Tự nhận là tìm thấy sự cân bằng khi chơi thể thao, nghệ sĩ Bùi Công Duy ví von: Gia đình giống như cái goal trên sân bóng, lúc cần tôi có thể lùi về được, nó luôn tạo cho tôi sự an toàn và cảm giác yên tâm mỗi khi trở về.
2015 là năm dày đặc các hoạt động biểu diễn của nghệ sĩ violon Bùi Công Duy: Tổ chức lần đầu tiên Festival Âm nhạc Việt – Mỹ nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hoá quan hệ; Sự kiện IPU tại Việt Nam; Tổ chức các hoạt động biểu diễn chuyên sâu tại Học viện, Mobifone series Bale vở Hồ Thiên Nga của Nhà hát Nga Tallarium et Lux; Biểu diễn giao lưu thính phòng với các nghệ sỹ Mỹ, Tham gia giảng dạy và biểu diễn tại Mỹ; Đưa học sinh đi Thi quốc tế và đoạt giải…
Một năm với nhiều sự kiện âm nhạc lớn trong nước và quốc tế, chương trình nào làm anh ghi nhớ và hưng phấn nhất?
Nghệ sĩ violin Bùi Công Duy (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Nghệ sĩ Bùi Công Duy: Ôi nhiều lắm, chương trình nào cũng rất thích. Nếu chọn, có lẽ là chuyến biểu diễn xuyên Việt 5 đêm Toyota Concert cùng Dàn nhạc giao hưởng Quốc gia. Đây là chương trình mang yếu tố “mở” hướng tới nhiều công chúng rộng rãi và gây quỹ phát triển cho các sinh viên, học sinh trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển, văn hoá nghệ thuật.
Tiếp xúc với nhiều bạn trẻ, cũng như trực tiếp giảng dạy âm nhạc cho các học viên, có khi nào làm anh nhớ về khoảnh khắc đầu tiên, khi anh chạm tay vào cây đàn violon?
– Lâu quá rồi nhỉ, cảm giác chạm đàn hồi còn nhỏ quả thật tôi cũng không nhớ rõ chính xác nó như thế nào, nhưng có nhớ là ngồi xem bố dạy đàn hàng ngày và thích những bài có giai điệu hay, và từ đó bắt đầu làm quen với cây đàn violon, nhớ là nó không khó lắm. (cười vui)
Trong các câu chuyện liên quan đến âm nhạc, anh luôn nhắc tới bố, đó là người thầy dạy nhạc đầu tiên của anh?
– Thật ra tôi rất may mắn khi có bố là người dạy đàn giỏi. Bố tôi là một người nổi tiếng mát tay dạy trẻ con với phương pháp cơ bản rất tốt và khéo léo nắm bắt tâm lý trẻ em. Thế nên, có lẽ bố đã “lừa” được tôi học đàn và tôi theo nghề đến ngày hôm nay. Có lẽ trong thâm tâm bố mẹ có phần mong muốn tôi học đàn và đã thành công với một phương pháp hữu hiệu.
Khi ấy anh còn quá nhỏ để mang trong mình tình yêu đam mê với âm nhạc, cảm giác việc học violon như là sự bắt buộc trong thời gian ban đầu, vậy có khi nào anh cảm thấy mang cảm xúc tiêu cực khi chơi đàn không?
– Có đôi lúc cảm thấy bị áp đặt triệt để ở trong một giai đoạn rất ngắn, lúc đó khoảng 14-15 tuổi, phản ứng tiêu cực thì không nhưng cảm giác lúc đó thì không vui lắm.
Còn khi sang Nga để học thì sao?
– Tôi may mắn khi sang Nga học là có bố đi cùng, sau đó vài năm thì cả mẹ tôi cũng sang. Quả thật, nếu không có sự hỗ trợ của gia đình thì tôi có lẽ sẽ bị vất vả hơn rất nhiều.
Hẳn anh không thể quên chuyến bay đầu tiên rời Việt Nam của mình?
– Chuyến bay đầu tiên rất rất thú vị. Tôi bay cùng với chú mà không có bố mẹ. Đó là một chuyến bay dài với chặng dừng chân ở Tp. Tashken. Tôi nhớ là bay máy bay TU của Nga. Trong chuyến bay đó, tôi cứ ngồi nhìn ra cửa sổ và nhớ là nhìn thấy hai lần máy bay bay ngược chiều, với vệt khói dài trên mây. Có lẽ lần đầu tiên bay xa nên tôi đã rất hào hứng.
Thời gian học tập của anh ở Nga thì sao?
– Tôi ở Nga từ năm 1991 đến 2006, tổng cộng 15 năm. Đây là một giai đoạn khó khăn, đáng nhớ với nhiều kỷ niệm, thành công trong cuộc đời tôi. Tôi đã lớn lên và hình thành con người trong thời kỳ ở Nga, đã trải qua những năm tháng học tập miệt mài với vô số thử thách, có cả thành công lẫn thất bại trong học tập, được sống trong một giai đoạn khó khăn khắc nghiệt nhất của nước Nga, được chứng kiến sự trỗi dậy của nước Nga, được thừa hưởng văn hóa lâu đời của Nga…
Nói đến những thành công trong con đường âm nhạc của anh, cuộc thi nào mà anh cho là bước ngoặt?
– Đó là cuộc thi đầu tiên trong cuộc đời tôi năm 1989, cuộc thi âm nhạc “Tài năng trẻ” của TP.HCM. Tôi nhớ lúc đó mình đã rất hồi hộp và lo lắng và khi đoạt giải tôi đã rất khó khăn với việc trả lời phỏng vấn truyền thông. Và đương nhiên là cuộc thi Tchaikovsky dành cho lứa tuổi trẻ, tôi biết là mình đã chơi rất tốt nhất ở vòng Chung kết nhưng cũng không dám nghĩ đến việc mình có thể đoạt giải Nhất.
Sau đó, anh trở nên nổi tiếng, và xuất hiện trên rất nhiều các ấn phẩm báo chí. Mới chừng 8 tuổi, việc nhiều người biết đến tác động đến đời sống của anh khi đó ra sao?
– Tôi thấy thích nhưng cũng thật phiền phức, mình hay bị chú ý, hay bị mang ra bàn tán, luôn bị áp lực về việc luôn phải học tốt, biểu diễn tốt và bị sức ép từ nhiều phía như gia đình, bạn bè, thầy cô, xã hội… Bù lại thì khi nổi tiếng lại được ưu tiên và hay được giúp đỡ và không ít lần tôi đã phải nhờ vào sự lợi thế đó để thực hiện một số việc mà mình mong muốn.
Điểm lại chặng đường đã qua kể từ khi về Việt Nam, anh tự nhận thấy mình đã làm và chưa làm được gì cho âm nhạc nước nhà?
– Tôi đã làm được không ít những việc giá trị mà không phải ai cũng có may mắn và thực hiện được. Tuy nhiên, cũng còn rất nhiều việc tôi chưa thực hiện được vì nhiều lý do khách quan khác nhau. Như chúng ta còn vướng nhiều hạn chế trong việc tổ chức và tuyên truyền văn hóa, tính hiệu quả không cao và sự đầu tư còn quá hạn hẹp.
Khi chúng ta muốn phát triển một nền âm nhạc chuyên nghiệp thì đồng thời cũng cần có sự hỗ trợ đồng bộ mang tầm cỡ Quốc gia, có như vậy thì chúng ta mới có cơ hội bắt nhịp được với các nước đang có sự phát triển tốt về âm nhạc trên thế giới.
Không ít nghệ sĩ sau khi trở về nước họ đã sốc và cảm thấy khó khăn khi hòa nhập với văn hóa nghệ thuật Việt Nam, anh thì không. Ngoài sự chuẩn bị tâm lý trước, anh có cho điều đó bắt nguồn từ tính cách của mình?
– Môi trường văn hóa Việt Nam còn nhiều hạn chế và ít nhiều cũng làm cho một số người đã từng sinh sống lâu năm ở nước ngoài về nước cảm thấy khó khăn khi phải hòa nhập. Thật ra sốc hay không là do tự mình chưa tìm hiểu kỹ nên mới sốc. Tôi không nghĩ ở nước ngoài thì thử thách sẽ ít hơn và dễ hơn. Âm nhạc và niềm đam mê với công việc đã giúp tôi vượt qua những khó khăn đó.
Ngoài niềm đam mê với công việc, nếu tự nhận xét về bản thân, anh tự thấy mình là người như thế nào?
– Đây là câu hỏi khó trả lời nhất đấy (cười), vì tôi quá biết những điểm tốt và điểm yếu của mình.Vì thế, có lẽ để một người ngoài cuộc đánh giá sẽ khách quan hơn.
Một Bùi Công Duy khi bắt đầu về nước, và một Bùi Công Duy của ngày hôm nay, có gì giống và khác nhau?
– Cơ bản vẫn thế, chắc có tí già dặn trưởng thành hơn sau những năm tháng làm quen, thử thách và vấp với cuộc sống mới.
Vậy một nghệ sĩ violin và một người chồng, Duy đảm đương hai vai trò đó như thế nào?
– Thật ra hai vai trò đó cũng khá gần nhau. Khi mình muốn có kết quả tốt trong một vai trò nào đó thì mình phải có đam mê, tình yêu và sự sáng tạo.
Không ít người tò mò rằng cuộc sống đời thường của một tài năng violon ra sao?
– Rất bình dị giống vô vàn con người sống trên trái đất này, (cười). Muốn làm được những điều khác biệt trong cuộc sống thì đầu tiên phải biết sống bình thường giống đa số mọi người. Nhiều người thường hay nghĩ và quan niệm rằng cuộc sống của người “tài năng” sẽ khác người bình thường, theo mình như vậy là chưa chính xác, tất nhiên đây chỉ là quan điểm của cá nhân tôi thôi nhé.
Chia sẻ một ngày của anh tại Hà Nội vào thời điểm này?
– Giảng dạy, tập luyện, hoạt động xã hội, làm quản lý, làm người gia đình và cố gắng một chút thể thao.
Làm thế nào để anh cân bằng giữa công việc và “làm người gia đình”?
– Cái này không dễ. Tôi có may mắn là tìm được sự cân bằng qua các bộ môn thể thao như xem bóng đá, tụ tập và nói chuyện với bạn bè, tiếp xúc với những người giỏi và thành công, nghe nhạc…
Gia đình có ý nghĩa thế nào trong cuộc sống của Duy lúc này?
– Gia đình giống như cái goal trên sân bóng, lúc cần tôi có thể lùi về được, nó luôn tạo cho tôi sự an toàn và cảm giác yên tâm mỗi khi trở về.
Mong muốn, dự định sắp tới của Duy về đời sống riêng cũng như âm nhạc là gì?
– Các dự định về âm nhạc vẫn đang tiến triển, tuy nhiên nó cũng vẫn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố khách quan như kinh tế, tài trợ, thời điểm, tổ chức biểu diễn bán vé. Các dự án vẫn tiếp tục như các năm về trước, tuy nhiên cụ thể ngay lúc thì chưa thể tiết lộ. Nói về mong muốn nhiều lắm, thôi cứ từ từ làm dần từng bước với những dự định âm nhạc tử tế, chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế và hướng tới hội nhập một cách nhanh nhất có thể và đưa cuộc thi âm nhạc Quốc tế dành cho các nghệ sỹ trẻ mang tên “Tchaikovsky” về Việt Nam trong vòng hai năm tới.
Cảm ơn anh về những chia sẻ.
Theo Việt Quỳnh – Đại Đoàn Kết