“Nếu có chí muốn tự lập thì có thể đọc sách ở một trường học thôn quê; ngay ở trong sa mạc, hoặc giữa phố xá đông đúc, ngay trong lúc nuôi heo, đốn củi cũng đọc sách được. Còn như không có chí tự lập thì chẳng những ở trường học thôn quê không đọc sách được mà ngay ở trong nhà vắng vẻ, ở cõi thần tiên cũng không đọc sách được”.

 


Thú đọc sách thời nào cũng coi là một trong những cái thú tao nhã của đời sống văn minh; những người ít được đọc sách vẫn thường kính trọng và thèm cái thú đó. Điều đó dễ hiểu, một người không có thói quen đọc sách bị giam hãm trong một thế giới chật hẹp về không gian và thời gian; suốt đời quanh quẩn trong cái vòng thường lệ, chỉ tiếp xúc, chuyện trò với vài người quen, chỉ trông thấy những việc xảy ra ở chung quanh, không thoát ra khỏi cái ngục đó. Nhưng cầm một cuốn sách trên tay là tức thì người đó được sống trong một thế giới khác hẳn; nếu cuốn đó là một cuốn hay thì người đó được một người giỏi đàm thoại kể chuyện cho nghe, dẫn dắt vào một thế giới khác, một thời đại khác. Một cổ thư làm cho ta thông cảm với cổ nhân và khi đọc ta tưởng tượng tác giả ra sao, vào hạng người nào. Mạnh Tử và Tư Mã Thiên, đại sử gia của Trung Hoa, đều đã diễn ý đó. Mỗi ngày được sống hai giờ trong một thế giới khác, quên những phiền toái trong đời đi, hạnh phúc đó, người nào bị giam hãm trong cái ngục hình hài mà không thèm khát? Xét kết quả về tâm lí thì đọc sách quả như đi du lịch.

Hơn vậy nữa, người đọc sách còn được dẫn dắt vào một thế giới suy tư. Dù là một cuốn sách chỉ tả sự thực, thì đọc sách với đích thân nhìn thấy hoặc sống trong cảnh, cũng có chỗ khác nhau vì người đọc thành một khách bàng quan thoát ra ngoài cảnh. Vậy sách hay là sách dắt ta vào cái cảnh giới trầm tư, chứ không phải chỉ tả sự thực mà thôi. Ta phí biết bao thì giờ vào việc đọc báo hằng ngày, vì phần đông chúng ta đọc chỉ để biết tin tức mà không chịu suy tư.

Theo tôi, bàn về mục đích đọc sách, thì không ai bằng Hoàng Sơn Cốc, một thi hữu của Tô Đông Pha (đời Tống). Hoàng viết: “Ba ngày mà không đọc sách thì thấy ngôn ngữ vô vị, diện mục đáng ghét” (Tam nhật bất độc thư, tiện giác ngữ ngôn vô vị, diện mục khả tăng). Ông muốn nói rằng mục đích duy nhất của sự đọc sách là làm cho người ta có phong vận, phong vị. Không nên đọc sách để “trang sức tinh thần” vì nghĩ tới việc trau giồi trí tuệ là mất thú đọc sách rồi. Có những người tự nhủ: “Mình phải đọc Shakespeare, Sophocle và trọn bộ năm cuốn của bác sĩ Eliot để thành nhà trí thức”. Tôi tin chắc rằng những người đó không khi nào thành nhà trí thức. Một ngày kia họ sẽ tự bắt buộc phải đọc kịch Hamlet (của Shakespeare) để được cái lợi duy nhất này là “đã đọc” Hamlet; nhưng người đó sẽ phải bỏ dở mà coi nó như một ác mộng. Đọc sách mà có cảm tưởng bắt buộc thì là không hiểu gì về nghệ thuật đọc sách cả.

Vậy chỉ có một cách chân chính để đọc sách là như Hoàng Sơn Cốc đã nói, đọc để cho diện mục thêm khả ái, ngôn ngữ thêm ý vị. Nói diện mục khả ái, không phải nét mặt phải đẹp đẽ đâu. Hoàng Sơn Cốc bảo “diện mục đáng ghét” , không phải là nét mặt xấu xí. Có những bộ mặt xấu xí mà cực kì dễ thương, và có những bộ mặt đẹp đẽ mà rất vô duyên, khả ố. Trong số tác giả phương Tây mà tôi được coi hình, thì tôi cho nét mặt của G. K. Chersterton đẹp nhất. Bộ râu, cặp kính, cặp lông mày và những nét nhăn ở chỗ lông mày giao nhau, tất cả những nét đó hòa hợp với nhau một cách kì quái mà dễ thương! Ta có cảm tưởng biết bao ý tưởng xô đẩy nhau sau vừng trán đó và chỉ chực phát ra ở cặp mắt sâu sắc hóm hỉnh đó. Một bộ mặt đẹp như vậy là bộ mặt đẹp theo Hoàng Sơn Cốc, bộ mặt không đẹp vì môi son má phấn mà đẹp vì sinh lực của tư tưởng. Còn như ý vị của ngôn ngữ thì tùy cách ta đọc sách. Nếu đọc sách ta thấy có ý vị thì ngôn ngữ của ta cũng có ý vị mà tác phẩm của ta cũng không thể không có ý vị.

Cho nên tôi cho ý vị và sở thích là cần nhất cho sự đọc sách. Sở thích tất nhiên là tùy người, ta lựa sách cũng như lựa món ăn. Cách ăn uống hợp vệ sinh nhất vẫn là thích cái gì ăn cái đó vì như vậy dễ tiêu hóa. Đọc sách cũng vậy. Một cuốn sách thích hợp với người này mà không thích hợp với người khác cũng như món thịt người này cho là bổ thì người khác cho là độc. Một giáo sư đừng nên bắt học trò thích những sách mình thích mà cha mẹ cũng đừng mong con cái có sở thích giống mình. Viên Trung Lang đã nói: “Sách nào không thích thì bỏ, để cho người khác đọc” .

Vậy không có sách nào là nhất định phải đọc cả. Hứng thú tinh thần phát triển cũng như thân cây hoặc lưu động cũng như dòng nước. Còn nhựa thì cây còn lớn; còn suối thì nước còn chảy. Khi nước gặp một tảng đá thì nó chảy vòng quanh; khi nó gặp một thung lũng tươi tốt thì nó chậm lại, uốn khúc; khi nó gặp một hồ sâu trên núi thì nó ngừng lại một thời gian, gặp thác thì nó cuồn cuộn đổ xuống. Không mệt nhọc, không có mục đích nhất định, mà một ngày kia thế nào nó cũng tới biển. Không có sách nào mà mọi người đều phải đọc, chỉ có những cuốn mà một người nào đó phải đọc vào một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, trong một trường hợp nào đó, vào cái tuổi nào đó. Tôi tin rằng, đọc sách cũng như hôn nhân, có duyên tiền định. Dù cho rằng có những cuốn sách mà ai cũng phải đọc như Thánh Kinh chẳng hạn thì cũng chỉ nên đọc vào một tuổi nào thôi. Khi tư tưởng và kinh nghiệm chưa già dặn thì một tuyệt tác chỉ để lại cho ta một vị chát đắng. Khổng Tử bảo năm chục tuổi có thể đọc Kinh Dịch , nghĩa là mới bốn mươi lăm tuổi thì chưa nên đọc. Cái ý vị cực kì bình đạm, cái trí tuệ già dặn của ông, chúng ta không thể nào lĩnh hội nổi nếu chúng ta chưa già dặn.

Vậy việc đọc sách có hai phương diện: tác giả và độc giả. Cái lợi ích của sách do sự cống hiến của tác giả mà cũng do kinh nghiệm của độc giả nữa. Một nhà nho đời Tống  bàn về bộ Luận Ngữ bảo: “Người đọc Luận Ngữ có nhiều hạng, có người đọc xong không được sở đắc gì cả; có người chỉ thích vài ba hàng; có người thích quá bất giác khoa tay múa chân lên” .

Tôi cho rằng tìm được một tác giả mình thích là sự tình quan trong nhất trong sự phát triển tinh thần của ta. Trên đời có sự đồng thanh, đồng khí và ta có thể rán tìm trong các tác phẩm cổ kim một tâm hồn giống với ta. Đọc sách mà theo cách đó thì mới thực là có lợi. Ta phải độc lập tự kiếm lấy bực thầy của mình. Ta không nên khuyên người khác nên thích tác giả này tác giả khác, nên để cho bản năng của họ lựa cho họ. Nhiều văn sĩ sống cách nhau mấy thế kỉ mà lối tư tưởng cảm xúc y như nhau, đến nỗi người sau đọc người trước tưởng như tìm thấy được hình ảnh của chính mình trên trang sách. Gặp những trường hợp đó, người Trung Hoa bảo rằng như có sự chuyển kiếp, chẳng hạn Tô Đông Pha là hậu thân của Trang Tử hoặc Đào Uyên Minh. Tô Đông Pha bảo lần đầu tiên đọc Trang Tử ông có cảm tưởng rằng từ hồi nhỏ ông đã có nhiều ý nghĩ như Trang Tử. George Eliot khi mới được đọc Rousseau, tinh thần kích động mạnh như bị điện giật. Nietzsche cũng có cảm giác đó khi đọc Shopenhauer, nhưng vì Shopenhauer là một ông thầy rầu rĩ mà Nietzsche là một môn sinh táo bạo, cho nên sau này trò chống lại thầy. Người đàn ông nào cũng thấy tình nhân của mình mười phân vẹn mười; người đọc sách cũng vậy, tác giả nào mình thích thì luôn luôn là không có chỗ chê: từ bút pháp đến tâm trạng, thị hiếu, kiến giải, cách suy nghĩ đều hoàn toàn cả. Có sự đồng thanh, đồng khí, nên hễ thấy tác phẩm của tác giả đó là đọc nghiến đọc ngấu cho hết. Như bị bỏ bùa, người đó sung sướng tuân theo tác giả, bắt chước từ giọng nói, cách cười dong mạo của tác giả. Nhưng vài năm sau, bùa bả như tan rồi, bắt đầu thấy chán và kiếm những tác giả khác. Cũng có nhiều độc giả không bao giờ yêu tha thiết một tác giả nào cả, cũng như có nhiều trai gái chỉ ve vãn nhau mà không thể thắm thiết với nhau được. Những độc giả đó có thể đọc mọi tác giả, nhưng rút cục vô sở đắc.

Có quan niệm như trên thì không thể coi đọc sách như một bổn phận hoặc một sự bó buộc được. Ở Trung Hoa, người ta thường khuyên học sinh phải “khổ độc” . Có một đại học giả nọ cần khổ đọc sách như vậy và ban đêm đương đọc sách mà buồn ngủ thì lấy dùi đâm vào vế. Một nhà khác bảo một nữ tì đánh thức mình mỗi khi ngủ thiếp đi. Thật vô nghĩa. Sách hay mở trước mặt, một tác giả hiền minh chuyện trò với mình mà mình lại buồn ngủ thì đi ngủ phắt đi có hơn không? Những người đọc sách mà thành công ít nhiều tất không dùng cái phương pháp “cần nghiên” (hăm hở nghiên cứu), “khổ độc” đó. Họ yêu sách nên đọc sách, không thể làm khác được, thế thôi.

Vấn đề đó giải quyết rồi, bây giờ tới vấn đề nên đọc sách vào lúc nào, ở chỗ nào. Không có gì nhất định cả. Hễ thích đọc thì ở đâu đọc cũng được. Tăng Quốc Phiên, trong một bức thư gởi cho một người em muốn lên kinh sư kiếm một trường tốt nhất để học, khuyên em như vầy:

“Nếu có chí muốn tự lập thì có thể đọc sách ở một trường học thôn quê; ngay ở trong sa mạc, hoặc giữa phố xá đông đúc, ngay trong lúc nuôi heo, đốn củi cũng đọc sách được. Còn như không có chí tự lập thì chẳng những ở trường học thôn quê không đọc sách được mà ngay ở trong nhà vắng vẻ, ở cõi thần tiên cũng không đọc sách được”.

Có người chê phòng lạnh quá, ánh sáng chói quá, bàn khó ngồi quá, không đọc sách được. Những người đó không muốn đọc sách nên kiếm cớ ra như vậy, và suốt năm không có mùa nào cho họ đọc sách cả: mùa xuân thì đẹp quá không nên đọc sách, mùa hè thì nóng quá chỉ nên ngủ, thu buồn quá, đông lạnh quá…

Vậy nghệ thuật đọc sách ra sao? Giản dị lắm: cứ mở sách ra đọc lúc nào thấy muốn đọc. Lấy tập Ly Tao của Khuất Nguyên hay tập thơ của Omar Khayyam rồi ra ngồi bờ sông. Mây trên trời mà đẹp ư? Thì cứ gấp sách lại, ngắm mây một lúc đã. Có một cối thuốc, một chén trà thì càng thú. Hoặc một đêm tuyết rơi, ngồi trước lò sưởi, ấm nước sôi trên lò, kiếm một gói thuốc lá và mươi, mười hai cuốn sách, lật sơ sơ coi cuốn nào thích thì đọc. Kim Thánh Thán cho rằng một đêm tuyết rơi, khóa kĩ cửa lại, đọc cấm thư thì không còn gì thú bằng.

(Lâm Ngữ Đường – Sống đẹp)

(Nguyễn Hiến Lê dịch)

Exit mobile version