Truyện ngắn của Gustáv Murín

Ngày chủ nhật trong một gia đình con mọn có những lề lối riêng của nó. Thật là khoan khoái khi thức dậy vào sáng chủ nhật như thế sau khi rã rời gân cốt vì giải đấu tenis ngày hôm trước.

Nhà văn Gustáv Murín

 

Người ta có cảm giác như thoát khỏi sự tẻ nhạt thường ngày và trườn từ phòng ngủ ra phòng vệ sinh, từ phòng vệ sinh ra bếp và cuối cùng từ bếp vào phòng làm việc một cách đầy hưng phấn. Hưng phấn cũng phải thôi, khi mà (mặc dù cảm giác không giống như một trải nghiệm thể thao vĩ đại, mà như tông phải tàu nhanh) lần đầu tiên tôi không bị loại ngay từ vòng đầu giải. Giải đấu do một ngân hàng mới thành lập sau cách mạng (*Cách mạng Nhung năm 1989- chú thích: người dịch) tổ chức, tại Zlate piesky – khu thể thao phức hợp nổi tiếng của Bratislava. Đây dường như là hoài niệm mùa thu muộn về một mùa hè đầy ắp hoạt động thể thao với tenis là chủ đạo. Cảm hứng của những người đại diện vui vẻ cho mấy đơn vị đang làm ăn phất nhất Slovakia như được làm nền bởi sự xuất hiện khôn khéo nhưng thường trực của đám buôn lậu và buôn ma túy trong những bộ đồ thể thao sặc sỡ và những đôi giày thể thao đắt tiền đặc trưng của họ. Đám này cũng có lán trại của mình trong khu thể thao phức hợp. Tạm thời họ chỉ như cái bóng phía sau mà không làm ảnh hưởng gì đến không khí phấn khởi trên bề mặt của giải đấu. Giải đấu không chỉ là cuộc chia tay với mùa hè, mà còn với một người bạn làm ngân hàng. Người này di cư thời cộng sản, sang Mỹ làm chuyên gia ngân hàng, sau đó qua Thụy Sỹ và Anh quốc, nhưng rồi không chịu nổi nỗi „thương nhớ đồng quê“ lại trở về quê hương sau cách mạng. Cảm xúc sau ba năm khô cạn đi và ông ta lại ra nước ngoài, lần này thì qua nước anh em mới tách ra không lâu là Séc. Và thế là công lực thể thao ngày thứ bảy chuyển sang tửu lực – bia, sâm banh và rượu mạnh. Và thế là ngày chủ nhật tính sổ cho tội lỗi trong chế độ ăn uống của các vận động viên không chuyên. Tất cả những điều này hầu như làm chậm lại chuyển động quen thuộc của một sáng chủ nhật, nhưng với người phải gánh vác gia đình thì rốt cuộc cũng phải mò tới phòng làm việc. Phòng làm việc không chỉ là nơi của những thành công, mà còn là viện bảo tàng, cái kho của những việc chưa được giải quyết, những dự án đang chờ, hay những ý tưởng bị lãng quên rồi lại được tìm thấy, để rồi lại bị bỏ quên. Phòng làm việc cũng là nơi ẩn náu trước sự bận rộn hàng ngày của gia đình, và hơn nữa là nơi duy nhất người ta có thể ngủ trưa chủ nhật dưới danh nghĩa nằm suy ngẫm. Tôi tiến lại bàn làm việc, để x-lần cố gắng lập lại trật tự cho nó. Sự ngăn nắp ở giữa sự lộn xộn của sáng tạo, sự bao quát mọi thứ từ nguyên tắc của người không bao quát. Bỗng điện thoại đổ chuông, và ngay tức khắc Lucia nhấc máy ở phòng khách, cô con gái đã giành làm người trực điện thoại từ hồi 5 tuổi. Con bé làm việc này xuất sắc đến nỗi, nó luôn nhấc máy ở phòng khách trước khi vợ tôi chạm tới cái điện thoại trong bếp, nhanh hơn cả tôi với cái điện thoại thứ ba ở phòng làm việc. Người gọi là Beshkim Shehu, nhà văn Anbani sống tại Budapest. Cách đây vài tuần tôi gặp anh ta ở một hội thảo văn học và chúng tôi có trao địa chỉ liên lạc cho nhau. Bây giờ anh ta đang ở Bratislava, đâu đó gần trường đua ngựa và muốn đến thăm tôi. Người Slovakia vốn có tiếng hiếu khách (mà có dân tộc nào lại không hiếu khách?) và ở đây không có lý do gì để làm mất tiếng thơm của dân tộc mình. Beshkim đã có thời gian và nỗ lực để đến tận vùng ngoại ô của vùng đất được mệnh danh là người đẹp sông Danuyp ngày nào. Vậy là chúng tôi thống nhất gặp nhau lúc 2 giờ chiều ở nhà tôi.

Sớm hơn thì không thể, vì nếp sống ngày chủ nhật của một gia đình có hai trẻ nhỏ có những nguyên tắc cố định của nó. Trước bữa trưa thường là phải hút bụi hoặc ân ái. Cả hai việc thì đáng tiếc là không thể kịp.

Trường hợp ái ân thì trước tiên phải „vô hiệu hóa“ cô con gái đầu Lucia – việc này đã có ông ngoại – bố Jana lo, ông luôn làm tròn nhiệm vụ dạo chơi ngày chủ nhật cùng cháu gái. Đây giống như một mũi tên trúng cả hai đích. Ông già giải quyết giúp chúng tôi một nhân chứng không mong muốn, nhưng chính ông cũng được kéo vào cuộc chơi của một tiểu thư mà mới 5 tuổi đã biết dẫn dắt ông đến chỗ – như bao phụ nữ khác trong đời ông – mua cho cô bé cái gì đó.

Vừa lúc chuông reo và cô bé Lucia (lại là người đầu tiên) chạy ra mở cửa thì xảy ra một chuyện làm đảo lộn hoàn toàn trật tự của ngày chủ nhật. Trong nỗ lực không ngừng giữ một sự ngăn nắp nhất định nào đó trên bàn làm việc, tôi tìm thấy một mẩu giấy nhắc việc. Đã nhiều năm nay tôi có thói quen ghi chép việc cần làm, và vì tôi biết mình có ít thời gian và sự quan tâm để thực hiện chúng, nên tôi thường đánh dấu bằng số dấu chấm than tương ứng. Trên mẩu giấy này có 6 dấu chấm than tất cả. Chúng bao quanh dòng chữ nhắc việc làm tôi muốn đứng tim. Tôi quên béng là đúng hôm nay tôi phải ra bến xe đón một đồng nghiệp đến từ Ấn Độ. Anh này sang viện nghiên cứu của trường đại học chúng tôi làm việc một thời gian ngắn, và đến đây đúng vào cái ngày không phù hợp là chủ nhật. Lại vào lúc 2 giờ chiều, đúng giờ tôi vừa mới hẹn với Beshkim. Ngay lập tức tôi quay số điện thoại đến tất cả các khách sạn có thể để nhắn tin cho Beshkim. Vô ích. Trong thời gian đó ông ngoại đã kịp tháo giày, ngồi vào phòng khách và lật vội mấy trang Playboy, đúng như ý đồ của tôi khi để cuốn tạp chí trên kệ gần tủ sách.

Lucia với sự giúp đỡ của Jana đã mặc đồ xong và cả hai ông cháu sẵn sàng ở sảnh chuẩn bị ra ngoài đi dạo. Tôi chào với theo mọi người từ phòng làm việc với ống điện thoại vẫn áp bên tai, trong bụng thầm nghĩ sao mà mọi sự với ông cháu chúng nó đơn giản thế. Chẳng có cái gì có thể làm đảo lộn chương trình ngày chủ nhật của họ. Như khẳng định thêm điều này, đứng giữa cửa, ông ngoại theo thói quen, nhắc là chúng tôi phải có mặt đúng giờ ăn trưa, mặc dù ông biết thể nào chúng tôi cũng trễ. May mắn là chúng tôi còn có cái cớ phải chờ bé Veronika bốn tháng tuổi thức dậy sau giấc ngủ trưa thỏa thuê của nó.

Được một thoáng tương đối yên bình thì cái nhìn đe dọa của Jana vợ tôi như nhắc nhở, rằng cuộc sống không chỉ có tận hưởng niềm vui (như hôm qua có giải tenis hoành tráng), mà còn trách nhiệm. Việc hút bụi đang chờ tôi. Vậy là không có thời gian cũng như không cơ hội để ái ân. Cô con gái nhỏ thứ hai của chúng tôi thức giấc sớm hơn dự kiến và thế là cả gia đình lại như có báo động. Tôi chạy lại cái máy hút bụi, với trò này chúng tôi sẽ chơi đùa được khoảng 45 phút. Căn hộ của chúng tôi cũng khá rộng. Hồi đầu chúng tôi sống ở căn hộ hai phòng của bố mẹ, ở đó nhà vệ sinh thông với nhà tắm, phòng khách thông với bếp và một phòng ngủ duy nhất chỉ cho người ta chút cảm giác riêng tư khi ngủ say như khúc gỗ. Mặc dù thời nhỏ tôi sống cùng bố mẹ và em trai, bốn người chen chúc trong căn hộ nhỏ, tôi thường xuyên phải ngồi học trong bồn tắm, nhưng thực sự khi đó tôi nghĩ là nếu ở căn hộ lớn hơn chắc chắn tôi sẽ bị lạc. Việc chuyển đến căn hộ 4 phòng hiện tại của chúng tôi làm đồ đạc như nở phình ra một cách bí ẩn, và đến giờ thì trong căn hộ lớn hầu như không còn chỗ len chân. Tôi nghĩ đến điều này khi hút bụi và đụng phải tất cả những gì ba người phụ nữ của tôi để lại sau mình. Khi tôi hút bụi xong thì cũng vừa lúc phải thay đồ và khẩn trương cùng Jana đẩy xe bé Veronka qua nhà ông bà ngoại. Dù có thế nào thì chúng tôi, như thường lệ, vẫn đến trễ…

Nếu ngày chủ nhật có những luật lệ của mình thì bữa trưa của đại gia đình cũng tuân theo những nghi thức của nó. Ngắn gọn có thể thâu tóm vào ba chữ: ăn uống – coi tivi – cãi nhau. Mặc dù ông ngoại hay hăm dọa là sang chủ nghĩa tư bản rồi sẽ không còn được ăn no đâu, thì cái bàn ăn lúc nào cũng thức ăn đầy có ngọn. Bắt đầu bằng khai vị kinh điển, rồi đến món xúp, rồi một phần ăn chính khổng lồ và mỗi người một ly đồ uống phù hợp với món chính của mình (đã được ướp lạnh cẩn thận từ trước). Tôi thì vẫn quen uống bia. Nghi thức ăn uống còn được bổ sung bằng những cuộc rượt đuổi và đánh nhau chí chóe của bọn trẻ vào mỗi ngày chủ nhật thứ hai (khi có mặt cả gia đình em trai vợ và thằng bé con Tomas). Khi cả nhà đã ăn uống no say, chúng tôi sang phòng khách ăn tráng miệng bánh ngọt và uống cafe. Hòa bình và yên ổn ngự trị (nếu không kể tiếng la hét của bọn trẻ) cho đến khi điểm nhấn thứ hai của chương trình bắt đầu (mà kéo theo nó đương nhiên là điểm thứ ba) – bật tivi. Đây là một thói quen cũ mà truyền hình Slovakia giữ lại từ thời còn chương trình liên bang – diễn đàn tranh luận của các chính trị gia về những vấn đề nóng diễn ra vào đúng lúc mà mọi người cần thư giãn sau bữa trưa. Hậu quả có thể tiên đoán dễ dàng – chẳng bao lâu có thể thấy những cơn trào ngược dạ dày giữa các khán giả truyền hình chủ nhật. Đồng hành với chương trình này là một cuộc tranh cãi nảy lửa trong gia đình. Thực tế thì ai châm ngòi cũng thế. Hai bên đối đầu đã được định hình từ trước và theo đường ranh thế hệ, tuổi tác. Cuộc tranh cãi thường xoay quanh chuyện ai sẽ nghĩ ra (trong khuôn khổ phép tắc lịch sự của gia đình) cái biệt danh độc đáo nhất cho chính trị gia này hay chính trị gia kia trên diễn đàn truyền hình. Tôi nhìn quanh và đứng dậy. Kể cả cái khoảnh khắc cãi lộn quen thuộc này của ngày chủ nhật tôi cũng không được tận hưởng. Tôi phải vội đi ra bến xe đón anh chàng Ấn Độ không quen biết cho kịp. Tôi thống nhất với Jana phương án từ chối khéo Beshki và sau khi hôn tạm biệt Lucka (Veronka đã lại ngủ, một đứa trẻ hạnh phúc!), tôi rời chiến trường gia đình. Trên tàu điện ngầm tôi thở dài trước cơ hội ngủ trưa bị mất. Thường thì khi cuộc tranh cãi trong gia đình lên đến đỉnh điểm thì tôi chuồn. Mẹ của Jana không phân biệt đức tin chính trị, gói cho tôi một bịch đồ ăn trợ cấp cho vài ngày tới. Với nhiệm vụ bí mật này, tôi về nhà trước, để rồi không lâu sau đó chìm sâu vào „suy ngẫm“ trong phòng làm việc.

Một nhân viên của Viện Hàn lâm khoa học Slovakia đã đứng đợi ở bến xe, anh ta rõ ràng là thở phào khi nhìn thấy tôi. Nhiệm vụ của anh ta là đón và bố trí chỗ ở cho khách. Thế nhưng suốt cả tuần anh ta tra tấn tôi bằng những lời năn nỉ để tôi đón anh chàng Ấn Độ luôn từ xe bus, và bây giờ anh ta đang ngạc nhiên thích thú vì đã dụ được tôi. Dù gì thì chuyến đi này của anh chàng Ấn cũng là điều bí ẩn. Anh ta đến trường đại học chúng tôi mà lại thông qua con đường Viện Hàn lâm (hai đơn vị gắn liền với nhau nhưng đồng thời cũng hay soi mói cạnh tranh nhau) trên cơ sở của một thỏa thuận nhà nước bí mật nào đó, và chỉ có giá trị đơn phương. Những người Ấn Độ này luôn luôn đến được nước chúng tôi bằng một cách nào đó, ngược lại thì chúng tôi không bao giờ đặt được một chân đến nước họ (đơn giản là phía Ấn Độ không nhận người). Nhưng công bằng mà nói thì những đồng nghiệp Ấn Độ này kiên nhẫn hơn chúng tôi rất nhiều. Hồi trước có một người từng cố gắng suốt 10 năm để sang đây, và cuối cùng anh ta đã đạt sở nguyện. Anh chàng này thì thành công sau 3 năm. Người tiếp theo có thể chỉ cần trong vòng 1 năm. Để dễ hiểu hơn – người Ấn là dân du mục trong khoa học. Nơi này có thể chỉ làm thực tập sinh ngắn hạn, nơi kia có thể lâu dài. Rõ ràng là họ được thúc đẩy bởi thực trạng nghiên cứu ở nước mình. Đây chỉ là vấn đề thời gian, khi nào chúng ta sẽ kế tục thân phận du mục như họ. „Xà lách thì ít mà ốc sên thì nhiều“ như một người bạn Séc của tôi đã nói. Nghĩa là số phận của những người Ấn kiên trì cũng phần nào gần với chúng ta. Bởi vậy, cái gì có thể giúp được – chúng ta giúp.

Chiếc xe bus từ Praha vừa tới, bước xuống xe là một người Ấn Độ có gương mặt dễ thương (chắc chắn chúng tôi không nhầm, bởi đó là người Ấn duy nhất trên xe). Ngay lập tức anh nhân viên của Viện đưa cho anh ta (tên là Manmohan) cái bì thư với các chỉ dẫn trong đó và chào đi với một vẻ nhẹ nhõm trông thấy. Nhìn họ, tôi thầm nghĩ xã hội mình cũng còn tốt chán, khi mà viên chức nhà nước vẫn làm việc vào chủ nhật.

Ở đây đi taxi thường được coi là xài sang, nhưng tôi nghĩ tôi có thể chịu chơi trong trường hợp này. Hãy để cho Manmohana có ấn tượng tốt hơn về Bratislava, bởi thành phố này thường không tạo được sức hút gì đặc biệt. Thực ra là nếu đi taxi thì tôi cũng đưa được anh chàng Ấn sớm đến nơi ở, và tôi còn kịp chạy về nhà. Hôm nay tôi cũng đã hứa với con gái Lucka là đưa nó đi xem xiếc. Đây sẽ là một trong những trải nghiệm kiểu „lần đầu tiên trong đời“ của cô bé mà tôi thích được làm người chia sẻ. Và thế là trong tâm trạng hào hứng tôi cho Manmohana lên taxi và đưa anh ta về nhà khách sinh viên, nơi anh ta được bố trí một phòng ở. Người gác cổng – trong sự ngạc nhiên của chúng tôi – chào đón chúng tôi bằng ba thứ tiếng, trong khi với tôi chỉ cần tiếng Slovak và với Manmohana dễ dàng giải quyết bằng tiếng Anh. Đây là một điều đáng kinh ngạc, bởi thời trước cách mạng, những người gác cổng thường bị coi là thô bạo và ngạo ngược. Không biết bao lần tôi đã từng giao chiến với họ để đấu tranh vì một chút lịch sự tối thiểu mà lẽ ra họ phải có dành cho khách. Người gác cổng này thuộc thời sau cách mạng, và tôi đoán rằng trình độ văn hóa của những người gác cổng có thể được nâng cao chỉ với lý do duy nhất là sự sa thải hàng loạt các viên chức khoa học và sư phạm, bởi vậy người ta tuyển vào vị trí này một giáo sư đã về hưu. Nghĩ thế nhưng tôi cũng không dám hỏi người gác cổng. Biết đâu lại bị coi là xúc phạm khi tôi xếp ông vào giới trí thức.

Tôi đưa Manmohana lên đến tận phòng và chưa kịp chào tạm biệt thì anh ta đã làm tôi bật ngửa với câu hỏi – „và bây giờ chúng ta làm gì?“. Thực ra anh ta đã đề cập vấn đề này từ trên taxi, nhưng lúc đó tôi chỉ tập trung vào việc giới thiệu về các di tích lịch sử của thành phố mà chúng tôi vừa lướt qua. Bây giờ có vẻ là anh ta đã suy nghĩ hoàn toàn nghiêm túc. Và tôi nhận ra rằng, sẽ không đơn giản với anh chàng Ấn Độ này…

Tôi đề nghị anh ta nghỉ ngơi, nhưng anh ta không muốn. Tôi bảo tôi phải đưa con gái đi xem xiếc, nhưng điều này không ảnh hưởng gì đến anh ta. Anh ta cũng muốn đi. Nhưng kéo theo một người khách ngoại quốc vừa mới tới vào rạp xiếc dành cho trẻ con thì có phù hợp không? Tôi căng trán suy nghĩ và cuối cùng quyết định thỏa hiệp. Tôi đưa anh ta đến viện nghiên cứu của chúng tôi cách đó không xa và tiếp tục suy nghĩ trên đường đi.

Từ Viện nghiên cứu tôi gọi cho giáo sư trưởng phòng, thông báo cho ông là khách đã đến, và tiện thể ông sống gần rạp xiếc thì tôi có thể để anh Ấn một lúc ở chỗ ông. Ít nhất là trong thời gian tôi cùng Lucka xem các trò ảo thuật và đu quay. Nhưng ông từ chối. Giáo sư là người rất dễ thương, nhưng chủ nhật là chủ nhật. Ông nhờ tôi chuyển lời chào đến anh bạn Ấn, rằng thứ hai thì chắc chắn giáo sư sẽ đón tiếp… Tôi tính gọi cho một đồng nghiệp khác, nhưng anh này lại không biết tiếng Anh. Thế là tôi gọi cho bố mẹ Jana, ướm hỏi xem liệu chúng tôi có thể…Tôi được trả lời rằng không thể, trong bất cứ trường hợp nào. Bố mẹ Jana tốt bụng hiếm có và theo tôi nhớ thì họ chưa từng từ chối tôi một điều gì (kể cả việc gả con gái). Vậy nên khi họ kiên quyết nói „không“ thì quả thực là có gì đó nghiêm trọng. Sau này tôi được biết là thời điểm đó ở Ấn Độ đang có dịch tả hoành hành. Và có trời mà biết được chuyện gì có thể xảy ra, nên họ, những người già cả, không muốn đùa với dịch bệnh (nghĩ cho cùng thì đó là quyền của họ.) Mặc tôi cố làm gì thì làm, tôi không thể bứt ra được anh chàng Ấn Độ này. Giữa các cuộc điện thoại tôi để ý thấy anh ta kiên nhẫn ngồi bên bàn với cái kính hiển vi, và luôn tìm mọi cơ hội thể hiện cho tôi thấy là anh ta thực sự thích đi xem xiếc. Tôi đành đầu hàng. Nhưng điều chắc chắn là bây giờ tôi sẽ không bao taxi nữa. Chúng tôi sống ở tận đầu kia của thành phố. Đường đi đến đó khá xa, nên làm một cuộc tham quan thành phố bằng tàu điện là hay nhất.

Trên tàu điện, tôi phải đi hỏi mọi người để mua lại cái vé tàu cho Manmohana. Mua vé tàu điện vào chủ nhật ở Bratislava hầu như là không thể. Những người khách trước đây, giáo sư người Tây Ban Nha cùng gia đình đã có một trải nghiệm khó quên – họ đã phải đi chui vé (với sự hỗ trợ bất lực của tôi). Các máy bán vé tự động chỉ có ở trung tâm, mà rất ít và không phải cái nào cũng hoạt động. Trước giờ vẫn thế, dưới thời tư bản xã hội chủ nghĩa hiện tại của chúng ta chỉ có thêm cái biển „Máy bán vé hỏng không biện minh cho việc đi tàu xe không có vé“. Thế mà bảo chúng ta chẳng có một sự tiến bộ nào! Tình huống trớ trêu này tôi thử lấp liếm bằng việc mô tả trung tâm thành phố, nơi chúng tôi vừa đi qua. Bratislava là bức tranh phản chiếu tất cả các thành phố của Slovakia (ngoại trừ vài trường hợp đặc biệt là thành phố trung cổ hay khai thác mỏ). Trung tâm được tạo thành bởi cái làng cũ được bao bọc bằng hàng cây số nhà chung cư. Nói đúng ra thì Bratislava là cái làng chính của Slovakia chứ không phải thủ đô. Có thể tìm thấy vài di tích lịch sử ở đây, mặc dù chế độ cộng sản đã kịp phá hủy chúng nhiều hơn cả hai cuộc đại chiến thế giới cộng lại.

Khu vực trung tâm, đối nghịch với diện tích của Bratislava, nhỏ bé bất thường và vùng ven với những mái hiên tàn tạ của các căn nhà làm tôi khô kiệt cảm hứng. Tôi và anh chàng Ấn cùng im lặng nhìn qua cửa kính rộng của tàu điện. Đúng lúc đó xảy ra chuyện. Ở trạm dừng gần nhất có ba cô gái bước xuống tàu. Họ không muốn đi đến vạch đường dành cho người đi bộ và thế là một cô chui qua rào ngăn cách. Cô ta vẫn ngoái lại nhìn phía xe cộ chạy tới, nhưng khi thấy không có gì, cô nhảy qua đường. Tiếng phanh xe rít lên, tiếng va đụng mạnh vào kim loại, tiếng thét, ngã. Tôi liếc nhanh sang anh người Ấn. Anh ta vừa chứng kiến một tai nạn, cái vẫn xảy ra ở Bratislava hàng ngày. Giao thông ở đây giáp ranh với hỗn loạn. Chính cảnh sát giao thông cũng nói rằng một số ngã tư giống như cái bẫy với các tài xế. Bây giờ là cái bẫy với người đi bộ. Luồng đường ngược chiều (tàu điện chạy giữa hai luồng xe ngược chiều nhau) đang sửa chữa và vậy là giao thông nhập vào luồng duy nhất còn lại. Cô gái kia đã tự động nhìn đúng hướng (có thể như đã quen thuộc suốt bao năm qua), thế nhưng lúc này hàng xe ô tô lại chạy ngược chiều. Có dạo từng lan truyền một chuyện hài châm biếm, rằng một nông dân hỏi một người Bratislava làm sao đi từ ga đường sắt vào trung tâm. Và người Bratislava trả lời: Thực sự là tôi không biết, tôi vừa đi vắng một tuần“. Nhưng những gì vừa xảy ra ở đây không phải chuyện đùa. Cô gái nằm trên đất, quằn quại đau đớn. Người lái xe loay hoay bên cạnh không biết phải làm gì. Cô lái tàu điện của chúng tôi gọi xe cứu thương. Một chiếc tàu điện nữa cũng dừng sau lưng chúng tôi, mọi người đổ dồn ra phía ngoài. Một người lái xe nào đó phía sau mang tấm chăn đến đắp lên mình cho cô gái. Mấy cô bạn ngồi xúm quanh cô, sốc. Từng phút qua đi. Không ai dám di chuyển cô gái vì sợ ngộ nhỡ cô bị chấn thương cột sống. Cô gái cũng không rên la nữa. Chỉ có cái chân dưới tấm chăn động đậy. Nhiều phút nữa trôi qua và chẳng thấy xe cứu thương đâu. Tàu điện bị dừng cả hàng, ô tô cả hai chiều ùn lại làm kẹt cứng đường. Con đường dài mấy cây số này cũng là duy nhất (có thể thấy nó dễ bị bao vây thế nào) nối liền trung tâm với các quận phía đông. Và cả với quận chúng tôi đang sống, nơi con bé Lucka bây giờ đang nhấp nhổm chờ đi xem xiếc. Nếu chúng tôi không về kịp, thì không chỉ con bé buồn, mà cái chính là làm sao sau đó với anh chàng Ấn nữa đây? Thời gian như chạy, người thì không ai nhúc nhích, chỉ có cái chân cô gái động đậy dưới tấm chăn. Tôi quyết liều một phen, mặc dù biết rõ là trong trường hợp này vai anh hùng không dành cho tôi. Ngược lại. Tôi phải diễn vai một hành khách thực dụng và vô cảm mà nói nhỏ với cô lái tàu điện đang đứng: „Cô ơi, cô đã gọi xe cứu thương rồi, và cũng không thể làm gì hơn nữa để giúp cô gái ấy. Cho dù chúng ta ở đây có đến cả trăm người cũng không ai làm gì hơn được. Mà tôi thì còn có ông khách Ấn Độ ở đây, cô thấy đấy“ . Rồi liếc nhìn sang người khách của mình, lúc này trông anh ta chẳng giống Ấn Độ gì cả. Tai nạn vừa xảy ra trước mắt làm mặt anh ta trắng bệch ra. Và rốt cuộc tôi đành thốt ra điều cần nói: „Cô ơi, cho tàu chạy được không, chờ lâu quá rồi…“

Cô lái tàu nhìn tôi bằng ánh mắt khỏi cần diễn tả và ngao ngán quay mặt đi. Trong biển xe ô tô kẹt cứng thế này thì xe cứu thương có phép màu mới len vào được. Tôi trở lại toa tàu trống một nửa với anh chàng Ấn. Chúng tôi nói chuyện gì đó và tôi liếc trộm đồng hồ. Bó tay. Nhưng may sao đúng lúc đó thì cô lái tàu thủng thẳng tách ra khỏi đám đông trên đường, từ từ trở về đầu tàu, rồi cuối cùng bước lên tàu, bấm còi, mọi người lật đật trở về toa và chúng tôi bắt đầu di chuyển. Tôi đã đạt được điều mình mong muốn, nhưng kỳ thực cũng chẳng đáng phải nhảy cẫng lên vì sung sướng. May ra thì chúng tôi mới kịp thôi. Cô bé Lucka sốt ruột đã đứng chờ cùng ông ngoại ở trạm dừng. Quả là những người ông luôn sẵn lòng vì cháu. Và cái chính là họ rảnh rỗi. Lucka lên tàu, chào Manmohan và lúc này dường như mọi dấu vết của tai nạn vừa chứng kiến mới bị xóa đi. Lucka tràn trề phấn khích vì mong đợi và kéo theo cả chúng tôi vào sự háo hức đó cùng cô bé. Bây giờ là mùa thu, mùa thu hoạch nho để làm rượu vang và rạp xiếc ở ngay vùng ven của cánh đồng nho nổi tiếng Raca, với người địa phương là Račišdorf. Bây giờ cũng chính là mùa của đặc sản địa phương, rượu nho non. Thực ra mà nói, rượu nho non có cái gì giống như rượu pha loãng với bùn, nhưng ai đã uống một lần thì sẽ luôn vui sướng khi mùa đến. Manmohal cũng tỏ vẻ thích thú với thứ bùn nho này. May mắn cho anh ta là khoản này đạo Hindu không cấm. Ở trước rạp xiếc không chỉ có các quầy bán rượu nho non, mà còn bán cả bánh kếp (* bánh làm từ bột khoai tây rán tỏi – chú thích: người dịch). Để Lucka không kém cạnh gì, cô bé được mua cho cây kẹo bông đường, và mút hết trước cả khi tôi và Manmohan kịp nếm thử ly nho non đầu tiên.

Tôi mua rượu nho non và bánh kếp mang theo, vừa lúc một làn sóng trẻ em và người lớn cũng trang bị tương tự đẩy chúng tôi vào trong rạp xiếc. Cảnh này giống hệt hồi bé tôi đã chứng kiến khi ở quê với ông bà. Những băng ghế gỗ dài, sàn ván ghép, đồ trang trí hình nộm – tôi không biết đây có đúng là cái mà người khách Ấn Độ của chúng tôi nên xem đầu tiên khi đến Slovakia hay không. Hơn nữa, đây là xiếc Séc, bởi người Séc vốn dĩ từ thuở nào đã có tài làm xiếc. Khi tôi giải thích tất cả những điều này cho Manmohan, chúng tôi đụng phải câu hỏi kinh điển là người Séc khác với người Slovakia ở điểm nào và tại sao hai dân tộc lại tách nhau ra. Tôi cố gắng lý giải cho Manmohan theo cách nói dí dỏm của vị giáo sư người Praha của tôi, rằng: „Cái khác cơ bản giữa chúng tôi là, khi người Séc uống say thì họ hát các bài hát Slovakia“.

Nhưng anh chàng Ấn chưa thỏa mãn với câu trả lời đó, và tôi vã mồ hôi sau các tiết mục xiếc cố giải thích cho anh ta. Kết thúc màn độc thoại của tôi, anh ta nhìn tôi và chốt hạ bằng một câu hỏi: „Anh cho tôi hay, có ai trên thế giới này quan tâm các anh là người Slovak hay người Séc? Cái chính, các anh là Trung Âu! Châu Âu – anh có biết đó là biểu tượng, là sự kính nể mà khi về nhà tôi có thể nói rằng tôi đã từng đến đây?! Đừng quên là anh có một lợi thế đáng ganh tỵ – anh là người Trung Âu!.“

Chúng tôi kết thúc hội thoại ở đó, vì tôi chẳng biết nói gì thêm. Tôi tặng cho mình một hớp sâu kiểu Trung Âu rượu nho non.

Và dường như những diễn viên xiếc người Séc muốn khẳng định lời giới thiệu của tôi về lịch sử dân tộc, họ bắt đầu các màn trình diễn hoành tráng. Tinh mắt sẽ thấy ở đây ai cũng làm được đủ mọi trò. Cũng hơi kỳ cục khi một chàng trai trẻ có tham vọng trở thành David Copperfield tỉnh lẻ vừa hoàn thành ngoạn mục tiết mục tự giải thoát khỏi xiềng xích trên sợi dây thừng đang cháy, một lúc sau lại làm nhiệm vụ kéo màn và dọn dẹp trong hậu trường. Điều này không ảnh hưởng gì đến Lucka cũng như Manmohan. Màn biểu diễn tiếp tục với những tiết mục thành công cũng như không thành công lắm. Rõ ràng là xiếc tư nhân không dễ sống trong thời kỳ sau cách mạng. Như vậy cũng khó mà chinh phục hoàn toàn được cô con gái của chúng tôi, bởi nó thích những chú ngựa con mà ở đây chỉ có một con còi cọc. Trong khi đó tôi và Manmohan giúp nhau đổ rượu nho non vào cốc và từ cốc vào cổ họng. Tay và miệng chúng tôi dính đầy mỡ bánh kếp, và xem chừng không khí trên boong vẫn yên ổn cho đến khi chúng tôi chén sạch đồ ăn. May thay, trước lúc màn xiếc trở thành nỗi mệt mỏi, Lucka bất ngờ thay đổi quan điểm về nghệ thuật xiếc và đòi về nhà. Trong thâm tâm tôi nghĩ con bé mới tuyệt làm sao và tôi lãnh vai trò mở đường rút. Cả Manmohal cũng vui ra mặt. Chắc chắn anh ta đã no đủ cả rượu vang non, bánh kếp, và cả xiếc. Nhưng bây giờ tôi làm gì với anh ta đây?

Chỉ còn một giải pháp duy nhất. Cuốc đi bộ về nhà tôi sẽ làm cạn kiệt khát khao tìm hiểu của anh chàng Ấn Độ. Dọc đường, Manmohan bắt đầu có biểu hiện hơi ngà ngà vì rượu nho non. Hoàn toàn thoải mái – rất may là trời đã bắt đầu tối – anh ta nhảy sang chỗ có mái che bên đường để đi tè. Tôi bước tiếp giả bộ không thấy gì, nhưng Lucka hỏi người khách đâu mất rồi. Tôi giải thích cho cô bé là cái việc người khách đang làm gắn liền với loài người và chủ yếu là nam giới. Lucka không hỏi gì thêm, vì thực ra việc này không liên quan gì đến cô bé (như một phụ nữ tiềm năng).

Chúng tôi về đến nhà đúng lúc tao loạn nhất. Jana đang tắm cho Veronika. Trông cảnh này như một tiết mục xiếc ở trong bồn tắm với cả tá voi đồ chơi. Veronika sung sướng nghịch nước tung tóe trong khi Jana kỳ cọ xà bông và rửa ráy cho con bé. Tôi cùng Manmohan đứng như thừa ở phòng khách, bởi vì Lucka đã chạy vào nhà tắm và kể cho Jana nghe tất tần tật mọi chuyện diễn ra ở rạp xiếc. Cuối cùng thì chúng tôi cũng di chuyển, nhưng tôi hơi sai lầm khi đưa Manmohana vào phòng khách, tình cờ đó như một bãi chiến trường nơi Veronika thay đồ sau khi tắm. Manmohan vượt qua tình huống này với sự nhẫn nại của người Á Đông. Nhất là khi anh ta nhận thấy là chúng tôi không thể mời anh ta ăn tối, bởi vì Jana không kịp nấu nướng gì cả, và tôi thì rất có thể phải bằng lòng với miếng bánh mì hoặc cái bánh ngọt.  Rượu vang hay rượu mạnh sẽ không còn vị gì sau thành công của rượu nho non, vì vậy tôi và Manmohan cùng nhất trí uống cà phê. Tôi pha cà phê, thực sự món này tôi cũng không rành. Nhưng kể cả cái này Manmohal cũng giải quyết xong trong nháy mắt. Tình hình trở nên căng thẳng khi Jana tiếp tục đi tắm cho con bé Lucka cũng với trình tự tắm, thay đồ và ủ vào giường đi ngủ với câu chuyện cổ tích không thể thiếu như thường lệ. Thêm nữa, tiếng Veronka gào khóc từ phòng ngủ, và đến lúc này thì người khách ngoại quốc của chúng tôi bắt đầu nhận ra rằng, gia đình này đã đến lúc đi ngủ. Manmohan đứng dậy. Jana chào anh ta vọng ra từ nhà tắm, Lucka từ bồn tắm, và Veronka tiễn chúng tôi bằng tiếng thét tuyên chiến từ giường ngủ.

Trên đường ra tàu điện vẫn còn một cuộc chiến nữa. Thuyết phục Manmohana là anh ta có thể tự đi về khách sạn một mình.  Chỉ hình dung là bây giờ tôi phải đi cùng anh ta một tiếng đồng hồ đến đó rồi lại mất thêm một tiếng về nhà đã làm tôi cạn kiệt đến giọt hiếu khách cuối cùng. May mắn là từ đây đến chỗ anh ta chỉ có duy nhất một tuyến tàu điện và khi tôi nhờ chị lái tàu cho anh chàng Ấn xuống ở nơi cần thì rốt cuộc Manmohan mới đầu hàng và buông tha tôi. Tôi vẫy tay chào anh ta, và thở phào nhẹ nhõm khi tàu điện bắt đầu chuyển bánh.

Ở nhà đã chìm vào giấc ngủ. Khá khuya rồi. Janina nói nhỏ với tôi trong bếp là anh đạo diễn truyền hình vừa gọi, hỏi cái kịch bản đã xong chưa và khi nào thì tôi gửi cho anh ta. Cái kịch bản đó lẽ ra tôi phải viết hôm nay, và đương nhiên là tôi chưa có nó. Giờ đã muộn nên cũng không gọi điện thoại tìm cớ bao biện được nữa. Tôi đành mặc kệ và (trái với thói quen và nguyên tắc cứng rắn của mình) tôi cũng chẳng buồn ngó xem còn những gì đang chờ tôi trên bàn làm việc nữa. Tôi để cho màn hình ti vi lôi kéo và nghịch với cái điều khiển từ xa một chút. Sau khi lắp truyền hình cáp thì chúng tôi có ít nhất khoảng bốn mươi kênh, vì vậy cũng ngốn khá nhiều thời gian nếu bật qua hết được tất cả các chương trình. Nó tạo ra ảo giác của tin nóng và sự kiện dồn dập, nhưng rốt cuộc thì người ta khó lòng mà nhớ nổi cái gì đã nhìn thấy lúc đầu tiên. Thôi thì mặc kệ. Tôi đi đánh răng và sau cái việc cuối cùng này thì tôi lăn quay ra ngủ như chết. Ngày chủ nhật này tôi chẳng làm được trò trống gì, nghỉ ngơi cũng không, nhưng vì vậy mà nó trở thành một ngày đặc biệt trong thành phố của tôi…

Gustáv Murín

Vanvn.net

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

 

Exit mobile version