Có mùi nhang trầm luồn trong gió bấc. Bao giờ thứ mùi-tâm-linh này cũng có khả năng gợi nhắc, tìm về. Nghĩ về nguồn cội, đồng thời cũng mơ những miền xa. Gió bấc, tôi không thích chúng đến kèm mưa, sẽ là những ngày đất đai bạc phếch, lề đường gió cuốn lá khô vo thành từng vốc hất tung lên. Tôi nhớ tới một màu hoa khiêm nhường nơi đồng xa hiu hắt…

Hoa xuyến chi. Thứ hoa đồng nội hoang hoải mà thân thương, cánh trắng mỏng tang như loài hoa cúc dại. Và tuyệt thay, chuỗi ngày đông băng giá sụt sùi, ngắm cái cách những cánh trắng mở ra, để lộ đài nhụy vàng ươm như chứa nắng…

Nếu ai đó quen nhắc đến hoa phượng cho lứa tuổi đẹp nhất đời người-thời đi học, thì với riêng tôi, hoa học trò còn bao gồm cả xuyến chi nữa. Trong tôi vẫn đượm nguyên hình ảnh những triền đê hoa trắng nhụy vàng mình đã đi qua. Con đường đồng xa ngái, quanh co, về mùa mưa phải cởi dép, lội bùn. Con đường đồng ngày ấy mòn vẹt dấu chân tôi, vì duy có nhà tôi nằm giữa đồng xa heo hút. Xuyến chi độ ấy nở nhụy vàng, xếp hàng đứng hai bên đường như đang chào đón.

Cha xuôi con nước đến vùng cửa biển quăng chài, ròng rã hai tháng trời neo thuyền nơi đất khách. Đồng lúa mênh mông trải dài vô tận. Sông phổng phao những con sóng lớn vỗ mép cỏ, tràn bờ. Đất trời rợn ngợp có những chấm nhỏ của đàn én trở về sau những ngày dài di trú. Con thuyền dập dềnh giữa dòng, cha thấy mình càng thêm nhỏ bé, nghe trong lòng có khoảng cô đơn nào cứ khuếch tán thêm ra… May thay, xuyến chi vẫn chạy dài đôi bờ như đuổi theo cha vỗ về an ủi, như nhận mặt người thân. Cha vẫn nhớ để tìm về đúng ngày của mẹ-mồng tám tháng ba. Quà về cho mẹ là bó xuyến chi tựa những miệng cười tỏa nắng cùng thuyền cá nặng đầy khoang…

Ảnh minh họa.


Tôi chợt lớn. Cậu chàng gần đôi mươi với chiếc ba lô nặng trịch trên lưng, đứng trân trân giữa con đường đê rập rờn hoa bướm. Mẹ lặng đứng trên mỏm đất trước nhà, trông xa như dáng vọng phu tạc vào thế kỷ. Những mùa hoa thôi đành bỏ lại. Nhưng xuyến chi dang tay như cố níu chân tôi, để rồi ngày sau lên chốn thị thành tấp nập, tôi chợt giật mình thảng thốt khi thấy những cánh nhị loài hoa quê nhà còn lưu dấu cạp quần…

Xuân này đã xa cách lắm những xuân xưa, tôi chẳng thể về bên cha mẹ với căn nhà nhỏ mỏng lưng che gió bấc giữa cánh đồng. Mùi nhang trầm vẫn khơi trong tôi hoài vọng. Tôi đang cùng đoàn sinh viên thực hiện chiến dịch tình nguyện vùng cao, chợt sững lại khi bắt gặp ánh nắng trong vạt xuyến chi vệ đường. Bạn bè bảo: Cây này lên hoang, nhưng một số nơi còn dùng làm vị thuốc. Không như sen, như hồng, xuyến chi chỉ ưa sống giữa không gian rộng, tầm nhìn phóng khoáng, để rồi chắt chiu tất cả những tinh hoa gửi nhờ gió gieo mầm giống nòi mình nơi đất mới. Giản dị, hoang sơ, hoa vẫn đều đặn một năm bốn mùa xòe ra, khoe sắc lặng thầm như chỉ chực chờ níu kéo những tâm hồn cảm rung tinh tế. Cây hoang mà sức sống mãnh liệt, xuyến chi mọc lấn át cả đám rau vườn nhà. Tôi cũng cười: Hoa sống như cái cách của chúng ta-thị thành lấp lánh chẳng ưa, chỉ một mực hướng lòng về những bản vùng cao, nơi có bầy em nhỏ trong giá băng nụ cười vẫn hiền khô như đất, lấp lánh hơn nắng trời.

Bạn tò mò vì trông ánh mắt tôi như người đang cơn mộng. Là vì tôi chợt nhớ tới em-người con gái với chiếc ba lô vẫn ngày ngày theo đoàn văn nghệ đem tiếng hát, tâm tình người miền xuôi gửi tới các anh lính biên phòng nơi đồn xa heo hút. Em cũng giống tôi, chẳng hồng, chẳng cúc, chẳng thược dược, lay ơn. Em chỉ cười khi ngày đông tôi mang trao em một bó nắng. Khi ấy, chắc hẳn em sẽ cười, miệng chúm chím như đóa nụ lặng lẽ một loài hoa…

 

Theo QĐND