Trong một lần tới hiệu sách nổi tiếng Clarke tại Cape Town (Nam Phi) để tìm kiếm tài liệu về Graham Greene (tác giả tiểu thuyết “Người Mỹ trầm lặng”) và mối liên hệ giữa nhà văn với Antony Clarke – người sáng lập ra hiệu sách này vào năm 1956, ký giả Tim Butcher của BBC News Magazine đã được bà Henrietta Dax – người chủ hiện nay của hiệu sách – trao cho một cặp da cũ đựng các giấy tờ lưu trữ của Clarke từ Đệ Nhị Thế Chiến.

*

Antony Clarke
trong Đệ Nhị Thế Chiến

Vào năm 1942 Tony Clarke là một trung úy trẻ thuộc đội quân kỵ mã pháo binh hoàng gia Anh đóng tại Trung Đông. Khi quân Đồng Minh bắt đầu chiến dịch tấn công quân đội phát-xít Đức tại châu Âu, đơn vị của Clarke được điều tới Ý. Clarke không trực tiếp tham dự các trận đánh quân Đức, nhưng anh mô tả trong nhật ký là đã bị sốc như thế nào khi hành quân qua các thành phố cổ bị bom tàn phá tan hoang. Năm 1944, trong lúc quân Đồng Minh tiếp tục tiến công, đơn vị Clarke chỉ huy được lệnh chiếm lĩnh vị trí tại một nơi gần Sansepolcro. Khác với phần lớn các thị trấn cổ tại vùng Tuscan thường nằm trên đỉnh đồi, Sansepolcro nằm dưới một thung lũng. Hồi đó pháo binh của Đồng Minh thường oanh kích các thị trấn để dọn đường cho bộ binh tiến vào. Đó chính là nhiệm vụ mà Clarke và đồng đội phải thi hành đối với Sansepolcro. Họ đào công sự, kéo pháo vào vị trí, nạp đạn, lên nòng.

Chính vào lúc đó một tiếng chuông yếu ớt chợt rung lên trong tâm trí Clarke. Hồi chuông vọng về từ những năm tháng xa xăm trước cuộc chiến tranh rồ dại này.

Clarke – chàng trai đồng tính và mê nghệ thuật người Anh – nhớ lại một tiểu luận của Aldous Huxley mà anh từng đọc, trong đó tác giả viết rằng mình đã khám phá ra bức tranh mà ông coi là tuyệt nhất thế giới. Đó là bức bích họa “Phục sinh” – kiệt tác của bậc thầy thời Phục Hưng Piero della Francesca. Huxley viết: “Chúng ta không cần phải có trí tuởng tuợng mới hình dung được vẻ đẹp của bức hoạ. Bức hoạ vĩ đại nhất thế giới đó ở ngay trước mặt chúng ta hoàn toàn và thực sự lộng lẫy.”

Piero della Francesca (1415 – 1492)
Phục sinh (khoảng 1463 – 1465)
bích hoạ, 225 x 200 cm, Museo Civico, Sansepolcro, Ý

Clarke có thể đã không nhớ hết các chi tiết trong tiểu luận của Huxley, nhưng khi pháo của đơn vị anh chuẩn bị nhả đạn thì anh chợt nhớ ra một chi tiết quan trọng.

Bức bích hoạ “Phục Sinh” nằm trong thị trấn Sansepolcro.

Clarke hạ lệnh ngừng khai hoả.

Khi cấp trên gọi bộ đàm tới chất vấn sao không oanh kích thị trấn, Clarke đã phải dùng ống nhòm quan sát thị trấn để trấn an cấp trên rằng anh không nhìn thấy bóng dáng một mục tiêu nào của quân Đức  trong phố cả. Quyết định của Clarke thật can đảm bởi nếu quân Đồng Minh đụng phải sự kháng cự của quân Đức khi tiến vào thị trấn thì Clarke chắc chắn sẽ bị xử nặng tại toà án binh. Nhưng vì tình yêu nghệ thuật, Clarke đã không cho nã pháo vào thị trấn. Quân Đức đã rút chạy và Sansepolcro đã được giải phóng một ngày sau, mà kiệt tác 500 tuổi không hề bị hư hại.

*

Thị trấn Sansepolcro được thành lập vào thế kỷ 10 bởi hai giáo sĩ tên là Arcanus and Aegidius hành hương từ Jerusalem trở về, mang theo thánh tích là một hòn đá từ nhà thờ Holy Sepulchre (tiếng Ý là Sansepolcro) tức “Phục sinh thiêng liêng” – được coi là nơi Chúa Jesus đã phục sinh 3 ngày sau khi Người bị hành hình đóng đinh trên Đồi Sọ. Sansepolcro là thành phố quê hương của Piero della Francesca. Hơn 500 năm trước Piero della Francesca đã vẽ bức bích hoạ “Phục Sinh” trên tường toà thị chính Sansepolcro, nay trở thành bảo tàng thành phố. Trong bức hoạ, Chúa Jesus bước ra từ hầm mộ, tay cầm lá cờ chiến thắng, mắt nhìn thẳng vào người xem. Trước mộ, dưới chân Người, bốn lính canh ngủ gục. Bức bích họa đã trở thành biểu tượng và ý nghĩa của toàn cộng đồng Sansepolcro.

Piero della Francesca không bắt đầu từ số không khi vẽ bức bích hoạ này. Ông đã mượn ý tưởng và bố cục từ bức tranh thờ do Nicolo di Segna vẽ khoảng một thế kỷ trước ông tại giáo đường Sansepolcro, và có thể từ cả bức bích hoạ do Andrea Castagno vẽ trước ông khoảng 2 thập niên tại Florence. Vẽ theo các bậc thầy tiền bối và vượt họ là truyền thống của hội hoạ thời đó và Piero cũng không phải là một ngoại lệ.

Nicolo di Segna
Phục sinh (khoảng 1348)
tempera trên gỗ, Giáo đường Sansepolcro

Andrea Castagno (1423 – 1457)
Phục sinh (1447)
trích đoạn bích hoạ tại Sant’Apollonia, Florence

Ngoài tài tả thực như vẽ các nếp vải và các giọt máu chảy ra từ vết thương trên cơ thể Đức Chúa mà sau 5 thế kỷ vẫn như còn đỏ rực long lanh, Piero đã vận dụng kiến thức và các ảnh hưởng ông lĩnh hội được từ tác phẩm của các bậc thầy như Masaccio và Andrea Castagno mà trong thời trai trẻ Piero đã từng thấy khi sống tại Florence. Ông hiểu rằng toán học và luật viễn cận tuyến tính cho phép tạo nên một ảo giác như thực về khối và độ sâu trong không gian 3 chiều. Nhưng ông đã tiến xa hơn Masaccio và Andrea Castagno. Trong bức bích hoạ “Phục sinh” Piero đã dùng luật viễn cận tuyến tính theo hai cách hoàn toàn khác.

Masaccio (1401 – 1428)
Tam Vị Nhất Thể (khoảng 1427)
Giáo đường Santa Maria Novella, Florence

Hiểu rằng bức bích hoạ ở trên tường cao, Piero đã dựng bố cục từ điểm nhìn từ dưới lên. Không chỉ là một danh hoạ, Piero còn nổi tiếng như một nhà toán học, đã viết 3 cuốn sách về số học, đại số và hình học, trong đó cuốn “De Prospectiva Pingendi” chuyên về lý thuyết toán học của luật viễn cận trong hội hoạ. Trong cuốn sách này Piero chẳng những đã xây dựng luật phối cảnh trong không gian kiến trúc, mà còn chỉ rõ các chi tiết trong phối cảnh liên quan tới vẽ cơ thể người, bao gồm cả một hệ thống cho phép dựng hình chiếu của đầu người lên mặt phẳng của bức tranh. Trong “Phục sinh” hình đầu người lính gác mặc áo giáp màu nâu (thứ hai từ trái) ngủ ngả về phía sau (chân dung tự họa của Piero) là một minh chứng rõ ràng cho lý thuyết của ông. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử hội hoạ phương Tây đầu người được vẽ ở vị trí rút ngắn cực kỳ chính xác như vậy. Đầu người lính đó ngả vào cán cờ của Chúa như một tượng trưng cho sự tiếp cận của con người với Thánh Tính. Ngoài ra, để giữ hài hoà trong bố cục, Piero đã không vẽ chân người lính gác cầm dáo (thứ ba từ trái)!

Trích đoạn những lính gác ngủ từ bức “Phục sinh” của Piero della Francesca

Trong khi đó, ở phần trên, Piero lại dựng hình Chúa Jesus không phải được nhìn từ dưới lên, mà theo viễn cận nhìn ngang, như thể đó là thế giới riêng của Chúa, trung tâm của vũ trụ. Như vậy Piero della Francesca đã dùng phương pháp khoa học để phân biệt thế giới tinh thần và thế giới vật chất trong cùng một bức tranh. Tuy được vẽ với cùng bố cục, song bàn chân trái của Chúa Jesus trong bức tranh thờ của Nicolo di Segna trông èo uột vô nghĩa khi đem đặt cạnh bàn chân Chuá Jesus trong bức bích hoạ của Piero della Francesca. Bàn chân này cho thấy sự kết nối giữa thế giới tinh thần và thế giới vật chất, cũng như quyết tâm mãnh liệt của Đức Chúa khi bước ra khỏi mồ.

Bàn chân Chúa Jesus trong bức tranh của Nicolo di Segna (trái) và trong bích hoạ của Piero della Francesca (phải).

Song hiệu ứng mạnh nhất trong bức hoạ này là khuôn mặt của Chúa Jesus. Đây là khuôn mặt của con người. Khuôn mặt này không đẹp như các khuôn mặt thường thấy trong các bức hoạ vẽ Đức Chúa, mà lại gồ ghề, râu ria, với đôi mắt nhìn thẳng vào người xem vừa như than khóc tha thứ vừa như nghiêm khắc kết án. Khi vẽ đôi mắt này, có thể Piero đã nhớ tới đôi mắt Chúa trên bức tượng gỗ “Volto Santo” thế kỷ 9 cũng tại Sansepolcro, được cho là một trong những hình ảnh cổ nhất về Đức Chúa trên thánh giá ở châu Âu. Tuy nhiên trong bức bích hoạ Piero đã dùng các thủ thuật hội hoạ thuần túy để tạo một hàng lông mày hiện ra dưới lớp màu trong vẽ bóng của hốc mắt phía dưới, khiến người xem khó thoát khỏi ánh mắt trừng trừng của Chúa.

Chân dung Chúa Jesus trong “Phục sinh” của Piero della Francesca

Khuôn mặt Chúa Jesus trên bức tượng Volto Santo (Mặt thánh)
tại đồng giáo đường Sansepolcro

Phong cảnh sau lưng Chúa cũng là một tầng ý nghĩa nữa. Piero vẽ phong cảnh địa phương: Chúa không Phục sinh tại nơi nào xa xôi mà ngay tại quê hương của những người vùng Tuscan. Người hiện hữu ở khắp nơi. Bên phải Chúa là cảnh mùa đông, cây côi trụi lá khẳng khiu, còn bên trái Chúa là cảnh muà hè. Sự chuyển mùa trong phong cảnh của bức tranh như biểu thị sự hồi sinh, sự trở về của Chúa từ cõi chết, sự tỉnh ngộ của con người sau Phục Sinh.

Bốn người lính gác làm nhiệm vụ canh mộ Chúa lăn ra ngủ. Chúng ta cũng như họ, tuy ở ngay cạnh Chúa, nhưng như những kẻ mê ngủ, không bao giờ ngộ ra Người. Mặt khác, phải chăng Phục Sinh là hiện tượng ta chỉ ngộ ra trong trạng thái mơ mộng?

Piero della Francesca đã sống tới gần 80 tuổi. Về cuối đời ông bị lòa. Nhiều năm sau, một người tên là Marco di Longaro có kể lại trong thời niên thiếu từng được làm thằng nhỏ dẫn Piero della Francesca đi ngoài phố. Cuốn sổ đăng ký người chết tại Sansepolcro có ghi ngày 12/10/1492 là ngày mai táng “Maestro Pier dei Franceschi – danh hoạ”. Người ta không tìm thấy mộ ông. Căn cứ vào di chúc của Piero della Francesca được công chứng ngày 5/7/1487 trong đó ông yêu cầu được chôn tại tu viện Badia tại Sansepolcro, người ta đã khai quật sàn tu viện và tìm thấy bên dưới nhiều xương người. Có thể trong số đó có lẫn hài cốt của người đã vẽ nên bức hoạ “vĩ đại nhất thế giới”.

Tượng đài kỷ niệm Piero della Francesca
tại Sansepolcro

Sau khi qua đời, Piero della Francesca và hội họa của ông nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Các phong cách mới  đã khiến lối vẽ với bố cục tĩnh của Piero trở nên lỗi thời, không quyến rũ người xem bởi các hiệu quả mạnh như trong tranh của Leonardo da Vinci, Michelangelo, hay Raphael sau này. Thậm chí tới thế kỷ 18 bức bích hoạ “Phục sinh” đã bị cho là vô giá trị, và người ta đã phủ nó bằng một lượt vữa và vôi trắng. Thời gian trôi qua, các lớp vôi vữa rụng đi. Bức “Phục Sinh” dần dần hiện về từ cõi chết. Nhưng phải đợi tới thế kỷ 19 bức “Phục sinh” mới được nhà khảo cổ và chính trị gia Anh Henry Lear tái phát hiện vào năm 1855. Ông đã sao lại bức bích hoạ bằng bút chì và khẳng định đó là bức bích hoạ quan trọng nhất thế kỷ 15.

*

Hành động của Tony Clarke là một trường hợp hiếm có khi nghệ thuật đã cứu sống con người và ngược lại. Thậm chí đó chưa phải là sức mạnh của nghệ thuật mà là văn hóa và hiểu biết đã ngăn chặn con người làm những hành động tàn bạo, bởi khi hạ lệnh ngừng bắn, Tony Clarke còn chưa hề nhìn thấy bức bích hoạ mà chỉ đọc về nó trong tiểu luận của Huxley. Dường như “Phục sinh” đã thăng hoa vượt lên trên mọi dã man của chiến tranh. Có gì đó thần thánh đã ngăn Clarke và đơn vị pháo của ông tàn phá Sansepolcro trong đó có kiệt tác của Piero della Francesca, bởi nếu điều đó xảy ra Tony Clarke sẽ tự dằn vặt và đau khổ trong suốt quãng đời còn lại của mình.

Nội thất Museo Civico (Sansepolcro) với bức bích họa
“Phục sinh” của Piero della Francesca

Việc đầu tiên Tony Clarke làm sau khi tiến vào Sansepolcro là rủ một đồng đội tới Toà thị chính. Tại đây họ đứng im lặng chiêm ngưỡng “bức hoạ vĩ đại nhất thế giới” đã được cứu thoát nhờ quyết định không nổ súng của Tony Clarke.

Năm 1960 Atony Clarke trở lại Sansepolcro một lần nữa và được đón tiếp như một người anh hùng. Trong diễn từ tại buổi lễ vinh danh ông, thị trưởng Sansepolcro nói: “Thật sung sướng khi hồi tưởng một sự cố trong chiến tranh mà lại được đánh dấu bởi sự ấm áp của tình người, đậm tính nhân văn và nỗi lo lắng cho nền văn minh nhân loại. Ở đây chúng ta thấy sức mạnh của bạo tàn đã bị khuất phục trước ký ức về văn hoá và nghệ thuật.

Antony Clarke (người thứ hai từ trái) trong buổi lễ vinh danh ông tại Sansepolcro

Antony Clarke qua đời năm 1981, nhưng câu chuyện về người sĩ quan Anh cứu sống bức hoạ vĩ đại nhất thế giới đã trở thành một phần không thể thiếu trong lịch sử kiệt tác “Phục sinh” của Piero della Francesca. Đối với mỗi người dân Sansepolcro bức “Phục sinh” đã trở thành danh tính của họ. Bởi vậy họ yêu quý Antony Clarke, người đã cứu danh tính đó khỏi bị phá hủy. Tên của Antony Clarke được đặt cho một phố tại Sansepolcro, “via A. Clarke”.

Nguyễn Đình Đăng – Theo Book Hunter Club

Exit mobile version