miên di: Sân thơ trẻ 2013 – đôi điều từ… bên trong.

miên di (ngoài cùng bên phải) trong tổ khúc Tổ quốc

Sân thơ Trẻ vốn luôn được đặt nhiều kỳ vọng, những năm trước đã thể hiện được nhiều nét độc đáo. Năm nay, ngoài chủ đề Tổ quốc đã giúp các nhà thơ trẻ cất lên được tiếng nói về biển đảo, khiến nhiều người xem rưng rưng với những cảm xúc ái quốc hào hùng thì vẫn còn những ý kiến trái chiều về tính sáng tạo, về cái gì là “chiêu mới” của sân thơ Trẻ 2013 ? Với góc nhìn của một người “bên trong”, trực tiếp tham dự sân thơ Trẻ, xin chia sẻ đôi điều trong quá trình thực hiện sân thơ Trẻ vừa qua.

Ban văn Trẻ thật sự “bối rối” bởi sự eo hẹp của nguồn kinh phí, trong khi kỳ vọng của những người yêu thơ vào sân thơ Trẻ thì ngược lại, luôn luôn cao. Sau nhiều phương án, cuối cùng đạo diễn Hữu Việt và Phan Huyền Thư đành… liều, quyết định từ bỏ sân khấu sắp đặt – tạo hình, từ bỏ mọi phụ trợ minh họa – những hình thức đã xuất hiện trong các lần tổ chức trước. Và, “liệu cơm gắp mắm” , thay vào đó là một sân khấu chân phương có ý đồ, nhằm tạo độ “mộc” giúp người xem không quá bận tâm vào các yếu tố thị giác, hướng sự chú ý của khán giả vào thơ, vào nội dung kịch bản mang chủ đề Tổ quốc. Nếu có đủ kinh phí, sẽ không khó để tạo cho sân thơ Trẻ năm nay sự hoành tráng. Nhưng khi nói về Tổ quốc thì liệu cái hoành tráng có sánh được với sự chân thành không? Bằng thái độ làm việc của những người tổ chức và xúc cảm chân thành của những nhà thơ trẻ hướng về biển đảo, cách làm này là phương án tốt nhất có thể, trong điều kiện kinh phí của sân thơ Trẻ năm nay.

Hai “tổ khúc” là các bài thơ của 9 nhà thơ trẻ, được nhà thơ Hữu Việt tách nhỏ rồi ghép lại thành hai trường ca mang cấu tứ có lắng đọng, giàu kịch trào để bù cho sự đơn điệu của sân khấu. Cái khó là, để thể hiện được điều này đòi hỏi sự diễn xuất, mà những nhà thơ trẻ vốn chưa quen với lối diễn cảm của kịch nghệ, ngoài Nguyễn Anh Vũ khá rành về ngôn ngữ hình thể, thì hầu hết các nhà thơ trẻ đều không biết… bỏ tay vào đâu. Đạo diễn Phan Huyền Thư phải “đánh vật” với sự ngọng nghịu của các “diễn viên”, mà thời gian thì gấp rút…

Rất nhiều cố gắng từ các nhà thơ trẻ, các bạn ở gần thì rời con bỏ việc, các bạn đến từ các địa phương xa thì phải tự lo tiền đi lại, ăn ở. Đây là khó khăn tế nhị của các nhà thơ trẻ, bởi ai cũng biết kẻ làm thơ chẳng ai khá giả gì. Tuy vậy, vài vấn đề nho nhỏ đó không làm nản lòng các bạn trẻ, những buổi tập vẫn nghiêm túc pha lẫn những tiếng cười. Tất cả đều hạnh phúc vì biết những bài thơ viết cho Tổ quốc của mình sắp được vang lên…

Ở buổi diễn chính thức, tinh thần yêu nước trong tổ khúc “Tổ quốc”

đã cộng cảm được với người xem, khiến cho các nhà thơ trẻ quên đi sự ngọng nghịu lúc tập. Một cách tự nhiên, tất cả như “lên đồng” trong những những tiểu đoạn cao trào của tổ khúc. Không xuất thần sao được khi từ trên sân khấu nhìn xuống là những khuôn mặt nghẹn ngào của bà con cô bác, là những ánh mắt đồng vọng của rất nhiều bạn trẻ. Không phải chúng tôi, mà là khán giả – tất cả chúng ta đã khiến cho sân thơ Trẻ năm nay dù còn nhiều thiếu sót vì điều kiện eo hẹp, nhưng vẫn tạo ra sự lan toả nhất định trong xã hội, chủ đề “Tổ quốc” đã chạm được vào nỗi lòng của rất nhiều người, đã góp phần khơi gợi lòng yêu nước vốn luôn tiềm tàng trong mỗi người con nước Việt, đã chứng tỏ rằng người viết trẻ vẫn luôn quay quắt trước những vấn đề lớn lao của Tổ quốc.

Cuối cùng xin hé lộ, chính lối trình diễn thơ mộc mạc, không cần hiệu ứng thị giác của nghệ thuật sắp đặt và minh hoạ phụ trợ, chỉ lấy cảm xúc làm chủ đạo, cố gắng cộng cảm với khán giả, thậm chí đôi khi rời sân khấu, diễn ở dưới để đến thật gần người xem, chính là “chiêu mới” của sân thơ Trẻ năm nay.

Khép lại sân thơ Trẻ 2013, chúng tôi – những người trực tiếp tham dự chương trình, nhận thấy, còn nhiều điều chưa thể làm hài lòng được tất cả. Nhưng sự thiết tha, những giọt nước mắt rơi trên sân khấu. Và những câu thơ chất chứa lòng yêu nước là thật sự chân thành. Rất mong, tinh thần ái quốc trong “tổ khúc Tổ quốc” qua sân thơ Trẻ 2013 sẽ lan xa, xa mãi…

Exit mobile version