Nghệ sĩ, nhà văn Mạc Can là trường hợp đặc biệt trong làng văn nghệ TPHCM. Từ những vai diễn trên truyền hình đến những tiểu thuyết, truyện ngắn của ông đều “thật” một cách thú vị. Cứ như ông đã sống trong những vai diễn, những câu truyện đó cả cuộc đời này vậy. Nghệ sĩ, nhà văn Mạc Can trò chuyện với PV Báo SGGP để lý giải phần nào nguyên nhân các sáng tác của ông chân thật thật đến khó ngờ.


* Được biết ông đang đóng phim?

– Vai diễn mới nhất của tôi là vai ông Tám trong phim Thám tử nghiệp dư, tác giả – đạo diễn Hồ Thanh Tuấn (Hãng phim TFS). Đây là vai tính cách hài hước nhưng không phải kiểu “giễu” mà là hài duyên. Việc chọn tôi vào vai này cũng là ý của đạo diễn, người ta bảo các diễn viên “diễn như không diễn” kiểu như tôi hy vọng sẽ đem đến cho khán giả một khẩu vị hài mới cho phim truyền hình nhiều tập hiện nay.

Vai diễn này với tôi không khó mà thật ra từ hồi đóng phim đến giờ vai nào với tôi cũng dễ, cũng hợp, chẳng phải tôi giỏi mà là do ngay từ đầu khi viết kịch bản, tác giả đã nhắm vai này cho tôi, mọi người hay chọc là mấy kiểu vai này là chuyên trị dành riêng cho Mạc Can. Có lẽ cũng vì thế mà hồi đóng phim Xóm suối sâu tôi vào vai trưởng thôn, người trưởng thôn thật cũng có mặt, xem xong cứ bảo rằng “chú Mạc Can làm trưởng thôn giống hơn cháu!”.

Ở phim Cải ơi tôi đi đóng phim mà lơ ngơ có biết gì đâu, ai dè lại hợp với vai ông Tư Đèo, mà vì không biết nên tôi cố gắng sáng tác thêm cho nhân vật để bù vào, ai dè sáng tác xong được mọi người bảo hay hơn, vui hơn.

* Vì sao ông có thể vừa diễn vừa sáng tạo được như thế?

– Tôi sinh năm 1945 (Ất Dậu) năm nay 67 tuổi, tuổi bất nhỉ rồi. Bây giờ tôi muốn đích thân viết một kịch bản về cuộc đời mình và nếu nó thành phim thì vui lắm. Thật ra đời tôi có bi kịch lẫn hài kịch, tôi xài chữ kịch thì quý độc giả hiểu cho, nhiều khi ngẫm nghĩ mới thấy tôi không có một đời sống thật mà toàn là những ảo tưởng, ảo tưởng nhiều hơn là thật. Tôi tưởng tượng ra đó là thật, các biến cố lớn nhỏ, ngộ nhận, mâu thuẫn, xung đột diễn ra suốt từ khi tôi mới khóc chào đời cho tới khi tôi đã là ông già chính ra là một chuỗi kịch bản lạ kỳ.

Tôi là một con người buồn, hay lo nghĩ vẩn vơ, hay bị hắt hủi đến mức mà tôi lại thích được như vậy, tôi lại còn có tính liều lĩnh và thích những cuộc phiêu lưu. Tấm ván phóng dao, Những bầy mèo vô sinh, Phóng viên mồ côi làm cho độc giả ngộ nhận đó là cuộc đời tôi, thật ra cuộc đời của tôi nó còn sôi nổi và hấp dẫn hơn nhiều. Có lẽ chính vì sống cuộc đời kịch như thế, có nhiều chuyện như thế mà tôi có thể diễn tốt, viết được. Có điều, nếu có thể viết ra toàn bộ thì đó mới là sáng tác hay nhất với tôi.

* Việc ông đi Mỹ được rất nhiều người chú ý vì mọi người hy vọng rằng chuyến đi đó có thể có những chất liệu mới lạ cho các tác phẩm sắp tới?

– Tôi đã đi và sống cuộc đời lang bạt kỳ hồ ở nước ngoài. Một năm dài ở Nhật, nơi tôi ở là Narita cách Tokyo khoảng 80 cây số. Cách sống của người Nhật khác lạ, những người già nơi đây sống vui, các lễ hội thường xuyên diễn ra sôi nổi, tôi leo lên núi Phú Sĩ với đứa con gái tuyệt vời của tôi.

Sau đó, mẹ con Du Yên sang Mỹ, tôi đi theo, rồi qua Canada vào một mùa tuyết, sau đó lại trở về Mỹ sống thêm 3 mùa tuyết nữa (tuyết là ấn tượng lớn nhất nên tôi cứ lấy nó để đếm). Về sau, mẹ con Du Yên nói tôi lúc nào cũng cứ buồn hiu, không thể ở đây nữa và họ khuyến khích tôi về Việt Nam. Du Yên nói đúng và tôi về nhà.

Tôi quan sát nhiều và đi nhiều bang, làm nhiều nghề ở Mỹ. Có khi được đón chào, lại có khi bị lừa đảo, nói chung là rất nhiều việc. Từ những gì có được tôi dự định sẽ viết về nước Mỹ theo cách nhìn của riêng tôi, song còn khá phân vân trong việc lựa chọn chi tiết sao cho mới lạ. Có điều chắc chắn là trong sáng tác vẫn là những chi tiết thật vì gắn với chính tôi mà. Các nhà xuất bản như Thanh Niên hay Trẻ vẫn cứ réo bảo là đang chờ bản thảo, hy vọng các truyện đó sẽ ra mắt sớm.

 

Nguồn: Sài Gòn giải phóng