DẠ VŨ

Cuốn hồi ký với tựa đề Nghệ sĩ dương cầm xoay quanh câu chuyện về chính tác giả, cũng là một nghệ sĩ dương cầm trong vòng xoáy của cuộc chiến tranh thế giới. Thời gian cuốn sách được viết bắt đầu từ năm 1939 đến năm 1945.

Cuốn hồi ký đã tái hiện một cách chân thực hình ảnh khốn cùng tuyệt vọng trong trại tập trung của người Do Thái, dưới sự tàn ác máu lạnh của Đức Quốc xã. Từ đó làm bật lên câu chuyện về nỗi khát khao được sống, hành trình tìm kiếm sự sống, cũng như những khoảnh khắc kỳ diệu của con người, trong cùng cực đau đớn. Ở đó, nương theo hành trình của người nghệ sĩ piano, độc giả sẽ có được những giây phút đắm chìm trong sự kỳ diệu của âm nhạc.

Ngay khi những tiếng piano nhẹ nhõm vừa chầm chậm rơi xuống, khi người nghệ sĩ đang làm việc tại đài phát thanh Ba Lan, tại thủ đô Varsava thì những thông tin về chiến tranh bắt đầu được lan truyền.

Khắp mọi nơi trong thành phố, người dân vẫn tự trấn an mình rằng, chiến tranh không đến đây. Quân đội Đức sẽ không tấn công nơi này. Nhưng rất nhanh chóng, chiến tranh đến, ngay khi người ta còn đang ngủ trên chiếc giường của mình.

Không ai kịp chuẩn bị bất kỳ điều gì để ứng phó. Và rồi, trong những cơn điên cuồng truy quét người Do Thái của Hitler, gia đình Wladyslaw Szpilman cùng rất nhiều những người dân Do Thái khác trong thành phố bị bắt sống cô lập hoàn toàn, sau đó bị điều chuyển đến trại tập trung.

Wladyslaw Szpilman đã được cứu thoát khỏi con đường đi đến địa ngục ấy, thất lạc gia đình, và từ đó trải qua những năm tháng lang bạt, sống chui lủi khắp mọi nơi, trong cái nghèo đói, truy đuổi, trong sự hèn hạ, khổ nhục. Nhưng khi đó, âm nhạc cất lên tiếng nói kỳ diệu của nó, là nơi nương tựa cho Wladyslaw Szpilman, giúp ông có thể vượt qua được những tàn bạo của cuộc đời.

Tác phẩm Nghệ sĩ dương cầm của Wladyslaw Szpilman.

Có rất nhiều cuốn sách đã từng viết về chiến tranh và nạn diệt chủng Do Thái của Hitler, nhưng Nghệ sĩ dương cầm nổi bật bởi câu chuyện về âm nhạc.

Tôi nhớ trong một bộ phim, nhân vật vị nhạc trưởng nói rằng, trong tất cả những phát minh của loài người, âm nhạc chính là điều tuyệt diệu nhất. Âm nhạc xóa nhòa đi mọi ranh giới và giúp con người được an ủi trong mọi hoàn cảnh khắc nghiệt nhất.

Đối với nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpilman, âm nhạc không chỉ khiến ông có được chỗ dựa tinh thần những khi tuyệt vọng. Âm nhạc còn đem đến cho Wladyslaw Szpilman những mối duyên lành, chính là những người bạn đã liều mình cưu mang, giúp ông trong những ngày lẩn trốn.

Nếu phát hiện chứa chấp người Do Thái, họ sẽ không thể thoát khỏi cái chết, nhưng rồi vì mến trọng tài năng và con người Wladyslaw Szpilman, cũng bởi vì tình yêu âm nhạc, họ đã giúp đỡ ông trong những giây phút thập tử nhất sinh của đời người.

Âm nhạc là một sợi dây gắn kết tâm hồn kỳ lạ. Trong cuốn sách Ánh sáng vô hình của Anthony Doerr, âm nhạc luôn cất lên được một tiếng nói êm dịu đến khó tả. Bản nhạc ngắn Clair de lune đã đi suốt dọc dài những năm tháng đời người của các nhân vật, vang lên như một bản “thánh ca”, của niềm an ủi, và xâm lấn. Khi bản nhạc từ từ vang lên, ranh giới của các bên trong chiến tranh dường như bị xóa bỏ.

Hình ảnh người lính ngồi cuộn mình trong chiếc ghế, nghe một bản nhạc của Mozart, chìm nghỉm trong lặng yên, tưởng như những cái chết và ác độc ngoài kia đã biến mất. Ấy là giây phút tuyệt diệu của tâm hồn, nhờ âm nhạc mà có được.

Ở Nghệ sĩ dương cầm, cảnh gặp gỡ giữa Wladyslaw Szpilman và vị sĩ quan người Đức, khi bản nhạc Ballade No. 1 in G minor của Chopin vang lên, tôi tin rằng đó là bản nhạc của Chopin mà tôi thấy hay nhất, khiến tôi rung động nhất.

Từng chút từng chút một, khi những ngón tay rung trên phím đàn, như một giọt sương rất lấp lánh, cất lên tiếng hót từ cỏ cây. Và giây phút ấy, giữa một người Đức và một người Do Thái, chỉ có âm nhạc, và vì âm nhạc mà người sĩ quan Đức ấy đã giúp đỡ Wladyslaw Szpilman thức ăn, nước uống, với tất cả tấm lòng trân quý dành cho âm nhạc.

'Nghe si duong cam': Cau chuyen ve suc manh ky dieu cua am nhac hinh anh 2
Bức hình chụp nghệ sĩ dương cầm Wladyslaw Szpilman năm 1948.

Nghệ sĩ dương cầm được kể một cách rất chân thật, theo dòng tự sự của Wladyslaw Szpilman từ những ngày đầu chiến tranh cho đến khi chiến tranh kết thúc.

Mặc dù ngôn ngữ văn chương rất đơn thuần, nhưng cuốn sách vẫn gợi lên quá nhiều dư âm. Bởi âm nhạc cứ vương vấn khắp mọi không gian của từng trang sách. Hơn nữa, mặc dù viết về giai đoạn khắc nghiệt của lịch sử, tái hiện lại những tội ác của cả một chế độ, nhưng tác phẩm không hề thể hiện thái độ lên án hay đả kích.

Câu chuyện cứ chảy trôi theo một dòng tự sự, buồn bã những đẹp đẽ về tâm hồn con người, và lấp lánh nhạc điệu. Có lẽ như Van Gogh đã từng nói rằng “trong ánh sáng của những vì sao, tôi không còn thấy cái chết đáng sợ nữa”. Thì đối với người nghệ sĩ piano này, âm nhạc tiếp thêm sức mạnh để dành giật sự sống, nhưng chính âm nhạc cũng khiến cái chết bớt đáng sợ hơn.

Nghệ sĩ dương cầm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới và được đạo diễn Roman Polanski dựng thành phim. Tác phẩm điện ảnh gây được tiếng vang lớn với giải thưởng Cành Cọ Vàng tại Liên hoan phim Cannes năm 2002.

Nguồn: Zing.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài