Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 được tổ chức ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sẽ là hoạt động mở đầu cho chương trình hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017).

Ngày thơ Việt Nam: khai trương Con đường thi nhân
Ngày thơ Việt Nam năm 2017 không sân khấu hóa thơ thiếu nhi như năm 2016 mà sẽ có 3 gian trưng bày các tác phẩm văn học thiếu nhi – Ảnh: Đ.Triết

Theo thông tin họp báo sáng 8-2, tại Hà Nội, với chủ đề 60 năm Hội Nhà văn Việt Nam đồng hành và sáng tạo cùng đất nước, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 được tổ chức ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám, sẽ là hoạt động mở đầu cho chương trình hoạt động hướng tới lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957-2017).

Theo đó, Ngày thơ tiếp tục với những hoạt động tôn vinh, quảng bá thi ca, gồm: đọc thơ, ngâm thơ, trình diễn thơ và biểu diễn nghệ thuật (các bài hát phổ nhạc từ thơ) trên cả 3 sân Văn Miếu, Thái Học, Hồ Văn.

Trong đó, sân thơ Văn Miếu sẽ có các cuộc giao lưu từng nhóm tác giả tiêu biểu của các thế hệ nhà thơ và các tác giả đoạt giải thưởng Hội Nhà văn như nhà văn Chu Lai, nhà văn Lê Thị Minh Khuê, nhà thơ Y Phương, nhà thơ Nguyễn Việt Chiến…

Sân thơ Thái Học ngoài việc tôn vinh các lựa chọn những câu thơ hay để tạo thành cuộc đối thoại những câu thơ hay, tôn vinh các nhà thơ văn nghệ quân đội, sẽ có “Góc thơ tuổi 20” giới thiệu chân dung và sáng tác của những nhà thơ thành danh lúc còn trẻ, sắp đặt câu thơ hay khắc trên gốm và giao lưu mang nhiều tính ngẫu hứng giữa nhà thơ và khách thơ…

Năm nay, thơ thiếu nhi không xuất hiện trên sân khấu nhưng sẽ có 3 gian trưng bày các tác phẩm văn học thiếu nhi, giải thưởng cây bút tuổi hồng. Tại đây cũng có một số hoạt động thi thơ, đối thơ.

Dịp này, Con đường thi nhân sẽ được khai trương. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Con đường thi nhân được bắt đầu ngay từ cổng vào Văn Miếu – Quốc Tử Giám, với khoảng vài trăm câu thơ tiêu biểu của các nhà thơ tiêu biểu của thời đại.

* Tại TP.HCM, chương trình Ngày thơ Việt Nam năm nay mang chủ đề Xuân nghĩa tình diễn ra trọn trong một ngày rằm tháng giêng (11-2) với hàng loạt chương trình cả phần hội và phần lễ tại không gian Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật TP.HCM (81 Trần Quốc Thảo).

Một hoạt động có chiều sâu nhằm nhìn lại sức lan tỏa thật sự của thơ trong cộng đồng là tọa đàm giao lưu Thơ trẻ với sinh viên các trường, chủ đề “Sài Gòn trong mắt nhà thơ trẻ” ngay tại sân thơ trẻ.

Bên cạnh đó, Ban nhà văn trẻ cũng mời các họa sĩ biếm như Trần Đạt, NOP, Nhím, LAP… đến với sân thơ trẻ tham gia hí họa chân dung thơ trẻ và bạn đọc trẻ. Những tác phẩm hí họa này sẽ được bình chọn và trao giải, góp phần tạo nên không khí sôi động cho Ngày thơ.

Chương trình chính của Ngày thơ Việt Nam tại TP.HCM sẽ bắt đầu lúc 19h tại hội trường lầu 2 thuộc trụ sở hội. Năm nay bên cạnh những nhà thơ quen thuộc như: Trúc Phương, Hoài Vũ, Huỳnh Dũng Nhân, Trần Lê Sơn Ý, còn mời các gương mặt mới đến với Ngày thơ: Thiên Hà, Nguyên Trân, Nhật Quỳnh, Trần Dạ Lữ, Phạm Quang Tiễn, Ngọc Khương, Dung Thị Vân…

Chương trình Kịch thơ – nét đặc trưng của Ngày thơ tại Sài Gòn – năm nay được thực hiện theo chủ đề “Vòng tay mùa xuân”. Kịch bản kết nối từ những tác phẩm thơ hay về tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa và tình yêu nhân loại do 3 gương mặt thơ trẻ Minh Đan, Tiểu Quyên và Nguyễn Đăng Thanh trình diễn.

Lam Điền – Đức Triết (TTO)