“Ở nhiều lúc, nhiều nơi, thơ đang vắng mặt. Nhưng tôi tin rằng dù là đang yếm thế so với nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhưng thơ vẫn còn nguyên đó khả năng sẻ chia, yêu thương, nâng đỡ tinh thần con người vượt qua những đau khổ, khủng hoảng, chia lìa.”

Bình Nguyên Trang sinh năm 1977, đã xuất bản 6 đầu sách, trong đó có 2 tập thơ, 2 tập truyện ngắn và một tập ký chân dung. Năm 2012, tập thơ “Những bông hoa đang thiền của Trang đã vinh dự nhận giải Giải B do Ủy Ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNTVN trao tặng.

Đến với Ngày thơ Việt Nam 2013 cô chia sẻ: “Đây không phải lần đầu tôi tham gia Ngày thơ Việt Nam, cảm xúc hồi hộp như lần đầu tham gia thì không còn nữa, nhưng tâm trạng của tôi thì vẫn rất vui, vì đây là dịp để được gặp gỡ bạn bè làm thơ, đặc biệt là các độc giả, công chúng yêu thơ. Những cuộc gặp gỡ như vậy sẽ tạo nguồn cảm hứng cho tôi tiếp tục viết.”

Thơ theo quan niệm của Bình Nguyên Trang không phải là một nghề. Nó cũng không giống 1 công việc. Thơ là những khoảnh khắc ngân vang của cảm xúc. Thơ không cần xiêm áo, vì thế hãy giản dị nhất có thể. Chỉ viết những điều từ chính trái tim mình, không vay mượn cảm xúc của bất kỳ ai.

Cô tâm sự: “ Cho dù bạn có thể làm thơ theo thể tự do nhất, bạn từ chối mọi niêm luật khắt khe đi nữa, thì thơ vẫn luôn bị giới hạn bởi Chữ. Thơ cần ít chữ. Thơ chán sự dài dòng, trình bày, kể lể. Thơ luôn yêu cầu người viết phải giới hạn về chữ. Nhưng tinh thần của thơ, nghĩa của thơ, phẩm tính của thơ, những thông điệp cuộc sống mà thơ gửi gắm, là không giới hạn. Với tôi, người làm thơ muốn đi lâu dài với thơ, cần phải sống ”đến đáy” những cung bậc cảm xúc của mình với đời, với người. Và đặc biệt là phải có khả năng diễn đạt những cung bậc ấy lên trang giấy. Chữ của nhà thơ phải biết làm run rẩy trái tim người đọc.

Trong khi có những nhà thơ trẻ mải mê với các trường phái, hình thức, thể loại của thơ, thì Bình Nguyên Trang lại nhìn nhận thơ ở một khía cạnh khác, đó là: trong quá trình sáng tác, người viết có thể chủ động chọn cho mình một vài phương thức thể hiện mà họ thấy cần thiết. Nhưng cô quan sát thấy rằng, người đọc thường khi chỉ tiếp nhận tác phẩm thơ ở chính “chất lượng” của nó. Họ chỉ quan tâm tác phẩm đó có làm khiến con tim mình rung cảm, đồng điệu hay không. Thời gian cũng đã chứng minh, tất cả các trường phái đều thuộc về một vài thời điểm nào đó. Còn các tác phẩm hay thì còn sống mãi không chỉ với quá khứ, hay hiện tại mà với cả tương lai. Một khi nội dung không hay, thì hình thức chỉ là cái vỏ vô nghĩa.

Trong câu chuyện bàn về tương lai của thơ, Bình Nguyên Trang ưu tư: Một thực tế có tính toàn cầu là thơ không còn giữ được vị trí thiêng liêng trong tâm trí cũng như trong cuộc sống thường ngày của con người hiện đại. Ở nhiều lúc, nhiều nơi, thơ đang vắng mặt. Nhưng tôi tin rằng dù là đang yếm thế so với nhiều loại hình nghệ thuật khác, nhưng thơ vẫn còn nguyên đó khả năng sẻ chia, yêu thương, nâng đỡ tinh thần con người vượt qua những đau khổ, khủng hoảng, chia lìa. Ngay lúc con người đầy đủ vật chất nhất, thì sự trống rỗng vẫn ở bên cạnh, sự vô nghĩa vẫn ở ngay cạnh. Và bất kỳ khi nào con người mong muốn đi qua sự trống rỗng, vô nghĩa ấy, họ đều cần đến Thơ. Và vì thế, thơ vẫn luôn tồn tại.

Nguồn: Vannghetre