Ngày nay, hiếm có ai còn biết chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là gì. Giới văn nghệ sĩ Đông Âu dị ứng với nó. Trong suốt năm chục năm vừa qua, giới văn nghệ sĩ Đông Âu đã xây dựng nên chiến lược đánh đổ công phu và đã giáng cho chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa một đòn trí mạng. Họ khát máu đến mức xóa sạch mọi dấu tích của nó. Đó là lý do vì sao không ai còn có thể giải thích cái tai họa hiện thực xã hội chủ nghĩa là gì nữa. Đối với người Phương Tây, và đáng ngạc nhiên hơn là cả với người Phương Đông, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa luôn được gắn với cái biểu tượng hoành tráng Công – Nông (Rabotnik i kolhoznitsa) vẫn xuất hiện ở đầu các bộ phim do hãng Mosfilm sản xuất. Và, dĩ nhiên, cả với hình ảnh Joseph Vissarionovich Stalin, người vẫn được giả định là cha đẻ của thuật ngữ ấy.
Xin được tóm tắt. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đòi hỏi người nghệ sĩ phải mô tả hiện thực một cách trung thực với những nét đặc thù lịch sử trong quá trình phát triển cách mạng của nó. Tính trung thực và tính đặc thù lịch sử trong mô tả hiện thực cần phải được kết hợp với nhiệm vụ cải tạo và giáo dục tư tưởng cho người lao động theo tinh thần của chủ nghĩa xã hội. Văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa phải gần gũi với đông đảo nhân dân. Đòi hỏi có tính căn bản về tính giáo dục này đẻ ra loại tiểu thuyết xoay quanh xung đột giữa nhân vật chính diện và nhân vật phản diện (như Siêu nhân chống lại Lex Luthor!), và các loại “tiểu thuyết ngành nghề”, “tiểu thuyết giáo dục” v.v…
Nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa không chỉ có hậu, mà còn có tính nhục cảm. Không ở đâu những thân thể khoẻ mạnh cường tráng được thể hiện thường xuyên đến thế, không ở đâu những chị cắt cỏ với anh lái máy cày, những anh công nhân với chị nông dân, những người đàn ông đàn bà tràn đầy sinh lực lại xoắn quyện với nhau nhiều đến thế. Không ở đâu, nếu chúng ta dùng ngôn ngữ hiện đại, lại có nhiều những Arnold Schwarzenegger, Roseanne Barr, và Sylvester Stallone kết hợp lại trong một thân thể mạnh mẽ đến thế. Nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa là thứ hiện thực lạc quan và sảng khoái. Không ở đâu khác lại có nhiều lòng tin đến thế vào một tương lai tươi sáng, khi cuối cùng cái thiện chiến thắng còn cái ác bị tiêu diệt.
Không ở đâu khác, trừ nền văn hóa thị trường. Thành công của phần lớn các sản phẩm văn chương ngày nay là dựa trên cái ý tưởng đơn giản của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa về tiến bộ. Các hiệu sách chất ngất những tác phẩm chỉ chứa đựng một ý tưởng duy nhất: làm sao chiến thắng những khuyết tật của bản thân để vươn lên. Sách về những người mù tìm lại được ánh sáng, những người béo trở nên thon thả, những người ốm khoẻ lại, những người nghèo giàu lên, những người câm biết nói, những người say tỉnh ra, những kẻ hoài nghi tìm thấy lòng tin, những người rủi ro gặp được may mắn. Tất cả những quyến sách này tiêm nhiễm người đọc bằng một thứ vi khuẩn của lòng tin vào một tương lai tươi sáng của mỗi cá nhân. Và tương lai tương sáng của cá nhân cũng là tương lai tươi sáng của tập thể, như Oprah Winfrey đã nói không hề úp mở với các khán giả trên toàn thế giới của cô.
Để thành công, văn học thị trường phải có tính giáo dục. Vì thế, rất nhiều cuốn sách có nhan đề bắt đầu bằng “How…” (Như thế nào). Làm việc này như thế nào, làm việc kia như thế nào. How the Steel Was Tempered (Thép đã tôi như thế nào). Cuốn sách best-seller của Mỹ, How Stella Got Her Groove Back (Stella tìm lại mình như thế nào) có một hiệu quả an ủi đối với phụ nữ vô sản da đen không khác gì hiệu quả mà cuốn Người mẹ của Marxim Gorki từng có đối với độc giả nữ của nó.
Đặc điểm của văn học thị trường đương đại là hiện thực, lạc quan, sảng khoải, gợi nhục cảm. Nó mang tính giáo dục, hiển ngôn hoặc ngấm ngầm, và hướng đến một lượng độc giả đông đảo. Bằng cách đó, nó cải tạo và giáo dục người lao động theo tinh thần vươn lên để cá nhân chiến thắng khuyết tật, để cái thiện chiến thắng cái ác. Đó chính là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Bảy chục năm đã trôi qua kể từ ngày chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ra đời. Các nhà văn Đông Âu là những người thua thiệt nhất trong chuyện này. Tôi thực sự tiếc cho họ, bởi lẽ họ đã không có đủ tự tin để bảo vệ thứ nghệ thuật của chính họ. Họ đã quẳng vào sọt rác công sức lao động miệt mài của các nhà văn hiện thực xã hội chủ nghĩa ngày xưa mà không biết học ở họ những kỹ năng cần thiết cho một thị trường văn học. Họ đã ngược đãi và giết chết đứa con của chính họ.
Và thế là chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đã chết. Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa muôn năm!
Dubravka Ugresic *
Ngô Tự Lập dịch
_________________________
Chú thích:
*Dubravka Ugresic sinh năm 1949 và lớn lên ở Liên bang Nam Tư. Rời Nam Tư năm 1993, bà hiện đang sống tại Amsterdam. Bà giảng dạy tại nhiều trường đại học ở châu Âu và Mỹ. Là tác giả các tập tiểu luận Have a Nice Day, The Culture of Lies, và Thank you for not Reading, bà cũng là tác giả của các tập truyện In the Jaws of Life and Other Stories, Fording the Stream of Consciousness, và The Museum of Unconditional Surrrender. Bà từng đoạt giải “Charles Veillon” European Essay Prize (Thuỵ Sĩ), Versetsprijs (Áo), Sudwestfunk Prize và Heinrich Mann Prize (Đức).
Tiểu luận “Chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa muôn năm!” (“Long Live Socialist Realism!”) rút từ tập Thank You For Not Reading, do Celia Hawkesworth dịch từ tiếng Croatia (Dalkey Archive Press, Normal, USA, 2003). Bạn đọc cũng có thể đọc bản tiếng Anh trên địa chỉ sau:
http://www.centerforbookculture.org/context/no13/ugresic.html#Long%20Live%20Socialist%20Realism
[1] Ở Việt Nam, tiểu thuyết này được dịch là Thép đã tôi thế đấy.
Nguồn: Văn nghệ Trẻ.