọc những bài thơ viết bằng tiếng Việt. Anh có buồn về điều này không?

Khi làm cuốn sách này, tôi cùng họa sĩ Nguyễn Trung Hiếu thống nhất ý tưởng dùng chính các con chữ của các ngôn ngữ có mặt trong tập thơ để design (trong đó có chữ Khmer có nguồn gốc từ chữ Phạn, chữ Nôm có nguồn gốc từ chữ Hán, và chữ Kinh, K’Ho, Lô Lô hiện đã được Latin hóa). Các con chữ hòa quyện vào nhau ngay từ bìa sách, theo tôi đó là một hình ảnh của sự hòa bình, hòa hợp của mọi nền văn minh – văn hóa.

Với việc design hết sức công phu, tôi cũng mong muốn tạo ra một ấn phẩm không chỉ để đọc, mà còn để xem nữa.

Trong từng bài thơ (được đánh số thứ tự như một phần riêng, bên trong có đầy đủ các ngữ của bài thơ ấy), nếu xem kỹ một chút, sẽ thấy các bản thơ các ngôn ngữ khác nhau được để một cách ngẫu nhiên. Tôi làm điều này, để không ai có cảm giác ngôn ngữ nào được “đặt trên”, ngôn ngữ nào bị “xuống dưới”.

Đó là vài ý niệm tôi gửi gắm khi làm cuốn sách, cảm ơn bạn đã hỏi tới. Nhưng nếu một bạn đọc nào đó không để ý thì mình cũng phải chịu. Nói thật, thấy ai cầm sách lên và tìm đọc phần ngôn ngữ mà họ đọc được (ví như một người Khmer, chỉ đọc phần tiếng Khmer), đối với tôi đã là quý lắm rồi!

Càng ngày tôi càng quan tâm đến những khúc mắc về tinh thần của chính mình

*

Sau tiểu thuyết, sau truyện ngắn, sau những “chiêu trò” được gắn với Lê Anh Hoài như “sốc – sến – chuối”, ở thơ người đọc bắt gặp một Lê Anh Hoài rất khác. Trầm tĩnh, ưu tư, day dứt. Tôi tự hỏi điều gì khiến anh khác như vậy?

Tất cả những gì tôi viết ra, nó đều là tôi thật (chứ không phải tôi mượn). Có thể tôi hơi phức tạp chăng. Nên người đọc có thể thấy dường như tôi thay đổi.

*

Bài thơ nào anh thích nhất trong tập thơ này?

Tôi thích cả (!). Nhưng với nhiều người, dường như tôi muốn họ lưu tâm hơn tới những bài tôi viết gần đây nhất, như “Loang loáng”, “Em trôi trên ngã tư giáng sinh”…, và dĩ nhiên là “Mảnh mảnh mảnh”.

*

16 bài thơ là con số ngẫu nhiên?

Tôi chọn để ra tập, và chỉ chọn được có từng đó. À, mà sao tôi lại không nói là để kỷ niệm tuổi 16 của mình nhỉ?!

*

Một tập thơ với 16 bài anh có nghĩ là quá mỏng mảnh?

Đấy là xét chỉ ở một ngữ. Còn cả tập nó dày tới 170 trang cơ mà. Tôi cố gắng đưa ra những bài mà tôi thấy nên đưa, ít mà có cơ may đọng lại vẫn hay hơn là nhiều mà trôi tuột đi chứ.

*

16 bài đã được chọn lựa từ bao nhiêu bài là “vốn liếng” của anh?

Tôi chưa hề thống kê bản thảo nên cũng chẳng rõ nữa.

*

Anh bắt đầu làm thơ từ bao giờ?

Nếu tôi bảo là từ 3 tuổi thì bạn có xếp tôi vào loại thần đồng hay không?

*

Một trong những bài thơ tôi thích của anh trong tập này là bài Lời, “chẳng có gì phải nói/vì tất cả đã thấu hết rồi/…/ Lời chỉ là những gì sau này chúng ta sẽ nói/sau khi qua kiếp nạn này”. Khác với chất giễu nhại tràn ngập trong “Tẩy sạch vết yêu” – những bài thơ trong “Mảnh mảnh mảnh” dường như đang muốn lặn sâu vào đời sống ồn ã này, để tác giả tự giải mã chính mình. Cảm nhận ấy của tôi liệu đã chạm được vào thơ của anh?

Cảm ơn bạn. Hình như cũng có một thao tác tinh thần gì đó diễn ra trong tôi, mà có thể gọi nó là tự giải mã. Tuy nhiên, tôi giải mãi mà chẳng ra.

*

Ở mỗi chặng đường/giai đoạn sáng tạo, mối quan tâm của người viết đối với văn chương thường có sự thay đổi (ví dụ có giai đoạn anh ta quan tâm nhiều đến giọng điệu, có giai đoạn anh ta quan tâm đến đề tài, cách thức biểu đạt…). Còn anh thì sao? Giai đoạn này anh quan tâm đến điều gì?

Tôi thấy đây là câu hỏi hay. Nó khiến tôi phải tự vấn một lúc khá lâu. Rồi tôi nhận ra là càng ngày tôi càng quan tâm đến những khúc mắc về tinh thần của chính mình (khi sống và khi viết) nhiều hơn. Phóng chiếu ra với những nhân vật của tôi, tôi cũng quan tâm đến vấn đề đó ở họ. Với tôi thì giọng điệu văn bản sẽ đến sau, và thậm chí cả đề tài cụ thể cũng đến sau.

Mỗi thể loại có tiếng nói riêng của nó

*

Tại sao không phải là tiểu thuyết hay truyện ngắn, mà lần này anh lại chọn thơ?

Tôi cũng khá băn khoăn khi quyết định xuất bản thơ vì hiện thơ ca như đang bị lép vế. Nhưng rồi tôi nghĩ, mỗi thể loại có tiếng nói riêng của nó.

*

Anh vừa đề cập đến chuyện thơ ca như đang bị lép vế. Rõ ràng chúng ta có số lượng nhà thơ đông đảo hơn, các tập thơ in ra nhiều hơn. Vậy tại sao, thơ vẫn lép vế, theo anh?

Xã hội ngày nay hình như đang khuyến khích người ta lý tài. Thế nên thi ca ít được ngó ngàng tới là đúng rồi.

Trong bối cảnh đó, thơ vẫn được in ra ào ạt, thật là một cố gắng phi thường trong tuyệt vọng; hoặc giả, đó là sự trốn tránh của khá nhiều nhà thơ.

*

Trong “Mảnh mảnh mảnh” có nhiều bài thơ liên hoàn, đọc liền hoặc đọc theo kiểu ngắt dòng đều tạo ra những xúc cảm khác nhau. Tại sao anh lựa chọn kiểu viết này?

Tôi cố gắng tạo ra một văn bản không gây nhàm chán. Hơn nữa, kiểu viết này gần với tư duy thơ của tôi nhất, thì tôi viết.

*

Anh là người quan tâm và thích sự đổi mới trong văn chương. Điều đó thể hiện trong cách anh lựa chọn những sáng tác để đăng tải tờ Tiền phong chủ nhật, và rõ nhất là thể hiện trong sáng tác của anh. Anh nghĩ gì về ý kiến cho rằng đổi mới gì thì cũng phải hay, trong khi nhiều tác giả hiện nay quá chú tâm hình thức biểu đạt mà tác phẩm thì như đánh đố độc giả?

Hay/ không hay còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khách quan/ chủ quan. Hiện không chỉ độc giả, mà ngay các nhà phê bình cũng đang phân hóa khá sâu sắc trước sự xuất hiện của hàng loạt các khuynh hướng sáng tác hiện đại và hậu hiện đại. Tôi ủng hộ sự tìm tòi, sáng tạo với những cách biểu đạt khác/ lạ/ mới.

*

Việc ủng hộ sự tìm tòi, sáng tạo với những cách biểu đạt khác/ lạ/ mới chi phối như thế nào đến quan điểm sáng tác của anh?

Tôi nghĩ, trong một cách biểu đạt không gây nhàm chán và có cá tính – tự thân nó cũng cấu thành một thứ nội dung nghệ thuật rất quan trọng. Bởi vậy, tôi ủng hộ những thứ thường được gọi là khác/ lạ/ mới đó.

*

Sau khi đã thử sức cả với truyện ngắn, tiểu thuyết và thơ, anh thấy thể loại nào hợp với mình nhất?

Tôi cũng không biết nữa, điều này có lẽ dành cho người đọc nhận xét. Về phía tôi, tôi không ép chính mình phải đưa ra ưu tiên cho thể loại nào cả.

*

Bên cạnh văn chương, anh còn tham gia nhiều loại hình nghệ thuật khác như hội họa, sắp đặt, trình diễn… Anh có thể nói gì về sự đa dạng trong các hoạt động nghệ thuật của mình?

Cũng như với câu hỏi trên, tôi không chủ trương tự ép mình, theo kiểu “ta là nhà văn, vậy thì ta tham gia những loại hình nghệ thuật khác làm gì cho phí thời gian” . Khi làm nghệ thuật một cách đa dạng, tôi thấy đời sống của mình phong phú thêm lên, và vui hơn. Thêm nữa, không phải là hội họa, trình diễn, sắp đặt… thì không có ích gì cho văn chương và ngược lại.

*

Xin cảm ơn anh.

Nguồn: Phongdiep.net