Hơn 200 bức ảnh về những vết sẹo nhưng không có cảm giác u sầu, bi lụy mà ngược lại phản ánh tinh thần lạc quan, chấp nhận và vượt lên nỗi đau.
Từ tháng 4 năm ngoái, nữ nhiếp ảnh gia người Anh Sophie Mayanne rong ruổi từ Anh sang Mỹ, khơi gợi và lắng nghe chuyện của những người tham gia dự án ảnh Behind The Scars (Đằng sau những vết sẹo) của cô.
Trải lòng
“Trên cơ thể tôi có rất nhiều vết sẹo do tôi tự hủy hoại mình. Chúng nhắc tôi nhớ rằng mình đã sống sót như thế nào, cuộc chiến này đau đớn ra sao” – cô gái tên Sarah trải lòng với nhiếp ảnh gia Sophie Mayanne về những vấn đề tâm lý mà mình gặp phải.
Còn Lucia thì chia sẻ: “Tôi bị dị tật tim bẩm sinh và phải bắt đầu phẫu thuật từ 2 tuần tuổi. Những vết sẹo nhắc tôi nhớ rằng mình mạnh mẽ ra sao. Tôi đã từng không dám nhắc đến từ “sẹo”, như thể đó là một thứ gì đó rất xấu xa và xấu xí, nhưng giờ tôi thấy đó là một từ rất đẹp”.
Một người khác tên là Mercy cởi mở về những vết sẹo phỏng phủ kín từ cổ đến tận chân của chị: “Những vết sẹo trên người tôi là hậu quả của một trận cháy năm tôi 29 tuổi. Tôi đã trải qua một quá trình khó khăn để chấp nhận chuyện đó.
Điều khiến tôi thấy thoải mái khi nghĩ về những vết sẹo của mình là chúng đã làm nên tôi của ngày hôm nay, tôi gọi đó là mảnh trang sức quý giá nhất mà mình có được. Tôi đã sống sót, và nếu việc chụp ảnh những vết sẹo của tôi có thể giúp cho ai đó thì quả là điều tốt đẹp”.
Sarah, Lucia và Mercy là ba trong số hàng trăm người, chủ yếu là phụ nữ, tình nguyện tham gia Behind The Scars và cho người khác thấy những tì vết mà họ từng xem là xấu xí trên cơ thể mình.
“Tôi đã từng nói dối về nguồn gốc của sẹo trên cơ thể mình, nhưng gần đây tôi không làm vậy nữa. Sao tôi lại phải xấu hổ về những bằng chứng cho thấy mình đã vất vả chiến đấu để sống như thế nào? Sẹo, có nghĩa là tôi còn sống” – Sarah xúc động nhìn lại hành trình vượt qua bản thân mình.
Sẽ chụp khoảng 1.000 người
Tháng 8 năm ngoái, Sophie Mayanne chia sẻ dự án của mình lên trang web Kick Starter với mục tiêu gây quỹ 1.500 bảng Anh (hơn 44,7 triệu đồng) để mang Behind The Scars đến New York, sau khi đã chụp hơn 100 người ở London.
Hơn cả mong đợi, trong vòng 2 tháng, Sophie nhận được số tiền ủng hộ là 1.647 bảng Anh từ hơn 100 người. Nữ nhiếp ảnh gia cho biết cô ấp ủ dự tính sẽ chụp khoảng 1.000 người. Sau New York, Sophie muốn mang dự án đến châu Âu và những nơi xa hơn.
Động lực
Hàng trăm bức ảnh của Behind The Scars mà Sophie đăng trên website và trang Instagram hơn 60.000 người theo dõi của mình gây ấn tượng mạnh mẽ về mặt thị giác lẫn cảm xúc.
Ảnh Sophie chụp dễ khiến người xem “rùng mình” khi thấy sẹo chằng chịt trên tay một cô gái trầm cảm tự hủy hoại mình, sẹo chạy dài gần hết sống lưng một cô gái bị vẹo cột sống, sẹo phủ kín gần như cả khuôn mặt một cô gái trải qua 27 lần phẫu thuật tái tạo sau một vụ nổ gas, hay vết sẹo ở nơi trước kia từng là bộ ngực của một chàng trai chuyển giới…
Nhìn thoáng qua, người xem có thể giật mình bởi loạt ảnh có phần hơi “hở hang”, với nhiều bức mà người mẫu để lưng trần, chỉ mặc nội y hoặc thậm chí chỉ lấy tay che ngực.
Nhưng Behind The Scars không mang màu sắc dung tục, không có cảm giác u sầu về khiếm khuyết cơ thể, mà ở đó là những chàng trai, cô gái, những cụ ông, cụ bà dám trút bỏ mặc cảm và đối diện với cơ thể mình bằng tinh thần lạc quan, biết cách chấp nhận những vết sẹo như một phần cuộc sống của họ.
Vậy nên nhiều người gọi ảnh của Sophie là “nguồn động lực tuyệt vời”.
“Mục đích của những hình ảnh này là thử thách tất cả chúng ta nghĩ khác đi về làn da của mình. Trong cả cuộc đời mình, ai mà chẳng có lúc bị thương, nhiều người có những vết sẹo ẩn chứa nhiều câu chuyện đằng sau đó.
Chúng ta thường xem đó là tì vết, là khuyết điểm trên người mình – và đây chính là điều mà tôi muốn thay đổi” – Sophie chia sẻ với Tuổi Trẻ qua email từ Anh.
Một số hình ảnh ấn tượng trong bộ ảnh Behind The Scars của Sophie Mayanne: