Chuyên mục TRUYỆN HAY tuần này, Cầm Kỳ Official xin được giới thiệu chùm truyện ngắn của tác giả trẻ NGUYỄN CHÍ NGOAN.
Gồm các truyện sau:
1. Người buông bỏ chưa
2. Dòng trôi
3. Ngày buồn quá thể
4. Nắng muộn
5. Đời minh mẫn
Qua sự thể hiện của các giọng đọc: nhà văn Võ Đào Phương Trâm, nhà thơ Trương Công Tưởng, nhà văn Võ Thị Xuân Hà
Tác giả Nguyễn Chí Ngoan
Sinh ngày: 22.02.1991
Quê quán: Thuận Hòa, An Minh, Kiên Giang
Nghề nghiệp: Giáo viên Tiểu học
Giải thưởng:
• Giải Tác giả trẻ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam, năm 2019 – tập truyện ngắnBến chờ
• Giải Khuyến khích cuộc thi “Thành phố tôi yêu”, báo Thanh Niên, năm 2020
• Giải thưởng thiếu nhi Khát vọng Dế Mèn lần I, báo Thể thao Văn hóa, năm 2020 – tập truyện ngắn Mộng giang hồ
• Giải Ba cuộc thi thơ, tạp bút “45 năm rực rỡ tên vàng”, báo Người lao động, năm 2021
• Giải Nhất cuộc thi “Nghĩa tình Miền Tây”, báo Thanh Niên, năm 2022
Tác phẩm đã xuất bản:
• Bến chờ (Tập truyện ngắn – NXB Văn hóa Văn nghệ, 2019)
• Mưa miền đất mặn (Tản văn – NXB Kim Đồng, 2021)
• Rồi nắng cũng lẻ loi (Tập truyện – NXB Kim Đồng, 2022)
Ngày buồn quá thể
Truyện ngắn của Nguyễn Chí Ngoan
Nhà chứa bài lấy xâu. Nhẩn nha tối ngày chỉ nghe toàn những câu chuyện không đầu không cuối của những người phụ nữ nông nhàn rảnh rỗi. Ngó thấy những chuyện không biết đâu mà lần. Chốc chốc lại cười hả hê, có khi vì thua bài nổi khùng chửi nhau rổn rảng. Từ chuyện một bữa thua bài, thím Chín xé đáy quần xả xui, mợ ba ngứa mình gãi tứ tung, gãi một hồi rớt mấy con bài xanh đỏ, mấy bà thím xông vào đánh tơi tả. Ngoại đành giải vây bằng những câu nói nửa binh nửa chửi. Mấy lần nói với ngoại chứa bài làm cái gì, thấy thất đức quá trời. Ngoại cười hề hề, mình không chứa người ta cũng chứa hà. Chứa để nghe được tiếng người. Thấy nhà không lạnh, nhện không giăng mùng.
– Thôi nghỉ chơi rồi. Con xe vàng mới trôi tì có một cây mà đợi cả buổi trời không thấy trồi đầu lên. Thua quài tiền đâu mà chơi.
Hừng đứng dậy, phủi đít đi te te về nhà, trong cái ngoái nhìn của ngoại.
Tan sòng. Cuốn chiếu. Ngoại chặc lưỡi, đàn bà mặt má miệng bầu nhìn lâu muốn chửi. Chỉ tội cho thằng Trứ giao mạng mình lênh đênh theo con sóng ngoài biển cả. Để nó hú hí ở nhà nuôi trai, đen đỏ. Chồng Hừng một năm về nhà đôi ba lần, rồi lại theo đi ghe cào đôi đánh tận ở Mã Lai. Ngoại kể, chồng con Hừng hiền như cục đất, hiền đến nổi ngu. Lấy Hừng về được một tháng thì anh lại đi ghe cào. Tới tháng thứ sáu Hừng sanh non, mà thằng nhỏ nặng ba ký tám. Ngoại cười hề, tao sống tới từng tuổi này, mới thấy thằng nhỏ sanh non mà đẻ ra thiếu điều muốn cưới vợ cho nó được.
Bỏ ngoài tai những điều tiếng, gièm pha. Trứ thương thằng nhỏ động trời. Hơn ai hết, Trứ cần một gia đình. Một nơi để Trứ trở về sau những chuyến đi xa, mà không phải cô quạnh, lủi thủi một mình như những ngày còn bé, sống lang bạt khắp nơi, không nhà không cửa. Mỗi lần Trứ về nhà lại mua bao nhiêu là thứ đồ chơi, quần áo thì chẳng thiếu thứ gì. Ngoài những thứ đồ chơi đó, Trứ không thấy mình có mối dây liên kết nào từ thằng nhỏ. Ôm nó một chút, nó lại đẩy ra. Nó bảo, ba tanh cá quá. Trứ buông thằng nhỏ ra. Soi lại từng vạt nắng gió trên làn da rám nắng, đôi tay chai sần nắm cái gì cũng không vướng víu, chỉ có nắm tay cu Tí là nó bảo đau, vuốt ve vợ thì vợ bảo nhám cào, nhột gần chết. Trứ buồn. Nhưng đành vịn vào câu nói của Hừng làm tin, ai biểu ông đi biền biệt mấy tháng trời, thằng nhỏ làm mặt lạ cũng đúng, con nít thì phải từ từ, ôm nó mà thô lỗ, cộc cằn như ông ai mà không sợ.
Cho nên mỗi khi có người trong xóm Ruốc hỏi cu Tí, mày nhớ ba mày không. Nó trả lời tỉnh queo.
– Con nhớ đồ chơi.
Con nít đâu hiểu gì. Sao nỡ trách nó vô tình, vô tâm khi nó chỉ là một đứa trẻ lên ba, lên bốn. Nó đâu có những toan tính rạch ròi, đâu thể cảm nhận được những hiểm nguy, những tình thương từ trong sâu thẳm được thay thế bằng nỗi nhớ mà không phải là những lần nó ốm đau, có người ẵm nó, lúc nó bi bô tập đi, có người dắt nó những bước đi đầu tiên trong cuộc đời mình. Bước qua cái bậu cửa, cu Tí chỉ gặp những con người xóm Ruốc, có khi thím bán bánh lọt nó còn quen mặt hơn Trứ. Người lớn lâu ngày không gặp lại, thời gian còn ném con người ta ra xa, huống chi cu Tí. Hừng tha thằng nhỏ đi đánh bài hết đầu trên xóm dưới, mỗi khi ngoại cưng nựng nó, mà thở dài thậm thượt. Tổ cha mày, sau này lớn lên phải biết thương cha mày nha. Nó cực cả đời. Mày mà phản nó nữa, trời không có tha đâu nha con. Hừng chăm chú vào từng con bài xanh đỏ, chẳng màng đến thằng nhỏ đang ở tận đâu đâu. Cu Tí có khóc có la cũng đều do ngoại dỗ, chẳng phải lấy tiền xâu bài mà ngoại tự hành xác mình. Tại ngoại thương thằng nhỏ, mặt dễ cưng mà thiếu thốn đủ bề. Không lơi tay cu Tí một chút nào. Con nít con noi, sơ sẩy một chút, rủi có bề gì ân hận suốt đời. Có gì ngon ngoại cũng chừa cho nó, đến hát ru cho nó ngủ ngoại cũng dành. Hừng thì nhớ tiền hơn nhớ Trứ. Hừng nhớ những tờ giấy bạc, dù thắm qua rất nhiều mùi khác nhau, có cả mùi cá tanh rình, tanh ói mà Hừng cứ càu nhàu với Trứ. Hừng vẫn thấy nó thơm, nó giúp Hừng tỉnh dậy sau ngái ngủ kéo dài. Nhận được tiền trên tay thì Hừng đâm ra bứt rứt trong người, bứt rứt tại sao Trứ nán lại lâu quá. Lỡ gặp tháng ngặt lấy tiền đâu xoay xở, lấy vốn đâu mần ăn. Vợ chồng còn trẻ không lo giàu lo nghèo với người ta, về già sao có của, còn phải nuôi con học hành, dựng vợ gả chồng. Ở nhà hoài sao có cái để dành. Bài ca cũ rích nhưng lúc nào cũng thấm thía biết bao nhiêu trong ánh nhìn của gã đàn ông cộc cằn, ít học. Viễn cảnh đó, Hừng đã vẽ lên. Nó thật đẹp và long lanh. Hay chỉ bởi, quành qua quành lại ở trong nhà với ông chồng đen đúa. Ra tới chợ lại ì xèo những con người muốn gặp nên Hừng đâm ra bực dọc, ngứa ngáy trong mình. Người chủ sạp cá mời mua, Hừng liếc xéo, nhà có con cá bự chà bá kìa, ăn không bán lại đó. Thím ba bán rau ngắc ngứ một hồi cũng bật ra câu nói Hừng nửa muốn nghe lại nửa muốn không.
– Chút qua nhà bà ba Xứng đẩy xịp(1).
Hừng trả lời mà mặt quạu đeo, cục nợ nằm thừ lừ ở nhà kìa. Đi gì mà đi. Đợi ổng đi cái đã. Nằm một đống ở nhà, tối ngày cứ cà ràng ông Táo không mần ăn gì được.
Đêm nằm bên Trứ. Sau cơn hì hục của người đàn ông suốt mấy tháng trời vắng vợ. Lênh đênh trên biển. Hừng hưởng ứng cho có lệ trước cơn khát của chồng. Trứ ngã lăn qua ngáy o o. Hừng tiếc hùi hụi mấy bịch sữa tắm hồi chiều, tiếc đầm đìa cái ánh nhìn mời gọi của Vũ. Cưỡng làm sao trước khuôn mặt đầy đặn, làn da trắng ngần, tấm lưng trần hừng hực của gã trai mới lớn, quên sao được bàn tay tham lam của Vũ mỗi khi gần Hừng, hơi thở dồn nồng ấm bên tay. Trứ vòng tay ôm vợ. Hừng thu mình lại, co rúm. Khẽ nhắc tay Trứ ra. Hừng day lưng vào vách. Cố ngăn nỗi nhớ về Vũ. Về những lần quấn chặt vào nhau không rời. Bên Vũ. Hừng thấy mình được nâng niu. Mà nâng niu cũng phải, Vũ không có gì ngoài cái mã đẹp trai. Đành bám váy đàn bà, để có tiền hả hê cờ bạc. Con cái nhà ai vô phước lắm mới vớ phải nó. Ngoại nghiến răng kèo kẹo mỗi khi nhắc đến Vũ, cái thằng ăn cơm trái đất nói chuyện sao hỏa, mồm mép như tép lặn tép lội. Thấy hổng có ưa. Những tờ tiền Trứ thách thức cả sinh mạng mình cùng bão tố mang về cho Hừng. Hừng mang cho Vũ. Vũ mang cho gái, cho mấy ông tây trong lá bài. Thương là thương cho Trứ. Người gì hiền quá, hóa khờ.
– Đàn bà sướng quá sinh hư.
Ngoại vẫn thường càm ràm mỗi khi thấy những người phụ nữ vắng chồng cứ xà nẹo, xà quần bên mấy thằng con trai vô công rỗi nghề. Thấy buồn giùm mấy ông chồng nai lưng gánh vác, để vợ ở nhà phòng không lạnh lẽo. Gió bấc về thì lạnh, mà hè coi bộ cũng nực. Cần lắm một người bên cạnh chứ. Ai biểu chồng ở xa. Chẳng phải mấy quán đèn mờ vẫn mọc như nấm sau mưa ở gần mấy ụ tàu đi biển đó sao. Đành liều mạng với cô đơn vậy. Bằng cái cớ đó mà người ta vẫn thấy mệt nhoài những thân phận con người, chen chúc nhau trong mớ tình bám víu, tạm bợ. Để mỗi khi Hừng đi qua ngã tư, cả gánh đàn ông tủm tỉm cười không ngớt. Vì một hôm Vũ nhậu say nổi hứng kể chuyện mình làm với người tình cho các chiến hữu nghe, Hừng như trần trụi trước mặt tất cả đàn ông, Vũ kể chi tiết đến nỗi người ta có thể thấy cái nốt ruồi sau lưng Hừng, mà có khi Hừng còn chưa biết. Vũ còn làm đám bạn rình cười, cắn gãy mấy chiếc đũa. Khi thằng bạn thách, để chúng coi Hừng có y như lời Vũ kể. Hừng nổi tiếng từ độ đó.
Đảo một vòng quanh xóm Ruốc, với những cánh đồng mênh mông nước, mấy căn chòi giữ tôm bỏ hoang. Đất nhiễm mặn, riết rồi làm cái gì cũng thấy không đặng. Cấy lúa, lúa chết lần chết mòn. Nuôi tôm, tôm ngã nhào trong dòng nước phát sáng. Thả cua, cua buồn tình thế nào mà nằm chỏng ngược lên trời. Vậy nên mỗi khi chiều tan tầm trời còn đổ lửa, lại nghe những tiếng chửi thề lốc cốc, mẹ bà nó, riết rồi xóm Ruốc này chỉ toàn người già và trẻ con. Những con người xóm Ruốc ngược dòng thành phố vào những công ty, nhà máy hay lại bon bon trên những chiếc tàu ra biển tìm kế sinh nhai. Trong dòng người đó có Trứ, đứa trẻ nghèo mồ côi. Thứ tài sản duy nhất là căn chòi cột cặm ở đậu đất nhà người ta. Đi thì bỏ vợ bỏ quê, neo cặm lại thì lấy cái gì để ăn. Đành phó mặc cho số phận. Trời kêu ai nấy dạ. Những căn nhà cửa nẻo kín bưng, nhốt vào đó những nỗi buồn không sao kể hết.
Ngoại cặm chòi mở quán cháo lòng trước cửa. Nhà nghỉ chứa bài. Ngoại nói ở nhà không làm gì thấy ngày đắp đổi trôi qua nhanh quá. Mở cái quán để hóng chuyện đời, chuyện người. Những câu chuyện rời rạc, được chắp vá từ sự thêm thắt cầu kỳ, cứ mang con người ta đến những bến bờ chẳng bao giờ ngơi nghỉ. Từ ngày mảnh tình Vũ và Hừng tan vỡ. Ngoại thề không chứa bài. Để không gặp thứ đàn bà lăng loàn. Có phước không biết hưởng, ở đó ăn chơi, đàm đúm. Khiến Trứ vừa canh bạc với trời, vừa canh bạc với vợ mình trong những dằn xé không hồi kết. Hành trình kiếm tìm một mái ấm của Trứ khó quá. Có nằm mơ Trứ cũng không ngờ, người vợ đầu ấp tay gối với mình, cùng mình kể về những giấc mơ lại dựng xây hạnh phúc cùng người khác. Hạnh phúc đó được dựng lên từ nỗi đau của Trứ, từ những đêm thức trắng trên biển, từ những lần bán mạng cho biển cả. Mà Hừng thì đâu hay. Hừng có đi đâu mà biết.
Vũ chết trên đường ra trạm xá, vì mười ba vết chém, vì cây dao bén ngót của lò rèn Ba Dĩnh. Có ai ngờ, người hiền như Trứ lại vung lên những nhát dao chí mạng, hờ hững nhìn một người đẫm máu giãy giụa. Trứ về vào một đêm biển động. Phía bên kia buồng, những cái ghì nhau rên xiết. Trong ánh đèn mờ nhạt, Hừng như lạc vào cơn mơ, đôi mắt Hừng nhắm ghì, bàn tay bấu vào thành chõng. Cảnh tượng đó chưa bao giờ Trứ được nhìn thấy khi chung đụng cùng Hừng. Trứ đứng như trời trồng, mọi thứ sụp đổ dưới chân Trứ. Ê chề. Chua chát. Những tiếng cười khe khẽ rót vào màn đêm đặc quánh. Mặc ngoài kia từng đợt sóng biển hung hãn dội vào bờ. Trứ nghe tim mình nhói lên từng hồi như có ai bóp chặt, nghẹt thắt.
– Khi nào thằng chồng già em về?
– Tết, ổng mới về. Đang vui nhắc chi tới cha nội đó.
– Chứ thằng chả ở không. Tui cày sáng đêm muốn chết, mà con tui kêu thằng chả bằng cha. Tức không?
– Sau này lớn lên, nó cũng kêu anh bằng cha, chứ gì.
Trứ rút dao nhanh như tốc độ của gió. Trên chiếc giường cưới ngày nào Trứ đã mơ về những tháng ngày hạnh phúc bắt đầu loang lổ từng giọt máu tươi. Trứ như con thú hoang bị dồn đến đường cùng. Hết nhát này rồi đến nhát kia, những tiếng gào thét của Vũ yếu dần. Sau một hồi chiến đấu với cái mùng vướng víu, Hừng cũng kịp chui ra khỏi mùng, ẵm cu Tí chạy ra ngoài kêu cứu. Chó sủa vang trời, đôi chân Hừng vẫn không ngừng chạy. Hừng lọt xuống mé mương, dòng nước lạnh căm căm như ánh mắt lạnh lùng của Trứ. Đôi mắt tuyệt vọng, mất hết tất cả như muốn nuốt chửng mọi thứ, Hừng chạy mà ánh mắt đó cứ đuổi theo Hừng. Chạy và chạy. Hừng mặc kệ Vũ, bỏ mặc Trứ. Cu Tí khóc ngằn ngặt trên tay Hừng, tiếng khóc của đứa trẻ khờ, phải gánh tội lỗi của mẹ mình, cho những cơn đau dài dặt trong hơi ấm tình thương của sự dối lừa tàn nhẫn. Ánh trăng mờ nhạt, soi từng vết máu đỏ tươi trên gương mặt của Hừng, là máu của Vũ, là sự trả giá với những con người bội bạc. Trăng quê dẫn Hừng chạy đi mải miết…
– Thằng Trứ giết người! Thằng Trứ giết người.
Những tiếng thét ngày một dữ dội, Trứ trốn đi ngay đêm đó. Tuyệt nhiên không ai gặp lại Trứ dù chỉ một lần. Có người nói, thấy Trứ một mình chạy chiếc ghe nhỏ cưỡi từng đợt sóng dữ chạy về phía biển. Ngọn sóng lớn bằng cái nóc nhà. Ụp xuống chiếc ghe nhỏ. Lớp này rồi đến lớp khác, như muốn nén chiếc ghe vào sâu nhất có thể. Mường tượng Trứ chìm dần vào biển. Biển ôm trọn Trứ vào lòng như những ngày Trứ làm bạn với biển, buồn vui với biển. Hình như chỉ có ở giữa biển, Trứ mới không cảm thấy mình cô đơn, mới thấy mình còn cái để tựa nương. Biển êm. Mặt biển lặng im, vỗ nhẹ vào bờ cát. Vài con chim biển mỏi cánh đậu trên những miếng ván mục nát, có thể là xác của con tàu nào đã bị đắm sau trận gió đêm qua. Và người đàn ông cùng chiếc ghe nhỏ chạy về phía biển trôi vào sâu hun hút. Ông già không còn cái răng, húp cháo, chặc lưỡi, sóng gió vậy, lành ít dữ nhiều. Mà có sống nó cũng vượt biên rồi, về làm gì cho công an bắt. Thêm than vào bếp lửa, ngoại vẫn hy vọng Trứ còn sống, Trứ sẽ vượt qua ngọn sóng bạo tàn, sống ở đâu cũng được. Trốn chạy đến đâu cũng được. Miễn là còn sống. Đời nó khổ nhiều rồi, còn bắt nó chết giữa biển lạnh lẽo, thành hồn ma vất vưởng. Tội nó.
Hừng hóa điên hóa dại lang thang ngoài mé sông tìm chồng, tìm con. Giờ nhìn Hừng có trách cũng không nỡ. Dân xóm Ruốc chỉ đành nhìn Hừng trong cơn điên loạn mà thở thậm thượt. Người ta nói Hừng giả điên để che mắt thiên hạ, khỏi đối diện với sự thật và cũng tránh luôn những ánh nhìn ác cảm không mấy hay ho của dân xóm Ruốc. Hôm người ta vớt cu Tí từ dưới sông lên, Hừng ôm con khóc ngất. Sau giây phút đó Hừng thành điên dại. Lặng nhìn dòng nước, ngoại nói mà như khóc, phải chi thằng nhỏ có tao dòm ngó, coi chừng nó không chết yểu như vậy. Đúng là trời khiến thằng nhỏ chết mà, đương không tự nhiên hôm đó, gió mạnh thổi trái banh rớt xuống sông. Mà hổng chừng thằng Trứ về dắt thằng nhỏ đi cũng không chừng.
Người xóm Ruốc thương cho cu Tí. Tiếc cho Trứ. Cái thằng gì ngu dữ thần, không ở được thì thôi, tán cho vài bạt tai, đuổi ra khỏi nhà, cưới con vợ khác. Không thì thưa ra chánh quyền, coi ai phải ai quấy. Tội tình gì giết người, rồi chết mất xác. Đây rồi coi, vài năm nữa con Hừng cũng có chồng, nó cũng sống phà ca, chứ có mất miếng thịt nào đâu. Mười người thì có chín người nói Trứ ngu, Trứ dại, Trứ khùng, phí cả cuộc đời cho một người chẳng ra gì. Nghe mà xót. Ai cũng xót, phải chi Trứ đừng có giết người, phải chi Trứ kìm nén được cơn nóng giận.
Nghĩ thiệt nực cười.
Mình có đau nỗi đau của Trứ đâu mà biết.