Sinh năm 1932 tại Hà Nội, trong suốt mấy chục năm sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh, ông luôn nhớ về Hà Nội. Từ những nhớ mong da diết đó, ông đã âm thầm chuẩn bị cho một Ngôi nhà ảnh Hà Nội của mình tại nơi ở hiện nay, số 31 Nguyễn Chí Thanh, quận 5, TP.HCM. Cùng với nhiều dự án xuất bản ảnh về Bác Hồ và Thủ đô.

Cột cờ Hà Nội – Ảnh Hữu Cấy

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Hữu Cấy nguyên là biên tập và phóng viên ảnh của NXB Văn hóa-Thông tin (cũ) từ năm 1958 đến 1968 và là một trong những hội viên sáng lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, tháng 12-1965. Ông là nghệ sĩ được phân công chụp ảnh tang lễ Bác Hồ trong suốt 9 ngày đêm… Cuối tháng 7 vừa qua, tôi có dịp ghé thăm  phòng ảnh của ông, với nhiều cảm xúc dạt dào như chính mình mới đi xa trở về mái nhà xưa.

Nghệ sĩ Hữu Cấy và phòng tranh Hà Nội giữa TP.HCM

Nghệ sĩ Hữu Cấy đưa tôi xem chiếc máy ảnh đầu tiên ông chụp ở Hà Nội vào thập niên 50. Và bức ảnh thành công đầu tiên từ chiếc máy cổ lỗ sĩ ấy chính là tác phẩm “Em bé và chim câu”. Bức ảnh đen trắng đó được phóng to treo giữa phòng như một kỷ niệm đánh dấu sự khởi đầu sự nghiệp nhiếp ảnh của ông. 

Tôi chăm chú nhìn tấm ảnh nghệ sĩ Hữu Cấy chụp với ông Vũ Kỳ, thư ký của Bác Hồ; trên tay hai người có những bưu thiếp ảnh hoa hồng. Thấy tôi có vẻ quan tâm, nghệ sĩ Hữu Cấy kể, đó là cuối năm 1966, Bộ Văn hóa tổ chức cuộc thi sáng tác ảnh Hoa để chọn một bộ ảnh phục vụ cho Tết 1967. Cuối cùng 14 ảnh hoa được ban tổ chức tuyển chọn, trong đó có 2 bức ảnh hoa hồng của Hữu Cấy. Nhưng thật bất ngờ, chỉ ít lâu sau nhà xuất bản được nhận lệnh chọn những ảnh hoa đẹp để Bác Hồ dùng làm bưu thiếp chúc Tết các nguyên thủ quốc gia.

Kết quả Văn phòng Trung ương Đảng chọn 2 bức hoa hồng của nghệ sĩ Hữu Cấy cùng bức ảnh hoa sen và hoa cúc vàng của hai tác giả khác. Ông Vũ Kỳ trình lên Bác Hồ cả 4 ảnh để Bác Hồ duyệt lấy một bức làm bưu thiếp chúc tết. Cuối cùng Bác chọn 2 ảnh hoa hồng của Hữu Cấy.

Đến Tết năm 1968, Bác Hồ quyết định dùng bức ảnh hoa hồng mà Trung ương Đảng đã dùng năm trước để làm bưu thiếp chúc tết chứ không dùng ảnh hoa khác. Và thật may mắn, đến Tết năm 1969, Bác Hồ quyết định dùng lại bức Hoa hồng của Hữu Cấy đã dùng năm 1967. Vậy là trong 3 năm liền, nghệ sĩ Hữu Cấy đều được chọn ảnh hoa để Bác Hồ làm bưu thiếp chúc tết…

Đến nay đã bước sang tuổi 80, ông chỉ một lòng đau đáu chuẩn bị cho cuốn sách về đề tài Bác Hồ. Dự án của ông đã trở thành hiện thực. Những tác phẩm của ông được sắp xếp theo thời gian lịch sử mà ông đã có dịp chụp ảnh Bác. Lần giở lại Album “Ký ức Hà Nội” (NXB Văn hóa – Thông tin, năm 2010),  mới thấy qua 250 bức ảnh, tác giả đã phác họa được lịch sử phát triển của Thủ đô trong hơn nửa thế kỷ.

Nếu những bức ảnh về nông thôn ngoại thành Hà Nội xưa, quê Hoài Đức của ông, tạo nên những tứ thơ dịu dàng, vào năm 1950 thì đến năm 1954, ông có chùm ảnh đặc sắc ghi lại sự kiện hào hùng nhất vào ngày giải phóng thủ đô. Ông là một trong số ít nghệ sĩ nhiếp ảnh lưu giữ được những tác phẩm ghi lại thời khắc đặc biệt này.

Ngoài những bức ảnh như: “Tiến về giải phóng Thủ đô”, “Nhân dân vui mừng đón đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô”, “Hồ Gươm ngày giải phóng Thủ đô”… Ông còn có 3 bức ảnh quý, chụp lúc 15h ngày    10-10-1954, thời điểm bộ đội ta kéo cờ lên Cột cờ Hà Nội, đánh dấu chủ quyền, độc lập của chính quyền cách mạng. Đồng thời, ông còn có thêm bức ảnh về nhà đạo diễn điện ảnh nước ngoài đang quay phim trước đoàn quân chiến sĩ thủ đô làm lễ treo cờ tại sân vận động quân đội. Đó là những bức ảnh hiếm hoi của ông gợi những ký ức trong mỗi người dân Hà Nội về thời khắc lịch sử này.

Theo thời gian, biết bao sự kiện đầy biến động của thủ đô sau đó, như cuộc chiến đấu ở miền Bắc kéo dài suốt từ năm 1965 đến 1972, hay những ngày tổ chức tang lễ Chủ tịch        Hồ Chí Minh, hoặc những hành động tích cực của quân và dân Thủ đô hướng về cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam để thống nhất đất nước… ông đều có nhiều tác phẩm giá trị, như một chứng nhân lịch sử trong nhiều thập kỷ.

Đáng chú ý những hình ảnh mới nhất của thủ đô vẫn được ông thu vào ống kính phản ánh sự phát triển vượt bậc của nền kinh tế, văn hoá, xã hội và đối ngoại của nhân dân Hà Nội. Đó là những hình ảnh tòa nhà cao tầng ở Mỹ Đình, Linh Đàm, cầu Thanh Trì, Trung tâm Hội nghị quốc gia… đến tượng đài Lý Thái Tổ và con đường gốm sứ sông Hồng, đoạt kỷ lục thế giới.

Tôi dạo quanh phòng ảnh với biết bao ký ức về Hà Nội như cầu Thê Húc, Khuê Văn Các, Hồ Gươm với cây Lộc vừng thả cánh hồng bay trong gió… Vậy là trong ông lúc này chỉ muốn nói đến Hà Nội bởi ông đã trọn đời gắn bó với Hà Nội, luôn nghĩ về Hà Nội. Qua những bức ảnh, ông mong bày tỏ những ký ức sâu sắc nhất, để thỏa ước nguyện hàng chục năm qua. Ông nghĩ đó là thời của một Hà Nội trẻ trung, sôi nổi và hào hùng nhất.

Theo Vương Tâm – An ninh Thủ đô