Từ tranh giá vẽ đến nghệ thuật sắp đặt

Nếu so sánh với những tài năng nghệ thuật được phát lộ ngay từ sớm thì Trần Trọng Vũ không được coi là “thần đồng”, bởi anh bắt đầu đến với hội họa khi đã bước vào tuổi 13 – 14. Năm 1987, anh đỗ thủ khoa Đại học Mỹ thuật Hà Nội và hai năm sau đó (1989), được học bổng vào học tại trường mỹ thuật Ecole Nationale des Beaux – Art tại Pháp. Quá trình học tập và sinh sống tại Pháp, Trần Trọng Vũđã thực hiện triển lãm mỹ thuật tại nhiều nơi trên thế giới và giành các giải thưởng cao tại những liên hoan mỹ thuật đương đại.Anh từng nhận giải thưởng Pollock-Krasner 2011 – 2012 – giải thưởng hỗ trợ các nghệ sĩ tạo hình có thành tích trên toàn thế giới.

Có rất nhiều thành công với tranh giá vẽ, nhưng đến những năm 2000, Trần Trọng Vũ đã thể nghiệm một loại hình nghệ thuật mới: nghệ thuật sắp đặt(installation).Anh dành nhiều thời gian đi xin hàng trăm đôi giày đã cũ của những người dân thuộc các nguồn gốc khác nhau đang sinh sống tại Pháp, phủ sơn trắng và vẽ lên đế giày quốc kỳ của mỗi nước. Trong triển lãm sắp đặt này, anh cũng đã sử dụng một chiếc ô tô làm nền cho tác phẩm.

Tiếp cận loại hình nghệ thuật sắp đặt, Trần Trọng Vũ nhận thấy hội họa giá vẽ có nhiều hạn chế và không thỏa mãn được mong muốn của người nghệ sĩ là đưa khán giả tham gia vào tác phẩm, còn sắp đặt là con đường mở với cảm nhận riêng của từng người xem về tác phẩm. Với ý định phá vỡ quan niệm truyền thống của công chúng về phần nền của tranh vẽ luôn là một mặt phẳng (toan, giấy, vải, gỗ…), anh thay đổi phần “nền” đó bằng nhiều vật liệu khác nhau để rồi cuối cùng tiến tới một ý đồ rất tạo bạo, đó là làm biến mất hoàn toàn phần nền của một bức tranh. Nylon là một vật liệu được chọn lựa.Với chất liệu nylon, tác phẩm không còn ở trên một mặt phẳng, cũng không còn tĩnh mà rất động. Khán giả có thể nhìn xuyên qua rất nhiều mặt phẳng lập lờ bằng chất liệu nylon trong suốt, thấy rõ các con người và cảnh vật ở đằng sau; hình ảnh sẽ chuyển động theo con mắt và góc nhìn của người xem. Các sáng tác của hội họa giá vẽ, khán giả thường xem trong im lặng; nhưng với tác phẩm sắp đặt của Trần Trọng Vũ, người xem có thể đi vào, đứng lại nhìn và hỏi tác giả là ai; để có thể trình bày cùng tác giả đôi điều muốn nói. Người xem có thể “đi” vào tác phẩm theo cách hoặc hướng mà họ thích. Và họa sỹ cũng được “chào đón” khán giả trong chính tác phẩm của mình. Chuyển từ hội họa giá vẽ sang sắp đặt, Trần Trọng Vũ đã tạo nên sự đa ngữ nghĩa trong tác phẩm, thử thách người yêu nghệ thuật phải suy nghĩ về nó chứ không chỉ là những cảm xúc thoáng qua.

Đầu năm 2007, hai triển lãm sắp đặt trên chất liệu nylon của Trần Trọng Vũ đã được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội (L’Espace, 24 Tràng Tiền): “Chúc sống lâu” (với 41 tác phẩm)và  “Ký ức xanh” (gồm 49 tác phẩm) nhận được sự quan tâm của đông đảo khản giả trong và ngoài giới hoạt động nghệ thuật. Tiếp đó, năm 2014, triển lãm “Những lũy thừa không số” bày tại Hà Nội gồm 60 tác phẩm (khổ 100cm x 270cm), tạo hiệu ứng thị giác đặc biệt khi các nhân vật trong tác phẩm có kích thước bằng đúng người thật ở ngoài. Gần đây nhất, vào giữa tháng 5-2016, triển lãm “Điểm gặp” được đánh giá là sự kiện hiếm hoi của nghệ thuật sắp đặt thu hút được sự quan tâm công chúng.Tác phẩm trong “Điểm gặp” không phải là những bức tranh vẽ trên nền nylon mà ngay chính giữa không gian triển lãm, một hình khối trừu tượng được làm từ dây thép và những miếng nylon màu xanh nước biển như chảy tràn từ trần nhà xuống mặt đất.Điểm xuyết toàn bộ khối màu xanh đó là những bông hoa màu vàng, cam rất sặc sỡ. Đặc biệt, khi tự tay mở từng bông hoa, khán giả sẽ đọc được những câu thơ rút từ tập nhật kí của nhà thơ Trần Dần (các câu thơ đều có từ “Tôi”) được họa sĩ Trần Trọng Vũ chép tay lên cánh hoa. Người xem có thấy ngay sự phù phiếm, bóng bẩy giả tạo ở bề ngoài tác phẩm sắp đặt.Nhưng chỉ khi đi vào trong khối hình ấy, khán giả mới cảm nhận được những góc tối, những khúc gấp, sự chân thực, giản dị của nó.

Lý giải về sự chuyển động này, họa sỹ Trần Trọng Vũ chia sẻ: “Khi chọn sắp đặt, xem như tôi đã trao cho khán giả một phương tiện tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm lợi thế hơn hẳn hội họa giá vẽ. Thế nhưng, cũng nhiều người trước đây vốn yêu thích tranh tôi thì lại thốt lên: “Vũ ơi, mày hỏng mất rồi!”Tôi đã phản bội lại những khán giả yêu hội họa giá vẽ của tôi.Nhưng làm người nghệ sĩ thì phải như thế, phải luôn có nhu cầu phản bội lại những cái đã cũ; kể cả những gì của chính bản thân mình trước đây.”

Hành trình của hình và chữ

Trở lại với triển lãm “Những lũy thừa không số” (2014), Trần Trọng Vũ muốn tiếp nối ý tưởng mà anh đã thể hiện trong tiểu thuyết “Thành phố bị kết án biến mất” (tiểu thuyết của Trần Trọng Vũ, Nxb Văn hóa – Thông tin, Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, 2014).Đây là một cuốn tiểu thuyết không dấu phẩy, dài 290 trang, có câu chuyện, có nhân vật, có thời gian, nhưng toàn bộ câu chuyện và các nhân vật đều được đưa vào trong những bối cảnh của hình thể và màu sắc. Hình ảnh ở đây được tác giả đặc biệt quan tâm và trở thành nguyên nhân của mọi diễn biến của tiểu thuyết. Đó chính là những cửa sổ, là hơi nước, là bầu trời “khủng khiếp xanh”, là một chiếc khăn giấy bị vò nát dưới hình dạng một bông hoa nhàu nát, nhưng bông hoa này lại giấu vào bên trong nó dấu vết của một đôi môi mầu cà phê, của một người đàn ông chạy trốn tình yêu… Hình ảnh và ngôn từ của tiểu thuyết tác động lên nhau để tạo nên những ấn tượng, những cảm xúc, và nhận thức nơi người đọc.

Trần Trọng Vũ xuất thân họa sỹ và trong tác phẩm ngôn từ này, anh vẫn sáng tạo bằng tư duy hình ảnh và thực hiện các thao tác ghi nhận và tái tạo hình ảnh. Quá trình này là chủ động và được thực hiện nghiêm cẩn đầy ý thức. Với tiểu thuyết, Trần Trọng Vũ thực hiện vai trò của một nhà văn với một hệ từ ngữ bao gồm chủ yếu là danh từ và động từ – khá đơn giản phục vụ việc ghi nhận trực tiếp, để tiến hành khảo sát các vấn đề về ngôn ngữ và hình ảnh – một vấn đề có tính triết học. Tác phẩm này có thể được xem như một tác phẩm hội họa siêu thực được hình thành bởi ngôn từ.Có những chi tiết cực thực đến mức siêu thực.Cũng có thể xem tác phẩm của Trần Trọng Vũ như một tác phẩm văn chương có màu sắc phi lý. Trong đó con người bị mất chỗ đứng, mất cảm giác về không gian và thời gian. Sự việc mù mờ thiếu đi thứ logic phổ biến.

Nói về cuốn tiểu thuyết của mình, Trần Trọng Vũ cho biết: “Khi vẽ, tôi muốn tác phẩm của tôi vừa là hội họa, vừa là cái khác nữa và cách làm như thế tôi đã sử dụng nó trong cuốn sách này.  Tôi xếp đặt rất nhiều những hình ảnh trong không gian và người xem bước vào triển lãm, họ sẽ đi một vòng xung quanh giống như họ bước vào cuốn sách này.Tôi chọn hình thức của tiểu thuyết nhưng cái mà tôi làm thì giống hệt trong tác phẩm hội họa của tôi.”

Còn với “Điểm gặp”, anh đã có câu trả lời trước những thắc mắc của khán giả về việc tự tay chép những câu thơ trong nhật kí của cha anh – cố nhà thơ Trần Dần lên những cánh hoa: “Tôi đến với nghệ thuật trước tiên bằng ngôn từ chứ không phải là hình ảnh. Tôi vẽ muộn lắm, 13 tuổi mới vẽ bức tranh đầu tiên, trước đó tôi tiếp xúc với nghệ thuật bằng ngôn ngữ, bằng văn học… Và ngôn từ đã theo đuổi tôi trong suốt quá trình làm tác phẩm thị giác. Đưa ngôn từ và hình ảnh vào cùng nhau là bởi vì, cái mà tôi đi tìm từ xưa tới nay là muốn phá vỡ biên giới của các thể loại, sao cho hội họa không còn là hội họa, tiểu thuyết không còn là tiểu thuyết.Ở đây cụ thể là sự trái chiều giữa giả và thật, hào nhoáng và giản dị, sự sặc sỡ của màu sắc và những dòng chữ đen, và trên hết, của hình ảnh và ngôn từ vốn là hai thể loại khác nhau. Sự có mặt của ngôn từ trong tác phẩm thị giác này thực ra bắt nguồn từ những gì đã thân quen trong quá khứ, đấy là những thông điệp trong những chai thủy tinh mà người xưa ném vào biển cả, là những nguyện ước mà nhiều người dân Châu Á treo vào các phong cảnh, các góc phố. Đấy là những ví dụ rõ rệt nhất về việc đưa ngôn từ vào hình ảnh, để đi tìm cái không thể, để hy vọng cái không thể và để không thể trở thành có thể.Việc đưa nhật ký Trần Dần vào bởi vì thơ ông là ví dụ tốt nhất cho các mâu thuẫn, và dĩ nhiên cho các cuộc gặp gỡ được thực hiện: hình và lời, quá khứ và hiện tại, vui và buồn, sến và không sến, thị giác và không thị giác…”

Lê Nhi (nguồn: báo Văn Nghệ-HNV)